Mỹ có quyền hỗ trợ 3 bên đang tranh chấp với Trung Quốc?
Theo dõi cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo đang diễn ra căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông, người ta đặc biệt quan tâm đến “nhân tố” Mỹ.
Ngoài mục đích đảm bảo tự do hàng hải trên các vùng biển, Mỹ cho biết họ có lý do để can dự sâu vào một số tranh chấp. Đó là vì Mỹ đã ký hiệp ước an ninh với 3 trong số các bên đang tranh chấp với Trung Quốc.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, năm 1947, Nhật Bản đã thông qua điều 9 của hiến pháp nước này. Theo đó, Nhật cấm duy trì quân đội cũng như sử dụng vũ lực nhằm đạt được những mục đích chính trị. Lực lượng vũ trang của nước này thay thành “lực lượng phòng vệ” mang tính chất dân sự nhưng được trang bị vũ khí. Vì khả năng quốc phòng Nhật Bản bị giới hạn nên Nhật Bản buộc phải cần đến sự hỗ trợ từ Mỹ.
Năm 1951, hai bên ký hiệp ước an ninh đầu tiên. Đến năm 1960, Mỹ và Nhật Bản ký kết thêm Hiệp ước Hợp tác và An ninh song phương Mỹ - Nhật. Kể từ đây, liên minh giữa hai nước chính thức hình thành. Theo đó, Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ Nhật Bản. Đổi lại, Mỹ được phép mở căn cứ quân sự tại Nhật nhằm “duy trì hòa bình và an ninh ở vùng Viễn Đông”.
Không giống như liên minh quân sự NATO, Nhật Bản không bị buộc phải bảo vệ lãnh thổ cho Mỹ, trong trường hợp đồng minh bị tấn công. Dựa vào đó, Lầu Năm góc đến nay vẫn duy trì một lực lượng quân sự đáng kể tại đảo Okinawa với khoảng 47.000 quân nhân.
Riêng về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, theo một thỏa ước được hai bên Mỹ - Nhật ký kết hồi năm 1971, Mỹ trao quyền cho Nhật quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Vì thế, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật và Mỹ có nghĩa vụ hỗ trợ Nhật Bản trong trường hợp quần đảo này bị tấn công.
Bên cạnh liên minh với Nhật, Mỹ cũng ký kết hiệp ước quốc phòng song phương với Philippines hồi năm 1951. Theo đó, Mỹ sẽ hỗ trợ cho quân đội Philippines. Vốn là thuộc địa của Mỹ, Philippines đang nổi lên trở thành một nút quan trọng trong quá trình chuyển trọng tâm sang Châu Á của Mỹ. Subic và Clark - từng là hai căn cứ quân sự ở nước ngoài lớn nhất của Mỹ - dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược mới. Mặc dù Hiến pháp Philippines cấm lập căn cứ nước ngoài thường trú ở Philippines, nhưng gần đây Philippines đã bày tỏ sẵn sàng để Mỹ “hiện diện luân phiên” tại các căn cứ này ở Phillipines.
Về phần mình, Mỹ có kế hoạch triển khai các máy bay chiến đấu và tàu chiến tiên tiến nhất ở khu vực, trong đó có máy bay chiến đấu EA-18G bay nhanh hơn tốc độ âm thanh và làm tắc nghẽn hệ thống phòng không của đối phương. Ngoài việc bán cho Philippines hai tàu tuần tra, Mỹ cũng đồng ý cung cấp cho Philippines loại máy bay tuần tra biển Orion-3 P. Mới đây, tàu ngầm hạt nhân USS North Carolina cũng cập cảng Subic - một động thái đáp lại hoạt động gia tăng của hải quân Trung Quốc ở vùng biển gần.
Với Đài Loan, theo một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua hồi năm 1979, Mỹ có nghĩa vụ phải xem xét bảo vệ Đài Loan trong trường hợp đảo này rơi vào vòng chiến. Vấn đề Đài Loan luôn là “khúc xương” trong quan hệ Mỹ - Trung.
Quan điểm của Mỹ cho rằng, dù quan hệ Đài - Trung gần đây có dấu hiệu cải thiện, nhưng Trung Quốc vẫn tăng đầu tư quân sự. Do vậy, về lâu dài, Mỹ vẫn theo đuổi chính sách theo định hướng của đạo luật quan hệ với Đài Loan, kiên định rằng, Trung Quốc không thể khiêu khích hay sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.
Từ các hiệp ước, đạo luật đã ký với các bên đối tác như đã nói trên, Mỹ tuyên bố có quyền can thiệp, hỗ trợ đối với 3 bên đang có tranh chấp biển đảo với TQ trên biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên, thực tế điều này hoàn toàn không đơn giản!
Theo Lao Động