Trong khi cộng đồng thế giới còn đang bàn tàn xôn xao về sự vắng mặt của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tại Hội nghị thường niên của IMF và WB ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) thì những lời nói qua lại giữa hai quốc gia đang làm gia tăng căng thẳng ngoại giao. Đối thoại để hạ nhiệt giữa Bắc Kinh-Tokyo có lẽ vẫn chưa trở thành hiện thực cho dù đích thân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã kêu gọi Trung Quốc trở lại bàn đàm phán.
Châm ngòi cho tranh cãi mới nhất giữa hai nước có lẽ là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi ông Hồng Lỗi cho rằng: “Nhật Bản nên đối mặt với thực tế, thừa nhận tranh chấp, chỉnh sửa sai lầm và quay lại đàm phán để tháo gỡ vấn đề Senkaku/Điếu Ngư”.
Câu nói này của ông Hồng Lỗi được đưa ra khi trả lời về bài viết của hãng Kyodo ngày 9/10, trong đó nói rằng Tokyo đang cân nhắc thừa nhận việc Trung Quốc có một số yêu sách chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông nhưng vẫn bảo lưu lập trường không có tranh chấp lãnh thổ chính thức đối với quần đảo này.
Hồi tháng 9, nhiều tàu cá Trung Quốc đã được điều tới vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Reuters.
Ngay sau đó, Nhật Bản đã “phản pháo” bằng tuyên bố của Ngoại trưởng Koichiro Gemba cùng sự trích dẫn về một tấm bản đồ của Trung Quốc được xuất bản năm 1960 trong đó mô tả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc lãnh thổ Nhật Bản. Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 10/10 tại Tokyo, Ngoại trưởng Koichiro Gemba đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng chí nhấn mạnh rằng, Trung Quốc chỉ bắt đầu đòi chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo này vào thập niên 1970.
Ông Koichiro Gemba lập luận rằng, điều này cho thấy Bắc Kinh trước đó đã không coi quần đảo này là một phần lãnh thổ của họ. Để chứng minh rõ hơn, Ngoại trưởng Nhật Bản còn trích dẫn một bức thư đánh giá của viên lãnh sự Cộng hòa Trung Hoa lúc bấy giờ tại Nagasaki vào năm 1920 gửi cho một người Nhật Bản, theo đó mô tả quần đảo này là "quần đảo Senkaku thuộc quận Yaeyama, tỉnh Okinawa”. Ngày 11/10, tấm bản đồ nói trên đã được Bộ Ngoại giao Nhật Bản đưa lên trang web của mình.
Cho đến nay, sau nhiều tháng căng thẳng ngoại giao, quan hệ thương mại song phương Nhật – Trung đã bị ảnh hưởng nặng nề. Có lẽ vì thế mà hôm 10/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda một lần nữa kêu gọi Trung Quốc nối lại đối thoại để hạ nhiệt tình hình vì cho rằng, những căng thẳng hiện nay nếu kéo dài sẽ khiến cả hai nước chịu tổn thất về kinh tế.
Theo tờ Nikkei của Nhật, làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản lan rộng đã khiến tình hình kinh doanh nhiều mặt hàng của Nhật tại Trung Quốc giảm mạnh. Tình hình tiêu thụ xe của 3 hãng xe hơi lớn nhất của Nhật là Toyota, Honda và Nisan tại Trung Quốc trong tháng 9 lần lượt giảm, nhiều khả năng sẽ không hoàn thành mục tiêu tiêu thụ xe trong năm 2012.
Một số hãng sản xuất ôtô dự tính sẽ cắt giảm 50% sản lượng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chính quyền của Thủ tướng Yoshihiko Noda còn đang phải đương đầu với nhiều áp lực khác từ Trung Quốc như việc Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không tham dự Hội nghị thường niên của IMF và WB được tổ chức ở Tokyo.
Về phía Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh cũng đang chịu nhiều sức ép bởi nếu giảm hợp tác kinh tế với Nhật Bản, người dân Trung Quốc cũng sẽ chịu nhiều thiệt thòi trong đó có nguy cơ gia tăng tỷ lệ thất nghiệp nếu các doanh nghiệp Nhật Bản đóng cửa hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh, sản xuất
Huyền Chi
Theo CAND