TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Lập trường của Singapore về tranh chấp Biển Đông

Ngoại trưởng Singapore nhắc lại lập trường trung lập của nước này và vai trò có thể ASEAN trong tranh chấp Biển Đông.

  

Ngoại trưởng Singapore  K. Shanmugam. Ảnh Bloomberg


Theo Ngoại trưởng Singapore  K. Shanmugam, ASEAN sẽ không  phân định và giải quyết vấn đề cụ thể giữa các quốc gia yêu sách chủ quyền. Thay vào đó, điều mà ASEAN có thể làm là thiết lập một khuôn khổ mang lại các điều kiện cần thiết để các quốc gia tuyên bố chủ quyền (ở Biển Đông) thương lượng một giải pháp hòa bình.

Những tuyên bố mới nhất của Singapore được ra giữa lúc có tin nói Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh tuyên bố ASEAN không nên đàm phán đại diện cho các nước thành viên. Bà Phó được trích dẫn nói rằng nếu ASEAN đứng về một phía, thì thương lượng sẽ rất khó khăn.

Ngoại trưởng Shanmugam ngày 11/9 cho biết tin trên  đã vẽ ra một bức tranh khác với thực tế. Trong thực tế, các cuộc gặp song phương cấp lãnh đạo được tổ chức gần đây cho phép cả hai bên để hiểu rõ hơn về lập trường của nhau. Ông Shanmugam nói: "Chúng tôi đã có nhiều cuộc thảo luận dài và thẳng thắn ở Trung Quốc trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long.  Các cuộc thảo luận này diễn ra sau khi có sự tham vấn song phương giữa Thứ trưởng Phó Oánh và tôi cũng như với thư ký thường trực của tôi. Tôi nghĩ rằng, chuyến thăm cũng như tham vấn song phương đã cho phép chúng tôi có được một cái nhìn rõ hơn về lập trường của Trung Quốc và cho phép Trung Quốc  có được một cái nhìn thấu đáo hơn về lập trường của chúng tôi”.

Trong khi khẳng định vai trò của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, Ngoại trưởng K. Shanmugam nói: “ Chúng tôi không theo đuổi lập trường, theo đó các nước không có yêu sách về biển đảo trực tiếp tham giải quyết những tranh chấp giữa các nước hữu quan. Chúng tôi luôn nói rõ rằng vai trò của ASEAN - trên cương vị một khối thống nhất gồm 10 nước thành viên – liên quan đến một khuôn khổ và đó là một nguyên tắc đã được chấp thuận, bởi vì ASEAN đã đưa ra Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC) và những hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, đó thực sự là lập trường  không thể tranh cãi”.

Mặc dù các cuộc đàm phán về Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiện chưa bắt đầu, nhưng Ngoại trưởng K. Shanmugam cho biết lập trường của ASEAN là việc nhanh chóng bắt đầu đàm phán về COC sẽ là hữu ích cho tất cả các bên, trong đó có cả Trung Quốc.

Ông Shanmugam cũng nhấn mạnh lập trường trung lập của ASEAN và Singapore và nói: “Singapore đã theo đuổi lập trường trung lập… Lập trường của chúng tôi là những tuyên bố chủ quyền (ở Biển Đông) cần phải được giải quyết theo quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS (Công ước LHQ về Luật Biển)”.

Bộ Ngoại giao Philippines ngày 11/9 tuyên bố rằng bộ này thông hiểu lập trường của Singapore về vấn đề Biển Đông và Singapore không đứng về phía một quốc gia đòi hỏi chủ quyền nào.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Raul Hernandez , cho biết: "Chúng tôi muốn thông báo  không chỉ cho Singapore mà còn cho người dân của chúng tôi và cũng có thể cho người dân trong khu vực rằng Singapore hành động đúng khi nói rằng họ không đứng về phe nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển Tây Philippines (Biển Đông), nhưng họ ủng hộ lập trường có nguyên tắc  của chúng tôi rằng tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Vốn giàu khoáng sản và cá, Biển Đông là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp tàu thuyền qua lại nhất thế giới. Và đó là lý do vì sao một giải pháp hòa bình cho vấn đề này là rất quan trọng đối với tất cả các bên, trong đó có Singapore.

 

Singapore và Australia chia sẻ quan điểm cần giải quyết tranh chấp
Biển Đông một cách hòa bình. Ảnh AFP


Ngoại trưởng Shanmugam cho rằng Biển Đông  là một trong hai tuyến đường thủy thương mại quan trọng nhất của Singapore. Ông nói bất cứ điều gì ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định đều tác động nghiêm trọng đến tất cả các bên. Việc tranh chấp Biển Đông bùng phát và cả khu vực bị coi là bất ổn định…có ảnh hưởng sâu sắc đến Singapore. Ông nói: “Chúng tôi không phải là một nước tuyên bố chủ quyền, chúng tôi không đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ (ở Biển Đông), nhưng chúng tôi có lợi ích và mong muốn các vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình. Và đó không phải là quan điểm riêng của chúng tôi. Chúng tôi chia sẻ quan điểm này với Australia”.

 

 

Minh Bích (theo channelnewsasia.com, báo Đất Việt)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te