Tuyên bố hôm 28/9 của Ngoại trưởng Hillary Clinton và Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell cho thấy, Mỹ sẽ không đóng vai trò trung gian hòa giải trong những tranh chấp tại Biển Đông và biển Hoa Đông cho dù Washington vừa điều tàu sân bay USS John C.Stennis (CVN 74) đến Guam, tập kết với tàu sân bay USS George Washington (CVN 73) vừa kết thúc cuộc diễn tập Valiant Shield-2012, động thái được coi nhằm gây sức ép với Bắc Kinh, cũng như sẵn sàng cho khả năng xảy ra xung đột Trung - Nhật tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Trước đó Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke cũng nhấn mạnh, Washington trung lập trong các tranh chấp hiện nay - không có quan điểm ai đúng ai sai và tin rằng các bên sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề này một cách thỏa đáng.
Quan điểm không đồng nhất giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc
Tuy Ngoại trưởng Mỹ - Nhật - Hàn đều khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ tay ba tại khu vực Đông Bắc Á, nhưng các nước trong khu vực phải có trách nhiệm giải quyết căng thẳng để duy trì hòa bình và ổn định. Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan đã có cuộc gặp 3 bên nhân tham dự khóa họp lần thứ 67 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang diễn ra tại New York, Mỹ (tối 28/9, theo giờ địa phương), nhưng điều này không đồng nghĩa với việc mọi thứ đều đạt được sự thống nhất cao. Bởi Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan đã đề cập tới tranh chấp gần đây với Nhật Bản tại quần đảo Takeshima/Dokdo, đồng thời nhấn mạnh, vấn đề pháp trị không được sử dụng sai mục đích. Đây là lời đáp trả đối với bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda trước Đại hội đồng LHQ trước đó.
Quảng cáo về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên tờ The New York Times và The Washington Post của Mỹ số ra ngày 28/9
Ngoại trưởng Kim Sung-hwan cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tuân thủ lịch sử và luật pháp quốc tế khi giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ bởi không một quốc gia nào được phép đi ngược lại các trình tự pháp lý cùng các luật lệ quốc tế để xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác hoặc bóp méo sự thực lịch sử. Ông Kim Sung-hwan cũng lần đầu tiên đưa vấn đề “nô lệ tình dục trong các nhà thổ cho lính Nhật trong Thế chiến II” ra trước cuộc họp cấp Bộ trưởng tại Đại hội đồng LHQ - hối thúc cộng đồng quốc tế trừng phạt những kẻ lạm dụng tình dục phụ nữ trong thời chiến. Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng, Nhật Bản nên xử lý mối quan hệ với Trung Quốc (TQ) một cách thận trọng hơn, hiệu quả hơn xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và Mỹ không có ý định làm trung gian hòa giải trong bất cứ tranh chấp lãnh thổ nào ở châu Á.
Ngày 28/9, tờ Japantimes của Nhật Bản đưa tin, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Genba tiết lộ, Tokyo đã quyết định thay đổi chính sách đối ngoại nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên ông Koichiro Genba đề cập tới lập trường mới của Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ sau khi Trung Quốc thể hiện sự quyết liệt ngày càng tăng trong tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông Koichiro Genba cho rằng, sự thay đổi chính sách này nhằm mục đích lôi kéo sự ủng hộ của quốc tế đối với xung đột chủ quyền lãnh thổ tại biển Hoa Đông đang ảnh hưởng xấu đến quan hệ kinh tế của Nhật Bản với Trung Quốc và Đài Loan. Được biết, các Đại sứ quán của Nhật Bản trên khắp thế giới đang chuẩn bị thông báo lập trường mới của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên website bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Nhật Bản sẽ tìm cách phát đi thông điệp: động thái quốc hữu hóa 3 hòn đảo tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Tokyo là phương án tối ưu nhất để bảo vệ quan hệ song phương. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Tsuyoshi Yamaguchi cũng vừa thừa nhận, Tokyo chưa đạt được mục tiêu “quản lý ổn định và bền vững” tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Chiêu thức mới của Trung Quốc
Dư luận đang chú ý tới việc TQ cho đăng quảng cáo về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên tờ The New York Times và The Washington Post của Mỹ số ra ngày 28/9. Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản cho biết, ngoài tấm ảnh về Điếu Ngư/Senkaku, phần quảng cáo nói trên còn có bài viết khẳng định quần đảo này thuộc TQ. Bài viết kể trên cho rằng, TQ buộc phải nhượng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cho Nhật Bản sau khi bị đánh bại trong cuộc chiến tranh Nhật - Trung (1894-1895). Nhật Bản cho biết, Tokyo bắt đầu khảo sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ năm 1885 và thấy rằng, khu vực này không có dấu vết đã từng nằm trong sự kiểm soát của TQ. 10 năm sau, ngày 14/1/1895, Tokyo quyết định sáp nhập quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào lãnh thổ Nhật Bản.Nhật Bản cho rằng, TQ và Đài Loan bắt đầu tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sau năm 1970, khi khu vực này được phát hiện dự trữ nguồn tài nguyên lớn dưới đáy biển. Tiêu đề của quảng cáo khẳng định “Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc” kèm theo bức ảnh màu của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan
Ngày 29/9, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin, lực lượng hải quân và không quân nước này vừa tập trận chung bằng vũ khí thật nhằm vào một hòn đảo nhỏ trên biển Hoa Đông. Tờ Bắc Kinh buổi sáng số ra ngày 29/9 đưa tin, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ coi động thái mua đảo của Nhật Bản thực chất là “hoạt động rửa tiền”, đồng thời cáo buộc Nhật Bản thông qua các thủ đoạn mà Bắc Kinh cho là phi pháp để hợp pháp hóa một bộ phận lãnh thổ TQ nhận là của họ. Ngày 28/9, Trung Quốc chính thức phát hành và giới thiệu cuốn “Sách trắng Điếu Ngư” được biên soạn với 3 thứ tiếng Nhật, Anh và Trung Quốc nhằm tuyên truyền tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đến với công chúng, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên. Được biết, một trong những mặt hàng đang được bán chạy nhất tại các hiệu sách trên khắp đất nước Trung Quốc là bản đồ về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Bắc Kinh cũng đang in các bản đồ mới với những đường đánh dấu lãnh thổ mới, tức đường cơ sở, quanh các hòn đảo tranh chấp để trình LHQ. Trước đó (27/9), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân xác nhận tin nói rằng, các tàu hải quân Trung Quốc đang hoạt động quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, đồng thời nhấn mạnh, sự hiện diện này là “hoàn toàn hợp lý, hợp pháp”. Đây là lần đầu tiên TQ triển khai tàu khu trục tới vùng biển tranh chấp bởi trước đó chỉ có tàu hải giám.
Ngày 28/9, Trợ lý Ngoại trưởng TQ, ông Lạc Ngọc Thành đã yêu cầu Nhật Bản nghiêm túc tự phê nhằm đảm bảo đưa quan hệ với Trung Quốc trở lại đúng hướng, đồng thời cảnh báo rằng các hành động “sai trái” mà Nhật Bản đang tiến hành sẽ khiến cho mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh “chìm như tàu Titanic”. Trợ lý Ngoại trưởng TQ cũng nhấn mạnh, việc Nhật Bản mua một số đảo tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giống như “ném một quả bom nguyên tử xuống TQ” khiến hơn 1,34 tỉ người TQ phẫn nộ. Bình luận này được ông Lạc Ngọc Thành đưa ra tại cuộc hội thảo do Viện ngoại giao nhân dân TQ và Viện nghiên cứu quốc tế TQ đồng tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ Trung - Nhật. Ngày 27/9, tại thủ đô Bắc Kinh, TQ, các quan chức Nhật Bản và Trung Quốc đã có cuộc gặp nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Phái đoàn Nhật Bản do cựu Ngoại trưởng Yohei Kono dẫn đầu, còn phái đoàn TQ do Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc Giả Khánh Lâm làm trưởng đoàn. Tại buổi gặp, ông Yohei Kono đã bày tỏ quan ngại về những cuộc biểu tình chống Nhật Bản tại TQ liên quan tới vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời hy vọng hai nước sẽ sớm có biện pháp giải quyết tranh chấp hiện nay. Năm 1972, Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã ký một tuyên bố chung bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Kể từ đó, quan hệ kinh tế song phương được củng cố và ngày càng phát triển và TQ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.
Động thái mới tại Biển Đông
Ngày 30/9, Trung tướng Juancho Sabban, quan chức quân sự cấp cao của Phillippines cho biết, nước này đã triển khai thêm 800 lính thủy đánh bộ và mở một trụ sở mới được thành lập ở tỉnh Palawan để bảo vệ “các lợi ích” của Phillippines tại các đảo tranh chấp ở biển Đông. Lực lượng thủy đánh bộ này không đồn trú trên đảo song sẽ tuần tra gần đó. Trước đó (27/9), người phát ngôn Bộ Quốc phòng TQ Dương Vũ Quân đã cảnh báo Philippines không nên dùng hành động quân sự để tấn công các máy bay không người lái của TQ hoạt động tại biển Đông. Ông Dương Vũ Quân cho rằng, TQ dùng máy bay không người lái để giám sát các đảo tranh chấp là “hợp lý và hợp pháp” bởi Bắc Kinh có chủ quyền không thể tranh cãi tại bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough. TQ đưa ra tuyên bố kể trên sau khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez cảnh báo, máy bay do thám không người lái của TQ có thể bị bắn hạ nếu đi vào khu vực không phận thuộc bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham bởi khu vực này đang nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
Bìa cuốn “Sách trắng Điếu Ngư”của Trung Quốc
Theo ông Peter Paul Galvez, việc máy bay TQ đi vào không phận của nước khác mà không được phép sẽ là một tính toán sai lầm và có thể làm trầm trọng thêm tình hình thay vì đóng góp giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp hiện nay. Ngày 27/9, Bộ Quốc phòng TQ đã bác bỏ thông tin cho rằng, Bắc Kinh đang chế tạo hàng không mẫu hạm thứ hai tại đảo Trường Hưng ở Thượng Hải. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân, việc đóng mới các tàu sân bay phải dựa trên điều kiện xã hội và kinh tế, cũng như nhu cầu quốc phòng hay xây dựng quân đội của TQ. Việc này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Bộ Quốc phòng TQ đặt tên cho tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh. Trước đó (26/9), Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, tàu thuyền của Trung Quốc vẫn tiếp tục lượn lờ ở khu vực tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham.Ngoại trưởng Albert del Rosario nhấn mạnh, Philippines đang theo dõi, đánh giá tình hình và xem xét biện pháp đáp trả nếu Trung Quốc tiếp tục vi phạm quyền chủ quyền của Philippines.
Tờ Jakarta Post vừa dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết, ngoại trưởng các nước ASEAN vừa nhận được bản thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Và đây là lần đầu tiên các ngoại trưởng ASEAN nhận bản thảo COC, bao gồm các yếu tố nhằm ngăn chặn và kiểm soát xung đột trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng mới có cuộc gặp với những người đồng cấp ASEAN để tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với nguyên tắc 6 điểm do ASEAN công bố hồi tháng 7, trong đó kêu gọi sớm hoàn thành COC và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp theo luật pháp quốc tế.
Ngày 29/9, tờ Bangkok Post dẫn nguồn tin của Chính phủ Thái Lan cho biết, tại Hội nghị các Bộ trưởng ASEAN không chính thức diễn ra bên lề Đại hội đồng LHQ đang diễn ra tại New York, Mỹ, các Bộ trưởng ngoại giao của ASEAN đã đồng ý để Thái Lan, với tư cách là điều phối viên quan hệ giữa ASEAN và TQ, đứng ra thu xếp các nỗ lực nhằm chấm dứt tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Theo đó, Thái Lan sẽ tổ chức một hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN để bàn thảo về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông và thời gian cụ thể đang được thu xếp. Khi phát biểu tại Hội nghị Xã hội châu Á (27/9), Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khẳng định, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á có thể giúp kinh tế thế giới đang gặp khủng hoảng, nhưng cũng cảnh báo không để cuộc xung đột ở các vùng biển xung quanh TQ làm chệch hướng phát triển. Theo đó, phải giải quyết tình trạng đối đầu giữa TQ và một số nước láng giềng liên quan đến các đảo tranh chấp.
Ngày 28/9, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc có bài xã luận về tranh chấp giữa Bắc Kinh và Seoul về dải đá ngầm Ieodo sau khi Cục Quản lý Hải dương Quốc gia TQ công bố Ieodo nằm trong số những nơi được các tàu tuần tra và máy bay Trung Quốc giám sát, theo dõi. Tờ Chosun Ilbo cho rằng, TQ muốn biến dải đá ngầm Ieodo của Hàn Quốc thành vùng tranh chấp, đồng thời cảnh báo, TQ cần suy nghĩ thận trọng về hậu quả tham vọng lãnh thổ của mình.
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh
(Năng lượng Mới số 160, ra thứ Ba ngày 2/10/2012)