TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Singapore và sự can dự của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương

Các nhà lãnh đạo Singapore coi trọng và khích lệ một nước Mỹ luôn quan tâm và có ảnh hưởng lớn ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương. Họ tin rằng một nước Mỹ hùng mạnh và can dự sẽ giữ cho khu vực này ổn định và giúp Xinhgapo tự do theo đuổi những lợi ích của mình.

nuoc mỹ

Dù là những thực thể riêng biệt về mặt chính trị - nước Mỹ với tư cách một nền dân chủ tự do đứng đầu thế giới và Xinhgapo với tư cách một quốc gia không tự do mới “được khai sáng” – hai nước này tuy thế chia sẻ niềm tin vào chủ nghĩa tư bản thị trường, vào sự ổn định và sự tiếp cận trong phạm vi những tài sản chung toàn cầu, sự cai trị của pháp luật và những điều tương tự. Lần lượt tháng 5/2003 và tháng 7/2005, Xinhgapo đã ký kết Hiệp định buôn bán tự do và Hiệp định khung chiến lược với Mỹ theo đó mở rộng hơn nữa các mối quan hệ đáng kể vốn có về an ninh, chính trị và kinh tế song phương, làm cho họ trở thành những đồng minh trong gần như mọi lĩnh vực trừ trên danh nghĩa. Một liên minh chính thức hiện không nằm trong lợi ích của Xinhgapo, do hành trang chính trị kèm theo nó, mà phần lớn không được sự ưa thích của bất kỳ nước nào trong khu vực được xác định có sự cạnh tranh về quyền lợi và những hệ tư tưởng bất đồng, một số hệ tư tưởng đó còn theo xu hướng chống Mỹ. Tuy nhiên, sự thận trọng kiểu như vậy không ngăn cản được việc hình thành một mối quan hệ đối tác thân thiện mà trong những mặt chủ chốt vượt ra ngoài đặc tính các mối quan hệ của Mỹ với các nước đồng minh Đông Nam Á của nước này, như với Thái Lan và Philíppin. Và mặc dù việc áp dụng chính sách đối ngoại của Mỹ trong lịch sử đôi lúc gây rắc rối cho Xinhgapo - trong một vài trường hợp, được coi như sự “can dự” vào các công việc nội bộ của Xinhgapo – các nhà lãnh đạo Xinhgapo vẫn tin rằng địa vị đứng đầu của Mỹ trong khu vực là cần thiết, mà nếu không có nó Xinhgapo sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều về mặt kinh tế, chính trị và chiến lược. Cái mà điều này được thể hiện ra chính là sự tin tưởng vững chắc trong giới lãnh đạo Xinhgapo về vai trò không thể thiếu của Mỹ đối với an ninh ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương và về phương diện chính sách thực tế, sự can dự liên tục và mạnh mẽ của các Chính quyền Mỹ kế tiếp nhau (Dân chủ và Cộng hòa) sẽ bảo đảm việc Mỹ tiếp tục cam kết và hiện diện ở khu vực này. Đối với người Xinhgapo, kết quả của chính sách như mong đợi về sự can dự của Mỹ được diễn tả tiêu biểu dưới dạng tác động phản công lại và ổn định hóa của quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ chống lại những kỳ vọng bá chủ của những đối thủ cạnh tranh đầy tiềm năng - và đối với Xinhgapo là khó chấp nhận hơn.

Như ông Lý Quang Diệu của Xinhgapo đã từng phát biểu trước cử tọa của tổ chức Heritage Foundation hồi tháng 4/1986 (vào đỉnh điểm của cuộc cách mạng Reagan), “Sự đổi mới về lòng tự tin ở Mỹ đã khẳng định lại một lần nữa với chúng ta rằng Mỹ sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Chính sự cân bằng quyền lực này đã giúp các nền kinh tế theo xu hướng thị trường tự do phát triển.”Quan điểm này được giữ vững cho đến tận ngày nay và, các mặt khác không thay đổi, sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai trước mắt, bất kể xu hướng lợi ích chính sách của Mỹ trong khu vực dễ thay đổi. Như Lý Hiển Long, Thủ tướng hiện nay của Xinhgapo, đã nói trong chuyến thăm Oasinhtơn của ông hồi tháng 5/2007: “Chúng ta thấy Mỹ có vai trò rất tích cực và độc nhất vô nhị ở khu vực này suốt từ cuộc Chiến tranh thế giới II. Cảnh quan ở châu Á đang thay đổi, nhưng Mỹ vẫn đóng một vai trò mà không một ai khác có thể đóng nổi, giữ thái độ trung lập và thúc đẩy sự ổn định khu vực, tạo điều kiện cho các nước khác phát triển và phồn thịnh trong một môi trường ổn định.” Xinhgapo rõ ràng hoan nghênh sự hiện diện về chiến lược, ngoại giao, và kinh tế lâu dài của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng chính xác là kiểu chủ nghĩa quốc tế Mỹ nào mà các nhà lãnh đạo Xinhgapo muốn thấy - một kiểu mà theo suy nghĩ và cảm nhận của họ trong lịch sử đã đóng góp cho hòa bình, phồn thịnh và ổn định của khu vực và là kiểu sẽ tiếp tục được thực hiện như vậy trong một tương lai trước mắt? Bài báo này sẽ thảo luận ngắn gọn những cách diễn đạt hiện nay về chủ nghĩa quốc tế Mỹ và những tác động của chúng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, những nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại của Xinhgapo, và việc nước Mỹ, theo quan điểm của Xinhgapo, sẽ để nhà nước - thành phố này thúc đẩy tốt nhất những lợi ích của mình. Bản nghiên cứu này sẽ bao gồm cả việc bàn thảo vắn tắt về Trung Quốc, nước mà sự hiện diện về chính trị, kinh tế và ngày càng tăng về chiến lược đang trở nên rõ ràng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bản nghiên cứu cũng bàn về sự hiện diện của Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến quan điểm của Xinhgapo về sự can dự của Mỹ ở khu vực này.

Tranh cãi về chủ nghĩa quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh của Mỹ

Như sự hiểu biết và truyền thuyết được biết đến về chính sách đối ngoại của Mỹ cho thấy - ngoài một vài trường hợp ngoại lệ chẳng hạn như cuộc chiến tranh năm 1812, Học thuyết Monroe và cuộc Chiến tranh Mêhicô - Mỹ chủ yếu trung thành với xu hướng theo chủ nghĩa biệt lập trong phần lớn thế kỷ 19. Làm như vậy, Mỹ ít nhiều đã tỏ ra trung thành với những lời kêu gọi của George Washington và của Thomas Jefferson đối với những đồng bào Mỹ của họ là tránh những liên minh vĩnh cửu (lời của Washington ) và tránh những liên minh rắc rối (lời của Jefferson ). Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, William McKinley, khi phát biểu trước công chúng Mỹ vào tháng 9/1901 trong bối cảnh của cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha và chủ nghĩa toàn cầu Mỹ đang nổi lên, đã tuyên bố rằng “Thượng đế và con người đã liên kết các nước lại với nhau và không một nước nào còn có thể tỏ ra thờ ơ đối với bất kỳ một nước khác nữa.”Với cái chết không may mắn của McKinley (bị ám sát) vào ngày sau khi ông đọc bài diễn văn của mình, trách nhiệm được trao cho Theodore Roosevelt để làm cho nước Mỹ hiểu rằng “sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng và sự phức tạp của các mối quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế đã trao trách nhiệm và phận sự cho tất cả các nước văn minh và tuân thủ trật tự chú trọng đến một sự kiểm soát đúng đắn đối với thế giới.” Mặc dù có một thời kỳ theo xu hướng biệt lập trong những năm giữa các cuộc chiến tranh ở châu Âu, chính sách đối ngoại của Mỹ trong thế kỷ 20 chủ yếu được định rõ bởi sự can dự của Mỹ trong cuộc Chiến tranh thế giới II, chính sách ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản trong cuộc Chiến tranh Lạnh, cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất và hàng loạt hoạt động có lựa chọn trong sự “can thiệp nhân đạo”(Như ở Xômali trong giai đoạn 1992 – 1993, ở Nam Tư trước đây vào năm 1999), và tiếp đó là cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu (GWOT) và các cuộc chiến tranh ở Ápganixtan và ở Irắc trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.

Liệu Mỹ nên lưu ý đến những điều báo trước để tránh các mối quan hệ gây rắc rối với các nước còn lại trên thế giới và rút lui vào chủ nghĩa biệt lập, hay nên theo đuổi chính sách theo đường lối quốc tế theo đó có thể dính líu – và thường là đã dính líu - đến những nỗ lực kiểm soát thế giới, được hoan nghênh hay không? Có nguy cơ đơn giản hóa quá mức, chính sách đối ngoại của Mỹ trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh chủ yếu nghiêng về xu hướng quốc tế hơn là biệt lập. Tiếp theo sự tan rã của Liên Xô, các học giả tự do và bảo thủ mới đã báo trước “sự kết thúc của lịch sử” và “thời điểm đơn cực” tiếp theo đó của sự thống trị Mỹ. Ở đây, phải nhắc lại rằng những quan niệm (và những chỉ trích có liên quan) về chủ nghĩa đơn phương Mỹ bắt đầu xuất hiện từ trước khi Chính quyền George W. Bush lên cầm quyền và trước khi có những hành vi được hiểu là quá mức của chính sách đối ngoại được định hình theo xu hướng bảo thủ mới. Bất kể sự ưu tiên được khẳng định rõ của Tổng thống Clinton về “chủ nghĩa đa phương quyết đoán”, chính quyền ông được mô tả đã “cho thấy ý định ngày càng tăng về việc hành động đơn phương và quyết định không tham gia vào các sáng kiến đa phương.” Điều đáng nhớ là lời mô tả Mỹ như một “siêu cường” của Ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine được đưa ra trong những năm dưới thời Tổng thống Clinton, phản ánh những bất đồng sâu sắc trước chính sách của NATO đối với vấn đề Bôxnia và mức độ những căng thẳng xuyên Đại Tây Dương vào cuối những năm 1990. Đối với nhiều người, những sự việc sau sự kiện 11/9 và cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố diễn ra sau đó đã chứng tỏ hai điều. Điều thứ nhất, lịch sử - được xác định một cách thô thiển, công bằng hoặc ngược lại, một mặt giống như một cuộc chiến giữa dân chủ và hiện đại và mặt khác là giữa chủ nghĩa độc đoán và chủ nghĩa phong kiến bị ảnh hưởng bởi tôn giáo – rõ ràng chưa kết thúc. Điều thứ hai là những sự kiện đã nhấn mạnh đến bản chất quá độ hoặc viển vông của tính đơn cực Mỹ.

Những gì được minh họa ở trên cho thấy một kiểu đặc biệt của chủ nghĩa quốc tế mà chính sách đối ngoại hậu Chiến tranh Lạnh của Mỹ xem ra đã chấp nhận. Đúng với đề nghị của Roosevelt về việc “kiểm soát thế giới một cách đúng đắn”, nước Mỹ hậu Chiến tranh Lạnh ít nhiều đã tìm cách làm cho tinh tế hơn – và trong một số mặt nhất định – định nghĩa lại - những nguyên tắc cơ bản của vai trò lãnh đạo mặc định của nước này như một siêu cường độc nhất trên thế giới. Theo quan điểm của các nước đồng minh châu Âu (trên lục địa) của Mỹ, những năm dưới thời các Tổng thống Mỹ Clinton và Bush đã đem lại lý do để phàn nàn, dẫn đến những lời chỉ trích Mỹ – không có lý do xác đáng trong hầu hết các trường hợp, nhưng rất rõ ràng trong một số trường hợp khác - như một nước “bá chủ nhân từ” thì ít mà là “nước bất lương và/hoặc hiếu chiến” thì nhiều. Chủ nghĩa đơn phương của Mỹ cổ vũ cho ấn tượng nước “bá chủ nhân từ” (hoặc “đế chế rộng lượng”, theo một cách diễn đạt khác) hoàn toàn không phải như vậy. Những gì mà Chính quyền Clinton đề xướng, Chính quyền Bush đã đưa ra thêm một vài biện pháp chủ chốt nữa. Như đã được điển chế trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Tổng thống Bush năm 2002, chiến lược lớn của Mỹ (ít nhất về mặt lý thuyết) đã ảnh hưởng đến sự điều chỉnh chủ yếu trong việc giảm bớt sự nương tựa theo truyền thống của Oasinhtơn vào các đồng minh có uy tín và các thể chế quốc tế, mở rộng quyền ngăn chặn trước theo truyền thống thành một học thuyết mới về chiến tranh ngăn chặn và ủng hộ việc dân chủ hóa một cách ép buộc như một giải pháp đối với chủ nghĩa độc đoán và chủ nghĩa khủng bố ở Trung Đông. Chính quyền Obama tiếp tục những sự đảo ngược được khởi xướng trong nhiệm kỳ hai của Bush, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các đồng minh, các thể chế và quan hệ ngoại giao quốc tế, dẫn đến việc một vài nhà phân tích mô tả Tổng thống Obama như một người có đầu óc thực tế. Theo lời của cựu chánh văn phòng của ông, Obama là một người ủng hộ chính trị thực dụng theo khuôn mẫu của George H. W. Bush, coi trọng tầm quan trọng của những mối quan hệ cá nhân, nhưng hờ hững về những lợi ích của Mỹ.

Bất kể cái gọi là ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực trong chính sách đối ngoại của Mỹ, một số người nghi ngờ liệu nước Mỹ đã từng áp dụng chiến lược về sự cân bằng quyền lực - được hiểu một cách đặc trưng như một trạng thái cân bằng tương đối giữa các nước lớn - đối với các quan hệ bên ngoài của nước này hay chưa. Như Henry Kissinger đã từng lập luận: “Nước Mỹ thấy được khả năng của chính mình trong một thế giới mà rất ít kinh nghiệm lịch sử của nước này đã chuẩn bị cho nó. Được bảo vệ giữa hai đại dương lớn, Mỹ đã bác bỏ quan niệm về sự cân bằng quyền lực và tin chắc rằng nước này hoặc là có khả năng đứng ngoài các cuộc tranh cãi giữa các nước khác hoặc có thể mang lại hòa bình trên thế giới bằng việc chú trọng đến việc thực thi những giá trị riêng về dân chủ và quyền tự quyết của nước này.” Vì vậy, trong chừng mực mà người Mỹ đã chọn chủ nghĩa quốc tế thay cho chủ nghĩa biệt lập, họ tiêu biểu đã làm như vậy với vai trò bá chủ thế giới hoặc đế chế thế giới như kết quả được mong đợi của họ, tin chắc rằng phần còn lại của thế giới chia sẻ quan điểm của họ. Đối với gần như khắp mọi nơi, Mỹ đã sử dụng ưu thế về kinh tế và quân sự của mình để thúc đẩy một trật tự thế giới ổn định, vì vậy gìn giữ được hòa bình và mở rộng sự phồn thịnh. Tuy nhiên, không phải tất cả đều hoan nghênh cuộc sống chịu tác động theo kiểu hòa bình Mỹ. Một học giả nổi tiếng đã lên tiếng khuyên rằng con đường trung dung nhạy cảm hợp lý dành cho Mỹ một mặt sẽ là công nhận ưu thế vượt trội của chính mình, trong khi mặt khác hành động như thể chỉ là một trong một vài trung tâm quyền lực. Một vài khả năng có thể nảy sinh từ điều kiện của xu hướng đa cực, thực sự hoặc ngược lại. Một sự phối hợp các quyền lực để cùng điều hành trật tự quốc tế là một; quan điểm của cựu Thủ tướng Ôxtrâylia Kevin Rudd về một cộng đồng châu Á–Thái Bình Dương (2008), vốn dựa vào sự phối hợp của các nước lớn và vừa - một đề nghị được Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) tranh luận - là một biến thể. Sự cân bằng quyền lực lại là một biến thể khác; Tuy nhiên, cứ cho rằng Kissinger đã đúng về việc Mỹ bác bỏ sự cân bằng quyền lực, điều đó đặt ra những nghi ngờ về những quan điểm có từ lâu về vai trò của Mỹ như một “người cân bằng bên ngoài” đối với các đối thủ chiến lược ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương. Những người khác chấp nhận quan điểm về sự suy sụp của Mỹ dù sao tin rằng trật tự thế giới tự do và các thể chế cũng như những chuẩn mực quốc tế – do Mỹ thiết lập - hỗ trợ cho nó sẽ vẫn còn có giá trị.

Địa vị đứng đầu của Mỹ và khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Vấn đề cần giải quyết liên quan đến địa vị đứng đầu của Mỹ ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương từ lâu đã nhận được sự ủng hộ vững chắc của các nhà nghiên cứu nổi tiếng về vấn đề an ninh ở khu vực này. Cái gọi là hệ thống San Francisco “trục và các nan hoa” bắt nguồn từ sự kình địch trong hệ tư tưởng Đông–Tây thời Chiến tranh Lạnh, đã mô tả những nét nổi bật của hàng loạt dàn xếp song phương giữa Mỹ và các đồng minh khác nhau. Dàn xếp chủ chốt trong số những dàn xếp này là thỏa thuận được ký kết với Nhật Bản năm 1951. Thêm các hiệp ước an ninh song phương nữa được ký kết sau đó với các nước đồng minh châu Á mà đỉnh điểm là việc hình thành Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) vào năm 1955. Mặc dù SEATO đã chính thức bị giải tán vào năm 1977, hai nước ký kết Hiệp ước Manila năm 1954 (Philíppin và Thái Lan) vẫn ít nhiều là các nước đồng minh vững chắc của Mỹ ngày nay, ngay khi họ - rất giống nhiều bên đối tác Đông Nam Á của họ - tham gia những chiến lược phòng ngừa đối với Trung Quốc và các cường quốc khác hơn là đối với Mỹ. Nhiều nhà quan sát đã lưu ý đến những cơ cấu an ninh do Mỹ cầm đầu trái ngược nhau đối với châu Á và châu Âu trong cuộc Chiến tranh Lạnh: một mặt là các liên minh song phương ở châu Á và mặt khác là những thỏa thuận quốc phòng chung đa phương (NATO) ở châu Âu. Theo Henry Kissinger, thách thức lâu dài và quan trọng nhất đối với Mỹ là xây dựng một mối quan hệ có hệ thống với khu vực châu Á–Thái Bình Dương vượt ra ngoài khuynh hướng của Chiến tranh Lạnh.

Về cơ bản, bất kỳ một cuộc tranh luận nào về chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa biệt lập trong chính sách của Mỹ đối với châu Á đều là một cuộc tranh luận gây tranh cãi vì chủ nghĩa biệt lập của những năm giữa hai cuộc chiến đã chỉ xảy ra ở châu Âu và không phải ở châu Á. Chắc chắn là sự can dự tích cực theo cách khác của Mỹ ở châu Á xuyên suốt từ thế kỷ 20 cho đến nay đã được đánh dấu bằng một số giai đoạn không thường xuyên của thái độ nước đôi về chiến lược và chính trị xét về phía người Mỹ - chẳng hạn như đã xảy ra sau sự sụp đổ của Chính quyền Sài Gòn năm 1975, hoặc sau việc đóng cửa các căn cứ Clark và Subic ở Philíppin tương ứng vào năm 1991 và 1992 – cũng như cú sốc chính trị của Học thuyết Nixon (tháng 7/1969), theo đó trao trách nhiệm chính cho giới quân sự của các đồng minh Mỹ (mặc dù Oasinhtơn sẽ sẵn sàng cung cấp viện trợ theo đề nghị). Mỹ đôi lúc cũng rút lại sự ủng hộ của nước này đối với các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như quyết định của Chính quyền Clinton cắt đứt các quan hệ với giới quân sự Inđônêxia trong năm 1999 sau khi nhận thấy những hành động vi phạm nhân quyền của Inđônêxia ở Đông Timo. Gần đây hơn là việc Chính quyền Bush theo đuổi cuộc Chiến tranh Irắc, thuyết trình của nước này về việc thay đổi chế độ, và học thuyết của Mỹ về chiến tranh ngăn chặn đã làm dấy lên những xu hướng chống Mỹ mạnh mẽ trong các xã hội Đông Nam Á với một lực lượng cử tri Hồi giáo đáng kể (bao gồm cả Xinhgapo, mặc dù dưới hình thức ít khoa trương hơn đáng kể). Đồng thời cần lưu ý rằng Hội nghị các nhà lãnh đạo Mỹ - ASEAN tổ chức phiên khai mạc tại Thái Lan hồi tháng 11/2009 với sự tham dự của Tổng thống Obama sự thật là theo sáng kiến của người tiền nhiệm của ông. Người ta có thể cho rằng bất kể một chính sách còn đang gây tranh cãi về chủ nghĩa đa phương, chính sách của Bush đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngoài các quan hệ đồng minh của nước này, nếu cân nhắc kỹ vẫn còn tập trung vào ASEAN, mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Rice đã vắng mặt trong Diễn đàn Khu vực ASEAN. Điều quan trọng là khu vực châu Á–Thái Bình Dương đã nhận được sự quan tâm thuận lợi về mặt chính sách của Tổng thống Obama, người đã ám chỉ bản thân ông là “Tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ.” Việc đưa cả Mỹ (và Nga) tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á, một quyết định do Hội nghị Bộ trưởng ASEAN đưa ra hồi tháng 7/2010, bóng gió nhắc đến việc Mỹ tăng cường can dự ở khu vực này cũng như việc Chính quyền Obama cho thấy rõ việc sẵn sàng có ý kiến về các vấn đề an ninh khu vực chẳng hạn như các cuộc tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa. Điều đó cho thấy, những sự quan tâm của khu vực về GWOT và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 – 2009 – gây ra bởi cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn ở Mỹ (do người Trung Quốc không bao giờ quên lưu tâm mọi người) - đã dẫn đến những sự chỉ trích giới lãnh đạo Mỹ và thất bại nhận thấy rõ của “sự đồng thuận Oasinhtơn” theo xu hướng tự do mới (mà theo một số người là để ủng hộ “sự đồng thuận Bắc Kinh”) như nền tảng cho một trật tự kinh tế quốc tế.

“Con voi khác” ở trong phòng: Trung Quốc

china
Không cần phải nói, sự ủng hộ đối với địa vị đứng đầu của Mỹ ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương là phức tạp trước sự tồn tại khắp nơi của sự phòng ngừa chiến lược trong chính sách đối ngoại của Xinhgapo và các nước Đông Nam Á khác đối với các cường quốc chủ yếu. Về mặt này, ảnh hưởng kinh tế và tầm với ngoại giao của Trung Quốc là rộng lớn. Như Lý Hiển Long có lần đã thừa nhận, “Xinhgapo sẽ không và không bao giờ đứng về phe với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Không nghi ngờ gì Xinhgapo cảm thấy những ảnh hưởng của một nước Trung Quốc đang nổi lên, nhưng những gì họ sẽ làm là thúc đẩy Mỹ bắt tay với Trung Quốc. Xinhgapo hiện rất thực tế và không có bất kỳ rắc rối nào về tư tưởng với việc này.” Điều này đã khích lệ quan điểm giữa một vài học giả rằng Trung Quốc đã giành lại vị trí lịch sử của mình như một trung tâm kinh tế và chính trị của châu Á. Tuy nhiên, những người khác quả quyết rằng hầu hết các nước châu Á đều tỏ ra miễn cưỡng đứng về phe với Trung Quốc. Ngoài ra, trong lúc này, trong khi Trung Quốc được coi là đối tác kinh tế được lựa chọn giữa một số nước châu Á – ngay cả khi nước này cạnh tranh với các nước đó về mặt sản xuất và đầu tư nước ngoài –không chắc Bắc Kinh sẽ nhanh chóng thay thế được Oasinhtơn vào bất kỳ thời gian nào sớm như một nước đảm bảo an ninh được chấp nhận cho khu vực này. Điều đáng chú ý là chính sách phòng ngừa của Xinhgapo được điều hành với một chừng mực tự do nhất định mà các đối tác châu Á gần gũi về mặt địa lý với Bắc Kinh không có được. Như Goh chỉ rõ, các nước Đông Nam Á trên lục địa như Campuchia và Việt Nam áp dụng chính sách phòng ngừa Trung Quốc vì các nước này buộc phải làm như vậy, nhưng Xinhgapo áp dụng chính sách đó vì nước này có thể làm, một phần nhờ quyền tự trị tương đối có được bởi khoảng cách địa lý. Về cơ bản, các nhà lãnh đạo Xinhgapo tin rằng Trung Quốc không vui lòng cũng như chẳng sẵn sàng gì trong việc gánh vác bình đẳng trách nhiệm về quản lý hệ thống quốc tế. Trung Quốc cũng không tìm kiếm cái mà Zbigniew Brzezinski gọi là quan hệ đối tác “G2” với Mỹ, đặc biệt không phải là quan hệ đối tác có thể áp đặt những đòi hỏi và những mong đợi đáng kể lên Bắc Kinh như một nhà cung cấp hàng hóa công cộng trên phạm vi toàn cầu. Cũng chính nhận thức này đã khiến Lý Quang Diệu, người trong thời gian gần đây nhất là “bộ trưởng cố vấn ”, công bố hồi năm 2009 rằng chính Mỹ chứ không phải Trung Quốc là nước vẫn không thể thiếu được đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nếu không nói là đối với thế giới, một điểm mà ông đã không ngừng nhắc lại trong nhiều năm. Hiểu theo cách đó, chính sách phòng ngừa không phải là vấn đề khoảng cách như nhau cũng như không phải là sự không liên kết có liên quan đến các nước lớn mà là sự can dự tích cực (thậm chí mạnh mẽ) của một nước với họ và với những nước có ảnh hưởng quá mức mà không hủy hoại quan hệ của nước đó với bất kỳ nước nào. Về mặt này, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Xinhgapo không do dự một mặt hoan nghênh ưu thế tiếp tục của Mỹ ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương trong khi mặt khác duy trì mạnh mẽ các quan hệ kinh tế với Trung Quốc - đối tác kinh tế lớn thứ hai của Xinhgapo trong năm 2009, với tổng trị giá buôn bán lên tới gần 60 tỉ USD. Vậy tại sao điều này phần lớn có thể được quy cho những khát vọng và những nguyên tắc cơ bản về chính sách đối ngoại của Xinhgapo.

Những khái niệm cơ bản và cơ sở của chính sách đối ngoại của Xinhgapo

Quan niệm về một nước Mỹ không thể thiếu được rõ ràng gắn với việc các nhà lãnh đạo Xinhgapo hiểu và diễn đạt như thế nào về các mục tiêu chính sách đối ngoại của nước này. Cách trình bày có thể khác nhau, nhưng nhìn chung họ tập trung xung quanh ba mối quan ngại lâu dài. Trước tiên, với tư cách là một nước Đông Nam Á, Xinhgapo từ lâu đã phản đối việc bị kiềm chế bởi những thực tế về mặt địa lý, xác định bản thân mình như một “thành phố toàn cầu” với thế giới như vùng “nội địa” của nước này. Tóm lại, nước này luôn muốn vượt ra ngoài những ranh giới của các nước Đông Nam Á, ngay cả khi nước này phải chịu những hậu quả của việc là một phần của khu vực này. Thứ hai, một mục tiêu chiến lược có liên quan là “tạo ra không gian chính trị, ngoại giao và kinh tế” để qua đó với ra ngoài khu vực lân cận của mình và thiết lập những con đường huyết mạch đến thế giới bên ngoài. Chắc chắn là một chính sách như vậy không phải là không tốn kém. Chẳng hạn như việc Xinhgapo theo đuổi các Hiệp định buôn bán tự do song phương (FTAs) với các cường quốc kinh tế chủ yếu đã dẫn đến những sự chỉ trích của các nước láng giềng ASEAN của nước này, những nước coi dự định của Xinhgapo muốn “nhảy qua” khu vực này là cơ hội và gây thiệt hại cho nội bộ khu vực kinh tế ASEAN. Thứ ba, Xinhgapo thúc đẩy một sự cân bằng quyền lực với sự tin tưởng rằng các nước nhỏ như nước này chỉ có thể tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh trong các kẽ hở mà các nước lớn tạo ra. Giống như hầu hết các nước nhỏ khác, Xinhgapo có sự quan tâm quá mức đối với luật lệ và các thể chế quốc tế nhưng cho rằng các thể chế này chỉ phát triển trong sự cân bằng quyền lực ổn định. Sau khi xác định rõ “nhiệm vụ chính” trong chính sách đối ngoại của Xinhgapo là bảo vệ nền độc lập của quốc gia non trẻ này khỏi “những mối đe dọa từ bên ngoài”, Ngoại trưởng đầu tiên của nước này là Sinnathamby Rajaratnam đã tiếp tục lưu ý vào năm 1966 rằng vấn đề cơ bản mà Xinhgapo phải đương đầu là “Làm thế nào để đảm bảo rằng một nước nhỏ đông dân và không có các nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kể có thể duy trì, thậm chí làm tăng mức sống của người dân cũng như được hưởng một nền hòa bình và an ninh trong một khu vực nổi bật về những đố kỵ lẫn nhau, bạo lực trong nội bộ, không hợp nhất về kinh tế và có những xung đột nước lớn - một nhiệm vụ mà theo giới lãnh đạo Xinhgapo được bảo đảm tốt nhất thông qua một sự cân bằng quyền lực ổn định và, như là giải pháp bậc hai, đi cùng các thể chế. Có lẽ hơn bất kỳ một nước nào khác, Xinhgapo đã bất đắc dĩ một cách có thể thấy rõ phải theo chủ nghĩa thực dụng trong các quan hệ chiến lược của nước này với các nước lớn và nói chung hơn là trong toàn bộ chính sách đối ngoại của nước này. Do dường như thiếu những nền tảng tư tưởng, theo lôgích này, chính sách đối ngoại của Xinhgapo có xu hướng mang một đặc tính nghịch hợp.

Sợi dây chung kết nối các nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Xinhgapo là ý thức lan tỏa khắp nơi về khả năng sự tồn tại của Xinhgapo dễ bị tổn thương– lên tới mức sùng bái – được coi như động cơ chính đằng sau chính sách đối ngoại của nước này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới địa phương vào tháng 12/2008, Lý Quang Diệu đã nổi giận và nói rằng “ Các vị nói với tôi rằng chúng ta không dễ bị tổn thương? Lạy Chúa!”. “Vậy chúng ta dành tất cả số tiền này cho quốc phòng để làm gì? Liệu chúng ta có điên không?” Các nhà lãnh đạo Xinhgapo coi vai trò của Mỹ như nhà bảo trợ chiến lược không thể thiếu để giúp Xinhgapo vươn ra ngoài khu vực Đông Nam Á, tạo ra khoảng không gian thao túng và duy trì một cán cân quyền lực khu vực ổn định. Theo nhận xét của một nhà phân tích Mỹ, “Xinhgapo giống như một con kiến ở trong rừng nhiệt đới. Là một nhà nước - thành phố nhỏ bé, Xinhgapo có nhiều thách thức để đối phó: đó là sự nổi lên của Trung Quốc, chủ nghĩa khủng bố của những người theo trào lưu Hồi giáo chính thống, và với tư cách là một quốc gia của người Hoa, làm thế nào để quan hệ với các nước láng giềng như Malaixia và Inđônêxia với đa số dân theo Hồi giáo. Vì vậy, giữ được mối quan hệ mật thiết với Mỹ là điều quyết định.” Người ta có thể cho rằng sự điều hòa chính sách này chỉ vượt quá những lý do vị lợi khi quan hệ Mỹ - Xinhgapo có vẻ được căn cứ vào sự đồng cảm lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo của hai nước. Như Lý Hiển Long đã từng nói, “Xinhgapo có một mối quan hệ tốt, rất sâu sắc, lâu bền và trên nhiều mặt với Mỹ. Chúng tôi muốn điều này sẽ tiếp tục như vậy. Chúng tôi coi đó không chỉ như một thuận lợi về mặt chiến thuật mà còn như một sự hội tụ cơ bản những lợi ích.” Trong khi Xinhgapo bám lấy lý do cho rằng quan hệ Mỹ - Xinhgapo không chắc sẽ mạnh lên như hiện nay nếu thiếu một sự hội tụ may mắn và cùng có lợi như vậy, việc hiện tại không có bất kỳ một nước cạnh tranh ngang ngửa nào với Mỹ mà có thể làm cho Xinhgapo đặc biệt lo ngại về cơ bản khiến Mỹ trở thành sự lựa chọn hợp lý duy nhất cho tương lai trước mắt - và rõ ràng đối với Xinhgapo là đáng hoan nghênh.

Một nước Mỹ mà Xinhgapo mong đợi

nu than tu do
Một nước Mỹ được Xinhgapo chào đón là một nước Mỹ can dự và theo chủ nghĩa quốc tế sẵn sàng đóng một vai trò quyết định trong trật tự ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương bằng việc đóng góp cho hòa bình, phồn thịnh và ổn định tiếp tục ở khu vực này. Năm 1997, cựu Ngoại trưởng Xinhgapo S. Jayakumar, với việc lưu ý sự hiện diện quân sự của Mỹ là yếu tố “sống còn” đối với hòa bình và ổn định ở khu vực này, quả quyết rằng “chỉ có Mỹ là có ảnh hưởng lớn về chiến lược, có sức mạnh kinh tế và chính trị để thực hiện vai trò lãnh đạo ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương… Không có sự can dự của Mỹ, sự thay đổi ở khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương xét về tổng thể có thể đã không xảy ra với tốc độ và phạm vi như vậy.” Và nếu việc mở cửa thị trường Mỹ và sức mạnh cũng như tầm hoạt động của các lực lượng quân sự Mỹ được coi là không thể thiếu đối với sự biến đổi ổn định của khu vực này, vậy thì điều ngược lại - việc Mỹ không can dự vào khu vực - rõ ràng được coi là điều bất lợi cơ bản đối với sự phồn thịnh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (và mở rộng ra là sự phồn thịnh của Xinhgapo) và đến lượt nó có thể là điều tự chuốc lấy thất bại. Như Thủ tướng Lý Hiển Long đã lưu ý mới đây “Nếu Mỹ quay trở lại hướng nội, nước này sẽ chỉ mang đến nhiều điều tai hại cho cả thế giới và cho chính bản thân họ.” Như đã được đề cập, xét từ quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Xinhgapo, vai trò của Mỹ - với tư cách là nước giữ ổn định đối với khu vực này, tạo điều kiện cho các nước khác phát triển kinh tế và trở nên phồn thịnh – là một vai trò mà không một nước nào khác hiện nay, chắc chắn không phải là Trung Quốc, có thể đảm nhận.

Vì vậy, Xinhgapo tìm kiếm một cán cân quyền lực thuận lợi và bền vững ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương, trong đó Mỹ đóng một phần chủ chốt trong việc duy trì nó. Tầm quan trọng của cán cân quyền lực theo thế giới quan của ban lãnh đạo Xinhgapo, theo chính sách thực dụng tự nhận trong sự định hướng, được thể hiện rõ ràng nhất trong tư duy chiến lược và những phát biểu của vị Thủ tướng sáng lập nước này Lý Quang Diệu. Như ông đã suy tưởng trong tháng 11/1999: “Nếu chúng ta không cẩn trọng, chúng ta sẽ lâm vào một cuộc xung đột quyết liệt. Nếu không có cái đại loại như sự cân bằng quyền lực ở Thái Bình Dương, chúng ta ở trong tình trạng rất nguy hiểm. Mọi người đều biết câu thành ngữ: cá lớn nuốt cá bé; cá bé ăn thịt tôm. Chúng ta là những con tôm.” Điều quan trọng là ông đã và vẫn không nhìn nhận sự cân bằng quyền lực bản thân nó là một mục đích, mà là phương thức chủ yếu để tiến tới tình trạng ổn định hơn ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương - một điều kiện cần thiết (mặc dù là không đủ) để đảm bảo khả năng có thể thực hiện và phát triển của hoạt động buôn bán và thương mại, phương tiện của Xinhgapo cho sự phồn thịnh, nếu không nói là sự tồn tại. Vào đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ hai diễn ra vào năm 1986, ông lưu ý: “Chính sự cân bằng quyền lực này đã giúp các nền kinh tế thị trường tự do phát triển.” Cũng chính là việc Xinhgapo nhấn mạnh đến sự hiện diện của Mỹ như một yếu tố ổn định khu vực vì những mục đích kinh tế đã phân biệt quan điểm của nước này với quan điểm của một số nước láng giềng ASEAN. Chẳng hạn như sau khi Học thuyết Nixon được đưa ra vào năm 1969, Tổng thống Marcos của Philíppin nghe nói đã đưa cảnh báo rằng đất nước ông có thể buộc phải tìm kiếm một sự thỏa hiệp với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi Xinhgapo vẫn kêu gọi Mỹ tiếp tục hiện diện ở khu vực này, giọng điệu của nước này đã nhấn mạnh đến các khoản đầu tư thương mại. Sau khi Mỹ rút đi sau cuộc chiến tranh Việt Nam, ông Lý đã buồn bã nói với các nhà lãnh đạo ASEAN vào năm 1982 về những phí tổn tiềm tàng đang đặt ra trước Xinhgapo và các nước của họ có liên quan đến khoảng trống quyền lực được tạo ra bởi sự rút lui của Mỹ:

“Mỹ đã trở thành một khán giả ở Đông Dương sau khi là bên tham gia chủ yếu cho đến năm 1975. Người Mỹ không phải không quan tâm đến hậu quả, nhưng họ cẩn trọng muốn bỏ lại gánh nặng về các khoản chi phí của cuộc đấu mới cho hai đối thủ này. Chúng ta, những người không phải là Cộng sản ở khu vực Đông Nam Á, sẽ phải thận trọng tìm ra con đường của mình vượt qua những sự phức tạp của một bãi mìn mới gồm những lợi ích nước lớn xung đột nhau ở bán đảo Đông Dương.” Việc Mỹ quyết định sẽ không can dự sau thất bại ở Việt Nam đã được ông Lý rõ ràng coi là khó khăn nếu không nói là tai hại đối với Xinhgapo và đối với các nước không phải là Cộng sản ở khu vực Đông Nam Á. Như ông đã lưu ý sau đó vào năm 1986 “người Đông Nam Á nhận thức sâu sắc hơn về sự bấp bênh của các chính sách Mỹ so với những khu vực khác trên thế giới. Họ nhớ đến việc Mỹ cắt giảm chi tiêu trong những năm 1970 sau một thập kỷ tự nghi ngờ bản thân mình”- một sự cảnh báo tinh tế, như nó thường thấy, về quyết định rút lui của Mỹ. Đồng thời, ông Lý rõ ràng đã dự đoán về một triển vọng như vậy ngay từ năm 1967, khi sự dính líu quân sự của Mỹ ở Việt Nam đã lên gần hoặc tới đỉnh điểm: khi ông gặp Lyndon Johnson vào năm 1967, ông hỏi Tổng thống Johnson “Liệu Mỹ có khả năng chịu đựng để theo đuổi đến cùng vấn đề Việt Nam và” – trong sự ám chỉ quan trọng đến vai trò của Mỹ sau khi rút quân - “sự khôn khéo và ý chí để đóng một vai trò quan trọng nhưng qua thời gian sẽ giảm bớt mà Johnson đã vạch ra cho nước Mỹ ở khu vực này.” Trong một ý nghĩa nào đó, “sự đảm bảo lại” của Mỹ đã thể hiện dưới dạng khởi xướng vào năm 1977 tiến trình đối thoại Mỹ - ASEAN, diễn ra dưới thời Tổng thống Carter. Quả thực, Tổng thống Carter cảm thấy bắt buộc phải đưa ra câu trả lời sau đó - một điệp khúc chung từ gần như mọi nhà lãnh đạo Mỹ trong ký ức mới đây – để làm giảm bớt những quan ngại trong khu vực về việc Mỹ rút khỏi khu vực châu Á – Thái Bình Dương đi vào chủ nghĩa cô lập: “Bất kỳ ai có hiểu biết về lịch sử, địa lý, các hoạt động chính trị và kinh tế của Mỹ đều biết rằng Mỹ sẽ không “rút lui” khỏi châu Á. Chúng ta hiện đang ở đó. Chúng ta là đối tác chính trong cộng đồng Thái Bình Dương. Chúng ta là một quốc gia Thái Bình Dương. Chúng ta chắc chắn vẫn có ý định là một nước như vậy. Những sự phát triển chính sách mới đây – bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, củng cố các quan hệ với Nhật Bản, thương lượng lại hiệp định về căn cứ quân sự ở Philíppin và các quan hệ kinh tế ngày càng phát triển với khu vực này - tất cả đều củng cố quan hệ của chúng ta.”

Quan điểm kiên trì của Xinhgapo về sự cần thiết không thể thiếu được của Mỹ đã được thể hiện rộng rãi khi nước này tìm cách giữ chặt quyền lực của Mỹ ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương sau khi kết thúc cuộc Chiến tranh Lạnh. Phải đối phó với quyết định của Manila (hoặc chính xác hơn là quyết định của Thượng viện Philíppin) không chấp nhận cho Oasinhtơn tiếp tục sử dụng các căn cứ quân sự Clark và Subic Bay, Xinhgapo, hoàn toàn trái với các lập trường chính sách của một số nước láng giềng ASEAN của nước này, đã công khai ủng hộ một sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ bằng việc ký kết một bản ghi nhớ vào tháng 11/1990 cho phép người Mỹ được sử dụng căn cứ không quân Paya Lebar và cảng Sembawang. Xinhgapo cũng cho phép bố trí lại một sự hiện diện nhỏ về hậu cần từ Philíppin sang Xinhgapo. Một bản phụ lục tiếp sau đó của Bản ghi nhớ 1990 đã cho phép Hải quân Mỹ có quyền sử dụng Căn cứ Hải quân Changi (căn cứ đủ lớn để các tàu sân bay có thể cập bến dù là Xinhgapo chẳng có bất kỳ một tàu sân bay nào.) Các căn cứ này cũng được các lực lượng Mỹ trên đường tiến vào Ápganixtan sử dụng rộng rãi và được sử dụng trong nhiều hoạt động chống khủng bố khác nhau sau các cuộc tấn công ngày 11/9. Điều đó cho thấy Xinhgapo, thành công như nước này chứng tỏ trong việc nhìn ra ngoài khu vực lân cận của mình, đôi lúc bị các nước láng giềng ASEAN của mình kiềm chế. Đây là những gì đã xảy ra đối với đề nghị của Xinhgapo đưa ra trong năm 2004 về việc thiết lập các đội tuần tra chung giữa Xinhgapo, Malaixia và Mỹ để chống nạn cướp biển ở eo biển Malacca - một ý tưởng bị Malaixia bác bỏ và sau đó Xinhgapo đã lặng lẽ từ bỏ trong bối cảnh có những phản ứng tự nhiên của Malaixia và Inđônêxia đối với cái gọi là (sau đó được phát hiện đã bị báo cáo sai) đề xuất của Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) rằng các lực lượng Mỹ nên tuần tra eo biển này. Tuy nhiên, quyết định của Xinhgapo ký kết một Hiệp định khung chiến lược với Mỹ vào năm 2005 – liên quan đến các cuộc tập trận chung, hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, tiếp cận công nghệ quốc phòng của Mỹ và các hoạt động tương tự - cũng như việc nước này tham gia Sáng kiến an ninh về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) do Mỹ đi đầu nhằm cấm vận chuyển các nguyên liệu hạt nhân, và Sáng kiến an ninh côngtennơ (CSI) cho phép Mỹ được kiểm tra trước việc chất hàng lên tàu đi tới nước Mỹ, cả hai đều diễn ra vào năm 2003, báo hiệu sự mở rộng hợp tác an ninh giữa Xinhgapo và Mỹ, vì thế biện minh cho sự thừa nhận của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đưa ra tại cuộc Đối thoại Shangri – La năm 2004 rằng hai nước vẫn là “những người bạn chung thủy”.

Thẳng thắn mà nói, mục đích chính của chính sách đối ngoại của Xinhgapo là giữ Mỹ cam kết lâu dài với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, điều mà các nhà lãnh đạo Xinhgapo đã theo đuổi thông qua việc kết hợp vô số lời kêu gọi về sự cần thiết không thể thiếu được của Mỹ đối với khu vực này, tạo nên mối quan hệ đối tác về kinh tế, chính trị, an ninh rộng lớn và sâu sắc với Mỹ, đồng thời cung cấp đủ tiền bạc vật chất cần thiết để điều chỉnh việc thay đổi chiến lược Mỹ từ “các căn cứ sang các địa điểm” trong các kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh và sau sự kiện 11/9. Nếu Mỹ rút khỏi khu vực này, điều đó có thể đưa Nhật Bản, bị mất đi sự che chở chiến lược do liên minh an ninh Nhật - Mỹ đem lại, đến chỗ đi theo con đường riêng của mình và có khả năng đảo lộn hiện trạng của khu vực này. Và trong khi chủ nghĩa tư bản theo xu hướng thị trường ngày nay đứng vững không bị phản đối với tư cách một hệ tư tưởng, cán cân quyền lực đã tiến triển thành biện pháp có thể hiểu được theo đó Xinhgapo có thể vẫn giữ một cách có thể hình dung được một mức độ tự trị trước sự chi phối độc đoán tiềm tàng của sức mạnh kinh tế mang tính tàn phá của Trung Quốc. Chẳng hạn, thay vì đứng về phe với Trung Quốc (như một số nước ASEAN đã làm) để chống lại việc đưa cả Ôxtrâylia, Ấn Độ và Niu Dilân tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị cấp cao này khai mạc vào tháng 12/2005, Xinhgapo đã thúc giục đưa các nước này vào dựa trên cơ sở cái gọi là những lợi ích tăng dần đối với khu vực nảy sinh từ mối quan hệ đối tác kinh tế được mở rộng (như so với khu vực nhỏ hơn có thể so sánh được đại diện bởi ASEAN+3). Tuy nhiên, những động cơ thúc đẩy cơ bản có khả năng bao gồm cả sự miễn cưỡng phụ thuộc quá mức vào nền kinh tế Trung Quốc nếu khối ASEAN+3 do Trung Quốc chi phối là ván bài kinh tế khu vực chính có thể có. Người ta có thể cho rằng quyết định của EAS đưa cả Mỹ (và Nga) tham gia vào tháng 7/2010 không hoàn toàn đúng như những gì mà Xinhgapo nghĩ, do khó khăn cho Tổng thống Mỹ - Obama và các nhà lãnh đạo Mỹ trong tương lai – tham gia các hội nghị hàng năm được tổ chức ở Đông Á. Điều quan trọng là Xinhgapo và Mỹ không nhất trí được về một số vấn đề nhất định. Trên bình diện quốc tế và khu vực, các nhà lãnh đạo Xinhgapo lo ngại về xu hướng của một số nhà lãnh đạo Mỹ - đặc biệt trong Quốc hội, nhưng đôi khi cũng ở trong Nhà Trắng – gây sức ép với Trung Quốc theo những cách có thể làm đảo lộn hiện trạng.

Khi được hỏi những rủi ro nào mà mối quan hệ Mỹ - Trung hay va chạm có thể đặt ra trước một nước Xinhgapo vốn phụ thuộc về thương mại, ông Lý Hiển Long cho rằng hầu hết những gì xảy ra với Xinhgapo phụ thuộc vào các quan hệ Mỹ - Trung, vì nếu những quan hệ đó trở nên tồi tệ, “nhiều điều có thể trở nên xấu đi đối với Xinhgapo.” Ở những nơi khác, ông lưu ý một cách tương tự: “Quan hệ của Mỹ với Trung Quốc mang tính quyết định đối với sự ổn định của khu vực này. Điều quan trọng là mối quan hệ đó mang tính chất xây dựng, và không xấu đi.” Vấn đề kéo dài về quyền bầu cử của người Palextin, một điểm tắc đối với nhiều cử tri Hồi giáo Đông Nam Á (bao gồm cả các cử tri Xinhgapo) và việc thúc đẩy bề ngoài tính chiến đấu Hồi giáo thông qua việc mở rộng sự hiện diện, cũng đã dẫn đến sự bất bình thầm lặng đối với lập trường ủng hộ mạnh mẽ Ixraen của Chính quyền Oasinhtơn. Ở trong nước, Xinhgapo đã cảm thấy bị xúc phạm trước sự chỉ trích của Mỹ về những thiếu sót được nhận thấy của Xinhgapo về vấn đề dân chủ và nhân quyền. Ví dụ trong năm 1988, một nhà ngoại giao Mỹ đã bị trục xuất khỏi Xinhgapo vì bị coi là đã “can thiệp” vào các hoạt động chính trị địa phương thông qua việc tranh thủ bồi dưỡng những người Xinhgapo bất bình như những ứng cử viên đối lập tiềm tàng. Các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách Xinhgapo nhìn chung hơn đã chỉ trích trật tự xã hội Mỹ và chủ nghĩa cá nhân của phương Tây. Như Lý Quang Diệu đã than vãn với Fareed Zakaria vào năm 1994 về cái đã trở thành một tiêu chuẩn của cái gọi là những giá trị châu Á, “Việc mở rộng các quyền của cá nhân đã làm tổn hại đến một xã hội có trật tự.” Đối với Lý và các nhà tri thức nổi tiếng Xinhgapo có cùng khuynh hướng, không chắc chủ nghĩa cá nhân kiểu Mỹ một lúc nào đó sẽ trở thành phổ biến ở Xinhgapo ngay cả khi khu vực Đông Á tiếp tục sự nổi lên một cách kỳ lạ của nó. Dù có những bất đồng như vậy, không có mấy nghi ngờ rằng “sự kiên định” (diễn giải lời của Donald Rumsfeld) của mối quan hệ Mỹ - Xinhgapo tiếp tục không giảm sút.

Kết luận

Bài báo này tìm cách bàn về sự can dự không thể thiếu được của Mỹ ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương, nhất là theo quan điểm của giới lãnh đạo Xinhgapo. Theo cách phân loại của Francois Heisbourg, một nước Mỹ mà Xinhgapo mong muốn không chỉ là một nước bá quyền nhân từ cách biệt và không vụ lợi, và chắc chắn không phải là một nước bất lương cũng như không phải là một “cảnh sát” hiếu chiến. Đúng hơn là Mỹ được coi như một yếu tố quyết định của trật tự an ninh ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương, một thế lực vô song cho đến nay và là nhà bảo trợ chiến lược của khu vực này. Đôi lúc khi Mỹ tìm cách cân bằng với Trung Quốc về mặt ngoại giao – chẳng hạn như để đối phó với cái gọi là việc Trung Quốc đề cập đến Biển Đông như một “lợi ích chủ chốt” của nước này - sự xôn xao giận dữ do kết quả của việc đó đã được Xinhgapo xem xét với nỗi quan ngại. Trong những thời điểm như vậy, những căng thẳng không thể tránh được giữa vai trò của Mỹ như một yếu tố quyết định và như người cân bằng - cả hai đều là yếu tố then chốt đối với chính sách đối ngoại của Xinhgapo - đặt ra những vấn đề cho sự ổn định mà khu vực châu Á –Thái Bình Dương được mong đợi. Xinhgapo đã rất nỗ lực trong suốt thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh để nuôi dưỡng tình cảm với Mỹ và để bảo đảm rằng nước này vẫn hoàn toàn can dự và thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tốt nhất là theo cách giữ quan hệ Mỹ - Trung – quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới đối với nhiều nước - được thăng bằng. Các nhà lãnh đạo Xinhgapo nhìn thấy trong quan hệ đối tác của nước này với Mỹ một con đường chủ yếu qua đó sẽ hoàn thành ba mục tiêu chính sách đối ngoại của Xinhgapo là trở thành một thành phố toàn cầu, tạo ra khoảng không gian vượt ra ngoài những giới hạn của khu vực Đông Nam Á, và bảo đảm một sự cân bằng quyền lực ổn định ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương. Điều đó cho thấy sự cần thiết không thể thiếu được không phải là một điều kiện vĩnh cửu, và có những hạn chế đối với mối quan hệ này. Về mặt này, phải chăng Xinhgapo vốn đã ủng hộ Mỹ? Đáp lại câu hỏi của một số nghị sĩ Xinhgapo là liệu có phải Xinhgapo đã “thân” Mỹ một cách quá mức trong việc nước này ủng hộ cuộc xâm lược Irắc do Mỹ cầm đầu hồi năm 2003, Ngoại trưởng Xinhgapo S. Jayakumar đã chỉ rõ vào năm 2004: “Tôi đã nói rằng chúng ta không thân Mỹ; chúng ta không chống lại bất kỳ một nước nào. Chúng ta là những người ủng hộ Xinhgapo theo nghĩa là cuối cùng điều dẫn dắt chúng ta trong chính sách đối ngoại của chúng ta là lợi ích quốc gia của chúng ta. Và điều đó vẫn là đường hướng cơ bản của chúng ta…” Những gì về cơ bản gắn kết quan hệ Mỹ - Xinhgapo là niềm tin vào việc cùng có lợi giữa hai nước về một loạt rộng rãi những mối quan tâm, trên các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và chiến lược./.

Bài gốc: “Singapore's View of the United States’ Engagement in the Asia-Pacific”, tác giả See Seng Tan, đăng trên Asian Affairs số tháng 3/2011
Nhật Linh (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông
 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te