Dấu hiệu chậm chạp của kinh tế Ấn Độ và tình trạng chìm đắm trong nạn lạm phát khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng sức tăng trưởng thần kỳ của Ấn Độ đã kết thúc?
Ấn Độ bắt đầu tiến hành cải cách kinh tế từ năm 1991. Trước đó, đất nước này phát triển khá ì ạch trong nhiều thập kỷ và để cho Trung Quốc vọt qua rất xa phía trước. Những nhà chính trị bất mãn thì đổ lỗi cho nền dân chủ, lãnh đạo thì mất định hướng còn nhân dân thì nghèo đói lầm than và không biết tương lai sẽ đi về đâu. Khi ấy, người dân Ấn Độ tin rằng thể chế của một nhà nước độc lập khiến quốc gia này không phù hợp với những bước đi tăng trưởng.
Thủ tướng Manmohan Singh đã xuất hiện vào đúng lúc đó. Ông và các nhà chính trị mang tư tưởng cải cách khác đã chứng minh rằng đó là một quan niệm sai lầm và Ấn Độ hoàn toàn có thể thay đổi diện mạo. Họ phá bỏ cái gọi là giấy phép Raj - một hệ thống giấy phép dùng để điều khiển toàn bộ hệ thống công nghiệp của đất nước, rào cản không còn giúp nền công nghiệp bắt đầu trỗi dậy.
Bên cạnh đó, các chính sách nới lỏng thương mại mới bắt đầu phát huy tác dụng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước tăng gấp đôi, lên tới 9%/năm. Các công ty tầm cỡ thế giới bắt đầu mọc lên ở đất nước này, còn nghèo đói thì rút lui nhanh hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, phép lạ mà Singh đem lại bắt đầu mờ dần từ năm 2009, không chỉ bởi vì suy thoái kinh tế toàn cầu, mà nó xuất phát từ chính bản thân nền kinh tế Ấn Độ. Năm ngoái, tăng trưởng GDP của nước này chỉ còn giữ ở mức 6,5% - giảm gần một nửa so với "tốc độ tăng trưởng Hindu" của thập kỷ trước.
Tăng trưởng chững lại vì những tác động mang tính đột biến của cuộc cải cách lớn đầu tiên đã dần dần mất tác dụng. Khu vực kinh tế công mang trên vai một gánh nặng tài chính quá lớn hậu quả của các chương trình trợ cấp mà chính phủ dành cho các nhà xuất khẩu trước đây. Chi phí dùng để hỗ trợ trực tiếp cho các chương trình lương thực và năng lượng chiếm gần 10% tổng sản phẩm quốc nội. Chi phí hỗ trợ gián tiếp cũng rất lớn.
Chưa kể, trợ cấp còn ngăn cản và làm suy yếu phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, một trong những tác hại vừa diễn ra đó là tình trạng mất điện trên một nửa diện tích quốc gia.
Gần đây, chính phủ tiếp tục đi một bước đi sai lầm khi phá vỡ lời hứa của mình, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào lĩnh vực bán lẻ, hệ thống doanh nghiệp trong nước không đủ sức cạnh tranh khiến mảng thị trường này đang dần rơi vào tay người nước ngoài.
Singh hiểu tất cả những điều này bởi ông đã nêu qua trong bài phát biểu ngày 15/8, rằng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, việc trước hết các doanh nghiệp Ấn Độ phải làm là xây dựng lòng tin cũng như tính cạnh tranh, có như thế đầu tư nước ngoài mới không trở thành rào cản với sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, cách làm cụ thể như thế nào thì ông lại không nêu ra được.
Ngài thủ tướng cũng đổ lỗi cho sự thiếu đồng thuận chính trị đã tạo ra phản tác dụng trong chính sách phát triển kinh tế gần đây, kéo theo tăng trưởng chậm lại. Sự bất ổn về chính trị, liên minh hỗn loạn và những chia sẻ quyền lực giữa các đảng phái khiến đất nước này mất đi sức mạnh của một người khổng lồ.
Cuộc cải cách mới trước mắt Ấn Độ sẽ không dễ dàng, nhưng nó thực sự cần để giải quyết tình trạng tê liệt trong phát triển của đất nước, đánh mất toàn bộ những thành tựu hơn 20 năm qua.
Các tín hiệu chính trị gần đây giúp người dân có một chút lạc quan khi thủ tướng Singh đã quyết định phục hồi chức vụ cho Palaniappan Chidambaram - một nhà cải cách có tư tưởng tiến bộ, trở thành bộ trưởng tài chính mới của đất nước, đồng thời thuê chuyên gia kinh tế Raghuram Rajan từ trường Đại học Chicago trở thành cố vấn kinh tế cấp cao. Bộ ba lãnh đạo này được cho là sẽ nhân tố tích cực biến những ý tưởng cải cách thành hành động cụ thể.
Đan Phong
Theo TTVN/Bloomberg // CafeF