Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro cho biết, nước này cần tàu ngầm điện - diesel mới nhằm tăng cường khả năng kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của mình.
Hiện nay, Hải quân Indonesia vận hành 2 tàu ngầm Chakra (Type-209) được đóng từ thập niên 1970, tại Nhà máy đóng tàu Howaldtswerke-Deutsche Werft, Đức.
Ngoài ra, còn có hợp đồng đóng mới 3 tàu ngầm lớp Chang Bogo, một biến thể của Type-209/1200 (Đức) được đóng tại nhà máy đóng tàu liên doanh Deawoo Marine Engineering (DSME), Hàn Quốc.
Hai trong số ba chiếc tàu ngầm này sẽ được đóng tại Hàn Quốc và chiếc thứ ba sẽ được đóng tại nhà máy đóng tàu PT Pal, Indonesia.
Sự tham gia của Indonesia trong việc đóng mới tàu ngầm sẽ tăng cường năng lực của ngành công nghiệp đóng tàu trong nước. Đó là cơ sở để Indonesia có thể tự đóng mới tàu ngầm, Bộ trưởng Quốc phòng Yusgiantoro đã trao đổi với hãng thông tấn Antara.
Indonesia sẽ tự đóng tàu ngầm điện-diesel với sự giúp đỡ từ Hàn Quốc. |
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia cho biết, nước này cần khoảng 10 tàu ngầm để đảm bảo khả năng tuần tra trên khu vực lãnh hải rộng lớn của họ.
Giới quân sự xứ sở vạn đảo hy vọng nhà máy đóng tàu PT Pal có thể tham gia thiết kế một phần nhất định của tàu ngầm lớp Chang Bogo để làm cơ sở để tự đóng tàu trong tương lai.
Việc đóng mới thêm tàu ngầm điện - diesel phù hợp với khái niệm lực lượng quốc gia tối thiểu cần thiết (MEF) được thông qua vào năm 2005.
Mục đích của khái niệm này là thay thế và nâng cấp vũ khí đã lỗi thời, xây dựng sức mạnh quân sự đủ để ngăn chặn mối đe dọa từ bên ngoài, duy trì an ninh biên giới quốc gia, đối phó với thiên thai, bảo vệ các nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia. Đây là kế hoạch mang tầm chiến lược đến năm 2025.
Việt Trung (theo Asia Defence, ĐVO)