TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Đối phó với chính sách “5 tồn tại” của Trung Quốc tại biển Đông

Theo thiếu tướng La Viện, phó tổng thư ký hội Khoa học quân sự Trung Quốc, thì hiện tại Bắc Kinh đang cố gắng thưc hiện “5 tồn tại lớn” tại biển Đông, hay nói cách khác là 5 bước đi lớn nhằm hiện thức hóa tham vọng chủ quyền của Trung Quốc tại các khu vực đang tranh chấp.

 

Tàu cá Trung Quốc ở gần bãi đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Chinanews.com

Những “tồn tại” này là các bước đi song song và bổ trợ cho nhau. Đầu tiên là tồn tại về mặt hành chính. Ngay sau khi Việt Nam thông qua Luật biển, Trung Quốc đã tuyên bố thành lập “thành phố cấp địa Tam Sa” và sau đó tiến hành bầu Hội đồng nhân dân. Hành động này trước hết nhằm phản ứng lại với các khẳng định chủ quyền của Việt Nam, bác bỏ các hành vi xác quyết chủ quyền chính đáng của ta.

Thêm vào đó, đây cũng sẽ là bước đi nhằm “hợp pháp hóa” các bước đi chủ quyền của Trung Quốc, làm bước đệm cho các cơ quan hàng hải hay kinh tế khác tiến hành các hành động đánh bắt cá hay khai thác tài nguyên thiên nhiên “một cách hợp pháp” tại các quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa. Về lâu dài, hành động này sẽ tạo ra một ưu thế lịch sử cho Trung Quốc trong tương lai, khi họ đang thực hiện quyền chiếm hữu Hoàng Sa, dù rằng không có bất cứ quốc gia nào công nhận.

Một khi đã thiết lập được một quyền kiểm soát hành chính tương đối trên danh nghĩa, Bắc Kinh sẽ tiến tới tồn tại thứ hai và thứ ba, đó chính là kinh tế và quốc phòng. Quyền chiếm hữu hợp pháp được thiết lập khi có các hoạt động kinh tế liên tục trong một khoảng thời gian dài. Các hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại Trường Sa hay Hoàng Sa nhằm thực hiện cho được mục tiêu này. Các bước đi gần đây của Bắc Kinh như tăng cường các hoạt động đánh cá tại các ngư trường xung quanh khu vực hai quần đảo đang tranh chấp, đưa giàn khoan dầu khí khổng lồ ra ngoài khơi hay thiết lập những tuyến du lịch đến Hoàng Sa cho thấy rõ ràng âm mưu đó.

Theo La Viện, “ngư dân Trung Quốc cần thành lập và xây dựng các ngư trường, lồng lưới, tàu chiến có thể tiến hành bảo vệ dưới danh nghĩa hộ tống, thành lập các mặt bằng khoan giếng và còn có thể sử dụng phương pháp phát triển các dự án du lịch bằng tàu du lịch cỡ lớn đến khu vực Nam Hải (biển Đông) để thể hiện chủ quyền. Trong quá trình trỗi dậy, biên giới lợi ích của Trung Quốc cùng sẽ đồng thời từng bước mở rộng, khái niệm chủ quyền cùng sẽ thay đổi. Ví dụ như tàu sân bay mặt bằng thăm dò trên biển của Trung Quốc sẽ trở thành lãnh thổ lưu động”. Việc kết hợp với tồn tại về quân sự khiến cho Trung Quốc có thể kiểm soát và gần như ngăn chặn sự hiện diện chủ quyền của các quốc gia khác tại khu vực tranh chấp. Các tàu Hải Giám hay Ngư Chính liên tục đuối bắt và ngăn cản không cho ngư dân Việt Nam hay Philippines đánh bắt tại các ngư trường truyền thống của mình, qua đó dần dần biến những vùng đó thành vùng nước “truyền thống” của Trung Quốc. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng đang tính toàn đến khả năng vũ trang cho 100.000 ngư dân tại Hải Nam nhằm đối phó hiệu quả hơn vơí những phát sinh chủ quyền có liên quan tới Trung Quốc.

Hai tồn tại cuối cùng trong sách lược được đề cập tới đó chính là tồn tại về mặt pháp luật và dư luận quốc tế. Với tồn tại pháp luật, nhiệm vụ là đưa các “chứng cứ pháp lý” của Trung Quốc ra cộng đồng quốc tế để tuyên truyền, phân tích hay giải thích. Tuy nhiên, tồn tại nãy đã thất bại hoàn toàn, khi mà hầu hết dư luận quốc tế, từ các chính phủ, các nhà phân tích chính trị, các học giả quốc tế và thậm chí một số học giả của Trung Quốc cũng phải thừa nhận “đường lưỡi bò” bao phủ hoàn toàn biển Đông là bất hợp pháp và hoàn toàn vô giá trị về mặt pháp lý, từ các dẫn chứng lịch sử mơ hồ thiếu thuyết phục, cho đến sự diễn giải sai lệch, không giống ai và cực kỳ mâu thuẫn với UNCLOS.

Tuy nhiên, yếu thế về mặt pháp lý không có nghĩa là yếu về mặt tuyên truyền, Chính phủ Trung Quốc đã không ngừng tuyên truyền trong dân chúng rằng biển Đông là thuộc chủ quyền của mình, không những thế họ còn đưa ra nước ngoài những tài liệu hoàn toàn sai sự thật về các chứng cứ chủ quyền pháp lý, sử dụng “ngoại giao học thuật” như là một phương pháp nhằm “giúp” cho thế giới hiểu rõ hơn về các chứng cứ pháp lý của Trung Quốc tại biển Đông.

Theo La Viện, Bắc Kinh cần xuất bản Sách trắng về Nam Hải, kết hợp chặt chẽ với các tồn tại về hành chính, kinh tế hay quân sự nhằm kéo dài thời gian vì trong Luật quốc tế có một điều khoản quy định, nếu một số đảo nào đó sau khi bị chiếm nhưng không dẫn đến tranh chấp thì sau 50 năm đương nhiên sẽ được tách ra. Một ý đồ, như đã đề cập ở tồn tại kinh tế và quân sự, là rất nguy hiểm.

Các tồn tại về pháp lý và dư luận quốc tế, về mặt thực chất và hiệu quả, đều đã thất bại hoàn toàn hay về cơ bản là không được thành công. Các nhà chiến lược và chính phủ trung ương chắc chắn đã nhận ra được điều đó và các bước đi tiếp theo của Bắc Kinh là tập trung vào ba tồn tại đầu tiên về hành chính, kinh tế và quân sự như chúng ta đã nhận ra trong khoảng thời gian gần đây, khi Trung Quốc tăng cường tiến hành gây hấn và hiện đại hóa quân đội.

Vậy Việt Nam nên đối phó như thế nào? Về mặt vĩ mô, chúng ta nên tập trung nhấn mạnh và nói rõ với thế giới rằng các hành động của Trung Quốc gần đây là vô lý, thô bạo, có xu hướng ủng hộ vũ lực, chủ yếu tập trung “lấy thịt đè người”. Tấn công vào sự không chính đáng của Bắc Kinh đồng thời thách thức họ trên các mặt pháp lý và dư luận quốc tế, hai tồn tại mà dường như Việt Nam có ưu thế hơn cả. Những bước đi này sẽ có tác dụng cô lập Trung Quốc hơn nữa và khiến cho thế giới thấy được tính “không chính nghĩa” của Bắc Kinh. Điều này cần sự hợp sức giữa Chính phủ, bộ Ngoại giao và các học giả tâm huyết trong lẫn ngoài nước.

Về mặt thực địa, điều cần làm trên hết lúc này là phải công khai những thông tin cần thiết giúp cho Việt Nam có thể định hướng dư luận một cách dễ dàng theo hướng có lợi cho các hoạt động bảo vệ chủ quyền của ta, đồng thời theo sát các hành động của Trung Quốc.

“Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”. Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, câu nói của anh hùng Nguyễn Trãi không những mang tính sách lược trước mắt, mà còn lẫn chiến lược lâu dài.

Nguyễn Chính Tâm – Nguyễn Thế Phương //(Sài Gòn Tiếp Thị)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te