TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 13-10-2012


Nhà ngoại giao Nhật lên truyền hình Mỹ thách thức Trung Quốc

Nhà ngoại giao Nhật Bản Yasuhisa Kawamura hôm 11/10 đã xuất hiện trên một chương trình tin tức trên kênh truyền hình YN1 của Mỹ để khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
 
"Về mặt luật pháp và lịch sử, những hòn đảo đó thuộc chủ quyền của Nhật Bản. Không có gì có thể nghi ngờ về điều đó”, ông Kawamura – Phó Tổng lãnh sự Nhật tại thành phố New York, Mỹ, nhấn mạnh.
 
Ông Kawamura cũng tuyên bố, không có tranh chấp lãnh thổ nào giữa Tokyo với Bắc Kinh cần phải giải quyết ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Theo Phó Tổng lãnh sự Nhật tại thành phố New York, Trung Quốc đã không có bất kỳ phản đối nào đối với việc Nhật Bản sở hữu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong suốt gần một nửa thế kỷ qua. Bắc Kinh chỉ đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sau khi ủy ban Liên Hợp Quốc đưa ra một bản báo cáo năm 1968 về việc có thể có nguồn trữ lượng dầu mỏ ở vùng biển dưới quần đảo tranh chấp, ông Kawamura nói thêm.
 
Sự xuất hiện của ông Kawamura trên truyền hình Mỹ cũng những lời khẳng định chắc nịch của ông này về chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư diễn ra sau khi Trung Quốc hồi tháng trước liên tiếp đăng tải những bài quảng cáo về chủ quyền của nước này đối với quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông trên các tờ báo lớn của Mỹ.
 
Trong một diễn biến khác có liên quan, Đại sứ quán Nhật Bản ở thủ đô Washington cho biết, chính phủ nước này đã phản đối việc Vùng lãnh thổ Đài Loan đăng các bài quảng cáo về chủ quyền của họ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên báo Mỹ. Trước đó, hôm 10/10, Vùng lãnh thổ Đài Loan đã cho đăng một loạt những đoạn quảng cáo về chủ quyền của họ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên 4 tờ báo lớn của Mỹ, trong đó có tờ Washington Post và The New York Times.
 
Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku còn Đài Loan gọi là Tiaoyutai.
 
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách VLT Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và lòng biển trong khu vực cũng được cho lả có một nguồn trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.

Kiệt Linh - (theo Jiji Press, VNmedia)
----------------
Đàm phán FTA giữa VN - EU: 90% dòng thuế sẽ được cắt giảm

 Ngày 12-10, gần 60 thành viên của hai đoàn đàm phán VN và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc năm ngày làm việc trong khuôn khổ vòng đàm phán đầu tiên của hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngay khi bước ra khỏi phòng đàm phán, bà Helena Konig, phó đoàn đàm phán EU, đánh giá tuần làm việc đã diễn ra “thân thiện và nhận được nhiều thông tin từ cả hai bên”.

Bước vào vòng 1, các nhà đàm phán của cả hai bên đều hiểu rằng nhờ nền kinh tế của EU và VN mang tính bổ sung lẫn nhau nên chắc chắn sẽ tìm ra các giải pháp có lợi cho cả đôi bên. FTA này được kỳ vọng sẽ giúp giới doanh nghiệp hai bên tăng cường xuất khẩu hàng hóa và đầu tư về dịch vụ hai chiều. “Một khi có FTA, nó sẽ có cam kết mang tính ràng buộc với hai bên. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, thương mại khi tiếp cận thị trường hai bên” - bà Konig nói. Hai bên hi vọng sẽ hoàn tất đàm phán trong vòng 2-3 năm tới.

Khu vực tự do mậu dịch giữa VN và EU dự báo sẽ giảm đến 90% dòng thuế. Ngoài ra, FTA sẽ bao trùm cam kết song phương trong các lĩnh vực mua sắm công, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hải quan...
 
HƯƠNG GIANG// Stockbiz
------
Hé lộ nguyên nhân lính Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc

Hãng tin Yonghap dẫn lời nhà lập pháp Hàn Quốc Kim Jin-pyo cho biết, lính Triều Tiên đào tẩu qua biên giới hôm 2/10 khai rằng, anh ta phải chạy trốn vì sợ bị trả thù sau khi hành hung cấp trên.

Theo báo cáo của ông Jo Seong Jik, chỉ huy đơn vị tiền tuyến Goseong (Gangwon, Hàn Quốc), nơi người lính này lần đầu xuất hiện,  "Lee đã gõ cửa sổ trạm gác quân đội vào khoảng 11:15 tối ngày 2/10 và trung sĩ Song ở bên trong trạm gác đã nghe thấy... Song đã cùng trưởng trạm gác ra ngoài, bắt giữ binh lính Triều Tiên, khi đó đã chạy được khoảng 5 - 6 mét".

Ông Kim là một trong 7 nhà lập pháp đối lập tới đơn vị tiền tuyến Goseong để kiểm tra hệ thống phòng thủ biên giới và họp bàn về vụ việc gây bẽ mặt quân đội Hàn Quốc.

Theo điều tra, trong vụ việc này, lực lượng an ninh ở đây đã không kịp thời phát hiện sự hiện diện của người lính Triều Tiên cho tới khi anh ta chủ động gõ cửa doanh trại quân đội.

Về việc camera giám sát không ghi lại được hình ảnh của binh lính Triều Tiên đào tẩu, ông Jo cho biết, theo điều tra của nhóm chuyên gia, chiếc camera không hoạt động vào thời điểm xảy ra vụ việc, song cũng không có bằng chứng cho thấy đoạn băng nào bị xóa.

Trong khi đó, quân đội có vẻ như cố gắng che giấu sai lầm này.
(Soha)
--------------
EU nhất trí gói biện pháp trừng phạt mới đối với Iran

Các nguồn tin ngoại giao cho biết ngày 12/10, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí tăng cường trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo này, trong đó chủ yếu tập trung vào các thỏa thuận với khu vực ngân hàng, thương mại và nhập khẩu khí đốt của Iran.
 
Một nhà ngoại giao cho hay "gói các biện pháp trừng phạt mới cứng rắn" trên sẽ được thông qua tại hội nghị ngoại trưởng EU ở Luxemburg vào ngày 15/10.
 
Theo một nhà ngoại giao khác, các ngoại trưởng sẽ nhất trí lần đầu nhắm vào lĩnh vực viễn thông của Iran, với mục tiêu là những công ty bị nghi ngờ hỗ trợ tài chính cho Tehran.
 
Nhà ngoại giao này cho biết mọi giao dịch giữa các ngân hàng Châu Âu và Iran sẽ bị cấm trên một ngưỡng "tương đối thấp," mặc dù sẽ có ngoại lệ cho một số trường hợp y tế và nhân đạo.
 
Bảo đảm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn cũng sẽ bị cấm giống như bảo đảm trung và dài hạn.
 
Cuối tháng trước, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton đã nói rằng Iran cần có biện pháp tức thì để giải tỏa những quan ngại ngày một lớn của cộng đồng quốc tế xoay quanh tham vọng hạt nhân của nước này, trong bối cảnh xuất hiện thêm các lời kêu gọi trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Tehran./.

(Vietnam+)
---------------
 Nhật - Hàn duy trì hợp tác kinh tế

Mối quan hệ hợp tác kinh tế hai bước bị gián đoạn sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc đến quần đảo tranh chấp

   Bên lề Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, ngày 11/10, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Koriki Jojima đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Bahk Jae-wan.

Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí duy trì hợp tác kinh tế chặt chẽ, bất chấp những căng thẳng gần đây giữa 2 nước liên quan đến quần đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo.

Bộ trưởng Tài chính hai nước cũng đã nhất trí nối lại cuộc đối thoại về các chính sách tài chính và kinh tế cấp Bộ trưởng định kỳ.   

Cuộc đối thoại năm nay giữa hai nước đã bị hoãn sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đến thăm quần đảo tranh chấp quần đảo tranh chấp hồi tháng 8 vừa qua./.

Anh Tuấn/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
--------------
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đến Việt Nam

Cựu Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Tony Blair thăm Việt Nam từ 14 đến 15/10 - theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Theo lịch trình, ông Tony Blair đến Hà Nội tối muộn ngày 14/10 và có hoạt động ngắn gọn trong buổi sáng kéo dài đến trưa 15/10, với cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Ngay sau hai cuộc gặp, ông sẽ bay đi Viêng Chăn - Lào cho hoạt động kế tiếp.

Đây là lần đầu tiên ông Tony Blair đến thăm Việt Nam.

Ông Tony Blair là cựu Thủ tướng lâu năm nhất của Công Đảng, người từng chiến thắng ba cuộc tổng tuyển cử liền kề nhau.

Sau khi rời chính trường, ông bận rộn hơn với nhiều hoạt động. Năm 2007, ngay sau khi thôi giữ chức Thủ tướng Anh, ông được bổ nhiệm làm đặc phái viên của nhóm Bộ tứ (Mỹ, Liên Hiệp quốc, Liên minh châu Âu và Nga) về tiến trình hòa bình tại Trung Đông.

Ông Tony Blair được mệnh danh là diễn giả đắt giá nhất hành tinh khi từng được trả lên đến 1 triệu USD cho ba giờ diễn thuyết.
( VNN)
-------------
Mỹ dự thảo quy định mới chống chiến tranh mạng

Cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công mạng qui mô lớn nhằm vào nước Mỹ, tối 11/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết mối đe dọa về một trận "Trân Châu cảng trên mạng" đang ngày càng tăng và hiện Mỹ đang dự thảo các quy định mới cho quân đội nước này, theo đó cho phép họ đáp trả mạnh tay trước các cuộc tấn công kỹ thuật số.

Phát biểu tại một diễn đàn tại New York, ông Panetta cho biết mục đích của việc sửa đổi các quy định can dự này chủ yếu nhằm bảo vệ các mạng máy tính của Bộ Quốc phòng, cũng như quốc gia và những lợi ích dân tộc của Mỹ trước một cuộc tấn công mạng qui mô lớn.

Dẫn chứng nguy cơ tấn công mạng đang ngày càng gia tăng có thể làm tê liệt hệ thống cơ sở hạ tầng chủ chốt của đất nước, ông Panetta cho rằng Mỹ không thể thành công trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công mạng chỉ bằng hàng rào phòng thủ được cải thiện.

Theo ông, nếu phát hiện thấy nguy cơ tấn công sắp xảy ra, gây tổn hại đáng kể cơ sở vật chất hoặc tính mạng các công dân, Mỹ cần lựa chọn hành động để bảo vệ đất nước và Bộ Quốc phòng Mỹ đã tăng cường khả năng tiến hành các hoạt động hiệu quả nhằm đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng nhằm vào lợi ích quốc gia trong không gian mạng.

Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cũng cảnh báo sự leo thang đáng kể của vấn đề an ninh mạng với mục tiêu nhằm vào các nghệ sỹ nước ngoài, mạng lưới cơ sở hạ tầng thiết yếu như nhà máy điện, nhà máy nước cũng như hệ thống giao thông.

Ông cũng đưa một kịch bản trong đó các quốc gia hoặc nhóm thù địch có thể chiếm giữ những mạng lưới thiết yếu và kết quả có thể dẫn đến một cuộc tấn công tổng lực vào hệ thống máy tính như trận chiến Trân Châu cảng.

Với đề xuất chi ngân sách là 3,4 tỷ USD, bộ phận quản lý an ninh mạng mới được thành lập sẽ tăng cường khả năng truy tìm dấu vết các cuộc tấn công kỹ thuật số và sẽ ngăn chặn bất kể cuộc tấn công mạng nào.

Trong bài phát biểu, ông Panetta đã nêu dẫn chứng về vụ virút "Shamoon" đã tấn công hệ thống máy tính của một công ty dầu mỏ của Arập Xêút vừa qua, khiến hơn 300.000 máy tính của công ty này bị tê liệt, gây thiệt hại đáng kể./.

(TTXVN)
--------------
Nhật Bản sẽ đưa tranh chấp Takeshima/Dokdo ra Tòa án quốc tế

Nhật Bản đang trong giai đoạn cuối cùng của việc chuẩn bị trình vấn đề tranh chấp lãnh thổ này lên Tòa án Công lý Quốc tế.

Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura hôm nay (12/10) khẳng định, Nhật Bản không thay đổi chính sách đơn phương đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ đối với hai đảo thuộc quần đảo Takeshima/Dokdo, ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague - Hà Lan.

Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản tiết lộ nước này đang trong giai đoạn cuối cùng của việc chuẩn bị trình vấn đề tranh chấp lãnh thổ này lên Tòa án Công lý Quốc tế, có thể vào cuối tháng 10 tới.

Tuy nhiên, vụ việc có thể sẽ không được đưa ra giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế do Hàn Quốc nhiều khả năng không tham dự phiên tòa.

Quy định của Tòa án Công lý Quốc yêu cầu phải có sự chấp thuận của bên bị để mở các phiên tranh luận tại tòa, trong khi Hàn Quốc từng nhiều lần phản đối đề nghị của Nhật Bản giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ Takeshima/Dokdo tại tòa án này./.

Theo TTXVN
--------------
Phản ứng trái chiều về giải thưởng hòa bình cho EU

Ngày 12/10, Ủy ban giải Nobel tại Na Uy đã quyết định trao giải thưởng Nobel hòa bình năm 2012 cho Liên minh châu Âu (EU), đề cao vai trò của khối trong việc tái thiết và tái thống nhất châu Âu sau thế chiến thứ II và Chiến tranh Lạnh.

Trong cuộc họp báo tại trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels (Bỉ), ngay sau tuyên bố của Ủy ban giải Nobel, Chủ tịch EC J.Manuel Barroso nhấn mạnh với giải thưởng cao quý này, những giá trị châu Âu đã được chính thức công nhận.

Ông đã điểm lại một số mốc phát triển và những nỗ lực của EU từ một liên minh gồm sáu nước thành viên ban đầu nay đã phát triển thành 27 nước, trải qua những thời kỳ khó khăn và nay đã trở thành một tấm gương về sự đoàn kết và hội nhập.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy cũng bày tỏ vui mừng, coi phần thưởng này là niềm vinh dự hết sức to lớn đối với EU và là "sự công nhận mạnh mẽ nhất có thể có" đối với những nỗ lực chính trị của liên minh.

Ông cho rằng bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính - được coi là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi thể chế này ra đời - đang tiếp tục hoành hành tại khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), EU vẫn giữ vững vai trò của mình trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định tại châu lục.

Trong khi đó, một số tổ chức và cá nhân đã phê phán quyết định trao giải thưởng hòa bình cho EU.

Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cho rằng quyết định trao giải thưởng hòa bình năm 2012 cho EU là tiếp tục hạ giá trị của giải thưởng danh giá này.

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Duma Quốc gia Vyacheslav Nikonov cho rằng EU không đặt các vấn đề an ninh và gìn giữ hòa bình vào các mục tiêu ưu tiên của tổ chức này, trong khi có nhiều tổ chức khác thực sự đóng góp lớn vào việc củng cố hòa bình thế giới.

Theo ông, việc trao giải thưởng này có thể chỉ nhằm ủng hộ tổ chức này về tinh thần trong bối cảnh EU đang suy sụp vì cuộc khủng hoảng nợ công và số phận đồng euro bị đe dọa.

Giám đốc Quĩ hòa bình Nga đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng nghị viện châu Âu (PACE) Leonid Slusky đánh giá việc trao giải thưởng hòa bình cho EU là "không đúng chuẩn mực."

Ông cho rằng kiến tạo hòa bình là nhiệm vụ thứ yếu trong hoạt động của EU vì tổ chức này chủ yếu là một thiết chế kinh tế.

Tổ chức kiến tạo hòa bình Thụy Điển cũng phê phán quyết định trao giải thưởng cho EU. Tổng Thư ký tổ chức này Kristofer Burnet-Kargill nhấn mạnh EU cần phải đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc đấu tranh vì hòa bình trên thế giới.

Ông cho biết trong EU hiện vẫn có những nhà sản xuất vũ khí lớn./.

(TTXVN)
-------------
EU đã trở thành chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2012

Theo Reuters, Ủy ban Nobel Na Uy ngày 12/10 cho biết Liên minh Châu Âu (EU) đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2012 nhờ vai trò lâu dài của liên minh này trong việc đoàn kết toàn châu lục.

Giải thưởng này được xem là sự khích lệ tinh thần cho toàn khối trong bối cảnh họ đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.

Ủy ban trên đã tuyên dương EU gồm 27 nước thành viên về tiến trình tái thiết sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 và vì vai trò của liên minh này trong việc tăng cường sự ổn định cho các quốc gia cộng sản trước đây sau khi dỡ bỏ Bức tường Berlin năm 1989.

Chủ tịch EU Herman Van Rompuy ngay sau đó tuyên bố rằng giải Nobel Hòa bình năm 2012 là sự ghi công về hơn 6 thập niên các nước EU nỗ lực "vượt qua chiến tranh và những phân cách."
 
"Giải thưởng này thừa nhận nỗ lực chung của các nước châu Âu nhằm vượt qua chiến tranh cũng như những phân cách và cùng nhau định hình một lục địa của hòa bình và thịnh vượng," nhà lãnh đạo này viết trên Twitter sau khi giải được công bố ở Oslo.

Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg đã chúc mừng EU đoạt giải Nobel Hòa bình nhưng nhấn mạnh rằng nước ông, nơi chủ trì giải thưởng danh giá đó, vẫn không có kế hoạch gia nhập khối này.
 
"Xin chúc mừng EU về giải thưởng hòa bình năm nay để ghi nhận nỗ lực kiến tạo hòa bình của họ, và hãy tách khỏi vấn đề mối quan hệ của Na Uy với EU," ông Stoltenberg phát biểu với các nhà báo ngay sau khi giải thưởng được công bố, và nói thêm rằng "việc gia nhập không có trong chương trình nghị sự."
 
Giải Nobel Hòa bình vốn đã được trao cho rất nhiều thể chế kể từ khi giải này ra đời vào năm 1901. Năm 2001, giải này đã được trao cho Liên hợp quốc và Tổng thư ký khi đó là ông Kofi Annan.
 
Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế đứng đầu danh sách với 3 lần được trao giải vào các năm 1917, 1944 và 1963.
 
Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cũng đoạt giải 2 lần vào năm 1954 và 1981.

Giải thưởng Nobel Hòa bình 2012 sẽ được trao tại Oslo vào ngày 10/12./.
( Vietnam+)
----------
"Mỹ sẽ giảm hàng nghìn tỷ USD thâm hụt ngân sách"

Ngày 11/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố mục tiêu của ông là trong một thập kỷ tới cắt giảm 4.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách liên bang trong khi tiếp tục theo đuổi các chương trình đầu tư cho giáo dục và một số hạng mục quan trọng khác phục vụ sự phát triển của đất nước.

Phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử tại thành phố Miami, bang Florida, Tổng thống Obama cho biết ông đã cùng các nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa xem xét kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách với mục tiêu 4.000 tỷ USD trong 10 năm tới.

Ông nhấn mạnh kế hoạch này chỉ có thể thành công nếu song hành với nó là tăng thuế thu nhập đánh vào các đối tượng có thu nhập từ 250.000 USD trở lên - chính sách mà cựu Tổng thống Bill Clinton đã từng thực hiện rất hiệu quả và nền kinh tế khi đó đã tạo được 23 triệu việc làm mới.

Xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực thế mạnh tạo nên sức cạnh tranh quốc gia và cần được ưu tiên, Tổng thống Obama cũng nêu rõ ngành giáo dục Mỹ cần bổ sung 100.000 giáo viên dạy toán và các môn học tự nhiên khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 2 triệu công nhân được theo học tại các trường học cộng đồng, giảm học phí trong những năm tới.

Hiện nợ công của Mỹ đã lên tới 16.000 tỷ USD, nhưng các nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vẫn không tìm được tiếng nói chung các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.

(TTXVN)
---------------
Baghdad – “Mỏ vàng” mới của Trung Quốc

Trong suốt thập kỷ trước, các công ty dầu mỏ của Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào châu Phi, đẩy mạnh mối quan hệ với các nước sản xuất dầu mỏ của châu lục này, điển hình là Angola, Congo và Nam Sudan.

Giờ đây, Trung Quốc lại đang âm thầm phát triển một con đường mới mang tên Bắc Kinh - Baghdad.

Theo Fatih Birol, chuyên gia kinh tế trưởng tại Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA), mối liên kết mới này không chỉ liên quan đến nhập khẩu dầu mỏ mà còn đến cả hoạt động đầu tư. Thực tế, những gì Trung Quốc đang làm ở Iraq giống hệt như những gì nước này đã làm ở 1 số quốc gia châu Phi khác.

Các công ty khai thác dầu mỏ trực thuộc nhà nước Trung Quốc đang rất tích cực cải tạo ngành dầu mỏ ở Iraq. CNPC, PetroChina và Cnooc hiện đang đóng vai trò là đối tác hoặc là bên vận hành của 1 số mỏ dầu có qui mô khổng lồ được chính quyền Iraq cấp phép khai thác, trong đó có 2 mỏ lớn nhất là Rumaila và Halfaya.

Tổng cộng, các công ty khai thác dầu của Trung Quốc đang tham gia vào các dự án được dự kiến sẽ đạt sản lượng 2 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Theo ước tính của IEA, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng cường hoạt động ở Iraq trong vòng 2 thập kỷ tới, khi nước này đẩy mạnh khai thác dầu mỏ trong 2 thập kỷ tới.

Việc Trung Quốc đột biến gia tăng lượng dầu nhập khẩu từ Iraq sẽ đánh dấu 1 sự thay đổi lớn so với hiện trạng. Hiện nay, nguồn cung dầu mỏ từ Iraq vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc (5%). Trong khi đó, các nước châu Phi khác như Angola, Sudan hay Congo đóng vai trò quan trọng hơn.

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, xu hướng này cũng đem lại 1 số rủi ro nhất định bởi nguồn cung từ Iraq không ổn định với các vấn đề về an ninh, luật pháp và cơ sở hạ tầng.

Minh Anh
Theo TTVN/FT
----------
Trung Quốc điều tra quan chức có 21 nhà

Nhờ lời tố giác của người dùng mạng xã hội Trung Quốc, chính quyền đã điều tra và đình chỉ chức vụ của một quan chức sở hữu 21 căn nhà trị giá hàng triệu USD.

Hãng thông tấn Xinhua cho hay, chính quyền thành phố Quảng Châu ở miền nam Trung Quốc đã vào cuộc điều tra quan chức quản lý đô thị Cai Bin, 56 tuổi, người có 21 căn nhà trị giá 40 triệu Nhân dân tệ, tương đương 6,4 triệu USD. Hôm qua. ông Cai đã bị đình chỉ chức vụ.

Ông Cai, với mức thu nhập 10.000 Nhân dân tệ (1.600 USD) một tháng, đã không báo cáo tất cả những bất động sản mà ông sở hữu theo yêu cầu của chính quyền. Vụ việc bị đưa ra ánh sáng sau khi những người sử dụng Internet đăng lên mạng xã hội Sina Weibo những bức ảnh chụp các ngôi nhà của ông Cai, một vài trong số đó là những căn biệt thự xa hoa.

"Về cơ bản đúng là ông Cai có 21 nhà, theo điều tra sơ bộ của chúng tôi", một quan chức chính quyền chịu trách nhiệm điều tra xác nhận.

Số nhà này nhiều hơn so với con số mà ông Cai báo cáo trước đó với chính quyền cấp trên. Cuộc điều tra sơ bộ phát hiện ông Cai sở hữu 18 ngôi nhà ở quận Panyu và 3 căn khác ở quận Nansha, đều thuộc thành phố Quảng Châu. Bản kê khai tài sản năm ngoái và năm nay của ông Cai đều khai ông chỉ có hai căn nhà.

Trong số đó, 19 ngôi nhà nằm dưới tên của vợ ông Shi Liying và con trai ông. Một ngôi nhà là tài sản chung của ông Cai và bà Shi cùng một người khác. Ông Cai có một căn nhà nhiều tầng rộng 240 mét vuông và một nhà máy 3.045 m2.

Giới chức Trung Quốc gần đây thường xuyên đối mặt với các cáo buộc của công chúng trên những mạng xã hội phổ biến. Một quan chức ở tỉnh miền đông nam Phúc Kiến cũng vừa gây ra một làn sóng tranh cãi sôi nổi trên mạng tuần này, sau khi những người sử dụng Sina Weibo tố cáo ông tìm cách "bịt miệng" những tờ báo đăng tin ông xài đồng hồ và thắt lưng hàng hiệu.

Ông Yang Dacai, một quan chức ở tỉnh miền trung Thiểm Tây, tháng trước bị sa thải sau khi bị những người sử dụng Weibo đăng tải và lan truyền những bức ảnh ông đeo đồng hồ xa xỉ. Năm chiếc trong số đó được cho là có tổng giá trị hơn 300.000 Nhân dân tệ (gần 50.000 USD).

Các lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố tham nhũng và lạm quyền là mối đe dọa lớn đối với uy tín và kỷ luật đảng. Đảng Cộng sản Trung Quốc đang cố gắng thu hút sự chú ý vào những nỗ lực chống tham nhũng trước thềm đại hội tháng tới, thời điểm diễn ra cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo mỗi thập kỷ chỉ có một lần.

Anh Ngọc
VNexpress
---------------
Pháp đã thông qua Hiệp ước về tài chính châu Âu

Ngày 11/10, với 306 phiếu ủng hộ, 32 phiếu chống, Thượng viện Pháp đã thông qua Hiệp ước tài chính châu Âu.

Như vậy, cùng với việc Hạ viện đã thông qua hôm 9/10, Pháp trở thành nước thứ 13 trong Liên minh châu Âu (EU) và thứ 9 trong Khu vực đồng euro (Eurozone) phê chuẩn văn bản pháp lý yêu cầu các nước thành viên Eurozone có mức nợ cao duy trì thâm hụt ngân sách dưới 0,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone hiện nay.

Ngoài việc kêu gọi duy trì thâm hụt ngân sách dưới 0,5% GDP, Hiệp ước tài chính châu Âu (có tên chi tiết là Hiệp ước về ổn định, hợp tác và quản lý trong Liên minh tiền tệ và kinh tế) còn buộc các nước Eurozone khôi phục ổn định tài chính nếu không muốn đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EU tháng Ba vừa qua, 25/27 nước thành viên EU (trừ Anh và Cộng hòa Séc), đã ký kết Hiệp ước tài chính châu Âu, được soạn thảo theo sáng kiến của Đức và Pháp, nhằm siết chặt kỷ luật ngân sách và ngăn chặn thâm hụt ngân sách quá mức cho phép (3% GDP).

Hiệp ước tài chính châu Âu phải được ít nhất 12/17 nước thành viên Eurozone thông qua để chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Tất cả các nước ký hiệp ước này phải đưa quy định nói trên vào hiến pháp và quá trình này sẽ do Tòa án Tư pháp châu Âu giám sát. Các nước chậm trễ trong việc sửa đổi hiến pháp có thể bị phạt tới 0,1% GDP và khoản tiền này được chuyển vào Quỹ bình ổn tài chính của EU.

Ủy ban châu Âu (EC) sẽ theo dõi mức thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia. Nếu thâm hụt ngân sách của một nước trong năm vượt ngưỡng 3% GDP, một cơ chế điều chỉnh sẽ tự động vận hành, theo đó EC khuyến nghị nước này thực hiện một gói biện pháp bắt buộc để bình ổn tình hình./.

(TTXVN)
------------
Hàn Quốc gặp rắc rối với Mỹ vì lỗ hổng an ninh

Một quan chức An ninh Nội địa Hàn Quốc giấu tên cho biết các nhà chức trách đã không nhận ra ra điểm đáng ngờ gì khi Yongda Huang Harris, 28 tuổi, và toàn bộ hành lý của anh ta trải qua quá trình kiểm tra tại hải quan sân bay Incheon.

Tuy nhiên, tới Los Angeles, Harris đã bị chặn lại sau khi nhân viên bảo vệ biên giới và Hải quan Mỹ phát hiện anh ta mặc một chiếc áo chống đạn.

Điều tra sau đó cho thấy hành lý đã từng qua kiểm tra của Harris chứa lựu đạn khói và hàng loạt những vật liệu đáng ngờ như còng tay, túi đựng xác người, dùi cui, băng keo... Lựu đạn khói được liệt vào danh sách hàng cấm trên các chuyến bay.

Giới chức Mỹ đang phối hợp với phía Hàn Quốc để xác định xem những vũ khí trong hành lý của Harris đã vượt qua khâu kiểm tra bằng máy quét như thế nào.

Tom Blank, cựu phó quản lý tại Cục Quản lý An ninh Giao thông vận tải Mỹ cho biết Mỹ có thể sẽ xem xét liệu vụ việc này có phải bắt nguồn từ lỗ hổng anh ninh lớn ở Hàn Quốc hay không. Nếu đúng, Mỹ có thể sẽ yêu cầu thắt chặt các biện pháp an ninh, hoặc thậm chí là cấm các chuyến bay trực tiếp tới Mỹ từ Hàn Quốc.

Hiện Harris đã bị buộc tội vận chuyển hàng hóa nguy hại và đang đối mặt với án phát tối đa là 5 năm tù giam. Theo giới chức Mỹ, Harris vẫn không trả lời cảnh sát vì sao anh ta lại mang hàng loạt các loại vũ khí tới Boston.

Harris là một công dân người Mỹ sống tại Boston. Tuy nhiên, thời gian gần đây, anh này bắt đầu sống và học tập tại Nhật Bản.

Trước đó, hành lý của anh này cũng dễ dàng vượt qua sự kiểm tra của máy dò tìm kim loại và quét X - quang. Các quan chức nhập cư và sân bay ở Sân bay Quốc tế Kansai khẳng định thời gian gần đây, họ không phát hiện ra trường hợp đáng ngờ nào.
( Soha)
---------------
Mỹ, Nhật, Hàn "bàn kế" liên quan đến Triều Tiên

 Các quan chức đến từ Mỹ, Nhật và Hàn Quốc sẽ gặp nhau tại Tokyo vào tuần tới để bàn thảo những vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua (11/10) cho hay.
 
Cuộc đối thoại tam phương này sẽ bắt đầu từ ngày 17/10 tới với sự góp mặt của ông Glyn Davies – Đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách với CHDCND Triều Tiên, Shinsuke Sugiyama – Chủ tịch Vụ Châu Á và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, và ông Lim Sung-nam – Đặc phái viên Hàn Quốc phụ trách vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Cuộc gặp tam phương này nằm trong tiến trình đối thoại đang diễn ra giữa ba nước nhằm trao đổi quan điểm về tình hình hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định sự hợp tác chặt chẽ của các bên trong vấn đề của CHDCND Triều Tiên”.

Thêm vào đó, ông Davies cũng sẽ có cuộc hội kiến song phương với đại diện phía Nhật Bản và Hàn Quốc trong chuyến công du đến thủ đô của hai nước.

 Trong một diễn biến liên quan khác, trong chuyến công du kéo dài 8 ngày tới châu Á, bắt đầu từ ngày thứ Bảy tuần trước (6/10), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ - William Burn cũng sẽ bàn thảo về vấn đề Triều Tiên với những người đồng cấp tại các quốc gia chủ nhà, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trước đó, hôm qua (11/10), Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Victoria Nuland nói với giới phóng viên rằng: “Chúng tôi luôn luôn bàn về CHDCND Triều Tiên khi chúng tôi ở Bắc Á và chúng tôi luôn nỗ lực tìm cách chỉ cho họ thấy những động thái và cam kết mới trong những đề xuất mà các vòng đàm phán sáu bên đưa ra”.

Đàm phán 6 bên có sự tham gia của 6 quốc gia bao gồm CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Mỹ với chủ đề là phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong một tuyên bố chung đưa ra hồi năm 2005, CHDCND Triều Tiên đã cam kết từ bỏ tất cả các chương trình hạt nhân cũng như tham vọng sản xuất vũ khí hạt nhân, đồng thời sẽ trở lại với Hiệp ước Phi phổ biến Vũ khí hạt nhân trong thời gian sớm nhất.

Trong tuyên bố trên, Washington đã khẳng định sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và cũng không có ý định tấn công hay xâm lấn Triều Tiên bằng vũ khí thông thường hay vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Seoul cũng tái khẳng định cam kết không tiếp nhận hay triển khai vũ khí hạt nhân theo Tuyên bố chung về Phi phố biển Hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên năm 1992.

Tuy nhiên, cho đến nay, mọi tuyên bố của Triều Tiên  vẫn chỉ là trên giấy, vòng đàm phán 6 bên vẫn tiếp tục được tiến hành để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân nhưng vẫn chưa có kết quả.

Đan Khanh - (theo Xinhua, VNmedia)
-------------------------
 9 ngư dân Philippines mất tích gần bãi cạn Scarborough

 Cảnh sát biển Philippines cho hay, 9 ngư dân Philippines hiện đang mất tích trong khi đang đánh cá gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông mà Philippines và Trung Quốc hiện đang tranh chấp chủ quyền.

Tờ NDTV xuất bản tại Ấn Độ ngày 11/10 dẫn lời lực lượng Cảnh sát biển Philippines cho hay, 9 ngư dân Philippines hiện đang mất tích trong khi đang đánh cá gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông mà Philippines và Trung Quốc hiện đang tranh chấp chủ quyền.

Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Philippines Edmund Tan cho hay 9 ngư dân này rời tỉnh Zambales miền tây bắc Philippines hôm 01/10 ra khơi hướng tới vùng biển phía nam bãi cạn Scarborough, nhưng đến giờ họ vẫn chưa trở về. Ông cho rằng các ngư dân này đã gặp phải một cơn bão trên biển.

Theo ông Tan, tuy Cảnh sát biển không thể tiến hành tìm kiếm trên biển vì sóng lớn nhưng họ đã nhờ tàu bè qua lại khu vực này tìm kiếm các ngư dân bị mất tích.

Ông Tan cũng cho hay Cảnh sát biển đang xác minh tin tức cho rằng một trong những ngư dân này đã tìm cách gửi tin nhắn về cho người thân thông báo địa điểm của mình.

Hiện cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough.
(GDVN)
----------------
 Nhật-Trung 'đột phá' về tranh chấp biển đảo

Các thứ trưởng của Nhật Bản và Trung Quốc sẽ sớm đàm phán nhằm giải quyết tranh cãi gay gắt xung quanh chủ quyền tại quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Hãng tin Kyodo của Nhật cho biết các quan chức cấp cao của Nhật và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã thống nhất đàm phán biển đảo trong cuộc họp tại Tokyo hôm qua.

Thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán hoặc các thứ trưởng nào sẽ tham dự vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây là một bước 'đột phá' trong việc giải quyết xung đột căng thẳng nhất tại Đông Bắc Á lúc này.

Cũng trong ngày hôm qua, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde nói rằng Trung Quốc có thể sẽ 'thiệt' nếu không cử Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng tới tham dự các cuộc họp về kinh tế toàn cầu diễn ra  tại Nhật Bản tuần qua.

Nhiều người cho rằng việc Trung Quốc không tham dự các cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới là dấu hiệu mới nhất cho thấy căng thẳng dâng cao giữa Bắc Kinh và Tokyo tại vùng biển Hoa Đông.

Tranh cãi về biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã nổ ra và bị đẩy lên đỉnh điểm khi Tokyo quyết định mua 3 trong số 5 hòn đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông. Động thái này đã khiến biểu tình chống Nhật nổ ra dữ dội tại các thành phố Trung Quốc.

Trung Quốc nói rằng các hòn đảo này là một phần lãnh thổ của họ kể từ thời cổ xưa.

Trong cuộc họp thường niên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã chỉ trích Tokyo "đánh cắp" đảo của Trung Quốc từ năm 1895, thời điểm kết thúc cuộc chiến Trung - Nhật.

Nguồn tin của chính phủ Nhật cho rằng cách nói này của ông Dương đã khiến quan chức của một số quốc gia khác phải nhíu mày.

Hãng tin Kyodo trích lời nguồn tin này, nói rằng giọng điệu của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã cho thấy "một phong cách phát biểu cực kỳ thiếu nhã nhặn". "Tôi nghĩ rằng các cách nói chuyện đó thường hợp với tại Hội đồng Bảo an LHQ hơn" - nguồn tin giấu tên nói.

Vì cả Trung Quốc và Nhật Bản đều liên quan tới tranh chấp này, "không ai dám nói một cách dứt khoát rằng Nhật là tốt hay Trung Quốc là xấu. Nhưng có một số người đã rất sửng sốt trước các tuyên bố kiểu như vậy" - Kyodo trích lời nguồn tin từ nhân vật giấu tên trong chính quyền Nhật.

Lê Thu (theo Kyodo/CNA, VNN)
----------------------
Mỹ liệt MS-13 vào diện tội phạm xuyên quốc gia

Ngày 11/10, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt một trong những tổ chức tội phạm nguy hiểm nhất thế giới có tên Mara Salvatrucha (MS-13) vào danh sách các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.

Quyết định này sẽ cho phép chính phủ phong tỏa bất cứ tài sản nào do MS-13 sở hữu tại Mỹ, đồng thời nghiêm cấm các công dân Mỹ liên hệ làm ăn với tổ chức tội phạm này.

Giới chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết MS-13 (một băng đảng bạo động gốc El Salvador) có khoảng 30.000 thành viên, trong đó có 8.000 tên hoạt động tại hơn 40 tiểu bang và thủ đô Washington của Mỹ. Ngoài El Salvador, MS-13 còn hoạt động nhiều ở các nước châu Mỹ khác. Theo Thứ trưởng Tài chính phụ trách tình báo tài chính và chống khủng bố, ông David Cohen, MS-13 có dính líu vào nhiều vụ giết người, bắt cóc tống tiền, buôn bán ma túy và buôn người tại Mỹ, và các cuộc tấn công bạo động của chúng thường gây thương vong cho thường dân vô tội. Kể từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 4.000 thành viên MS-13 bị bắt tại Mỹ.

 Ngoài ra, Mỹ cũng đã tung ra các biện pháp tương tự chống các tổ chức tội phạm khét tiếng khác trên thế giới như Yakuza ở Nhật Bản, Los Zetas ở Mêhicô và Camorra ở Italy.

TTXVN/Tin tức


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te