TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Suy tính chiến lược của các nước lớn trong cuộc đọ sức ở Biển Đông

Hàng loạt biện pháp của Trung Quốc tung ra trong vấn đề Biển Đông đã thu hút sự chú đặc biệt không chỉ của Mỹ và Nhật Bản, mà còn của cả Nga và Ấn Độ. Mỗi nước đều có suy tính chiến lược riêng trong cuộc đọ sức giữa các cường quốc ở Biển Đông.

Tin bien dong -Tin Biển Đông

Đối với Mỹ, nếu Trung Quốc chỉ tìm kiếm trở thành một cường quốc trên đất liền, từ bỏ tham vọng trở thành cường quốc trên biển, Trung Quốc sẽ không gây ra ảnh hưởng mang tính thực chất đối với địa vị chủ đạo thế giới của Mỹ. Thứ nhất, về vị trí địa lý, Trung Quốc lớn mạnh trên bộ cùng lắm chỉ trở thành một nước lớn ở khu vực châu Á, sức ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc không thể sánh với Mỹ. Thứ hai, ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc sẽ bị hạn chế trên đất liền, không thể vươn xa ra đại dương, điều này khiến Trung Quốc trở thành một gã khổng lồ què, đồng thời cũng không tạo thành mối đe dọa đối với ảnh hưởng quân sự của Mỹ tại Biển Đông. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc thực hiện thành công tham vọng trở thành cường quốc trên biển, Trung Quốc sẽ trở thành một gã khổng lồ đúng nghĩa, sẽ tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với địa vị chủ đạo thế giới của Mỹ. Gần đây, các động thái của Mỹ trong vấn đề Biển Đông hay quần đảo Điếu Ngư đã phản ánh rõ sự lo ngại cao độ của Mỹ trước tham vọng trở thành cường quốc trên biển của Trung Quốc. Có thể khẳng định rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp trên Biển Đông, đối kháng Trung-Mỹ tại đây sẽ ngày càng quyết liệt.

Sau Chiến tranh Thế giới Thứ II, lực lượng quân sự Nhật Bản tuy bị hạn chế, song không thể phủ nhận vị trí cường quốc tại châu Á của Nhật Bản. Vì là hai nước gần nhau nên nỗ lực trở thành cường quốc trên biển của Trung Quốc bị Nhật Bản coi là một mối đe dọa nghiêm trọng từ bên ngoài. Thứ nhất, Nhật Bản là một nước phụ thuộc nặng nề vào biển, nếu Trung Quốc xây dựng tại Biển Đông một lực lượng trên biển mạnh, đây là điều Nhật Bản không thể chấp nhận. Thứ hai, nếu Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông thành công, Trung Quốc sẽ có ưu thế trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư và tất nhiên Nhật Bản sẽ thất thế trong cuộc tranh chấp này, đây cũng là điều Nhật Bản không thể chấp nhận.

Gần đây, Nhật Bản đẩy nhanh xây dựng lực lượng quân sự, đưa ra Sách trắng Quốc phòng nhằm vào Trung Quốc, không chịu nhượng bộ trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư và đổ thêm dầu vào ngọn lửa tranh chấp Biển Đông, thực tế là nhằm cản trở các biện pháp phát triển lực lượng trên biển của Trung Quốc. Cùng với việc Trung Quốc từng bước thực hiện chiến lược biển, cọ sát Trung-Nhật trong lĩnh vực an ninh trên biển sẽ ngày càng gia tăng.

Hải quân Nga gần đây có kế hoạch tái xây dựng một căn cứ hải quân tại cảng Cam Ranh của Việt Nam, dồn dập ký kết các hợp đồng bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á, bán cho Việt Nam hàng loạt máy bay chiến đấu tiên tiến, tàu ngầm, tàu chiến và hệ thống chống tên lửa. Động thái này đang gia tăng những nhân tố bất ổn mới cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông, đồng thời phản ánh mối lo ngại sâu sắc trước khả năng Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Tuy Trung-Nga đã xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, song Nga không hề hy vọng Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo thực sự của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Về phần Ấn Độ, chiến lược Ấn Độ Dương của Niu Đêli đòi hỏi nước này phải can dự vào các sự vụ ở Biển Đông. Tuy xuất phát điểm của chiến lược Ấn Độ Dương nằm ở việc xây dựng ưu thế của Ấn Độ trên Ấn Độ Dương, song cùng với sự phát triển của chiến lược này và cùng với sự lớn mạnh của Hải quân Ấn Độ, Niu Đêli ngày càng cảm thấy không thỏa mãn với vị trí người đứng đầu Ấn Độ Dương. Mấy năm gần đây, Ấn Độ không ngừng tăng cường năng lực tác chiến viễn dương, xây dựng Bộ Tư lệnh Hải quân Viễn Đông tại quần đảo Andaman cách Đông Nam Á vài trăm cây số, mục đích của nó là quyết không chỉ tăng cường năng lực kiểm soát đối với Ấn Độ Dương, mà là mở rộng tầm ảnh hưởng tới khu vực Biển Đông rộng lớn.

Bên cạnh đó, Ấn Độ có ý đồ thông qua can thiệp vào vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc. Giới chiến lược Ấn Độ cho rằng Trung Quốc về lâu dài sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Ấn Độ, nhất là khi tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc không ngừng được đẩy nhanh và chính sách ngoại giao ngày càng cứng rắn. Do Trung Quốc và Ấn Độ có sự trùng hợp lợi ích về mặt chiến lược địa chính trị nên quan hệ Trung-Ấn trong tương lai sẽ chịu càng nhiều đối kháng địa chính trị. Trong bối cảnh này, Ấn Độ có ý đồ biến vấn đề Biển Đông thành một điểm trong chính sách kiềm chế Trung Quốc. Với sự can dự vào vấn đề Biển Đông, Ấn Độ không chỉ có điều kiện khai thác tài nguyên dầu khí ở vùng biển này và gia tăng quan hệ kinh tế, quốc phòng với các nước ASEAN, mà quan trọng hơn, với sự tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông, Ấn Độ có thể ngăn chặn việc Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương. Ngoài ra, có học giả Ấn Độ cũng chỉ ra rằng cần lợi dụng vấn đề Biển Đông để làm con bài chiến lược trong đàm phán biên giới trên bộ Trung-Ấn.

Theo mạng “Bình luận Trung Quốc” (Hồng Công) . Lê Sơn (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te