TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tranh chấp quần đảo Senkaky/Điếu Ngư, Jim Webb: Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực

Ngày 20-9 (giờ địa phương), Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương (Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ), đã chủ trì cuộc điều trần với chủ đề “Tranh chấp lãnh thổ và vấn đề chủ quyền ở châu Á”.

Hãng tin Pacific News Center (Mỹ) đưa tin ông Jim Webb khẳng định Mỹ có lợi ích lâu dài và vững mạnh ở Đông Á nhưng Mỹ không có ý định tìm kiếm bá quyền và không nhằm kiềm chế nước nào trong khu vực

Ông điểm lại các tranh chấp chủ quyền gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc (TQ) và Nhật; biển Đông giữa TQ, Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, lãnh thổ Đài Loan; quần đảo Dokdo/Takeshima giữa Hàn Quốc và Nhật, quần đảo Kuril giữa Nhật và Nga.

Ông cho rằng Mỹ không cần kiêng dè tác động để ngăn cản các bên sử dụng vũ lực hoặc đơn phương mở rộng tuyên bố chủ quyền. Ông kêu gọi chính phủ Mỹ phải dẫn dắt các bên tìm kiếm lộ trình giải quyết tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp ở biển Đông.

 

 

Cửa hàng bách hóa JUSCO của Nhật ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) bị người biểu tình cướp bóc ngày 15-9. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông nhắc lại trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta hôm 18-9 ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt có nói TQ bảo lưu quyền hành động xa hơn trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ông nhận định tuyên bố này chỉ có thể được hiểu là lời đe dọa sử dụng vũ lực. Ông cho rằng lời đe dọa này có thể gây hậu quả trực tiếp với Mỹ vì năm 2004, chính quyền của Tổng thống Bush đã khẳng định rõ quần đảo Senkaku thuộc phạm vi nghĩa vụ an ninh của Mỹ căn cứ theo hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.

Ông ghi nhận chính phủ Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhằm tháo gỡ căng thẳng có thể xảy ra vì trước đó, thị trưởng TP Tokyo đã tuyên bố chính quyền TP Tokyo sẽ mua quần đảo. Tuy nhiên, động thái của chính phủ Nhật đã bị TQ hiểu nhầm.

Ông nhận định TQ đã thực hiện vụ xâm nhập trái phép lớn nhất từ trước đến nay ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khi đưa sáu tàu hải giám đến quần đảo vào tuần trước. Ông cho rằng các cuộc biểu tình chống Nhật mới đây ở TQ được chính phủ TQ tiếp tay.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell đã khẳng định quần đảo Senkaku thuộc khuôn khổ hiệp ước an ninh chung Mỹ-Nhật. Ông phát biểu Nhật kiểm soát quần đảo về hành chính hiệu quả, do đó quần đảo có liên quan đến khoản 5 của hiệp ước. Khoản 5 quy định các bên thừa nhận một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào bất kỳ bên nào ở lãnh thổ Nhật sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và an toàn của các bên và các bên phải hành động đối phó với nguy hiểm chung.

Ông nhận định các hành động bạo lực chống Nhật ở TQ đã làm gia tăng căng thẳng hai bên và làm Mỹ lo lắng đồng thời rõ ràng hủy hoại hòa bình và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương.

Thượng nghị sĩ Jim Webb chỉ trích TQ ngày càng biểu lộ thái độ sẵn sàng sử dụng vũ lực ở biển Đông. Ông nói một năm qua, TQ đang dấn sâu vào mưu đồ kiểm soát hành chính và kiểm soát thực tế đối với các khu vực ở biển Đông mà luật pháp quốc tế không ghi nhận thuộc quyền tài phán của TQ.

Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell phát biểu Mỹ ủng hộ nỗ lực của ASEAN và TQ tiến tới thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông có hiệu quả và Mỹ khuyến khích các bên khảo sát các hình thức hợp tác mới để quản lý khai thác tài nguyên ở biển Đông. Ông đề xuất Mỹ cần củng cố tác động trong tranh chấp ở biển Đông bằng cách phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển.

THẠCH ANH - ĐĂNG KHOA
Theo PLTPHCM

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te