Theo nhà nghiên cứu cổ sử Trung Quốc (TQ) Phạm Hoàng Quân, “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” được thực hiện bởi quan chức chuyên môn ở Đài Thiên văn, là một cơ quan nhà nước của triều Thanh, vì vậy, có thể nói bức địa đồ này mang tính chính thống.
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân.
Theo ông Phạm Hoàng Quân, “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” thuộc nhóm địa đồ độc lập in thành bức rời với kích thước khá lớn (115 x 140cm), trong lịch sử hai thời Minh - Thanh, nhóm địa đồ in rời kích thước lớn loại này có gần 60 bức. “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” ứng dụng kỹ thuật phương Tây với kinh - vĩ độ khá chuẩn xác, gần giống như các bản đồ ngày nay.
Đây là loại địa đồ hành chính, bức địa đồ này có tầm quan trọng ngang với “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” 1905 và có giá trị cao hơn bức địa đồ chuyên ngành bưu chính có trước đó là “Đại Thanh Bưu chính công thự bị dụng dư đồ” (1903, Trung - Anh văn đối chiếu).
* Ông có thể cho biết thêm về nguồn gốc, xuất xứ của tấm họa đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, so sánh tấm bản đồ này với tấm địa đồ chính thức của triều đình Mãn Thanh được không?
- Trước tiên, về tên gọi và hình thức thể hiện, “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là loại địa đồ hành chính toàn quốc. Trong thời nhà Thanh có nhiều bức địa đồ thuộc loại này được thực hiện công phu, khoa học, với sự tư vấn của nhiều giáo sĩ phương Tây, bức địa đồ mang tên “Hoàng dư toàn lãm đồ” 1719 do đích thân Vua Khang Hy chủ trì có thể là thí dụ tiêu biểu, địa đồ này xác định vĩ độ bắc cực Nam chỉ đến 18 độ 21 phút 36 giây. Nhiều địa đồ sau này căn cứ toạ độ kinh - vĩ từ bức “Hoàng dư toàn lãm đồ”, trong đó có “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”.
* TQ có thể nói rằng đây chỉ là bản đồ do một đài thiên văn ấn hành không mang tính chính thống, nếu vậy, chúng ta sẽ phản bác như thế nào với loại lý lẽ này của họ?
- Khi nghiên cứu một cách có hệ thống, hoặc trưng dẫn cứ liệu có hệ thống thì chúng ta không ngại khi đụng phải các loại lý sự nhát gừng, bên cạnh bức “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, trước nó hoặc sau nó còn có rất nhiều bức địa đồ mang tính chính thống, chúng nhất quán với nhau và cùng có giá trị khẳng định TQ từ xưa đến nay chưa bao giờ có chủ quyền hợp pháp trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việc giám định thật giả hoặc xác định giá trị các loại tư liệu sử nói chung đều có các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia độc lập, theo tôi nghĩ, giá trị khoa học luôn là căn cứ cơ sở của việc giám định.
* Tấm bản đồ này có phải là tài liệu đầu tiên từ phía TQ phản lại những gì họ tuyên truyền về biển Đông mà chúng ta đã tìm ra hay không?
- Tư liệu sử TQ rất phong phú, riêng loại liên quan đến biển Đông, tôi đã thống kê được hơn ba trăm đơn vị tài liệu các loại, gồm sách lịch sử, sách địa chí, sách hàng hải/du ký và địa đồ. Địa đồ lại có nhiều loại, gồm: In rời, in thành tập, in phụ lục trong các sách. Trong các tài liệu cổ sử của TQ mà tôi đã đọc cho thấy nhận thức về phía biển nam của các sử quan và các quan trấn nhậm địa phương cực nam của họ rất lơ mơ. Họ không biết rõ về vùng đảo, vùng biển này nên không biết nước nào đang quản lý các nơi ấy.
Trong số các tư liệu nói trên, có rất nhiều tư liệu thuận lợi cho chúng ta trong việc phản bác các ngụy xưng chủ quyền của TQ trong lịch sử. Tuy nhiên, tư liệu cũng trùng lặp khá nhiều, chúng ta phải ưu tiên tuyển chọn các ấn phẩm công mang tính chính thống, chọn lựa và phối hợp tư liệu để chúng có tính thuyết phục cao.
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân sinh năm 1966 tại Tiền Giang; chuyên ngành: Cổ sử Trung Quốc - Việt Nam; có nhiều bài nghiên cứu về cổ sử Trung Quốc liên quan đến biển Đông, tiêu biểu: “Những ghi chép liên quan đến biển Đông Việt Nam trong chính sử Trung Hoa”; “Những ghi chép về vùng biển Quảng Đông (Trung Hoa) và biển Đông (Việt Nam) trong Đại Thanh thực lục đối chiếu với Đại Nam thực lục”; “Những ghi chép liên quan đến biển Đông Việt Nam trong phương chí Trung Hoa”…; sắp xuất bản: “Thư mục đề yếu thư tịch Trung Quốc quan hệ đến lịch sử Việt Nam - từ khởi thủy đến năm 1949”. |