TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Rồng-Hổ Châu Á: Từ kình địch trở thành đối tác?

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đang có chuyến thăm hiếm hoi đến Ấn Độ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước được ví là rồng, hổ của khu vực Châu Á này. Nhiều người đang tự hỏi, liệu Trung Quốc và Ấn Độ có gạt bỏ được sự kình địch để trở thành đối tác thân thiết của nhau hay không..
 
Bộ trưởng Lương Quang Liệt đã đặt chân đến thành phố Mumbai – trung tâm tài chính của Ấn Độ, trong chiều ngày hôm qua (2/9). Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đến Ấn Độ trong vòng 8 năm trở lại đây. Chuyến thăm của ông Lương Quang Liệt được cho là sẽ giúp hai nước Trung-Ấn tránh được một cuộc đối đầu ở khu vực biên giới trong bối cảnh Bắc Kinh đang chìm trong những cuộc tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông và nước này chuẩn bị có sự thay đổi lãnh đạo cấp cao nhất.
 
Tuy nhiên, người ta tin rằng, chuyến thăm của Bộ trưởng Lương Quang Liệt cũng cho thấy sự đối đầu ngày càng tăng giữa hai cường quốc mới nổi đang tranh giành ảnh hưởng và các nguồn lực ở Châu Á.
 
Ông Lương Quang Liệt đến Ấn Độ sau khi dừng chân ở Sri Lanka – quốc đảo ở ngoài khơi bờ biển phía nam Ấn Độ - một trong những tuyến đường biển quan trọng hàng đầu thế giới. Tại đây, Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt đã tìm cách trấn an nỗi quan ngại của Ấn Độ về việc Trung Quốc đang xâm chiếm một loạt đảo bao quanh Ấn Độ hoặc đang bao vây Ấn Độ bằng cách xây các cơ sở hạt tầng tài chính và sức mạnh quân sự ở một loạt nước trải dài từ Pakistan đến Maldives.
 
"Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ với các quốc gia Nam Á. Trung Quốc cam kết cùng chung sống hòa hợp và củng cố mối quan hệ hợp tác cùng có lợi với các nước trong khu vực”, ông Lương Quang Liệt đã phát biểu như vậy trước các binh lính Sri Lanka.
 
"Nỗ lực của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) trong việc tiến hành những trao đổi thân thiện và hợp tác với các đối tác Nam Á là nhằm duy trì an ninh và sự ổn định trong khu vực chứ không nhằm vào bất kỳ bên thứ 3 nào”.
 
Với tư cách là hai nước láng giềng đồng thời là hai siêu cường mới nổi của Châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc có mối quan hệ rất phức tạp. Thương mại song phương giữa hai nước phát triển với tốc độ chóng mặt, với giá trị trao đổi thương mại từ mức 3 tỉ USD cách đây một thập kỷ nhảy vọt lên mức 75,5 tỉ USD hàng năm hiện nay. Tuy nhiên, Bắc Kinh luôn tỏ ý lo ngại với mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa Ấn Độ với Washington. Ngược lại, New Delhi cũng cảm thấy bất an trước những động thái tăng cường sức mạnh quân sự hiện nay của Trung Quốc. Ngoài ra, hai nước, đặc biệt là Ấn Độ, chưa thể quên được cuộc chiến tranh biên giới giữa họ cách đây một thế kỷ.
 
Bất chấp 15 vòng đàm phán cấp cao đã diễn ra nhằm giải quyết cuộc tranh chấp giữa New Delhi và Bắc Kinh xung quanh việc biên giới Himalaya nằm ở đâu, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không chịu nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ.
 
Trong chuyến thăm đến Ấn Độ lần này, Bộ trưởng Lương Quang Liệt sẽ có cuộc thảo luận với người đồng cấp A.K. Antony về vấn đề an ninh biên giới. Hai Bộ trưởng có thể sẽ thông báo về một vòng tập trận quân sự chung mới sau các cuộc diễn tập chung của hải quân hai nước gần đây ở Thượng Hải.
 
Không có thông tin chi tiết nào về chuyến thăm của ông Lương Quang Liệt được công bố thêm nhưng New Delhi và Bắc Kinh được cho là sẽ bàn bạc với nhau về hai nước láng giềng chung của họ là Afghanistan và Pakistan cũng như những thách thức an ninh mà họ đối mặt khi lực lượng NATO rời khu vực năm 2014.
 
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cam kết đạt được sự thịnh vượng thông qua các phương tiện hòa bình.
 
Liệu Trung Quốc, Ấn Độ có thể trở thành những người bạn thân thiết?
 
Có thể nói, Trung Quốc và Ấn Độ có thể bắt tay hợp tác với nhau nhưng giữa họ sẽ không thể gạt bỏ được sự kình địch. Hai nước này được cho là sẽ tiếp tục cuộc đua căng thẳng nhằm tranh giành ảnh hưởng trong khu vực cũng như các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của họ.
 
Trung Quốc đang là cường quốc số 1 Châu Á. Tuy nhiên, với sức mạnh ngày một gia tăng, Ấn Độ cũng muốn có được vai trò ngang ngửa Trung Quốc ở khu vực phát triển đầy năng động này. Ấn Độ đang ngày một mạnh lên. Đó là điều không ai có thể phủ nhận. Cùng với sự phát triển kinh tế của mình, New Delhi đã mạnh tay đầu tư cho quân đội. Ấn Độ đang trở thành quốc gia mua sắm vũ khí nhiều nhất thế giới trong 5 năm qua. Những bước phát triển vượt bậc của Ấn Độ khiến Trung Quốc thực sự cảm thấy lo ngại. Ấn Độ thực sự có thể thách thức sức mạnh của Trung Quốc.
 
Ngoài việc tìm kiếm một vị trí xứng đáng trong khu vực Châu Á, Ấn Độ tăng cường sức mạnh của mình là còn vì lý do nước này quan ngại với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc. New Delhi tin rằng, sự lớn mạnh của Trung Quốc đe dọa đến vị thế, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ. Trung Quốc và Ấn Độ đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực biên giới, nếu để mình yếu hơn, New Delhi sẽ gặp bất lợi trong cuộc tranh chấp này.
 
Những phát biểu gần đây của giới lãnh đạo ở New Delhi đã thể hiện rõ mối quan ngại nói trên. Các quan chức Ấn Độ tin rằng, nước láng giềng Trung Quốc đang để mắt tới lãnh thổ của Ấn Độ. Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với toàn bộ một bang nằm trong lãnh thổ Ấn Độ, đó là bang Arunachal Pradesh. Trung Quốc cũng đang tìm cách bao vây Ấn Độ từ mọi phía để kiềm chế sự phát triển của nước này.
 
Với những lý do trên, các nhà phân tích nhận định, “rồng” Trung Quốc và “hổ” Ấn Độ sẽ còn tiếp tục hầm hè với nhau và sẽ tiếp tục cạnh tranh gay gắt với nhau trong khu vực.

 

Kiệt Linh / Theo VNMedia

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te