TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Thạc sĩ Hoàng Việt: “Độc chiếm biển Đông là chiến lược nhất quán của Trung Quốc”

  Thạc sĩ Hoàng Việt tự đặt cho mình hướng đi trong khoa học và xem đó là trách nhiệm đối với đất nước của một trí thức – nghiên cứu biển Đông- một đề tài được cho là “nhạy cảm”. Khác với những bầu máu nóng thường gặp khi trao đổi về các vấn đề trên biển Đông, Hoàng Việt chậm rãi, từ tốn và cẩn thận trong từng nhận xét, phân tích.

Ông cho rằng: “Bảo vệ chủ quyền của quốc gia trên biển Đông là việc lâu dài, phức tạp, cần phải có trí tuệ, khôn khéo và phải có sức mạnh bằng cách huy động được lòng dân”.

Vì sao ông chọn biển Đông làm đề tài nghiên cứu trong khi nhiều người né tránh?

- Tôi bắt đầu nghiên cứu về biển Đông từ năm 2007, sau sự kiện Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Tôi thấy các nhà nghiên cứu biển Đông của VN chưa nhiều, lại tập trung vào lĩnh vực lịch sử, địa lý, hải dương, nhưng ít người nghiên cứu về luật quốc tế, đo đó tôi chọn hướng đi này. Nắm vững được luật pháp quốc tế liên quan đến biển đảo là rất cần thiết, nếu lực lượng các nhà khoa học này hùng hậu, có chất lượng thì mới giành được ưu thế trong các tranh chấp. Vấn đề này vẫn cần thiết không chỉ hôm nay mà còn dài lâu.

Bình minh trên biển. Ảnh: K.N

Để tập hợp lực lượng, không chỉ là giới khoa học trong nước mà chúng ta có thể huy động được nguồn chất xám từ các nhà khoa học VN  khắp thế giới. Biến động trên biển Đông ngày càng căng thẳng không thể chờ đào tạo?

- Đúng vậy, chuyện lâu dài vẫn cứ làm nhưng chuyện hôm nay không thể không làm. Có rất nhiều trí thức người VN hoặc gốc Việt rất quan tâm đến các việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển Đông. Họ có những nghiên cứu và các hoạt động cá nhân để đóng góp cho đất nước. Có thể kể trên một số người như TS luật Tạ Văn Tài, từng giảng dạy tại Đại học Harvard, Mỹ; TS Thái Văn Cầu, chuyên gia tại cơ quan không gian NASA, Mỹ, TS Dương Danh Huy, làm việc tại Anh, TS Giáp Văn Dương, giảng dạy tại Trường Đại học quốc gia Singapore… Những người này rất tâm huyết với đất nước và đã có các công trình nghiên cứu về biển Đông ở các lĩnh vực khác nhau. Nếu tạo cơ hội để họ tham gia đóng góp thì có nhiều lợi thế.

Vai trò của pháp luật luôn là số một trong tranh chấp quốc tế, nhưng lực lượng này chúng ta chuẩn bị như thế nào?

- Rõ ràng là dù đấu tranh chính trị hay ngoại giao thì cũng phải dựa trên pháp lý. Có căn cứ pháp lý thì mới huy động được tiếng nói chính nghĩa và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Hiện nay chúng ta cũng có nhiều chuẩn bị, nhưng về con người, chúng ta vẫn còn hạn chế, có quá ít chuyên gia giỏi về luật quốc tế. Để chuẩn bị cho việc giải quyết tranh chấp này, chúng ta một mặt phải củng cố những bằng chứng pháp lý, mặt khác phải tập hợp được nhiều chuyên gia giỏi. Mặc dù ta vẫn có thể thuê các luật sư quốc tế, nhưng tốt nhất vẫn phải dựa vào các chuyên gia VN được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm chuyên môn sâu. Chúng ta cũng phải có chiến lược để có thể đưa những chuyên gia pháp luật giỏi của VN tham gia vào các định chế pháp lý quốc tế, trong đó có Tòa án quốc tế về Luật biển hay Tòa án Công lý quốc tế chẳng hạn.

Được biết ông là thành viên của Quỹ Nghiên cứu biển Đông, vậy ông có thể cho biết đến nay, Quỹ đã có những hoạt động gì và kết quả cụ thể?

- Các thành viên của Quỹ Nghiên cứu biển Đông gặp nhau vì cùng có tâm nguyện phải làm được một việc gì đó cho biển Đông của đất nước, mỗi người VN yêu nước đều phải có trách nhiệm và có cách đóng góp khác nhau, chúng tôi là những trí thức, tất nhiên lựa chọn cách thức phù hợp với mình. Các thành viên của Quỹ làm việc ở các quốc gia khác nhau, ngành nghề khác nhau. Mỗi người đều nhận thức rằng, tham gia công việc này là vì đất nước, nên phải bỏ thời gian, tiền bạc, nếu có nguồn thu từ các bài báo thì cũng đóng góp vào cho Quỹ hoạt động.

Tại các diễn đàn khoa học với các công trình nghiên cứu sâu thì Quỹ chưa có tiếng nói lớn, nhưng đối với diễn đàn công luận, các thành viên đã tham gia và cung cấp nhiều thông tin rất có ích cho VN trong các vấn đề liên quan đến biển Đông. Các vấn đề mà chúng tôi nêu ra đều phải đảm bảo nguyên tắc có cơ sở khoa học, không cảm tính. Ví dụ ở trong nước, nhiều tác giả của Quỹ như Lê Vĩnh Trương, Lê Minh Phiếu, Phạm Thu Xuân, Nguyễn Thái Linh… đã viết rất nhiều bài trên nhiều báo khác nhau về vấn đề biển Đông. Những người ở nước ngoài như TS Dương Danh Huy, TS Lê Trung Tĩnh đã viết một số bài viết trên báo chí nước ngoài bằng tiếng Anh rất có sức thuyết phục về vấn đề biển Đông, chỉ rõ những điều vô lý trong các yêu sách biển và các hành động hung hăng của TQ.

Nghiên cứu về tranh chấp biển Đông, ông có thể nói một câu khái quát nhất?

- Độc chiếm biển Đông là chiến lược  nhất quán, liên tục và xuyên suốt của Trung Quốc. Chúng ta không nên mơ hồ về một điều gì khác.

Tham vọng đó có thể thấy rõ từ nhiều năm qua, nhưng gần đây TQ  trở nên khẩn trương với nhiều hành động quyết liệt, ông có thể phân tích thêm về điều này?

- Do nhiều vấn đề khác nhau, đặc biệt trong đó TQ đã thay đổi, họ cho rằng họ lớn mạnh, với sức mạnh của họ, họ có thể làm được tất cả, trong đó chiếm biển Đông để làm bàn đạp cho việc chiếm Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, từ đó nuôi giấc mộng “bá quyền” để thống trị thế giới theo cách của họ. Vì lẽ đó,  họ đang tìm mọi cách để độc chiếm biển Đông. Bất cứ nhà lãnh đạo nào của TQ lên nắm quyền thì họ cũng thực hiện công việc này, không thay đổi về mục đích, chỉ thay đổi về chiến thuật, tùy theo thời tiết chính trị trong nước và quốc tế. Từ sự kiện ngoại giao khu vực ở Campuchia vừa qua, có thể thấy rằng TQ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tính toán sát sao trên mọi mặt trận để nhằm đạt được tham vọng của họ.

Gần đây, TQ  xua 23.000 tàu cá vào biển Đông như một chiến dịch “biển tàu”, họ đánh cá hay đánh gì khác thưa ông?

- Theo đại diện của Hiệp hội Nghề cá VN, nếu chỉ đánh cá sẽ không ai sử dụng nhiều tàu đến như thế. Những hành động dồn dập gần đây của phía TQ cho thấy dường như họ đang tìm cách khiêu khích các quốc gia liên quan trực tiếp trong tranh chấp, trong đó có VN. Cuộc giễu võ dương oai này nhằm mục tiêu xâm lấn từ mức độ thấp đến cao, kiên nhẫn, kéo dài cho đến lúc các nước khác tê liệt các phản ứng để rồi từ đó TQ mặc nhiên xem biển Đông là của riêng họ.

Sự thâm độc là ở chỗ, TQ sử dụng những cuộc chiến tranh ngoài chiến tranh quân sự như chiến tranh truyền thông, chiến tranh tâm lý cùng với việc gây sức ép trên nhiều mặt, uy hiếp các quốc gia khác để họ có thể độc chiếm biển Đông mà không cần phải thực hiện biện pháp quân sự. Gặm nhấm, xâm lấn, bức hiếp, thôn tính từng mét nước, từng tấc đất cho đến khi làm chủ hoàn toàn. Cho nên, VN phải hết sức thận trọng, bình tĩnh để có đối sách thích hợp.

Ông đánh giá như thế nào về những đối sách của VN  liên quan đến biển Đông trong thời gian qua?

- Những chính sách chính trị và đối ngoại vừa qua của Chính phủ VN liên quan đến biển Đông, cá nhân tôi cho là đúng hướng và đã đạt được những thành tựu nhất định. Thứ nhất là việc Luật biển VN đã thông qua. Mặc dù, VN đã chịu rất nhiều sức ép từ bên ngoài đe dọa khi thông qua Luật biển, nhưng Luật biển VN đã được ban hành. Và sau khi chúng ta thông qua Luật biển, TQ đã có những tuyên bố và hành động dồn dập như để “trả đũa”.

Về đối ngoại, hàng loạt quốc gia lên tiếng tỏ ý lo ngại trước các hành động gây căng thẳng leo thang của TQ, rồi phía Hoa Kỳ cũng có nhiều tuyên bố, để đạt được điều đó cũng phải có sự nỗ lực trong chính sách đối ngoại của Chính phủ VN. Mặc dù các hành động của TQ rất đáng lo ngại, nhưng nếu phía VN không có chính sách đối ngoại đúng hướng thì cũng khó có thái độ của các cường quốc khác như vậy.

Chúng ta cũng phải tích cực hơn nữa trong việc chuyển tải các thông điệp đối ngoại đến cộng đồng quốc tế về vấn đề biển Đông. Phải cho cộng đồng quốc tế thấy rõ VN cũng là một quốc gia trực tiếp tham gia trong tranh chấp biển Đông, nhưng VN luôn không bao giờ đe dọa ai mà luôn mềm mỏng để giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, thông qua các biện pháp hòa bình. VN đã cam kết giải quyết tranh chấp biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế trong đó chủ yếu là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, lịch sử VN cũng đã chứng minh, những âm mưu hay hành động xâm lược VN, dù là của quốc gia nào đi nữa, đều phải trả những giá rất đắt.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa ra bản tuyên bố  khuyến cáo một loạt động thái “nhằm siết chặt kiểm soát” biển Đông của TQ. Phía TQ cũng đã có những  phản ứng mạnh mẽ, ông có bình luận gì về sự kiện này?

- Vấn đề biển Đông hiện nay, không còn chỉ là vấn đề giữa ASEAN với TQ, cũng không chỉ là vấn đề để từ đó nhằm gia tăng ảnh hưởng giữa hai cường quốc Mỹ, Trung, mà liên quan đến an ninh và sự phát triển của toàn bộ khu vực Đông Á. Bên cạnh Hoa Kỳ, nhiều quốc gia khác cũng lo lắng trước thái độ và cách hành xử của TQ trên khu vực biển Đông như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Úc…

Với vai trò của một siêu cường và cũng là một cường quốc biển, việc Chính phủ Hoa Kỳ lần đầu tiên đưa ra tuyên bố về biển Đông thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao như một tín hiệu nhắc nhở TQ đã tiến gần đến “lằn ranh đỏ” mà ở đó, TQ không chỉ đối đầu với VN, Philippines mà còn gần như với toàn thế giới. Và phản ứng của TQ trước tuyên bố này cũng rất lạ, họ đồng loạt phản đối qua người phát ngôn Bộ ngoại giao TQ, triệu tập Đại diện Ngoại giao Mỹ tại TQ để phản đối. Tân Hoa Xã còn nói chính quyền Hoa Kỳ hãy “câm mồm” đừng xía vào chuyện biển Đông của họ. Việc nói một chính quyền khác “câm mồm” là điều rất ít khi thấy trong các tuyên bố ngoại giao, nó phản ánh sự phức tạp trong các nhóm chính trị và lợi ích của chính quyền TQ, trong đó, thể hiện sự hung hăng của nhóm “diều hâu” quân sự đang chi phối chính sách đối ngoại của TQ.

Tuy nhiên qua đó, thế giới đã bừng tỉnh để thấy một sự thật của “TQ trỗi dậy hòa bình” mà giới ngoại giao TQ hằng rêu rao. Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 3.8, đã ủng hộ khối ASEAN giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật quốc tế, tôn trọng Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ. Điều này hoàn toàn hợp lý trong sự hòa bình và phát triển của toàn thế giới. Cách chi phối quan hệ quốc tế thông qua những đe dọa về sức mạnh quân sự không có chỗ đứng trong một thế giới hiện đại.  

Xin cảm ơn ông!

Thạc sĩ Hoàng Việt,

Sinh năm: 1971, Quê quán: Bắc Ninh

Giảng viên Đại học Luật TP.HCM, nhà nghiên cứu các tranh chấp trên biển Đông, đồng thời là thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông kiêm cố vấn học thuật của Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa.

 

 

 

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te