Mới đây, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh William Hague đã tỏ ra rất bi quan khi nói về tình hình ở Syria.
Mỹ và phương Tây cảnh giác từ bài học ở Libya
Ngoại trưởng Anh tuyên bố trên đài BBC: “Tình hình ngày càng trầm trọng và tiếp tục trầm trọng hơn. Không có bất cứ chứng cứ nào chứng tỏ một sự tiến bộ nào đó”.
Sau khi ghi nhận là có một số người Anh sang Syria để tham gia vào cuộc xung đột, ông Hague tuyên bố: “Chúng tôi cho là không nên khuyên họ làm như vậy”.
Lời khuyên đã được đưa ra hơi muộn: Hôm trước hai người đàn ông đã bị bắt giữ ở sân bay Heathrow ở London vì bị nghi đã xúi giục, chuẩn bị và tiến hành khủng bố.
Hai nhân vật này trước đây đã bị phát hiện ở Syria, họđã tham gia bắt giữ các phóng viên người Anh. Ngoài hai người này còn hàng chục người Anh, chủ yếu xuất thân từ các nước Hồi giáo, đã không gặp khó khăn gì khi đến Syria. Ở đó, cũng đã phát hiện ra các chiến binh đến từ Pháp.
Lập trường của chính quyền Anh về tình hình ở Syria liệu đã có thay đổi? Hoàn toàn không. Nhưng thái độ đối với sự can dự của những người Hồi giáo Anh đã có thay đổi.
Thổ Nhĩ Kỳ chuyển tăng thiết giáp đến gần biên giới với Syria. Ảnh Reuters |
Các chiến binh từ những nước khác, những phần tử Hồi giáo cực đoan, có vai trò tích cực trong phong trào nổi dậy kéo dài đã hơn một năm rưỡi ở Syria.
Trong những người này, nhiều hơn cả là những đối tượng đến từ các quốc gia Hồi giáo, số đến từ các nước phương Tây là thiểu số.
Định dạng lại sự can thiệp từ bên ngoài
Dù vậy, những biểu hiện này buộc Washington và các nước phương Tây nhìn nhận theo cách mới về việc hợp tác với những phần tử Hồi giáo cực đoan.
Một trong những sự kiện khiến các nước này "thức tỉnh" là cuộc tấn công vào cơ quan lãnh sự và trụ sở CIA ở thành phố Benghazi, Libya.
Đề tài bất ngờ trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trong chiến dịch tranh cử ở Mỹ đã thúc đẩy việc này.
Đối thủ Mitt Romney của ông Barack Obama kiên trì buộc tội Nhà Trắng có lỗi trong cái chết của đại sứ Mỹ ở Libya, Christopher Stevens và ba nhân viên phái bộ ngoại giao.
Con báo không thể thay đổi bức tranh trên tấm da của mình - cuộc chiến tranh đã kết thúc, và những phần tử Hồi giáo cực đoan nhảy bổ vào kẻ thù truyền thống.
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là sự tỉnh ngộ bắt đầu thể hiện trong quan hệ của các nước phương Tây với những phần tử Hồi giáo cực đoan ở Syria đến mức nào?
Tờ New York Times đưa tin đầu tháng 10/2012, là quyền Saudi Arabia và Qatar, những nhà tài trợ chính cho Hồi giáo cực đoan không vừa lòng đối với đòi hỏi của Washington là không cung cấp vũ khí hạng nặng cho các chiến binh Hồi giáo.
Không vừa lòng nhưng buộc phải làm. Thậm chí nếu những lời cam kết này không chính xác 100%, chí ít cũng thấy rõ là người ta đang cố làm sao đó kiềm chế những phần tử Hồi giáo cực đoan. Nhưng tạm thời chưa phải là cắt đứt quan hệ với chúng.
Nhà báo Mỹ nổi tiếng, bình luận viên của tờ Washington Post, David Igneyshes trong các cuộc đàm đạo với hai Đại tá của Quân đội Syria Tự do - chỉ huy các đơn vị ở phía Bắc Syria - biết được, họ phối hợp hành động chặt chẽ với các đội của những phần tử Hồi giáo cực đoan. Đây là những người có sức chiến đấu cao, không cần phải ép họ đánh nhau.
Những chỉ huy người Syria này không chỉ coi Saudi Arabia và Qatar, mà cả Kuwait là những nước tài trợ cho những phần tử Hồi giáo cực đoan. Hiện tại, họ có một mục đích: “Đầu tiên phải lật đổ Bashar al Assad”. Nhưng sau đó là gì?
Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhận nhiệm vụ xung kích
Chưa phải là đã khép lại sự hợp tác, nhưng rõ ràng là người ta đang sắp xếp lại. Toàn bộ sơ đồ can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Syria đang được định dạng lại.
Đến nay, trọng tâm được đặt vào tăng cường vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như lôi kéo Jordan, nước mà đoàn 150 chuyên gia quân sự Mỹ đã có mặt.
Nguyên nhân để Thổ Nhĩ Kỳ nhận lấy vai trò tích cực, thậm chí rõ ràng là hàng đầu trong việc gây sức ép lên Damascus là vụ một quả đạn pháo (hoặc súng cối) rơi xuống một thành phố nhỏ gần biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ làm chết 5 dân thường địa phương.
Tiếp theo, một chuỗi các bước chính trị và quân sự của Ankara: Tuyên bố gay gắt của thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, RedzhepTayip Erdogan, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua luật cho phép các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch vượt qua biên giới trên lãnh thổ Syria (như tại các vùng người Kurd ở Iraq), yêu cầu các tổ chức quốc tế can thiệp-Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và NATO...
Các đơn vị mới của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ càng ngày càng được đưa thêm đến gần biên giới với Syria, kể cả các đơn vị tăng thiết giáp.
Pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ lần nào cũng bắn phá các mục tiêu của Syria nếu ghi nhận được các trường hợp đạn pháo rơi xuống lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cả khi không gây nên thương vong hay thiệt hại vật chất gì.
Bất chấp phản đối của dư luận xã hội Thổ Nhĩ Kỳ chống lại đường lối chiến tranh với nước láng giềng, Erdogan tiếp tục các phát biểu hiếu chiến. Theo ông này, Thổ Nhĩ Kỳ bị xâm lược và phải sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào. Thủ tướng nhắc nhở “Muốn hoà bình– hãy chuẩn bị cho chiến tranh”.
Đang diễn ra cuộc leo thang hình thức đe doạ. Ankara tuyên bố, sẽ có biện pháp chống lại những máy bay hoặc máy bay lên thẳng của Syria đến gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ dưới 10 km.
Đây thực chất là tuyên bố lập vùng cấm bay trên dải lãnh thổ Syria rộng 10 km và dài 900 km – là chiều dài đường biên giới giữa hai nước. Những ngày vừa qua máy bay tiêm kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần cất cánh để ngăn chặn máy bay Syria bay đến gần khu vực này.
Đơn của Ankara tố cáo “Syria xâm lược” gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và NATO là những bước nhằm hợp pháp hoá đường lối hiếu chiến đối với nước láng giềng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không chấp nhận cách diễn đạt về xâm lược và đơn giản đã đề nghị không để những vụ việc như vậy tái diễn trong tương lai.
Điều này đã làm người đứng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận. Ông này kêu gọi cải tổ khẩn cấp Liên Hợp Quốc, bởi vì Hội đồng Bảo an dường như không thực hiện những nhiệm vụ được đặt ra trước cơ quan này.
NATO đánh giá vụ việc trên biên giới là “những hành động xâm lược” của Syria, nhưng đã không đề cập đến điều 5 của Hiệp ước của khối quy định đáp trả tập thể.
Cuối cùng, ngày 11/10 Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen tuyên bố, là trong trường hợp có xâm lược từ Syria thì liên minh sẵn sàng bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng liệu có cần bảo vệ đất nước có lục quân đông thứ hai trong NATO?
Rất đáng chú ý, là ngay hôm đó máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc máy bay chở khách Syria phải hạ cánh xuống sân bay Ankara.
Người ta đã tịch thu từ khoang hành lý của máy bay các hộp chứa chi tiết của thiết bị rada không hề bị cấm đoán và trừng phạt gì. Đại diện Liên bang Nga không được phép gặp những hành khách Nga trên máy bay.
Những lời của ông Rasmussen dường như đã kích động Ankara leo thang những hoạt động chống Syria. Đồng thời vụ việc này trực tiếp đụng chạm đến Nga.
Hoàn toàn có cơ sở để kết luận là liên minh Bắc Đại Tây dương, đối mặt với việc xác định sứ mệnh của mình sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã tìm thấy cho mình thêm một tác dụng.
Brussels định lôi kéo Ankara vào cuộc xung đột nội bộ kéo dài ở Syria, đồng thời dung túng những tham vọng khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang nỗ lực phục hồi ảnh hưởng của mình đối với các nước đã từng là một phần của đế chế Ottoman trước đây.
Một thực tế như vậy đe doạ gây nên những thay đổi căn bản nghiêm trọng trong khu vực vốn đã tập trung nhiều vấn đề và mâu thuẫn chưa được giải quyết.