Trung Quốc 'thắng' Nga, giành cảng Triều Tiên
Ngoài cảng Rashin, Trung Quốc mới đây tiếp tục đạt được thỏa thuận với Bình Nhưỡng về việc sư dụng cảng Chongjin với thời hạn 30 năm, Wantchinatimes dẫn nguồn truyền thông Hàn Quốc hôm 13/9.
Theo hãng tin JoongAng IIbo từ Seoul, với thỏa thuận này, Trung Quốc muốn đẩy mạnh thương mại hàng hải với Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga cũng như phát triển vùng kinh tế phía đông bắc đất nước.
|
Cảng biển Chongjin ở thành phố cùng tên thuộc miền đông bắc Triều Tiên |
Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap lại cho rằng, việc Bắc Kinh và Bình Nhưỡng hợp tác kinh tế (đánh dấu bằng thỏa thuận sử dụng chung cảng biển Chongjin) có thể gây trở ngại cho việc hợp nhất kinh tế giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên.
Hôm 13/9, một số cơ quan truyền thông Hàn Quốc khác đồng loạt dẫn nguồn báo Yanbian Ribao có trụ sở ở Jilin (Trung Quốc) nói rằng tập đoàn phát triển tư nhân Yanbian Haihua của nước này đã ký hợp đồng chính thức với đối tác Triều Tiên vào hôm 1/9.
Theo đó, Trung Quốc được phép sử dụng các cầu tàu số 3 và số 4 thuộc cảng Chongjin trong vòng 30 năm tới trong khi mỗi năm, lượng hàng luân chuyển qua đây có thể lên đến 7 triệu tấn.
Liên quan tới điều khoản hợp đồng, Triều Tiên sẽ đầu tư 7.89 triệu USD vốn mở đầu trong khi Trung Quốc cũng chi khoảng 12.04 triệu USD để mua các thiết bị tải hàng, phương tiện vận chuyển và vật liệu xây dựng bến tàu, tờ JoongAng IIbo dẫn nguồn tin từ Bắc Kinh.
Cũng theo nguồn tin này, Trung Quốc dự định trong năm nay sẽ triển khai lô hàng đầu tiên của mình từ cảng Chongjin và 2 bên đặt ra mục tiêu tăng khối lượng vận tải lên 1 triệu tấn cho tới năm 2015 so với mức hơn chục nghìn tấn như hiện nay.
Thông tin này cũng đã được Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc xác nhận.
|
Chủ tịch Triều Tiên - Kim Jong Un được kỳ vọng là người sẽ vực dậy nền kinh tế Triều Tiên nhờ chính sách cải cách kinh tế |
Chongjin – thủ phủ tỉnh Bắc Hamgyong là một trong 3 thành phố lớn nhất ở Triều Tiên đồng thời là thành phố công nghiệp và thành phố cảng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế miền bắc của vùng duyên hải phía đông.
Cảng được phân làm 2 khu: khu phía đông nằm ở thành phố Chongjin với 2 cầu tàu trong khi khu phía tây cách khá xa trung tâm và bao gồm 4 bến.
Cũng có nguồn tin nói rằng Tập đoàn Yanbian Haihua – tập đoàn tư nhân chuyên về thương mại và xây dựng của Trung Quốc đã đầu tư 60 triệu yên (khoảng 9.48 triệu USD) để mua các thiết bị cần thiết cho hoạt động của cảng Chongjin.
Theo nhận định của hãng tin Yonhap từ Hàn Quốc, việc hợp tác kinh tế Trung – Triều được tăng cường đã đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của cả 2 nước.
Vì trong khi Triều Tiên cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển các đặc khu kinh tế trong nước thì Trung Quốc lại đang ‘khát’ tài nguyên biển và muốn nắm giữ nhiều hơn cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải quốc tế.
Trong khi đó, theo tờ Chosun IIbo, Bắc Kinh đã ‘mơ ước’ được sử dụng cảng biển này từ rất lâu với mong muốn được hợp thức hóa việc ‘xâm nhập’ vào vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên.
|
Cảng biển Chongjin có vị trí chiến lược và vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế vùng đông bắc Triều Tiên |
Trước đây, việc vận chuyển tài nguyên từ miền đông bắc tới đông nam Trung Quốc chủ yếu được thực hiện thông qua các tuyến đường sắt nội địa.
Do đó, nếu sử dụng cảng biển ở duyên hải phía đông Triều Tiên, chính phủ Bắc Kinh có thể tiết kiệm được đáng kể chi phí và thời gian vận chuyển so với cách truyền thống.
Có nguồn tin còn cho rằng Trung Quốc đã ‘chiến thắng’ Nga trong việc giành quyền sử dụng cảng biển ‘trọng yếu’ này của Triều Tiên.
Vào năm 2008, Bình Nhưỡng đã từng ký một hợp đồng tương tự với Bắc Kinh về việc sử dụng chung cảng Rajin ở phía bắc thành phố Chongjin, mở đường cho sự hiện diện tăng cường của Trung Quốc ở khu vực.
Hạ Giang/ Theo VTC