Trung Quốc cần một tác nhân kích thích mới cho nền kinh tế. Nhưng ngoài số lượng những con đường và các tòa nhà xi măng dư thừa như hiện nay, còn gì để đầu tư nữa?
Không cần một Vạn lý Trường thành nữa
Là quốc gia thải ra nhiều khí carbon nhất trên thế giới, Trung Quốc chịu trách nhiệm cho phần lớn lượng khí nhà kính đang ngày một hủy hoại hành tinh. Hiện khoảng 70% năng lượng của Trung Quốc vẫn phụ thuộc từ các nguồn than đá. Thủy điện và điện hạt nhân chiếm 30% còn lại, trong khi năng lượng tái tạo - hầu hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời chỉ chiếm một mức khiêm tốn, tương đương khoảng 0.7% tổng năng lượng tiêu thụ.
Nhìn từ khía cạnh lợi nhuận, phản ứng đầu tiên của các nhà kinh tế hay các doanh nhân là: với quy mô thị trường quá nhỏ, ít có khả năng năng lượng gió hay năng lượng mặt trời trở thành nguồn cung chủ yếu. Các tác nhân thị trường sẽ chiếm ưu thế và than đá giá rẻ luôn là sự lựa chọn tối ưu. Nhưng rõ ràng đó chỉ là những cái lợi trước mắt.
Tại Trung Quốc than đá rất rẻ, trong khi ngành công nghiệp năng lượng gió và mặt trời đang trong thời kỳ suy thoái. Những vấn đề này mang tính thị trường thuần túy. Nguồn cung hạn chế từ năng lượng gió và mặt trời không phải là vấn đề duy nhất, còn có những vấn đề khác cần phải tính đến như chất lượng đầu vào và quy mô của nguồn năng lượng.
Những trở ngại trên đơn thuần chỉ là những vấn đề mang tính kỹ thuật và công nghệ nên có thể được giải quyết bằng việc đầu tư và cấp vốn. Thực ra, việc lấy năng lượng tái tạo như nguồn cung ưu tiên hàng đầu không phải chỉ gây nên khó khăn, trái lại nó có thể đem đến những cơ hội cho các ngành công nghiệp.
Trong khi tại Mỹ, các dự án Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đang cố gắng để hạ giá thành năng lượng thì Trung Quốc lại sử dụng sản xuất quy mô lớn để hướng tới mục tiêu này.
Thực tế là với nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái và thậm chí có thể suy thoái sâu, Trung Quốc cần một tác nhân kích thích mới cho nền kinh tế. Nhưng ngoài số lượng những con đường và các tòa nhà xi măng dư thừa như hiện nay, còn gì để đầu tư nữa? Câu trả lời sẽ là, Trung Quốc không cần một Vạn lý trường thành với vữa và gạch nữa mà là một Mạng lưới điện vĩ đại.
Cần những trái phiếu xanh
Trước hết, Trung Quốc cần dành một lượng lớn ngân sách quốc gia để chuyển đổi hệ thống điện từ dựa vào nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Việc này nên được tiến hành thông qua những trái phiếu xanh mới.
Ảnh Guardian. |
Một sự biến chuyển về mạng lưới điện lớn như vậy sẽ tạo ra một làn sóng việc làm mới cho những kỹ sư cấp cao cho đến công nhân bình thường tại các tỉnh và các vùng trên cả nước. Nhà nước cần đưa ra một quyết định chiến lược để xóa bỏ ngành công nghiệp than đá.
Đây cũng sẽ là một quyết định chính trị. Khoảng 70% than đá của Trung Quốc xuất xứ ở vùng Nội Mông và 30% còn lại từ tỉnh Sơn Tây. Do vậy, sự chuyển đổi sang mạng lưới điện xanh đòi hỏi ý chí chính trị của thế hệ lãnh đạo mới, tức phải xoa dịu được những lợi ích kinh tế của những tỉnh này, thông qua việc đầu tư sâu rộng vào năng lượng gió (Mông Cổ có tiềm năng phát triển loại năng lượng này). Trung Quốc hiện là chủ sở hữu các sản phẩm từ năng lượng gió lớn thứ hai của Mỹ.
Tiếp đến, các chính sách kinh tế công nghiệp cần phải thúc đẩy một chu kỳ tăng trưởng mới trong phát triển, sản xuất những hàng hóa tiết kiệm năng lượng cho người tiêu dùng và những sản phẩm cần thiết cho việc sử dụng năng lượng tái tạo (như hệ thống năng lượng gió và tấm thu năng lượng mặt trời, tất cả những thứ cần thiết cho một Mạng lưới điện mới). Việc này cần được hỗ trợ thêm bằng các chính sách tài khóa như giảm thuế và hoàn thuế.
Năm 2012, Trung Quốc thực hiện việc hoàn thuế để thúc đẩy người tiêu dùng mua những tivi tiết kiệm năng lượng. Tôi phát hiện Chính phủ Trung quốc đã áp dụng chính biện pháp này cho trào lưu xuất khẩu của Trung Quốc trong những năm 1990. Việc thúc đẩy xuất khẩu (thông qua giảm thuế và hoàn thuế) cần phải được thực hiện để đưa những ngành xuất khẩu hàng hóa tiết kiệm năng lượng của Trung Quốc ra khắp thế giới (như khu vực sản xuất thiết bị chiếu sáng và các sản phẩm điện năng).
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng và khu vực tài chính cần đóng vai trò dẫn dắt. Cung cấp những khoản cho vay ưu đãi thông qua "Quỹ tín dụng xanh" cho những dự án có liên quan đến bất động sản, ít thải khí carbon và mặt khác hỗ trợ những công ty đầu tư vào các sản phẩm năng lượng tái tạo hoặc sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Đó không chỉ hoàn toàn là câu chuyện về buôn bán hạn mức khí thải. Và những cơ quan kiểm soát thị trường vốn có thể dành ưu đãi cho hàng loạt những công ty sử dụng năng lượng tái tạo hoặc tiết kiệm năng lượng giống như việc các hiệp hội kinh tế thúc đẩy những hướng dẫn thực thi chính sách trong thị trường, sẽ đặt ra những tiêu chuẩn giá trị mới cho tất cả các bên liên quan.
Đây là thực tế vô cùng trớ trêu, đồng thời cũng là một cơ hội kinh doanh hấp dẫn: năng lượng tái tạo chiếm chưa đầy 1% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới trong cả việc đầu tư vào năng lượng tái tạo và việc sản xuất hệ thống năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng. Làm sạch môi trường và giảm lượng khí thải gây ô nhiễm cần trở thành lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Lối thoát duy nhất
Suy thoái kinh tế toàn cầu (có thể là Đại Suy thoái) đang ảnh hưởng đến Trung Quốc và chính phủ lo ngại rằng sự suy giảm kinh tế có thể kéo theo bất ổn xã hội. Nếu muốn kinh tế tiếp tục tăng trưởng, chính phủ cần có cách tiếp cận mới và tăng trưởng xanh đã đưa đến cơ hội này.
Rốt cuộc, đây lại là vấn đề của sự ổn định chính trị và kinh tế. Mạng lưới điện mới sẽ đóng vai trò như hệ thống phòng thủ tốt nhất, giống như vai trò của Vạn lý Trường thành ở những triều đại vua phong kiến trước đó. Đối với người dân Trung Quốc, đây là một cơ hội làm ăn mới. Đó cũng sẽ là lĩnh vực mà các hiệp hội kinh tế sẽ hào hứng tham gia.
Quyết định cuối cùng để cắt giảm hoàn toàn khí carbon phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo. Công cụ để thực hiện điều này là những quy định về nghiệp vụ ngân hàng và các chính sách tài khóa.
Đến năm 2012, ngành ngân hàng của Trung Quốc đã hoàn toàn nhận thức được rằng cơ hội đầu tư toàn diện cho ngành công nghiệp xanh đang ở ngay trước mắt, đợi họ nắm bắt lấy. Nhưng họ vẫn chưa chắc chắn là cần phải làm gì để nắm lấy cơ hội này. Các chính sách của chính phủ cần phải đợi đến sau giai đoạn chuyển giao quyền lực. Nhưng những gì mà thị trường muốn là quá rõ ràng. Các ngân hàng Trung Quốc không chỉ quan tâm đến việc buôn bán khí thải mà hơn hết là cung cấp vốn cho các ngành thải ra ít khí thải.
Tiến đến là khái niệm về cơ chế cấp vốn cho thành phố ít chất thải. Điều này không dễ bởi trước hết cần giải đáp bài toán làm thế nào để trao vốn cho những nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm ở thành phố - cả công cộng và tư nhân - từ những tòa nhà chuyên chở năng lượng xanh, phương pháp xử lý chất thải, cho đến một số lượng lớn những sản phẩm có liên quan cần thiết cho thành phố hoạt động. Thử tưởng tượng toàn bộ toàn nhà với những cửa số kính thực chất đều là các tấm thu năng lượng mặt trời. Nó có vẻ như quá viển vông, nhưng đây là điều mà
Trung Quốc có thể thực hiện được
Một chương trình thử nghiệm đang diễn ra trên thực tế. Bộ Xây dựng và Đô thị lựa chọn một vài thành phố như Tú Châu, Hàng Châu, và ngay cả Bảo Định để trở thành những thành phố xanh thử nghiệm đầu tiên trong kế hoạch năm năm sắp tới. Ủy ban Kiểm soát Ngân hàng Trung Quốc sẽ hướng dẫn việc cấp vốn.
Nhìn từ bên ngoài, tăng trưởng nhanh và lợi nhuận trước mắt của hệ thống là điều không dễ bị phế bỏ. Trong khi nhìn từ bên trong, nền kinh tế Trung Quốc trở nên rất dễ bị đổ vỡ. Trung Quốc cần những cải cách về công nghiệp và tài chính một cách sâu rộng, mỗi loại cải cách này cần được thúc đẩy bởi những sản phẩm mới, và bằng cách nào đó sử dụng những nhân tố kích thích sâu rộng để thúc đẩy nền kinh tế. Và một nền kinh tế xanh mới là cách duy nhất có thể làm được điều đó.
Tác giả: Laurence Brahm
Người dịch: Quốc Khánh-Thạch Hà
(Theo Tuần Việt Nam)