“Chúng tôi không có vị trí nào đối với chủ quyền của các hòn đảo này”, ông Kurt Campbel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương cho biết trong cuộc họp của Tiểu ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Một bức hình quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại khu tàu điện ngầm Tokyo hôm 18-9-2012
Theo Reuters, Nhật Bản đã kiểm soát các hòn đảo đá này từ năm 1895 và gọi tên là Senkaku, trừ khoảng thời gian từ 1945-1972 do Mỹ quản lý. Trung Quốc và Đài Loan đều giữ lập trường là họ đã khẳng định chủ quyền trước và gọi đây là quần đảo Điếu Ngư.
"Chúng tôi thừa nhận rõ ràng rằng Nhật Bản vẫn duy trì kiểm soát hiệu quả hành chính và như vậy, khu vực này vẫn theo quy định tại Điều 5 của Hiệp ước An ninh", ông Campbell nói tại buổi điều trần trước Tiểu ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về vấn đề các tranh chấp lãnh thổ châu Á.
Ông Campbell khẳng định những cuộc biểu tình bạo lực chống Nhật vừa qua và những hành động gia tăng căng thẳng khác khiến Mỹ cực kỳ lo ngại.
Đụng độ lại tiếp tục bùng nổ hồi tuần trước khi Chính phủ Nhật quyết định quốc hữu hóa một số đảo bằng cách mua lại từ các chủ sở hữu người Nhật.
“Chúng tôi rất quan ngại đối với những cuộc biểu tình chống Nhật gần đây và thực sự không khỏi đặt dấu chấm hỏi đối với quan hệ đối tác Trung- Nhật trong bối cảnh này. Điều đó rõ ràng không nằm trong lợi ích chiến lược của chúng tôi và sẽ làm suy yếu nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực”, ông Campbell nói thêm.
Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật được ký kết tại Washington vào ngày 19-1-1960 và có hiệu lực vào ngày 23-6-1960 sau khi hiệp ước được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn.
Điều 5 của Hiệp ước này nêu rõ: “Mỗi bên ghi nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại bất cứ bên nào trong khu vực lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sẽ là mối nguy đối với hòa bình và an toàn của chính mình và tuyên bố sẽ hành động để đối phó với mối nguy chung phù hợp với các điều khoản và tiến trình hiến pháp nước mình”.