TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã: Một đời vì Hoàng Sa-Trường Sa

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã vừa có chuyến đi Mỹ giới thiệu công trình Hồ sơ tư liệu chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa với mong mỏi khẳng định trước dư luận thế giới chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, trong bối cảnh hết sức phức tạp trên biển Đông hiện nay. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.

TS Nguyễn Nhã 
Ảnh: Diệp Đức Minh
 

Theo TS, chúng ta phải làm thế nào trong việc tuyên truyền quảng bá cho thế giới hiểu rõ thực chất tính chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo này?

Hiện nay tại các trường đại học (ĐH) có ngành, môn học châu Á hay Đông Nam Á ở Mỹ hay một số các nước khác đang thiếu những tài liệu về biển Đông, về chủ quyền các biển đảo, nhất là của Việt Nam. Trung Quốc đã đưa hàng trăm nghiên cứu sinh đến các trường ĐH nước ngoài. Các tạp chí chuyên môn thiếu vắng những bài viết của người Việt. Các du học sinh Việt Nam rất lúng túng khi trao đổi về chủ quyền biển đảo ở biển Đông.

 

 
 

Việc trang bị kiến thức về chủ quyền biển đảo và địa lý chính trị của biển Đông đến các học sinh, sinh viên, nhất là các du học sinh Việt Nam trở thành yêu cầu bức thiết cần có sự phối hợp và thật nhiều người tham gia, chứ không thể như hiện nay chỉ mang tính đánh động dư luận mà thôi

 

TS Nguyễn Nhã

 

Chính vì thế nhân chuyến đi Mỹ vừa qua, tôi đã lên Boston (hiện có 1.000 du học sinh Việt Nam) để đánh động dư luận qua tham dự Hội thảo về biển Đông tại ĐH Harvard do Hội Thanh niên và sinh viên vùng Boston mở rộng tổ chức. Tôi cũng đã nói chuyện trên Đài truyền hình cộng đồng người Việt ở Boston, gửi Tâm thư tới thanh niên sinh viên Việt Nam nói về Nhà nước Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa - Trường Sa. Tôi hy vọng qua đó, các sinh viên Việt Nam sẽ không còn lúng túng khi trao đổi với các du học sinh Trung Quốc về chủ quyền biển đảo ở biển Đông.

Dịp này, tôi cũng đưa tập hồ sơ tư liệu chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa - Trường Sa đã dịch sang tiếng Anh (hơn 500 trang) và yêu cầu làm cách nào chỉnh sửa cho chính xác và theo văn phong người bản xứ.

Việc đưa các tài liệu đến các thư viện các trường ĐH, các trung tâm nghiên cứu, việc nỗ lực viết các bài báo chuyên môn, việc in sách do các nhà xuất bản nước ngoài kể cả của các trường ĐH nước ngoài, việc gửi các nghiên cứu sinh, tổ chức hội thảo từ giới học thuật đến giới học sinh, sinh viên, việc trang bị kiến thức về chủ quyền biển đảo và địa lý chính trị của biển Đông đến các học sinh, sinh viên, nhất là các du học sinh Việt Nam trở thành yêu cầu bức thiết cần có sự phối hợp và thật nhiều người tham gia, chứ không thể như hiện nay chỉ mang tính đánh động dư luận mà thôi.

Hiện tư liệu lịch sử về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa rất phong phú, nhưng có cảm giác chúng ta vẫn chưa hệ thống hóa, chưa có một lộ trình bài bản trong việc phản bác những quan điểm phi lý của Trung Quốc (trong khi họ làm một cách rất bài bản, khoa học), TS nghĩ sao về vấn đề này?

Đúng vậy. Từ năm 1909 (khi chính quyền Quảng Đông cho Paracel là đất vô chủ bắt đầu tranh chấp chủ quyền) trở về trước, không có nước nào như nước ta có rất nhiều văn bản nhà nước, chính sử, địa chí cũng như nhiều tài liệu của phương Tây kể cả của Trung Quốc khẳng định Việt Nam đã chiếm hữu thật sự liên tục và hòa bình tại Hoàng Sa - Trường Sa, theo đúng pháp lý quốc tế hồi bấy giờ. Thế kỷ 19 có hai sự kiện đặc biệt: một là năm 1816 theo chính sử như Đại Nam thực lục chính biên ghi vua Gia Long sai thủy quân với sự hỗ trợ của đội dân binh Hoàng Sa đi khảo sát, đo đạc thủy trình tại Hoàng Sa. Các tài liệu phương Tây thì ghi chép năm 1816 Cát Vàng hay Hoàng Sa tức Paracel chính thức sáp nhập vào xứ An Nam còn gọi là Cochinchina, hay đích thân vua Gia Long chỉ dụ cho cắm cờ chủ quyền ở đây hoặc đặt trại binh và trưng thuyền ở đây. Hai là theo chính sử như Đại Nam thực lục chính biên, Quốc triều chính biên toát yếu hay sách Đại Nam hội điển sự lệ năm 1836 trở thành lệ hàng năm thủy quân với sự hỗ trợ của các dân binh Hoàng Sa đi vẽ bản đồ, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền các đảo của Hoàng Sa - Trường Sa. Có lần vẽ được 11 hòn đảo…

 

 
 

TS Nguyễn Nhã sinh năm 1939 tại Yên Mô, Ninh Bình.

Tốt nghiệp ban Sử địa (1965), Cao học giáo dục (1971) ĐH Sư phạm Sài Gòn; Cử nhân văn khoa ĐH Văn khoa Sài Gòn (1966), TS sử học ĐH KHXH-NV TP.HCM (2003). Chủ nhiệm kiêm chủ bút Tập san Sử Địa (1966-1975). Trưởng nhóm Nghiên cứu và phát huy truyền thống Việt Nam (1974). Chủ nhiệm CLB Ca trù và hát thơ Lạc Việt (2000 đến nay). Viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam (2007-2012). Trưởng đề án bếp Việt - Bếp của thế giới (2009).

 

Như thế Việt Nam chỉ cần lấy năm 1909 trở về trước và trở về sau làm mốc để tùy theo từng thời kỳ lịch sử xem pháp lý quốc tế ra sao sắp xếp các chứng cử văn bản, chính sử, địa chí, bản đồ của Việt Nam cũng như nước ngoài để vừa quảng bá để thuyết phục dư luận trong và ngoài nước cũng như chuẩn bị đưa ra Tòa án quốc tế. Về chủ quyền biển đảo thì cần các bên phải đồng thuận ra tòa. Riêng về luật Biển, nếu thấy bất cứ nước nào vi phạm như thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế của nước mình, ta có thể đơn phương đưa đơn kiện ra tòa luật Biển.

TS từng là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tập san Sử Địa trước 1975  - một tạp chí khoa học khá uy tín thời bấy giờ,  TS có thể cho biết cơ duyên nào đưa ông đến với việc làm tập san đó?

Sau biến cố lịch sử năm 1963 ở miền Nam, khi ấy tôi là sinh viên năm thứ  hai ban Sử Địa Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn, tôi quyết đi vào con đường học thuật. Cùng với các lớp trưởng, đại diện các lớp thành lập nhóm Sử Địa ĐH Sư phạm Sài Gòn. Hồi đầu tôi làm Phó chủ tịch, sau trở thành Chủ tịch nhóm. Nhóm chúng tôi có rất nhiều hoạt động như tổ chức diễn thuyết, sưu tầm nghiên cứu, lấy nội san Tin Sử Địa làm phương tiện kết nối với cựu sinh viên và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cùng tổ chức du khảo... Trong một lần tổ chức diễn thuyết lịch sử mà diễn giả là GS Nguyễn Đăng Thục tại hội trường của Trường Quốc gia âm nhạc, tôi đã làm quen với ông Nguyễn Hùng Trương, Giám đốc nhà sách Khai Trí và tặng ông cuốn Nội san Tin Sử Địa số 11. Ông mời tôi đến chơi nhà sách Khai Trí rất nổi tiếng hồi bấy giờ và ngỏ ý muốn giúp in typo Tạp chí Sử Địa. Tôi nhận lời và hẹn đến sau khi tốt nghiệp, soạn thảo bản quy chế Tập san Sử Địa và ký kết với ông trước sự chứng kiến của GS-TS Trần Văn Tấn lúc ấy là khoa trưởng Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn. Sau một năm chuẩn bị bài vở và xin giấy phép, Tập san Sử Địa số 1 ra mắt tại CLB Báo chí ở Sài Gòn mà ông Trần Thức Linh đã viết trên báo Thần Chung cho đây cùng với sự kiện chính trị ở Honolulu là sự kiện quan trọng nhất trong năm 1966.

Tập san được nhiều học giả đánh giá cao. GS-TS Lê Văn Hảo cho rằng bắt đầu từ số 7-8 và số 9, Tập san Sử Địa đã bắt đầu khởi sắc với sự tham gia của các học giả nổi tiếng như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Kham, Phan Khoang, Bùi Quang Tung, Nguyễn Thế Anh, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Văn Hầu, Hồ Hữu Tường, Thái Văn Kiểm, Phạm Văn Sơn...

 Sau 1975, một phái đoàn của Viện Khoa học xã hội ở miền Bắc do Phó viện trưởng Viện Sử học Văn Tạo dẫn đầu đã chính thức thăm Nhóm chủ trương Tập san Sử Địa, và trong kỷ yếu kỷ niệm 30 năm ngành xuất bản của TP.HCM, ông Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã đánh giá Tập san Sử Địa là một trong hai tạp chí tiến bộ, toát lên tinh thần dân tộc.

Được biết TS đang chủ trì dự án Bếp Việt cho thế giới nhằm xây dựng thương hiệu và quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới, xin TS giới thiệu vài nét về dự án này.

Tôi vốn nghiên cứu rất sâu về quốc học, văn hóa Việt Nam, từ năm 1974 tôi thành lập Nhóm nghiên cứu và phát huy truyền thống Việt Nam tới khi tham gia sáng lập, quản lý Trường ĐH Hùng Vương, tôi thành lập Nhóm nghiên cứu ăn uống Việt Nam và từng  hợp tác tổ chức nhiều hội nghị khoa học như năm 1997 Hội nghị khoa học bản sắc Việt Nam trong ăn uống và giới thiệu 170 món ăn ba miền; năm 1999 Hội thảo ẩm thực trị liệu, tiệc cưới, tiệc đãi quốc khách Việt Nam...

 Năm 2007 tôi cùng với 8 người nữa đồng sáng lập Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam mà tôi là viện trưởng. Năm nay trước khi đi Mỹ, Viện chúng tôi  đã trả con dấu và giấy phép hoạt động, song vẫn duy trì Đề án bếp Việt. Tôi đang kết nối với các nhà nghiên cứu ẩm thực xây dựng lý luận bếp Việt và đề ra Đề án bếp Việt, bếp của thế giới với tính tự nhiên làm gốc, vừa ngon vừa lành. Tôi đã lập trang web www.amthuc.net.vn, chủ biên bộ sách gồm 6 cuốn hiện đã ra 3 cuốn: Bản sắc ẩm thực Việt Nam, Độc đáo ẩm thực Thăng Long Hà Nội, Độc đáo ẩm thực Huế...

 Tôi cũng đang cố kết nối từ thực phẩm sạch đến bếp sạch từ đó quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới, đề xuất thành lập các công ty phát triển quảng bá bếp Việt ra thế giới…

Xin cảm ơn TS!

Hiếu Dũng (thực hiện)

(Theo Thanh Niên)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te