TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Nhật Bản cần đối phó Trung Quốc ra sao ở Senkaku/Điếu Ngư?

Theo báo Sankei, Nhật Bản nhất quyết không chấp nhận sự uy hiếp và đe dọa như vậy, nhưng cũng cần phải tính đến khả năng Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng, sử dụng vũ lực để chiếm đảo.


Chính phủ Nhật Bản đã quyết định chi 2,05 tỷ yên trong quỹ dự phòng để ký hợp đồng với chủ sở hữu mua 3 hòn đảo Uotsurijima, Kitakojima và Minamikojima, hoàn tất việc quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Đáp lại, Chính phủ Trung Quốc đã có phản ứng quyết liệt và cử hai tàu hải giám tới vùng biển gần quần đảo này.

Phía Trung Quốc cho rằng việc điều tàu hải giám tới vùng biển Hoa Đông gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là hành động “duy trì chủ quyền” dựa trên “kế hoạch hành động” của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc. Trung Quốc cũng bắt đầu gấp rút đưa ra đường cơ sở xác định lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp.

Một tàu hải giám Trung Quốc tuần tra gần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku


Theo báo Sankei, Nhật Bản nhất quyết không chấp nhận sự uy hiếp và đe dọa như vậy, nhưng cũng cần phải tính đến khả năng Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng, sử dụng vũ lực để chiếm đảo. Trong khi Chính phủ Nhật Bản chỉ áp dụng chính sách “duy trì hiện trạng”, thì quần đảo Điếu Ngư/Senkaku có nguy cơ rơi vào tình thế nguy hiểm. Chính phủ Nhật Bản cần phải gấp rút tăng cường chuẩn bị bảo vệ lãnh thổ.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, trong đó phản đối hành động mua quần đảo Senkaku của Chính phủ Nhật Bản và tuyên bố đó là hành động “bất hợp pháp và vô hiệu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố “nếu Nhật Bản không lắng nghe mà đơn phương hành động, thì Nhật Bản sẽ hoàn toàn phải hứng chịu hậu quả của hành động đó”. Báo Sankei cho rằng, chính quyền của Thủ tướng Noda đã không làm những việc cần làm trước phản ứng của phía Trung Quốc.

Trong buổi diễn thuyết tranh cử chức Chủ tịch DPJ, Thủ tướng Noda đã khẳng định “sẽ kiên quyết đối phó trong vấn đề lãnh thổ, lãnh hải”, nhưng dường như ông không nghĩ đến việc cho xây dựng cơ sở lâu dài và cho công chức thường trú trên những hòn đảo hiện không có người ở này. Đây là những biện pháp cần thiết cho việc tăng cường quản lý hiệu quả quần đảo Senkaku.

Trong khi đó, phía Trung Quốc vẫn liên tục có những hành động đe dọa Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Theo báo "Bưu điện Hoa Nam buổi sáng" (Hồng Công) số ra ngày 13-9, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tăng cường đe dọa Nhật Bản. Trên trang nhất số ra ngày 12-9, nhật báo "Giải phóng quân" của PLA đưa tin các lực lượng hải quân, không quân và tên lửa chiến lược của quân đội nước này đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở Hoàng Hải và sa mạc Gobi hồi đầu tháng này, do Quân khu Nam Kinh tiến hành.

Giới phân tích cho rằng, thông tin trên của nhật báo "Giải phóng Quân" là một tín hiệu cảnh báo Nhật Bản rằng PLA sẵn sàng bảo vệ lãnh hải của Trung Quốc trong cuộc tranh chấp đang leo thang căng thẳng giữa hai nước ở biển Hoa Đông. Kênh truyền hình vệ tinh Thâm Quyến ngày 12-9 nói rằng các quân khu khác của PLA như Thành Đô, Tế Nam và Quảng Châu cũng đã liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận lớn trong những ngày gần đây, trong đó có các cuộc tập trận tấn công đổ bộ bằng đường biển và đánh chặn tên lửa biển đối biển. Theo các chuyên gia, các cuộc tập trận nói trên rõ ràng là một lời cảnh cáo đối với Nhật Bản. Ông Từ Quang Dụ, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhấn mạnh: "Các cuộc tập trận của PLA được tiến hành là nhằm mục đích cảnh cáo Tokyo rằng nếu Nhật Bản nỗ lực triển khai lực lượng phòng vệ bờ biển để đối phó với các tàu tuần tra của Trung Quốc, Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ các lợi ích quốc gia khi có bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra”.

Giới chuyên gia cũng cảnh báo rằng kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản nhằm quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku không những sẽ hủy hoại nghiêm trọng các mối quan hệ chính trị mà còn hủy hoại nghiêm trọng các các mối quan hệ kinh tế của nước này với Trung Quốc.


 Minh Tâm
Theo PLXH

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te