TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tranh chấp Senkaku: Tướng Trung Quốc - La Viện dằn mặt Nhật Bản

Trong tình hình tranh chấp đảo Senkaku leo thang, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chuẩn bị thăm Nhật, Mỹ tiếp tục nhấn mạnh Hiệp ước với Nhật…
 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto tại một cuộc họp báo ở Washington vào ngày 3/8/2012

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ thăm Nhật Bản vào tuần tới

Theo hãng Kyodo Nhật Bản, nhiều nguồn tin về quan hệ Nhật-Mỹ cho biết, chính phủ hai nước Nhật-Mỹ đang làm công tác chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản vào tuần tới của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta.

Trong chuyến thăm này, ông Leon Panetta sẽ gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto, dự kiến sẽ trao đổi ý kiến về quan hệ Nhật-Trung, Nhật-Hàn đang căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ và kế hoạch triển khai máy bay vận tải kiểu mới Osprey của quân Mỹ.

Tháng 8/2012, Leon Panetta và Satoshi Morimoto từng tổ chức hội đàm tại Washington, hai bên nhất trí đồng ý không đưa máy bay Osprey vào sử dụng ở lãnh thổ Nhật Bản trước khi độ an toàn của máy bay này được xác nhận.

Hai bên còn đạt được đồng thuận về việc tiếp tục triển khai thảo luận vấn đề sửa đổi “Phương châm hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ”.

Các nguồn tin cho biết, gần đây, quân Mỹ tiếp tục tăng cường triển khai nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại tại Nhật Bản và khu vực Đông Bắc Á cho tới toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, được cho là nhằm vào Trung Quốc, không chỉ ở biển Hoa Đông, biển Đông, mà còn ở Australia. Những căn cứ quân sự, điểm đóng quân lâu dài hoặc tạm thời này giống như “chim ưng bay vòng quanh Trung Quốc”, tạo thế bao vây, kiềm chế Trung Quốc.

Một động thái đáng chú ý là, 2 máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ vừa đến căn cứ Iwakuni, được cho là đối phó với tình hình mới tại khu vực.

 

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ tại căn cứ Okinawa, Nhật Bản

Mỹ xác nhận Senkaku thích hợp dùng cho Hiệp ước Bảo đảm An ninh Nhật-Mỹ

Trang mạng sina Trung Quốc dẫn các nguồn tin cho biết, gần đây, trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Điều tra Chính sách của Đảng Dân chủ Nhật Bản Seiji Maehara đã có cuộc hội đàm với Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell và xác nhận, đảo Senkaku là đối tượng áp dụng thích hợp của Hiệp ước Bảo đảm An ninh Nhật-Mỹ.

Bài báo cho biết, Maehara và Campbell đã nói rõ quá trình Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku, Campbell cho biết “có thể hiểu được”. Hai bên còn xác nhận đảo Senkaku là đối tượng áp dụng thích hợp của Hiệp ước Bảo đảm An ninh Nhật-Mỹ.

Ngoài ra, tại Washington, Maehara còn gặp gỡ Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lippert. Đối với kế hoạch triển khai máy bay vận tải kiểu mới Osprey của quân Mỹ ở sân bay Futenma, tỉnh Okinawa, Maehara cho biết, chỉ cần độ an toàn của máy bay chưa được bảo đảm đầy đủ, kế hoạch cần phải xem xét lại.

Maehara đồng thời yêu cầu, sau khi máy bay Osprey được đưa vào sử dụng chính thức, phải hạn chế khu vực bay “chuyển đổi mô hình” ở căn cứ và trên biển. “Chuyển đổi mô hình” là chỉ trạng thái của cánh quạt máy bay, mẫu này được cho là dễ làm cho máy bay hoạt động không ổn định. Khi rơi vỡ ở Morocco và bang Florida, Mỹ, máy bay Osprey đều ở trạng thái bay “chuyển đổi mô hình”.

 

Mỹ đã triển khai máy bay cánh xoay MV-22 Osprey ở Nhật Bản

Ngoài ra, trong bài phát biểu tối ngày 12/9 tại Washington, Mỹ, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Maehara đã bày tỏ “hết sức lo ngại” về chính sách khai phá biển của Trung Quốc, đồng thời khuyến khích Chính phủ Nhật Bản nới lỏng quyền sử dụng “quyền tự vệ tập thể”.

Ông nói: “Trung Quốc áp dụng hành động dựa trên học thuyết và chủ trương riêng có khó hiểu, đã trở thành nhân tố bất ổn của khu vực. Trung Quốc đã không còn e ngại thách thức quan niệm giá trị và trật tự quốc tế”.

Maehara còn nhấn mạnh đến chủ trương nhất quán của ông là, cần cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể, để Lực lượng Phòng vệ có thể bảo vệ tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế và tiếp tế cho quân Mỹ ở “vùng biển xung quanh Nhật Bản”.

Theo tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản, bài phát biểu của Maehara đã phản ánh “ý thức cảnh giác rất lớn” đối với các hành động của Trung Quốc, cho rằng cách làm của Trung Quốc là “nỗ lực mang tính vật lý hòng thay đổi hiện trạng”.

Tướng Trung Quốc La Viện: Nhật Bản chớ trông chờ vào Hiệp ước Bảo đảm An ninh Nhật-Mỹ

Ngày 11/9, Chính phủ Nhật Bản đã xác nhận phương hướng quốc hữu hóa đảo Senkaku và 2 trong số những hòn đảo lân cận, quyết định sử dụng 2,05 tỷ yên tiền chuẩn bị mua đảo, đồng thời ký hợp đồng mua đảo với người sở hữu.

 

Đại quân khu Nam Kinh Trung Quốc diễn tập đổ bộ đường không.

Báo “Giải phóng quân” Trung Quốc coi đây là “chiếm đoạt lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc một cách bất hợp pháp, là một bước đi nguy hiểm trên con đường sai lầm của Chính phủ Nhật Bản gây thiệt hại cho đại cục quan hệ Trung-Nhật”, coi hành động này là “phí công” và “Chính phủ và nhân dân Trung Quốc sẽ tuyệt đối không nhường nửa bước”.

Báo Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản “chớ phán đoán sai tình hình”, vì “Trung Quốc hiện nay đã khác xưa, không phải là Trung Quốc trong Chiến tranh Giáp Ngọc năm 1894, cũng không phải là Trung Quốc trong Chiến tranh xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản năm 1937. Thời đại chỉ dựa vào một bản hiệp ước để cướp lấy lãnh thổ của Trung Quốc không còn nữa”.

Báo Trung Quốc răn đe Nhật Bản: “Chủ quyền lãnh thổ có liên quan tới sự tôn nghiêm dân tộc và lợi ích cốt lõi quốc gia, Chính phủ và thế lực cánh hữu Nhật Bản không nên đánh giá thấp quyết tâm của nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối Nhật Bản mua đảo, đồng thời sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Nếu Nhật Bản cố tình, tất cả những hậu quả nghiêm trọng chỉ có thể do Nhật gánh chịu”.

Bài báo còn “gọi hàng” Nhật Bản rằng: “Chính phủ Nhật Bản không nên đặt hy vọng vào ưu thế trên biển, trên không của mình. Hiện nay, sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc đã có sự phát triển mà bất cứ ai cũng không thể coi thường. Bất kể là trước đây, hiện nay hay tương lai, kích động chiến tranh sẽ gây ra thảm họa vô cùng nghiêm trọng đối với Nhật Bản”.

Bài báo tiếp tục giọng điệu đe dọa: “Chính phủ Nhật Bản không nên hy vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ nhượng bộ. Trung Quốc sẽ không làm thiệt hại đến an ninh và chủ quyền của mình để đổi lấy hòa bình”.

 

Đại quân khu Nam Kinh diễn tập đổ bộ

Trên thực tế, trong những ngày qua, Quân đội Trung Quốc cũng liên tục tiến hành diễn tập để đe dọa Nhật Bản, được hầu hết các tờ báo chính thống của Trung Quốc đăng tải hàng loạt với lời lẽ hết sức hiếu chiến.

Tham vọng của họ chính là để Nhật Bản từ bỏ ý định mua đảo Senkaku, quốc hữu hóa, gây khó khăn hơn cho việc Trung Quốc tranh giành hòn đảo này với Nhật Bản.

Báo Trung Quốc một mực gào thét cho rằng: "Nhật Bản quốc hữu hóa “lãnh thổ của nước khác” (?) cho thấy chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản vẫn có thể phục hồi trong tương lai, đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình của khu vực và thế giới, đồng thời tờ báo này muốn cộng đồng quốc tế phải “cảnh giác rất cao!”.



Việt Dũng (Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc)
Theo Báo Giáo dục Việt Nam

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te