TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung - Nhật Senkaku/Điếu Ngư: Diễu võ dương oai

Sau 10 ngày nóng bỏng với các cuộc biểu tình của người dân Trung Quốc (TQ) tại hơn 100 thành phố lớn trong cả nước do vấn đề tranh chấp chủ quyền cùng Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, không khí chống Nhật tại TQ đã tạm thời lắng dịu trong bối cảnh hai nước thù địch còn ấp ủ những toan tính mới.

Làn sóng biểu tình chống Nhật những ngày qua đã làm quan hệ Bắc Kinh - Tokyo căng thẳng chưa từng có trong suốt 40 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Giới phân tích quốc tế hiểu rõ căn nguyên sâu xa của tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư là chủ nghĩa dân tộc cực đoan của cả hai phía.

Cuộc tranh chấp bắt đầu bùng nổ ngay sau khi Chính phủ Nhật Bản thông báo quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn thuộc sở hữu tư nhân bằng cách mua lại 3 hòn đảo với giá 26 triệu USD. Như một giọt nước làm tràn ly, Bắc Kinh phản ứng ngay lập tức với tuyên bố của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khẳng định việc chuyển nhượng đảo là hoàn toàn bất hợp pháp. Giải phóng quân nhật báo của quân giải phóng nhân dân TQ bình luận “Nhật Bản đang đùa với lửa”.

Cuộc tranh chấp Trung - Nhật lần này đã kéo cả Mỹ vào cuộc do chiến lược của Washington đã chuyển hướng từ châu Âu sang châu Á - Thái Bình Dương. Bằng chứng của sự vào cuộc này thể hiện quá rõ ràng trong chuyến thăm Tokyo và Bắc Kinh tuần qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta với sứ mệnh “dàn hòa” hai nước đều là đối tác quan trọng của Mỹ. Hãng AP viết: “Giới quan sát quốc tế lo ngại chuyến thăm của ông trùm Lầu Năm Góc Mỹ khó có thể tháo ngòi nổ căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật”.
Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba đã nói rõ ý đồ của Mỹ khi tuyên bố với đài NHK: “Tokyo và Washington thỏa thuận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ được bảo vệ bởi hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ ký năm 1960”.

Dù bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhiều lần nói Washington không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp Trung - Nhật (?), Tân Hoa Xã vẫn thẳng thắn cảnh báo: “Washington đã phạm sai lầm khi tuyên bố sẽ thi hành hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ đối với quần đảo Điếu Ngư. Mỹ không đủ tư cách hành xử như quan tòa trong vụ tranh chấp Trung - Nhật. Không có ai mời Mỹ làm trọng tài phân xử”.

Đánh giá “mặt được” và “chưa được” trong làn sóng biểu tình chống Nhật, nhiều học giả TQ không đồng tình với xu hướng kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong dân chúng. Giáo sư sử học Viện Vi Thời của Trường Đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu nhận xét: “Sẽ không thể có nhiều cuộc biểu tình tự phát lan rộng khắp đất nước nếu không có thỏa thuận ngầm của chính phủ”.  Giáo sư Đạt Chí Cường thuộc Học viện Khoa học xã hội Hắc Long Giang tỏ ra bức xúc: “Tình hình sẽ trở nên phức tạp khi vấn đề tranh chấp lãnh thổ bị hòa trộn với các vấn đề xã hội trong nước như tệ nạn tham nhũng”.

Một điều lo ngại khác là quan hệ Trung - Nhật xấu đi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước và sự phát triển của kinh tế khu vực. TQ và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới. Thương mại song phương Trung - Nhật năm 2011 đạt 345 tỉ USD. TQ là khách hàng lớn nhất của Nhật Bản trong khi Tokyo là khách hàng lớn thứ 4 của TQ. Vì vậy, thật đáng lo ngại khi Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ, đe dọa Nhật Bản có nguy cơ tụt hậu 20 năm nếu bị Bắc Kinh trừng phạt kinh tế.

ĐỖ CHUYÊN

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te