TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Giải mã thế cờ Biển Đông

Biển Đông gần đây không chỉ dậy sóng ngoài khơi xa mà còn nóng bỏng trên bàn nghị sự và những vòng đàm phán dày đặc giữa các nước đang tranh chấp cũng như có quan hệ lợi ích đan xen. Bản chất của sự biến động này là gì và sẽ tiếp diễn ra sao?

Từ mấy năm trước, nhiều chiến lược gia Mỹ cho rằng nếu nước này tiếp tục lơ là đối với châu Á - Thái Bình Dương, hệ thống liên minh cốt lõi của Mỹ tại khu vực sẽ bị đổ vỡ. Năm 2009, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã triển khai chính sách “thân Trung, xa Mỹ”.

Vụ quấy rối tàu tình báo thăm dò đáy biển của hải quân Mỹ Impeccable ngoài khơi Hải Nam tháng 3-2009 gióng hồi chuông báo hiệu việc Trung Quốc bắt đầu thách thức sự hiện diện của hải quân Mỹ tại một trong các vùng biển ở Đông Á. Đến tháng 5 năm sau, trong cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế lần thứ nhất Trung - Mỹ, Trung Quốc lần đầu tiên đưa Biển Đông vào khái niệm “lợi ích cốt lõi”.

Ngăn chặn sự manh động của Trung Quốc

Trước những thách thức chiến lược mới từ sự trỗi dậy quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc, chính quyền Mỹ triển khai chủ trương “trở lại châu Á” 6 tháng sau khi ông Barack Obama bước vào Nhà Trắng.

Nhiều nhà quan sát chiến lược Trung Quốc hoặc chưa nhận thức hết tính chất thời cuộc hoặc lẩn tránh thực tế đã đổ vấy sự bất ổn ở Biển Đông là do các nước như Việt Nam hay Phi-lip-pin đẩy mạnh “tranh chấp chủ quyền” với Bắc Kinh gây ra. Điều họ thấy là Mỹ đã tận dụng các cuộc xung đột ở khu vực, hay nói cách khác là tình trạng Trung Quốc chèn ép các nước láng giềng giáp Biển Đông, để thực hiện điều được chính trị quốc tế hiện đại gọi là “sức mạnh mềm”. Mỹ đã chọn đứng về phía yếu.

Những điều chỉnh binh lực của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương - từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, tới Guam, Hawaii và Darwin (Úc) - là nhằm củng cố trục đồng minh cốt lõi gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, vừa rồi bổ sung thêm Phi-lip-pin.

 

Cột mốc khẳng định chủ quyền Việt Nam trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: HUỲNH NGA

Sự tái bố trí các hệ thống căn cứ Mỹ căn bản đã hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2012. Mỹ đang đàm phán để trở lại sử dụng sân bay hải quân U-tapao (Thái Lan). Việc Mỹ muốn trở lại cảng Cam Ranh của Việt Nam thể hiện rõ nhất qua chuyến thăm gây nhiều ấn tượng hồi đầu tháng 6 của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta.

Mục đích quân sự của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương hiện tại chưa phải là bao vây Trung Quốc mà để kiềm chế hoạt động của hải quân Trung Quốc.

Khi thông báo sẽ đưa quân đội đến đồn trú trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã chính thức phá vỡ thế nguyên trạng tại Biển Đông. Ngoài ý đồ muốn thâu tóm nguồn tài nguyên Biển Đông, việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” thể hiện tham vọng “quản lý” 2 triệu km2 Biển Đông, củng cố cứ điểm chiến lược trên Biển Đông để khống chế và biến vùng biển này thành sân sau của Trung Quốc, từ đó tham gia cuộc chơi lớn hải quân tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Chống lại bá quyền

Từ việc xem Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, mới đây các cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc đã xem tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/8, được gia cố bởi tiếng nói của ngành lập pháp Mỹ bằng nghị quyết Thượng viện về Biển Đông ban hành cùng ngày, là “can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc”. Sự chuyển biến ngôn từ này phản ánh sự chuyển biến về lập trường Trung Quốc nay xem Biển Đông là “biển nhà” của họ. Âm mưu đó thể hiện bằng sự ma mãnh trong sử dụng ngôn từ!

Mỹ thì không mơ hồ trước tính nghiêm trọng của “vụ Tam Sa”. Robert Manning, một chiến lược gia người Mỹ, nhận xét: Trung Quốc thiết lập lực lượng đồn trú tại Hoàng Sa là nhằm đối trọng lại việc Mỹ điều chỉnh chiến lược quân sự đặt trọng tâm vào Đông Á.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/8 phát đi một thông điệp ngoại giao ngắn gọn nhưng mạnh mẽ. Nghị quyết của Thượng viện Mỹ lên tiếng ủng hộ việc tăng cường các hoạt động của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực Biển Đông; ủng hộ tự do hàng hải, việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả những giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Hai thông điệp ấy phát đi cùng lúc cho thấy tính nghiêm túc trong lập trường của Washington. Kể từ khi Mỹ đặt chân tới châu Á sau cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha giành được Phi-lip-pin vào năm 1898, dẫu yếu mạnh từng lúc khác nhau nhưng Mỹ luôn chống lại bá quyền dù là của một nước lớn hay một nhóm nước lớn tại Viễn Đông. Mỹ sẽ không dừng lại ở những thông điệp chính sách hôm 3-8. Nhưng trước mắt, chúng nhằm làm dịu bớt những cái đầu nóng ở Trung Quốc, mặt khác còn nhằm tạo đòn bẩy cho ASEAN củng cố đoàn kết nội bộ và hạn chế việc Trung Quốc cưỡng ép các nước láng giềng phương Nam.

TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG // (Người Lao Động)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te