TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Những thách thức mang tên "Trung Quốc"

Bài phản hồi của thượng nghị sĩ James Webb đăng trên tờ Wall Street Journal có đưa ra một lời cảnh báo mạnh mẽ dành cho người sẽ làm ông chủ Phòng Bầu dục của Nhà Trắng sau ngày nhậm chức tháng Giêng...

...dù đó là tổng thống Obama đương nhiệm trong nhiệm kỳ thứ hai hay đối thủ Mitt Romney của đảng Cộng hòa trong nhiệm kỳ đầu tiên.
 
Jim Webb, Đảng viên Dân chủ bang Virginia, người sẽ rời chiếc ghế tại Thượng viện sau cuộc bầu cử tháng 11, kêu gọi quan tâm tới việc Trung Quốc ngày càng quả quyết trong việc áp đặt các tuyên bố chủ quyền tại khu vực rộng lớn và xa xôi ở châu Á, bao gồm 200 đảo (trong nhiều trường hợp chỉ là những đảo đá nhỏ không người sinh sống nhưng quan trọng về chiến lược) và hai triệu km2 biển.

Vị nghị sĩ này viết: "Vì tất cả những mục đích thực tế, Trung Quốc đã đơn phương quyết định sáp nhập một khu vực trải rộng từ một bên của Đông Á là Philippine, kéo dài xuống phía nam, tới tận eo biển Malacca". Yêu sách chủ quyền lãnh thổ "hoành tráng" này, bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông, xung đột với tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng với Trung Quốc trong khu vực, bao gồm Việt Nam, Nhật Bản và Philippine.

Bất chấp những phản đối từ các bên, Trung Quốc đã thành lập một "thành phố" mới gọi là "Tam Sa", với trụ sở đặt tại một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và chịu sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh.

Quần đảo Hoàng Sa cách phần cực nam của lãnh thổ Trung Quốc hơn 200 dặm (hơn 320km) về phía nam, và trong suốt nhiều thập niên Việt Nam luôn tuyên bố chủ quyền. Nhưng từ nay, các đảo này sẽ có tòa nhà văn phòng của 45 nghị sĩ Trung Quốc được bổ nhiệm quản lý cơ quan hành chính mới này, cùng với một Ủy ban thường trực gồm 15 thành viên, một thị trưởng và một phó thị trưởng.

Điều rủi ro ở đây chính là vấn đề khả năng kiểm soát các tuyến đường biển, quyền khai thác cá và trữ lượng khoáng sản lớn, cũng như vấn đề ai sẽ nắm ưu thế chiến lược trong khu vực. Trung Quốc dường như có xu hướng muốn giành giật sự thống trị chiến lược đó với Mỹ để có thể trở thành cường quốc chi phối khu vực. Và như vậy khả năng duy trì ổn định - và cả thịnh vượng - trong mấy thập niên gần đây của Mỹ trong khu vực sẽ biến mất.

Ông Jim Webb không phải là người đầu tiên đưa ra một lời cảnh báo như vậy, nhưng bài viết của ông nhấn mạnh thực tiễn trung tâm trong vở kịch đang diễn ra này - nghĩa là, vở kịch đang diễn ra nhanh hơn đa số người Mỹ nhận ra.

Châu Á đang chờ xem liệu Mỹ, như cách nói của nghị sĩ Jim Webb, "có đáp ứng vai trò dù không dễ chịu những cần thiết là người đảm bảo ổn định cho Đông Á hay không, hay liệu khu vực sẽ một lần nữa bị chi phối bởi tình trạng gây hấn và đe dọa".

Trung Quốc hiện nay thể hiện là mối đe dọa địa chính trị cơ bản nhất đối với Mỹ, và từ rất lâu rồi người ta mới thấy cần thiết Mỹ phải cứng rắn và lý trí như hiện nay trong vấn đề mối thách thức Bắc Kinh. Do vậy, vị tổng thống của năm tới không chỉ phải đối phó với thách thức này, mà ông còn phải trang bị cho đất nước sẵn sàng đương đầu với nó. Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ phải thực hiện những yêu cầu chính sách cấp bách.

Thoát khỏiAfghanistan một cách êm đẹp: Khi nhậm chức, Tổng thống Obama đẩy cao sứ mệnh Afghanistan để tiến hành một nỗ lực chống nổi dậy có ý nghĩa quan trọng, nghĩa là tập trung vào xây dựng đất nước. Kể từ đó, ông đã hạ thấp dần sứ mệnh này theo khái niệm gọi là "Afghanistan đủ tốt". Ý nghĩa chính xác của cum từ đó là gì không được vị tổng thống này công bố rõ, nhưng ông đã nói, đến cuối năm 2014, Afghanistan sẽ "chịu trách nhiệm hoàn toàn cho an ninh của mình".

Vì mối đe dọa Trung Quốc, "Afghanistan đủ tốt" đã thực sự chưa đủ tốt. Và thời hạn 2014 mơ hồ, việc không có lời giải thích rõ ràng Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực như thế nào sau thời điểm đó, rõ ràng chưa thể mang đến sự minh bạch chính sách mà nước này cần. Trong cuốn sách về chính sách đối ngoại của Obama, Confront and Conceal (Đối đầu và Che giấu), tác giả David E. Sanger của tờ New York Times viết, trong vòng một chục năm tới, du khách ghé thăm đất nước này sẽ gần như không còn thấy dấu vết gì từ cuộc thí nghiệm của Mỹ tại đây - "ngoài những thiết bị và căn cứ quân sự".

Tuy vậy, trên thực tế, Afghanistan gần như không cần các căn cứ Mỹ. Al Qaeda đã bị xóa sạch khỏi khu vực (mặc dù vẫn còn gây rắc rối ở một số nơi); Taliban không còn là mối đe dọa lớn đối với Mỹ; Afghanistan sẽ đi trên con đường của mình, như họ đã đi trong bao thế kỷ qua bất chấp những nỗ lực khuất phục đất nước của họ; và Mỹ không đủ sứ duy trì một nỗ lực như vậy về cả xương máu, tiền của và sự tập trung.

Thương lượng với Nga: Trong cuốn sách mới đây, The Revenge of Geography (Sự trả thù địa lý), Robert D. Kaplan viết, sở dĩ trung Quốc có khả năng triển khai lực lượng ra Thái Bình Dương là nhờ họ đã làm chủ được tình hình tại các biên giới đất liền Trung Á, "từ Mãn Châu Lý (Manchuria, thuộc Đông Bắc Á, một phần thuộc đông bắc Trung Quốc, một phần thuộc Viễn Đông của Nga) vòng ngược trở lại Tây Tạng". Ông giải thích: "Chỉ cần tiến ra biển với một phong thái như vậy, Trung Quốc đã chứng tỏ vị thế lợi thế của mình trên đất liền tại trung tâm của châu Á". Nhưng lợi ích của Nga sẽ không phải là cho phép Trung Quốc ung dung tự tại ở biên giới phía tây của mình, để mà thuận lợi tăng cường ảnh hưởng tại  Trung Á và kiểm soát việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên quý giá tại đó. Mỹ (và cả Nga) cũng không có lợi ích khi để Trung Quốc cứng rắn trong các yêu sách chủ quyền lãnh thổ tại Thái Bình Dương chỉ vì cảm thấy an toàn với tình hình đất liền của mình.

Do vậy, nếu Trung Quốc trở thành mối đe dọa chiến lược lớn nhất đối với Mỹ, một mối quan hệ vững chắc với Nga chính là yêu cầu chiến lược cấp bách nhất. Đã đến lúc Mỹ bỏ qua những sự không hài lòng với các vấn đề quản trị và nạn tham nhũng của Nga. Dù Nga có thể gây phiền toái, nhưng gần như không mang tính thách thức như thời kỳ Franklin Roosevelt và Winston Churchill trong chiến tranh thế giới thứ hai. Là một cường quốc khu vực, Nga có lợi ích khu vực chính đáng, và Mỹ nên thừa nhận chúng và lưu tâm trong nỗ lực thiết lập một mối quan hệ chắc chắn và đôi bên cùng có lợi với Nga - một mối quan hệ, nếu cần thiết, có thể giúp ích trong bất kỳ cuộc đối đầu nào trong tương lai với Trung Quốc.

Tránh chiến tranh với Iran: Mỹ hiện đang trên đường tham chiến với Iran, và đó là con đường được trải sẵn bởi Israel, nước đã đưa ra lời đe dọa về khả năng đơn phương tấn công chống lại Iran để khiêu khích lập trường của Mỹ đối với quốc gia Hồi giáo này. Cho đến nay, Thủ tướng Israel  Benjamin Netanyahu đã thuyết phục thành công Obama không cho Mỹ có bất kỳ ý định nào chấp nhận một Iran có vũ khí hạt nhân (không đồng nghĩa với một chính sách răn đe).

Điều đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có nên cho phép - hay liệu Iran có chấp nhận - một mức độ làm giàu uranium thấp hơn chỉ phục vụ cho mục đích hòa bình. Netanyahu phản đối cách tiếp cận như vậy, và cho rằng cách tiếp cận như vậy chưa chắc sẽ mở đường cho việc giải quyết hòa bình vấn đề này trong mọi trường hợp. Nhưng những lệnh chừng phạt quyết liệt hiện nay sẽ không tự nó giúp đạt được một phản ứng như mong muốn từ phía Iran nếu phản ứng đó bị cho là một sự xỉ nhục đối với Iran.

Đó là lý do cách tiếp cận làm giàu uranium vì mục đích hòa bình sẽ giúp mở lối cho tư duy của Mỹ về vấn đề này, ngay cả khi nó có nghĩa là một sự đoạn tuyệt thẳng thừng với Netanyahu. Người Mỹ sẽ ủng hộ tổng thống trong những trường hợp như vậy nếu tổng thống có thể xóa đi những rủi ro liên quan. Các nhà lãnh đạo Mỹ không nên dấn sâu vào những hoạt động huyên náo của báo chí như trong trang bìa tuần trước của tờ The Weekly Standard, đăng một bức ảnh lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei dưới dòng tít: "Kẻ nguy hiểm nhất thế giới". Nhưng thực tế, mối đe dọa lớn nhất của Mỹ ở cách xa con người này hàng nghìn dặm. Và Mỹ không nên cố đối đầu quân sự với Iran, nếu có thể tránh được, bởi một cuộc xung đột như vậy sẽ phá tan nền kinh tế toàn cầu và có khả năng gây bất ổn lan rộng trong khu vực.

Mỹ không nên giẫm chân lên đất Hồi giáo nữa: Trung Đông đang trong mớ bòng bong, cả khu vực đang trong nguy cơ bị bất ổn bởi nội chiến Syria. Các sự kiện tại đây có thể giáng một đòn mạnh vào lợi ích của Mỹ, phương Tây và phần lớn các nước công nghiệp. Hành động quân sự của Mỹ thực tế tỏ ra là cần thiết để ổn định khu vực nhưng Mỹ nên cố hết sức để tránh một biện pháp như vậy. Một sự can thiệp nữa của Mỹ vào khu vực sẽ gây kích động phong trào chống đối rất cao. Nhưng việc đứng ngoài và quan sát cũng không phải là một chính sách hợp lý. Tình hình hiện nay đòi hỏi những nỗ lực khôn khéo, sáng tạo và âm thầm, luôn phối hợp với các cường quốc hồi giáo trong khu vực, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, để tránh một kết cục tồi tệ nhất và giữ tình hình Iran dưới tầm kiểm soát tốt nhất có thể. nên hết sức hạn chế áp lực đòi Mỹ tham gia vào Syria vì lý do nhân đạo cũng.

Nhu cầu tăng trưởng kinh tế: Obama chưa phải là một tổng thống thành công trên mặt trận kinh tế. Tăng trưởng kinh tế yếu đuối trong gần như suốt giai đoạn ông làm tổng thống. Điều này đòi hỏi phải thay đổi lập tức. Nhưng giải quyết vấn đề tăng trưởng không gây trầm trọng thêm vấn đề nợ vốn rất gay gắt của nước này sẽ không dễ dàng. Đó là lý do tại sao nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo phải dành nhiều thời gian cho một cuộc cải cách tài chính toàn diện nhằm giải quyết tình trạng chi tiêu liên bang không kiểm soát và một cuộc cải cách thuế toàn diện để vừa giảm thuế vừa xóa bỏ phần lớn những ưu đãi thuế, bao gồm nhiều ưu đãi bị coi là không thể đụng chạm trong suốt nhiều thập niên. Chỉ có cách khôi phục lại sức mạnh tài chính Mỹ mới có thể đối phó với các thánh thức lớn kiểu như đang xuất hiện tại châu Á. Nhưng điều này đòi hỏi một sự ủng hộ rộng rãi cho vai trò lãnh đạo của tổng thống, một thứ lãnh đạo mà nước Mỹ đã không thấy từ lâu.

Như bài viết của Webb trên Wall Street Journal vừa làm rõ, Obama đã khôn ngoan khi kịp thời "chuyển hướng trọng tâm" về châu Á. Nhưng như vậy đơn giản là chưa đủ nếu chỉ chuyển trọng tâm, thiếu quyết liệt trong chính sách đối ngoại châu Á và những tuyên bố về các vấn đề. Như Webb viết, "Vấn đề là liệu Trung Quốc năm 2012 có thực sự muốn giải quyết các vấn đề thông qua các chuẩn mực quốc tế được chấp nhận, và liệu nước Mỹ năm 2012 có ý chí và khả năng khẳng định cách tiếp cận này chỉ là con đường dẫn tới ổn định hay không".

Chính sách giải quyết thách thức này của Mỹ vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nó đòi hỏi ngoại giao khôn khéo, hợp lý, linh hoạt nhưng cũng cứng rắn, kết hợp với quyết tâm và hiểu biết rõ ràng về những rủi ro liên quan. Nhưng cũng cần phải nhận ra rằng Mỹ phải tập trung vào các ưu tiên, phải chấp nhận không thể làm mọi thứ ở mọi nơi trên thế giới, và phải tránh mất tập trung khi đối mặt với những thách thức khó khăn nhất. Trong số những thách thức, không có thách thức nào cấp bách cần giải quyết hiện nay hơn thách thức Trung Quốc.

  • Robert W. Merry là biên tập của tờ The National Interest và tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử và chính sách đối ngoại nước Mỹ. Tác phẩm mới nhất của ông là Where They Stand: The American Presidents in the Eyes of Voters and Historians.
Theo Đình Ngân
Nationalinterests/Tuanvietnam

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te