TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

WSJ: Trung Quốc, gã khổng lồ ngu ngốc?

Đây là câu hỏi mà tờ Thời báo phố Wall (WSJ) đặt ra đối với sự khôn ngoan của Trung Quốc khi mua lại các công ty phương Tây đang suy yếu.

Học thuyết "sự điên rồ tăng dần" (greater-fool theory) trong đầu tư là chỉ một người mua một tài sản nào đó với bất kì giá nào mà không quan tâm liệu cái giá đó có mối quan hệ hợp lý với giá trị cơ bản hay không và hy vọng rằng có thể bán nó với giá cao hơn. Phương pháp này khá nguy hiểm và nhiều người đã bị mất rất nhiều tiền khi họ phát hiện ra mình là một kẻ ngốc ở cuối chuỗi mua bán đó.

Các vụ mua bán gần đây của Trung Quốc

Gần đây, một công ty Trung Quốc tuyên bố sẽ trả 450 triệu USD để mua 80% cổ phần của một hãng sản xuất pin/acquy đang gặp nhiều khó khăn. A123 Systems, công ty chuyên sản xuất acquy công nghệ cao cho xe điện, đã nhận gần nửa tỷ USD tài trợ từ chính phủ Mỹ trong những năm gần đây nhưng vẫn không thể thoát khỏi khó khăn.

Và giờ tập đoàn Wanxiang Group, một trong những nhà sản xuất thiết bị ô tô lớn nhất Trung Quốc về cơ bản sẽ “giải thoát” gánh nặng này cho chính phủ Mỹ (hay những người nộp thuế Mỹ) bằng cách cung cấp tài chính cho công ty này.

WSJ: Trung Quốc, gã khổng lồ ngu ngốc?

Nhà máy sản xuất acquy của hãng A123 Systems

Trước đó, Tập đoàn Dầu khí hải dương, thuộc sở hữu của nhà nước, Cnooc cũng tuyên bố sẽ trả 15,1 tỷ USD tiền mặt để mua lại 60% cổ phần của công ty dầu và khí đốt Nexen của Canada, hiện đang bị “chao đảo” vì cuộc khủng hoảng lãnh đạo và các vấn đề công nghệ tại một trong những dự án cát chứa dầu.

Khôn ngoan hay điên rồ?

Việc “thâu tóm” những công ty đang “ốm yếu” vốn không phải là ngu ngốc. Ứng viên Tổng thống Mỹ Mitt Romney và các đồng nghiệp của ông tại quỹ đầu tư Bain đã từng kiếm rất nhiều tiền khi làm như vậy. Thành công của ông Romney nằm trong khả năng biến một công ty đang gặp khó khăn trở lên giàu có bằng cách áp dụng một “công nghệ quản lý" tốt hơn.

Để làm được như vậy thì cần có kỹ năng phân biệt được các mô hình kinh doanh thất bại khác nhau từ các doanh nghiệp thất bại khác nhau; sự khác nhau giữa các công ty bị thất bại do điều hành kém và những công ty thất bại do bán những sản phẩm mà không ai muốn mua. Rommey và nhiều nhà đầu tư tư nhân giàu kinh nghiệm ở Phương Tây đều có kĩ năng này.

Sự tương phản giữa mô hình này và mô hình Trung Quốc đang ngày càng mạnh mẽ. Lý do biện minh phổ biến nhất cho việc thâu tóm các công ty mà Trung Quốc đang thực hiện là chuyển giao công nghệ. Các công ty Trung Quốc dưới sự thúc giục của chính phủ đang mua các công ty phương Tây chủ yếu là để lấy những bí quyết trong lĩnh vực mà họ đang kinh doanh.

Các nhà thu mua thành công trong nền kinh tế thị trường thường tập trung đưa kỹ năng vào trong các công ty mà họ mua. Nhạy bén về quản lý có thể giúp mở ra giá trị cho một công ty đang gặp khó khăn nhưng vẫn khả thi, hoặc sáp nhập một công ty đang khá thành công vào một tổng thể lớn hơn để có thể khai thác tốt hơn tài nguyên của nó. Trong khi đó, Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến việc lấy những bí quyết công nghệ và quản lý từ những công ty đang khó khăn mà không cần tìm hiểu tại sao những công ty này lại đang lâm vào tình cảnh khốn đốn.

Liệu Trung Quốc có đảm bảo rằng những công nghệ mà mình mua là đáng giá. Nếu chỉ theo những thông tin thu thập được thì A123 là một nhà sản xuất acquy khá thành công vì công ty này có những đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất ô tô như General Motors. Vấn đề là không có nhiều không gian trong thị trường xe điện. Các nhà lập pháp Mỹ đã hiểu được thực tế này, đó là lý do tại sao Quốc hội trở nên ít sẵn sàng hơn trong việc trợ cấp cho các dự án như vậy.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thì không, đó là lý do tại sao Bắc Kinh vẫn duy trì các kế hoạch đưa thị trường xe điện vào Trung Quốc thông qua các trợ cấp và những chính sách bắt buộc. Việc một công ty Trung Quốc có công nghệ pin của A123 sẽ giúp thực hiện nỗ lực đó, nhưng chỉ có ích cho Trung Quốc nếu bản thân nỗ lực đó đáng để theo đuổi.

WSJ: Trung Quốc, gã khổng lồ ngu ngốc?

Công ty dầu và khí đốt Nexen của Canada

Nguyên tắc này cũng áp dụng đối với Nexen. Công ty Canada này hoạt động ít hiệu quả hơn các đối thủ cạnh tranh về hút dầu từ cát chứa dầu, đặc biệt là khi giá dầu có thể bước vào một giai đoạn suy giảm trong bối cảnh sẽ có một khối lượng dầu lớn hơn từ những nơi như Libya.

Mặc dù một cuộc cải tổ về quản lý trước đó đã giúp cải thiện dự án cát chứa dầu Long Lake tại Alberta, nhưng cổ phiếu của công ty bị lâm vào tình trạng suy giảm kéo dài.

Nhiều người cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi một mục tiêu dài hạn. Tuy ngày nay, acquy cho xe điện không có nhiều giá trị thương mại nhưng một ngày nào đó nó sẽ trở lên quan trọng. Các kĩ sư Nexen sẽ thực hiện các dự án của mình và Trung quốc sẽ có thể học tập được các giải pháp của họ.

Việc Trung Quốc thâu tóm lại các công ty đang suy yếu của phương Tây có thể sẽ tạo ra một “gã khổng lồ” kinh tế, cũng có thể khiến Trung Quốc trở thành một “bãi tích trữ phế liệu” công nghệ lớn nhất thế giới.

Phạm Khánh
(InfoNet)
 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te