Sau gần 7 thập kỷ Nhật Bản thất bại trong cuộc chiến tranh Thế giới II, các nhà phân tích cho rằng những thay đổi về vị thế lãnh đạo tại Đông Bắc Á đang thổi bùng thêm các tranh cãi vốn là di sản từ cuộc chiến trong khu vực vẫn chưa thể giải quyết một cách ổn thỏa.
Đảo Senkaku/ Điếu Ngư tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc |
Bối cảnh chính trị rạn nứt và bất ổn của Nhật Bản đang tạo ra một cảm giác tương tự trong nước khi mà chính phủ ngày càng yếu của họ dường như đang khó có thể khiến mọi việc trở lại tầm kiểm soát.
Trong lúc châu Á đang kỷ niệm 67 năm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới II, cũng là ngày tự do khỏi ách thống trị của phát xít Nhật đối với nhiều nơi trên châu lục này, Trung Quốc và Hàn Quốc một lần nữa yêu cầu Tokyo đối mặt với quá khứ của mình.
Cả hai quốc gia này đều thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của họ đối với những hòn đảo mà Nhật bảo rằng đó thuộc quyền sở hữu của mình. Các nhà phân tích cho rằng các quốc gia đang tận dụng bối cảnh chính trị đầy lúng túng của Tokyo.
Takashi Terada - giáo sư về chính trị quốc tế và nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Doshisha, Nhật Bản, nhận định: Bức tường Berlin sụp đổ, kéo theo đó là chấm dứt các chia rẽ tại châu Âu thời hậu chiến, nhưng châu Á hiện vẫn chật vật tìm cho mình một hệ quả từ cuộc xung đột.
"Ít hay nhiều thì châu Âu cũng đã phân loại ra được di sản của Chiến tranh Lạnh, nhưng tại châu Á, điều đó vẫn chưa thể thấy rõ" - giáo sư Terada nói.
"Rất nhiều tranh cãi liên quan đến chủ quyền vẫn còn chưa được giải quyết bởi khu vực này chủ yếu vẫn trì hoãn trước các quyết định khó khăn".
Jia Qingguo - giáo sư của Trường Nghiên cứu Quốc tế, thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng thay đổi về mặt lãnh đạo tại Trung Quốc, Hàn Quốc đã nới rộng thêm các rạn nứt từ thời trước.
Tại Hàn Quốc sẽ có một cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay, còn Bắc Kinh đang sẵn sàng cho một cuộc chuyển giao diễn ra 10 năm một lần - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các lãnh đạo khác sẽ lùi bước để nhường lại cho các thế hệ tiếp quản vị trí tại Đảng Cộng Sản vào mùa thu này.
Những thay đổi về mặt quyền lực trong nước này 'đã khiến cho cả hai chính phủ (Trung Quốc và Hàn Quốc) khó có thể coi nhẹ các vấn đề (chủ quyền)" - ông Jia nói. "Do đó họ cũng phải hành động một cách cứng rắn".
Phó giáo sư Wang Yu tại Đại học Hong Kong cũng đồng tình: "Trong suốt thời gian này, tất cả các chính trị gia đều phải hiếu chiến, họ phải thể hiện cho những người ủng hộ họ ở trong nước thấy rằng họ sẽ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào trước một thế lực nước ngòai" - ông Wang nói.
Đảo Dokdo/Takeshima tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản |
Nhật Bản kiểm soát các đảo Senkaku/ Điếu Ngư nhưng Trung Quốc lại không muốn từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Cảnh đối đầu giữa các tàu tuần duyên của Nhật và tàu cá của Trung Quốc cũng thường thấy.
Tokyo cũng thường có xích mích với Seoul liên quan tới các đảo nằm giữa hai quốc gia. Tranh cãi lại dấy lên khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã dẫn đầu một nhóm quan chức tới đảo Dokdo/ Takeshima và tuyên bố rằng đây là "nơi đáng để chúng ta hy sinh mạng sống để bảo vệ".
Tokyo đã triệu hồi đại sứ của mình về nước, nhưng Tổng thống Lee vẫn rẽ sóng ra đảo để ghi điểm với cử tri trong nước khi nói rằng Nhật Hoàng Akihito sẽ phải xin lỗi vì những gì xảy ra trong quá khứ nếu như ông muốn tới thăm Hàn Quốc.
Mọi việc trở nên trầm trọng hơn trong ngày thứ Tư vừa qua với chuyến thăm của bộ trưởng Nhật tới ngôi đền Yasukuni - nơi thờ phụng 2,5 triệu người Nhật thiệt mạng trong chiến tranh, bao gồm cả 14 nhân vật bị coi là tội phạm chiến tranh.
Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đã yêu cầu các bộ trưởng tránh xa ngôi đền vào dịp nhạy cảm này, nhưng uy tín giảm sút của ông cùng với một cuộc tuyển cử có thể diễn ra vào cuối năm nay đã không giúp ông ngăn cản được chuyến viếng thăm này.
Các nhà phân tích nói rằng cánh cửa luân chuyển thủ tướng đã quay vòng đón 6 người đàn ông trong rất nhiều năm, và điều đó làm xói mòn sự hiện diện về mặt ngoại giao của Nhật trên trường quốc tế, và cho phép các đối thủ giành ưu thế trong các tranh cãi vụn vặt.
"Thay đổi thường xuyên trong vị trí thủ tướng có thể khiến các quốc gia láng giềng xem nhẹ Nhật Bản" - giáo sư Terada của Đại học Doishisha nói. "Họ nghĩ rằng Nhật bản có thể không phản công thậm chí ngay cả khi họ đưa ra quan điểm cứng rắn về vấn đề chủ quyền".
Nhưng một giáo sư Nhật trong ngành Nghiên cứu châu Á tại Đại học Yonsei của Hàn Quốc lại cho rằng: việc làn sóng dân tộc dân cao tại Nhật Bản tuy vậy vẫn có thể thúc đẩy chính phủ theo chủ nghĩa hòa bình phải bước vào cuộc đối đầu với Trung Quốc.
"Xét về mặt thực tế, chính phủ Nhật có thể yêu cầu triển khai Lực lượng Phòng vệ Hàng hải" - giáo sư Takesada, một người từng nghiên cứu tại Học viện nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia của Nhật nói.
Ông Takesada nói thêm về phần Nhật, cũng như Bắc Kinh, các đảo trên đều là một vạch đỏ mà họ nhất quyết không cho bất kỳ ai bước qua.
"Nếu như Nhật mất đảo Senkaku/ Điếu Ngư, họ sẽ mất một phần đáng kể trong phòng thủ ở tuyến đầu".
"Hơn nữa, một phản ứng đáp trả thiếu quyết tâm cũng sẽ gây ra hậu quả tương tự trong các lĩnh vực khác".