Kể từ khi thông qua chính sách mới đối với Mỹ dẫn đến việc thiết lập mối quan hệ quốc phòng đặc biệt, Ấn Độ phải giải quyết một vấn đề quan trọng là làm thế nào để đồng thời phát triển mối quan hệ với Trung Quốc và Nga.
Các lựa chọn chính sách của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình. Và quyết định của Ấn Độ không những tạo nên sự cân bằng chiến lược ở châu Á trong thập kỷ tới mà cả cơ cấu đa phương của hệ thống quốc tế. Một số nhà quan sát cho rằng SCO (gồm 5 nước thành viên sáng lập là Trung Quốc, Cadắcxtan, Cưrơgưxtan, Nga, Tátgikixtan và Udơbêkixtan) chẳng khác nào một diễn đàn thảo luận, một tổ chức không có nội dung cụ thể và tồn tại trên cơ sở địa chính trị không hợp lý và trừu tượng. Nỗi lo ngại của một số người coi SCO như một đối trọng với NATO dường như vô lý, bởi vì con đường dẫn đến việc thành lập một liên minh quân sự Á-Âu thực tế sẽ có nhiều trở ngại. Nhưng SCO có khả năng trở thành tâm điểm chiến lược ở châu Á - nơi các nhà phân tích dự đoán đang xuất hiện “cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Đặc điểm nổi bật của SCO là tổ chức này đang tìm cách trở thành một đối thủ cạnh tranh với sức mạnh Mỹ ở trong và ngoài khu vực. Điều này không có nghĩa tất cả các nước thành viên SCO đều thù địch với chính sách của Mỹ. Nhưng rõ ràng sự tồn tại của SCO được dựa trên cơ sở niềm tin rằng khu vực Đông và Trung Á không cần dựa vào Mỹ mà vẫn đạt được sự ổn định và phát triển. Nhưng đây là một niềm tin khác thường, bởi vì thực tế tất cả các hiệp hội chính thức và không chính thức ở khu vực châu Á đều chấp nhận sự hiện diện của Mỹ trên lãnh thổ của họ. Tháng 6/2011, hội nghị thượng đỉnh SCO tại Axtana của Cadắcxtan đưa tư cách thành viên đầy đủ của Ấn Độ (trước đó và cho đến nay vẫn chỉ là tư cách quan sát viên) vào chương trình nghị sự là một cử chỉ quan trọng. Ít người có thể nghĩ rằng Ấn Độ và Mỹ sẽ tìm cách duy trì mạnh mẽ các mối quan hệ hài hòa trong giai đoạn ngắn và trung hạn. Nhưng chỉ riêng ý định này không hạn chế được tình trạng tiến thoái lưỡng nan lớn đang đặt ra đối với các chính trị gia đại diện cho tất cả các xu hướng chính trị tại Ấn Độ: Làm thế nào để phù hợp với quan điểm chính sách đối ngoại của Mỹ và đạt được lợi ích tối đa từ mối quan hệ này, ví dụ hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân, mà không bị phụ thuộc Mỹ trên trường quốc tế.
Một mối quan hệ lệ thuộc, tuy hạn chế, sẽ mâu thuẫn với vai trò của một cường quốc mà Ấn Độ mong muốn đạt được nhiều hơn nữa trên thế giới. Đóng vai trò của một cường quốc không những chỉ là khát vọng chính trị mà cả kinh tế và tài chính ở Niu Đêli. Trong chuyến thăm Chennai ngày 20/11/2011, một thành phố biểu tượng cho tình hữu nghị giữa Mỹ và Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố với Ấn Độ rằng: "Để trở thành nước lãnh đạo chỉ là vấn đề thời gian." Bà cho biết Chính quyền Obama muốn xây dựng mối quan hệ đối tác "cho thế kỷ mới” - một mối quan hệ sẽ ổn định châu Á và kiềm chế sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc. Bà Clinton cũng khẳng định Mỹ "cam kết với mối quan hệ có tính xây dựng và mạnh mẽ giữa Ấn Độ, Mỹ và Trung Quốc". Nhưng những lời kêu gọi và mong muốn đó - đặc biệt quan trọng vì chúng được đưa ra trong lúc mối quan hệ giữa Mỹ và Pakixtan vẫn căng thẳng - chưa đủ để thúc đẩy Ấn Độ quyết định lựa chọn đối tác rõ ràng giữa Mỹ và SCO. Ấn Độ, được Mỹ coi là một đồng minh tin cậy ở khu vực Nam Á, phải nhận thức đầy đủ rằng mối quan hệ đặc biệt của họ với Oasinhtơn chủ yếu nhằm mục đích giúp Mỹ ở Ápganixtan, truyền bá các giá trị và các nguyên tắc của phương Tây ở châu Á (bắt đầu bằng nền dân chủ đại diện) và bảo vệ các lợi ích chiến lược của Mỹ. Nói cách khác, ảnh hưởng ngày càng tăng của Oasinhtơn đối với Niu Đêli sẽ tác động đến "Chính sách Hướng Đông" của Ấn Độ được công bố năm 1991. Khẩu hiệu này hiện đang được Chính quyền Obama hỗ trợ như một phần quan trọng trong "cuộc Chiến tranh Lạnh Mới" nhằm ngăn chặn Trung Quốc và đạt được sự ổn định ở Nam và Đông Á bằng cách tăng cường can dự với Nhật Bản và Ấn Độ - hai nước thân Mỹ thông qua hợp tác quân sự và kinh tế. Tuy nhiên, thực tế khó khăn là nhiều người ở Niu Đêli có những tham vọng khác cho đất nước của họ, bởi vì họ tin rằng trong một vài thập kỷ tới, Ấn Độ sẽ là nước đứng đầu thế giới về tăng trưởng GDP và mức độ phát triển. Các nhà phân tích của Ấn Độ đang cạnh tranh với nhau để đưa ra các lý lẽ tốt nhất về sự cần thiết phải thay thế tâm lý của một cường quốc khu vực trong số các nhà hoạch định chính sách và các chính trị gia bằng một tâm lý cường quốc toàn cầu. Theo một quan điểm, để Ấn Độ trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu, nước này cũng phải trở thành một cường quốc chính trị toàn cầu ngang tầm Trung Quốc.
Thực tế, chỉ bằng cách từ bỏ xu hướng hướng nội, Ấn Độ mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa để đạt được một mục tiêu như vậy. Nhưng ở thời điểm này khoảng cách giữa vị thế của Ấn Độ và Mỹ khá rộng, và tỏ ra khó có thể hàn gắn. Liên kết ngoại giao giữa Ấn Độ và Mỹ không thể che đậy tất cả những khác biệt hiện tại giữa hai nước. Một trong số những khác biệt đó là Niu Đêli không tăng cường các khả năng tấn công trên không bằng cách mua các máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất của Mỹ. Ấn Độ cũng không sẵn sàng ủng hộ quan điểm cứng rắn của Nhà Trắng đối với chương trình hạt nhân của Iran, vì Niu Đêli coi các biện pháp cấm vận như một mối đe dọa nghiêm trọng đến việc Iran tiếp tục cung cấp năng lượng cho Ấn Độ (Hiện nay Niu Đêli nhập khẩu dầu lửa từ Iran chiếm 12% tổng nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài). Những xích mích này có thể khắc phục, nhưng hai bên có thể còn những bất đồng sâu sắc hơn liên quan đến thực tế: Trung Quốc là đối đối tác thương mại chính của Ấn Độ và sẽ trở thành một đối tác thậm chí lớn hơn trong tương lai. Ngoài ra, cũng như Trung Quốc, Ấn Độ nhận thấy hệ thống an ninh và kinh tế quốc tế, bị phương Tây áp đặt từ Chiến tranh Thế giới thứ II, cần được cải tổ. Và tương tự các nước thành viên khác của BRICS (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), các quan chức Ấn Độ cảm thấy tiếng nói của họ không có trọng lượng trong hệ thống quốc tế này. Niu Đêli có nhiều lý do để nghi ngờ việc nối lại mối quan hệ hữu nghị Ấn Độ-Mỹ là lựa chọn tốt nhất cho chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Vì vậy có lẽ đề nghị tham gia SCO của Ấn Độ đã thể hiện những mối nghi ngại đó. Ví dụ, sự gần gũi địa chính trị có thể thúc đẩy Niu Đêli và Bắc Kinh làm sâu sắc thêm các mối quan hệ chiến lược nhằm đảm bảo các nguồn cung cấp năng lượng của hai nước. Bất chấp những gì có thể tác động đến các quyền trên biển của các nước láng giềng, hai gã khổng lồ châu Á sẽ chia sẻ các lợi ích chiến lược trong việc bảo đảm ổn định ở Biển Đông, mặc dù lâu nay Niu Đêli ít quan tâm các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về vùng biển tranh chấp này. Thực tế, vấn đề quan trọng nhất đối với Niu Đêli là thiết lập mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh - đối tác sẽ tạo ra một mạng lưới đường ống dẫn dầu thích hợp và tạo nên một sân chơi cho hai nước thâm nhập kinh tế và chính trị tại Trung Đông và châu Phi, có lẽ như một nỗ lực chung nhằm chống lại sức mạnh hiện nay của các nước sản xuất dầu lửa.
Hơn nữa, một số lợi ích quốc gia của Ấn Độ và những ưu tiên của SCO có sự hội tụ tự nhiên. Kể từ khi thành lập cách đây 11 năm, SCO chú trọng chống lại 3 “lực lượng độc ác" xảo quyệt gồm: chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Những ưu tiên như vậy của SCO cực kỳ hấp dẫn với Ấn Độ - hiện rất quan tâm phối hợp các nỗ lực trong nước (chẳng hạn như tiến hành các cuộc diễn tập quân sự) với các đối tác đáng tin cậy nhằm chống khủng bố. Khu vực Thương mại Tự do SCO, sẽ có hiệu lực vào năm 2020 và thống nhất kinh tế của tất cả các thành viên SCO, cũng là vấn đề hấp dẫn nhất đối với Niu Đêli và có lẽ hơn nhiều so với đề nghị của Oasinhtơn cho phép Ấn Độ tham gia diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Nhưng trở ngại chính mà Ấn Độ vấp phải là tìm các biện pháp không can dự vào Ápganixtan, bởi vì điều đó sẽ có lợi cho việc xây dựng các căn cứ quân sự lâu dài của Mỹ ở Ápganixtan sau năm 2014. SCO cương quyết phản đối các kế hoạch này. Và thực tế, Ápganixtan đã đề nghị quy chế quan sát viên của SCO tại hội nghị thượng đỉnh Axtana. Các nhà phân tích chắc chắn coi vấn đề Ấn Độ tham giaSCO là thất bại của Oasinhtơn. Nhưng kết luận như vậy sẽ không rõ ràng lắm. Nếu được quản lý tốt, thực tế sự thay đổi hướng tới mức độ đa cực lớn hơn ở châu Á có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ theo hai cách cơ bản: Thứ nhất, Oasinhtơn có thể dễ dàng thâm nhập Trung Á thông qua Ấn Độ. Thứ hai, Mỹ có thể sử dụng ảnh hưởng của họ đối với Ấn Độ để ngăn chặn Iran - quốc gia đã làm đơn đề nghị SCO nâng cấp vị thế của nước này từ quan sát viên trở thành thành viên đầy đủ của SCO trong tương lai./.
Theo “Eurasiareview” (ngày 25/7)
Viết Tuấn (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông