Iran tuyên bố sẽ "trả đũa" bất kỳ cuộc tấn công nào
Ngày 27/9, Iran thề sẽ "trả đũa" bất kỳ cuộc tấn công nào sau khi Thủ tướng Israel kêu gọi vạch "ranh giới đỏ" để ngăn chặn nước cộng hòa Hồi giáo này có bom hạt nhân.
Trong khi tiếp tục bác bỏ bất kỳ chương trình vũ khí hạt nhân nào, Phó Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc khẳng định nước ông "có đủ sức mạnh phòng vệ và có toàn quyền trả đũa toàn lực trước bất kỳ cuộc tấn công nào."
Phó đại sứ Eshagh al-Habib gọi Israel là một "chế độ dựa trên khủng bố và là cha đẻ của khủng bố nhà nước trên thế giới" trong phần ý kiến được phát ra trước khi được đọc tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Ông tố cáo Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra "những cáo buộc vô căn cứ" đối với Iran trong bài phát biểu mạnh mẽ trước đó cùng ngày tại LHQ.
Ông Netanyahu đã yêu cầu vạch ra "một ranh giới đỏ về chương trình vũ khí hạt nhân của Iran" trong bài phát biểu của ông trước đại hội đồng gồm 193 thành viên.
Phó đại sứ Habib cũng cáo buộc Israel tổ chức các hoạt động trong lãnh thổ Iran nhằm sát hại một số nhà khoa học hạt nhân.
"Cộng đồng quốc tế phải hành động có trách nhiệm và gây sức ép để chế độ này chấm dứt mọi hành vi vô trách nhiệm tại một khu vực mong manh như Trung Đông," ông nói./.
(Vietnam+)
-------------------
Bom bay điều khiển từ xa
- Bom bay điều khiển từ xa BattleHawk do Công ty Textron (Mỹ) vừa giới thiệu thực chất là một máy bay không người lái (UAV), được thiết kế để phát nổ khi tiếp cận vị trí của đối phương.
BattleHawk hoạt động theo nguyên lý tìm và diệt, hay còn gọi là tấn công kiểu cảm tử. Nó được tích hợp một đầu đạn nổ phân mảnh có sức công phá mạnh đường kính 40mm và một camera quan sát để tìm kiếm mục tiêu trong quá trình bay. Nhờ vậy, người ta có thể điều khiển máy bay từ xa, truy tìm và tấn công chính xác các lực lượng ẩn náu của đối phương thông qua màn hình.
BattleHawk có trọng lượng khoảng 2,26kg khi được đóng gói bên trong một ống phóng đặc biệt. Trong ống phóng có một cơ cấu lò xo đẩy để đưa UAV bay lên không trong giai đoạn đầu và sau đó UAV sẽ tự kích hoạt động cơ điện kích thước nhỏ của nó ở phía đuôi để tiếp tục bay.
Giám đốc kinh doanh của Textron, ông Mick Guthals cho biết, các lực lượng mặt đất có thể điều khiển BattleHawk bay với tốc độ lên tới 96,56km/h trong khoảng thời gian 30 phút. BattleHawk được thiết kế để bổ nhào tấn công kẻ thù và các phương tiện bọc thép hạng nhẹ.
Cho tới nay, Công ty Textron đang tự thực hiện một dự án nội bộ về BattleHawk, nhưng họ cũng đã nhận được sự quan tâm của Quân đội Mỹ về loại "bom bay" bằng sợi carbon này. Tuy chưa công bố giá chính xác của BattleHawk, nhưng Textron đảm bảo rằng, loại bom lai UAV của họ có chi phí ít hơn đáng kể so với các phương tiện bay không người lái có kích thước tương tự mà quân đội Mỹ đang sử dụng.
Yến Phạm (Theo Defense Tech, Bee)
------------------
Ukraine giới thiệu tàu đổ bộ đóng cho Trung Quốc
Những bức ảnh đầu tiên về chiếc tàu đổ bộ đệm khí loại nhỏ mà Trung Quốc đặt hàng Ukraine đã xuất hiện trên các trang mạng.
(ĐVO) Đây là tàu được đóng theo bản hợp đồng trị giá 315 triệu USD giữa hãng Ukrspetsexport và Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Theo hợp đồng này, Ukraine sẽ cung cấp cho Trung Quốc 2 tàu đổ bộ loại nhỏ thuộc dự án 12322, do công ty đóng tàu More tại tỉnh Feodosi đóng, và sau đó cấp giấy phép chế tạo 2 chiếc tàu tương tự tại Trung Quốc (có sự tham gia của các chuyên gia Ukraine).
Theo phòng báo chí của hãng Ukrspetsexport, tàu đã chạy được trên lớp đệm không khí. Điều này cho thấy nó đã sẵn sàng cho những bước thử nghiệm tiếp theo.
Hiện công ty FSK More vẫn tiến hành những bước thử nghiệm tiếp theo cho tàu Bizon và đón tiếp các đoàn khách tham quan, muốn đặt hàng loại tàu này.
(Theo ĐVO)
--------------
Ba tàu chiến Nhật sắp thăm Campuchia
(TNO) Ba tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ thăm Campuchia từ ngày 6-10.10 nhằm củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước, theo thông cáo báo chí của Đại sứ quán Nhật tại Campuchia ngày 27.9.
Các tàu chiến Kashima, Shimayuka và Matsuyuki do Chuẩn đô đốc Hidetoshi Fuchinoue, phụ trách Đội tàu Huấn luyện Nhật, làm chỉ huy. Các tàu này sẽ cập cảng Sihanoukville ngày 6.10 trên đường thực hiện chuyến huấn luyện ngoài biển khơi.
“Mục tiêu của chuyến thăm là tạo cơ hội cho 194 học viên tốt nghiệp trường hải quân tìm hiểu văn hóa và quân đội, cũng như củng cố quan hệ hữu nghị với Campuchia thông qua các chương trình giao lưu”, Tân Hoa xã dẫn thông báo cho biết.
Trong thời gian ở lại Campuchia, Chuẩn đô đốc Fuchinoue dự định đến thủ đô Phnom Penh để chào Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh và Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Tea Vinh vào ngày 8.10.
Trùng Quang// Thanh Niên
-------------------------
Nga diễn tập chống khủng bố hạt nhân
Tham gia cuộc diễn tập lần này gồm phái đoàn đại diện và quan sát viên của gần 60 quốc gia và tổ chức quốc tế.
Cơ quan an ninh liên bang Nga cho biết, ngày 27/9, Moscow tại (Nga) khai mạc cuộc diễn tập nhằm đối phó với các mối đe dọa từ lực lượng khủng bố.
Cuộc diễn tập “Người bảo vệ - 2012” nằm trong khuôn khổ Sáng kiến toàn cầu về chống khủng bố, được Tổng thống Nga và Mỹ đưa ra tháng 7/2006 tại St Petersburg, Nga. Tham gia cuộc diễn tập lần này gồm phái đoàn đại diện và quan sát viên của gần 60 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, Văn phòng các vấn đề về phòng chống tội phạm và ma túy… Cơ quan an ninh liên bang Nga cho biết, trong quá trình diễn tập, Nga sẽ sử dụng các công nghệ tiên tiến trong việc phát hiện các nguyên liệu hạt nhân và chất phóng xạ của Bộ Quốc phòng và công ty năng lượng nguyên tử Nga "Rosatom".
Đến nay, đã có hơn 80 nước tham gia “Sáng kiến toàn cầu về chống khủng bố” do Nga và Mỹ khởi xướng từ năm 2006./.
Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
Theo China news
--------------------------
TIN QUÂN SỰ THẾ GIỚI TỔNG HỢP
Nga có tên lửa khủng cho siêu máy bay
Không lực Nga sẽ có thêm một loại tên lửa đạn đạo mới đi vào hoạt động từ năm 2013. Loại tên lửa Raduga Kh-101 có khả năng tấn công chính xác từ tầm xa với đầu đạn thông thường.
Loại tên lửa mới này hiện đang được bay thử nghiệm, có khả năng tấn công các mục tiêu với tầm xa lên tới 10.000km. Tờ Izvestia của Nga nói rằng tên lửa này sẽ là vũ khí tấn công chính xác tầm xa đầu tiên của Nga.
Các máy bay ném bom hiện nay của Không quân Nga triển khai loại tên lửa đạn đạo Kh-555 thông thường.
Loại tên lửa Kh-101 có tốc độ không bằng tốc độ âm thanh, điều hướng chủ yếu nhờ việc sử dụng hệ thống chỉ đường vệ tinh GLONASS, nhưng vẫn có một cơ chế dẫn đường dự phòng có thể thay thế nếu như SATNAV bị làm nhiễu.
Tên lửa này cũng có khả năng tấn công các mục tiêu nhỏ đang di chuyển như các loại xe cộ.
Bệ phóng cho loại tên lửa mới này là một có trọng tải lớn hơn, khoảng 400kg, nặng gần gấp đôi so với loại Kh-555 và có tầm xa lớn hơn rất nhiều. Một phiên bản khác có trang bị hạt nhân là Kh-102 cũng sẽ được đưa vào phục vụ cho quân đội.
Đối với Nga, tầm xa của tên lửa có vai trò quan trọng đặc biệt vì hiện giờ Moscow không còn cơ sở nào ở nước ngoài và do đó không thể cử đội chiến đấu hộ tống từ tầm xa cho phi đội ném bom.
Với kích thước lớn như vậy, Kh-101 chỉ có thể được chuyên chở bằng các máy bay ném bom lớn nhất của Nga là Tupolev Tu-95MS và Tu-160. Còn loại Tu-22M3 sẽ tiếp tục chuyên chở cho loại tên lửa nhỏ hơn là Kh-555.
Lê Thu (theo RIA, VietnamNet)
----------------
Nga thử nghiệm 'thiết bị công nghệ cao' cho binh sĩ tương lai
Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/9 cho biết Lực lượng vũ trang nước này đang thử nghiệm một thiết bị công nghệ cao được thiết kế cho các binh sĩ tương lai.
Phát biểu với các phóng viên tại thủ đô Mátxcơva, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Nikolai Donyushkin cho hay "binh sĩ tương lai" của Nga sẽ được trang bị các thiết bị chịu được các môi trường khắc nghiệt, vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí phi sát thương và các loại khác. Ông Donyushkin nói: "Các binh sĩ đã bắt đầu đợt thử nghiệm tập trung các thành phần của thiết bị này. Chúng tôi cũng có ý định tiến hành các cuộc thử nghiệp cấp đơn vị trên cơ sở những hệ thống này".
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Donyushkin cho hay thiết bị trên, bao gồm khoảng 40 bộ phận khác nhau, đang được một lữ đoàn bộ binh cơ giới thử nghiệm tại một bãi thử trong khu vực Mátxcơva. Thiết bị này bao gồm các hệ thống thông tin và liên lạc khác nhau, thiết bị định vị, thiết bị cứu sinh, v.v...
TTXVN/Tin tức
--------------------
Mỹ thử thành công đạn rocket có thể 'khóa' mục tiêu
Mới đây, Tập đoàn Lockheed Martin đã bắn thử thành công đạn rocket có điều khiển tấn công trực tiếp (DAGR) tại căn cứ Eglin (bang Florida, Mỹ).
(ĐVO) Đạn rocket DAGR được bắn từ bệ phóng M299 đặt trên mặt đất.
Đạn DAGR bay 3,5km và đánh trúng mục tiêu bất động được thiết bị laser chiếu rọi với độ sai lệch mục tiêu rất nhỏ.
Giám đốc phụ trách chương trình hệ thống điều khiển hỏa lực và tên lửa không đối đất Lockheed Martin Ken Musculus cho biết, cuộc thử nghiệm đã chứng minh, đạn rocket có độ chính xách tương đương trong cả hai nhiệm vụ phóng từ mặt đất và trên không.
“Các thử nghiệm cũng xác nhận khả năng tên lửa có thể khóa mục tiêu trước khi phóng, một khả năng mà các loại đạn rocket có điều khiển 70mm đang sử dụng không thể”, ông Musculus nói thêm.
Đạn rocket dẫn đường bằng laser bán chủ động DAGR được phát triển như một vũ khí không đối đất chính xác cao để phá hủy xe bọc thép hạng nhẹ, xe không bọc thép, mục tiêu có “giá trị cao” nằm gần khu vực dân sự hoặc ở gần đơn vị bạn nhằm làm giảm tối đa thiệt hai gây ra.
Mục tiêu của chương trình phát triển DAGR nhằm cung cấp vũ khí chính xác cao chi phí thấp. Đạn rocket sử dụng thành phần từ loại rocket 70mm Hydra, nhưng khác với đạn rocket có điều khiển APKWS và LOGIR, DAGR tương thích với hệ thống điều khiển bắn và bệ phóng M299 vốn dùng cho tên lửa AGM-114 Hellfire.
Như vậy, tất cả các loại trực thăng đang sử dụng hệ thống tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire sẽ dùng được DAGR.
Phượng Hồng (theo Army - Technology, ĐVO)
-----------------
Tàu sân bay Trung Quốc còn chạy thử dài dài
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc sẽ phải tiếp tục thực hiện nhiều chuyến chạy thử trước khi có thể luyện tập với máy bay, tàu ngầm và tàu hộ vệ để kết hợp thành một nhóm tàu tác chiến, theo tờ PLA Daily hôm 26.9.
Tờ báo của quân đội Trung Quốc cũng tìm cách trấn an cộng đồng quốc tế rằng tàu sân bay mới được chuyển giao cho hải quân không phải là mối đe dọa với thế giới, và chiến lược quân sự của Trung Quốc vẫn tập trung vào phòng vệ.
Đại tá Trương Quân Xã, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, cho biết cần phải mất ba năm hoặc lâu hơn nữa trước khi tàu Liêu Ninh có thể phát triển năng lực chiến đấu.
“Thậm chí với hải quân Mỹ, cũng cần phải mất hai hoặc ba năm để tàu sân bay phát triển năng lực chiến đấu. Hải quân Trung Quốc, vốn chưa có kinh nghiệm với tàu sân bay, có thể phải mất lâu hơn”, ông Trương nói.
Tiến sĩ Phòng Binh, phó giáo sư thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, tiết lộ con tàu sẽ tiến hành thêm một loạt chuyến chạy thử để kiểm nghiệm lại kết quả 10 chuyến chạy thử mà đơn vị cải tạo tàu là Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã thực hiện trước đó.
Các chuyến chạy thử sẽ tập trung bảo đảm vận hành trơn tru các thiết bị và sẽ được nối tiếp bởi các chuyến chạy thử liên quan đến mục đích quân sự. Sau đó, con tàu sẽ được luyện tập với tàu ngầm, tàu hộ tống và máy bay để kết hợp thành nhóm tác chiến.
Sơn Duân// Thanh Niên
---------------------
Thái Lan chi 83,1 triệu USD nâng cấp tàu khuc trục
Hải quân Hoàng gia Thái Lan muốn nâng cấp hệ thống chiến đấu trên 2 tàu khu trục H.T.M.S Naresuan và Taksin, với số tiền đầu tư là 83,1 triệu USD.
(ĐVO) Công ty Saab đã nhận được đơn đặt hàng nâng cấp hệ thống chiến đấu trên tàu khu trục H.T.M.S Naresuan và Taksin từ Hải quân Hoàng gia Thái Lan.
Tổng giá trị đơn đặt hàng này lên đến 83,1 triệu USD. Đây là bản hợp đồng tiếp theo bản hợp đồng đã ký giữa 2 bên từ năm 2011.
Bản hợp đồng mới sẽ tập trung nâng cấp hệ thống trinh sát và liên lạc trên tàu.
Saab là nhà thầu chính của Hải quân Hoàng gia Thái Lan và đơn đặt hàng mới, ngoài việc cung cấp các hệ thống của Saab, công ty này còn “bao thầu” luôn cả việc cung cấp thiết bị của bên thứ 3 cũng như chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động của các hệ thống cũ và mới.
Bản hợp đồng mới có thời hạn 3 năm (từ 2012 đến 2015).
Hiền Thảo (theo Herald online, ĐVO)
-------------
Tu-22M3 sống lại 'bản năng' diệt tàu sân bay
Theo Bộ Tư lệnh Hải quân Nga, máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của không quân nước này bắn trúng mục tiêu giả định trong cuộc tập trận của Hạm đội Phương Bắc.
(ĐVO) Với cuộc bắn thử này, Tu-22M3 đã quay trở lại nhiệm vụ chiến đấu quan trọng nhất của nó: Hủy diệt các tàu chiến mặt nước của đối phương từ trên không, đặc biệt là tàu sân bay.
“Trước đây, Tu-22M3 được biên chế trong Không quân Hải quân Nga. Nhưng từ 2011, chúng được chuyển giao cho Không quân Nga. Bây giờ các phi công trên bộ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của Hải quân”, quan chức đại diện Hải quân Nga cho biết.
Về vấn đề này, Tư lệnh Không quân Nga cho biết, nước này sẽ trang bị khoảng 40 máy bay Tu-22M3 để thực hiện nhiệm vụ chống tàu.
“Trên thực tế, máy bay được thiết kế như là một "sát thủ tàu sân bay". Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhiệm vụ này trở thành thứ cấp và nhìn chung Không quân Hải quân như là "con nuôi”, ông này nói.
Tu-22M được chế tạo năm 1969 ở đỉnh điểm của thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Nga và Mỹ, máy bay này mang tên lửa siêu âm Kh-22, được thiết kế với mục đích tiêu diệt tàu sân bay trong cụm tàu sân bay chiến đấu xung kích Mỹ và được mệnh danh “vũ khí khủng khiếp ở mọi giới hạn”.
Tuy nhiên, đến năm 2012, chức năng chống tàu của các máy bay Tu-22M3 hầu như không được sử dụng. Lần tập trận trên biển gần nhất vào năm 1989.
Chính vì thế, việc huấn luyện “khả năng” chống tàu của những phi công Tu-22M3 được chuyển từ lực lượng Hải quân sang Không quân phải làm lại từ con số không.
“Đến trước năm 2012, các phi công của không quân thậm chí còn không thực hiện bài tập lý thuyết bay trên biển. Chúng tôi chỉ bay thực hành tấn công các mục tiêu trên đất liền.
Bây giờ chúng tôi đã biết làm thế nào để tìm tàu đối phương. Trong tháng 4/2012, đã thực hành phóng tên lửa Kh-22N tới các mục tiêu trên mặt biển”, một trong những phi công lái Tu-22M3 nói với Izvestia.
Cũng theo phi công này, từ đầu năm 2012 đến nay, hàng tháng các phi đội Tu-22M3 đều thực hiện các chuyến bay tuần tra và huấn luyện trên biển Nhật Bản và biển Barents.
“Trong tương lai, Tu-22M3 sẽ săn các tàu nổi còn máy bay chiến lược mang tên lửa Tu-95 và Tu-160 sẽ công phá các hải cảng và căn cứ Hải quân”, Tư lệnh Hải quân cho biết.
Theo ông, máy bay Tu-22M3 có thể phát hiện và tấn công các tàu của đối phương trong bán kính 2.000 km từ sân bay của chúng. Còn các máy bay chiến lược Tu-95MS, Tu-160 với tên lửa hành trình mới nhất Kh-101 có thể công phá căn cứ của đối phương được bảo vệ “chắc chắn” từ khoảng cách đến 10.000 km từ vị trí phóng. Khả năng tấn công này không thể có trên các tàu bề mặt của lực lượng Hải quân, ngoại trừ các cuộc tấn công hạt nhân.
Theo ông Vladimir Shcherbakov, Tổng biên tập Tạp chí Take-off, các máy bay tầm xa của Không quân làm tăng khả năng chiến đấu của Hải quân Nga lên một vài lần.
“Trong Hải quân Nga cần phải có tàu ngầm và máy bay mang tên lửa để tiêu diệt nhóm tàu tấn công của đối phương ở vùng biển xa xôi. Bây giờ đội tàu ngầm đã giảm xuống đáng kể và không thể giải quyết vấn đề này…thì những máy bay ném bom tầm xa là yếu tố duy nhất có giải quyết vấn đề này”, Vladimir Shcherbakov nói.
Tên lửa hành trình tầm xa Kh-22 do cục thiết kế Raduga nghiên cứu phát triển từ những năm 1960 "chuyên trị" tàu sân bay Mỹ.
Tên lửa có khối lượng phóng 5,8 tấn, lắp đầu đạn nổ thường 900kg hoặc đầu đạn hạt nhân 350-1.000 kiloton.
Tên lửa đạt tầm bắn 400km, dẫn đường bằng hệ định vị quán tính và radar chủ động pha cuối.
Thu Hoài (theo Izvestia, ĐVO)
---------------
Nga có ý bán 18 chiếc Su-30K cho Belarus
Theo Vedomosti, Không quân Belarus sắp nhận lô tiêm kích Su-30K, những chiếc từng phục vụ tại Ấn Độ, hiện được lưu giữ tại sân bay Barahovich, Belarus.
(ĐVO) Báo Vedomosti dẫn lời giám đốc kinh doanh và một nguồn tin thân cận của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Tập đoàn Irkut có thể sẽ chuyển giao 18 chiếc tiêm kích Su-30K, thuộc về Ấn Độ trước đây cho Belarus.
18 chiếc Su-30K này trước đây được Irkut giao cho Ấn Độ từ cuối thập niên 1990, khi những chiếc tiêm kích Su-30MKI chưa được sản xuất theo đơn đặt hàng ký năm 1996 và 2000 (theo hợp đồng này, Nga phải chuyển cho Ấn Độ 190 chiếc Su-30MKI).
Hôm 21/9, Tổng thống Belarus Aleksandr Lykashenko cho biết, trong cuộc gặp với người đồng nhiệm, tổng thống Nga Vladimir Putin, 2 bên đã bàn nhiều về lực lượng phòng không.
Tổng thống Belarus yêu cầu Nga chuyển giao Su-30K cho nước này và cũng như những máy bay hiện đại khác.
Theo VZ, Tổng thống Aleksandr Lukashenko cũng thông báo cho tổng thống Nga những tình huống “bất lợi” trên biên giới 2 nước tuần qua.
Hiền Thảo (theo VZ, ĐVO)
----------------
"Không cần sửa đổi Hiệp ước Hòa bình với Israel"
Ngày 26/9, ông Yasser Ali, phát ngôn viên của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi, tuyên bố không cần sửa đổi Hiệp ước Hòa bình với Israel, đồng thời khẳng định Cairo có tất cả mọi thứ cần thiết để mở rộng quyền lực của mình và khôi phục trật tự và an ninh tại Bán đảo Sinai.
Phát biểu bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York hôm 26/9, ông Ali cho biết các hoạt động an ninh tại Bán đảo Sinai đang được tiến hành cho đến khi đạt được các mục tiêu.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Mohamed Esmat Seif al-Dawla, một cố vấn của Tổng thống Ai Cập Morsi, cho biết đã gửi một đề án sửa đổi Hiệp ước Hòa bình với Israel, đồng thời khẳng định việc sửa đổi hiệp ước này chỉ là "vấn đề thời gian" và cần thiết để khôi phục lại toàn quyền kiểm soát của Ai Cập tại Sinai.
Ông al-Dawla cũng cho rằng Hiệp ước Trại David năm 1979 "bảo vệ an ninh quốc gia cho Israel hơn là cho Ai Cập và đây là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Ai Cập," do vậy sẽ không thể tồn tại dưới thời các nhà lãnh đạo mới của nước này.
Trước đó, ngày 23/9, Tel Aviv tuyên bố sẽ không đồng ý với đề xuất xem xét lại Hiệp ước Hòa bình với Ai Cập.
Trong một diễn biến khác, ngày 26/9, Ai Cập đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ hoàn toàn những nỗ lực của Palestine để trở thành thành viên của Liên hợp quốc, đồng thời kêu gọi chấm dứt "mọi hình thức chiếm đóng các vùng đất của người Arập" cũng như các hoạt động định cư của Israel tại vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine.
Lời kêu gọi này được Tổng thống Ai Cập Morsi đưa ra trong một phát biểu tại một cuộc thảo luận của Đại hội đồng Liên hợp quốc, tại New York (Mỹ).
Mặc dù năm ngoái Palestine đã giành được qui chế thành viên của Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO), song việc xin gia nhập Liên hợp quốc của nước này vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và Israel./.
(TTXVN)
---------------------
Nhật Bản và Iran thảo luận về chương trình hạt nhân
Theo Kyodo, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và người đồng cấp Iran Ali Akbar Salehi ngày 26/9 đã có cuộc thảo luận về chương trình hạt nhân bị tình nghi của Tehran.
Trong cuộc gặp bên lề phiên thảo luận toàn thể lần thứ 67 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra ở thành phố New York của Mỹ, ông Gemba cho biết Nhật Bản rất quan tâm tới sự ổn định ở Eo biển Hormuz.
Hai bộ trưởng cũng đã nhất trí tiếp tục trao đổi thẳng thắn các quan điểm trong thời gian tới.
Cùng ngày, Hãng tin bán chính thức Mehr của Iran đưa tin, đại diện thường trực của Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Ali Asghar Soltanieh cho biết nước này đã đề xuất ngừng làm giàu urani độ tinh khiết 20%, nếu phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Tehran.
Theo ông Soltanieh, đề xuất trên được đưa ra trong cuộc gặp mới đây giữa Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Mehr dẫn lời ông Soltanieh tuyên bố Iran sẵn sàng ngừng làm giàu urani tới cấp độ 20%, với điều kiện phương Tây phải có động thái đáp lại tương xứng, đó là chấm dứt các biện pháp trừng phạt.
Trước đó, cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran hồi tháng Sáu không đạt kết quả đột phá nào. Nhóm P5+1, gồm năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức, dự kiến thảo luận với Tehran bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra ở New York./.
(Vietnam+)
---------------------
Mỹ lại chuẩn bị thử nghiệm siêu cơ do thám X-37B
Tháng 4/2010 sự kiện này từng gây chấn động và lo lắng trên toàn thế giới bởi người ta nghi ngờ X-37B có thể thực hiện các chiến dịch tối mật liên quan đến lợi ích quốc gia.
Báo chí Nga cho biết, Không quân Mỹ đã khẳng định họ sẽ tiếp tục phóng siêu cơ do thám X-37B vào không gian. Nếu kế hoạch này được thực hiện thì nó sẽ là lần phóng thứ 3 mà Boeing đã và sẽ tiến hành nhằm mục đích đưa phi thuyền X-37B vào quỹ đạo Trái Đất để đạt được ý định bí mật của Hoa Kỳ.
Các thử nghiệm chính của chiến dịch thử nghiệm siêu cơ X-37B sẽ được thực hiện ngoài không gian và Không quân Mỹ tuyệt nhiên chưa muốn tiết lộ bất cứ điều gì về dự án của mình, ít nhất là khi máy bay còn đang ở giai đoạn chuẩn bị.
Trong một tiết lộ gần đây nhất của mình, Không quân Mỹ cho hay, máy bay do thám không gian X-37B sẽ được phóng lần thứ 3 từ bãi phóng ở Cape Canaveral, bang Florida vào tháng 10 tới với sự trợ giúp của tên lửa đẩy Atlas 5.
Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, X-37B cũng đã được phóng lần thứ 2. Tuy nhiên, trong lần phóng sắp tới đây, Không quân Mỹ không thông báo tàu X-37B sẽ ở lại trên quỹ đạo bao lâu.
Các chuyên gia dự báo rằng, ít nhất tàu X-37B cũng phải hoạt động trong một hành trình kéo dài 469 ngày, tức là lâu hơn gấp hai lần lần phóng X-37B lần đầu tiên.
Chiếc phi thuyền X-37B sẽ được phóng vào tháng tới sẽ vẫn là chiếc X-37B đang thử nghiệm đầu tiên do Boeing sản xuất, trong khi đó 1 chiếc X-37B được phóng hồi đầu năm 2012 chưa được sử dụng lại.
X-37B lần đầu tiên được phóng vào tháng 4/2010 theo sứ mệnh mang tên OTV-1. Tất cả các thông tin liên quan đến lần phóng đầu tiên này được giữ bí mật tuyệt đối.
Sự kiện này từng gây chấn động và lo lắng trên toàn thế giới bởi người ta nghi ngờ X-37B có thể thực hiện các chiến dịch tối mật liên quan đến lợi ích quốc gia.
( GDVN)
-------------------
Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận hải quân quốc tế
Kyodo đưa tin, Quân đội Hàn Quốc cho biết ngày 27/9, cuộc tập trận hải quân quốc tế đã diễn ra trong vùng biển cách thành phố cảng Busan của Hàn Quốc khoảng 100km về phía Nam nhằm ngăn chặn các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tham gia cuộc tập trận kéo dài một ngày mang tên "Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí hạt nhân" do Mỹ dẫn đầu có bảy tàu chiến và 11 máy bay của Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Tin cho biết Hàn Quốc đã đề nghị một trong số các tàu của Nhật Bản không được cập cảng Busan như kế hoạch trước đó. Động thái này cho thấy mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây đang căng thẳng.
Các quan chức Nhật Bản cho biết, Tokyo đã gửi thư phản đối Seoul về sự từ chối nói trên.
Báo Sankei dẫn lời một nhà ngoại giao Nhật Bản nói tại Seoul rằng, đó là một hành động hết sức khiếm nhã với tư cánh là nước đăng cai cuộc tập trận đa quốc gia.
Tờ báo cũng dẫn lời một người phát ngôn Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho biết, Tokyo đã cân nhắc việc rút khỏi cuộc tập trận chung này trước sự từ chối của Hàn Quốc, nhưng Washington đã dàn xếp và viết lại kịch bản nên việc ghé cảng Busan là không cần thiết./.
(Vietnam+)
----------------
Báo Mỹ: Có thể tiêu diệt Hải quân Iran trong vòng 4 ngày
“Iran có thể bắn trúng 1 lần đối với Hải quân Mỹ, nhưng Mỹ sẽ quét sạch toàn bộ lực lượng hải quân và phần lớn lực lượng tên lửa trên bờ của Iran”.
Ngày 25/9, trang mạng “Nước Mỹ ngày nay” cho rằng, nhiều cơ quan nghiên cứu và học giả Mỹ bắt đầu nghiên cứu phương thức Iran có thể tấn công Mỹ và thủ đoạn đáp trả của Mỹ.
Kết luận của những nghiên cứu này là: Cuộc tấn công của Iran đối với Hải quân Mỹ có thể chỉ bắn chìm 1 chiếc tàu chiến Mỹ, nhưng sự đáp trả của Mỹ có thể tiêu diệt Hải quân Iran trong vòng 4 ngày.
Bài báo cho rằng, từ lâu, Iran phát triển khả năng phòng thủ và tấn công dựa trên sự giúp đỡ của nước khác để đối phó với Mỹ và các nước phương Tây khác chỉ trích, ngăn chặn họ phát triển vũ khí hạt nhân. Điều lo ngại nhất của Quân đội Mỹ là một số vũ khí mà Iran có được từ Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Trong đó, tên lửa hành trình trên bộ có thể tấn công tàu chiến Mỹ, còn tên lửa đạn đạo có thể vượt qua vùng Vịnh tấn công Bộ Tư lệnh Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ.
Cho dù tàu chiến Mỹ và các căn cứ có hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng những hệ thống này có thể sẽ bị xuyên thủng.
Ngư lôi tấn công tốc độ nhanh của Iran cũng không thể coi thường. Những ngư lôi này dựa trên thiết kế của Nga, có thể phóng từ tàu ngầm, đồng thời phát động tấn công với tốc độ 200 dặm Anh/giờ, nhanh hơn bất cứ ngư lôi nào trong kho vũ khí của Mỹ.
Mặc dù tàu chiến có khả năng chạy thoát sự tấn công của ngư lôi truyền thống, nhưng “tàu chiến tuyệt đối không có cơ hội tránh sự tấn công của ngư lôi có tên lửa đẩy”.
Ngoài ra, Iran còn sở hữu ít nhất 20 tàu ngầm mini rất khó bị theo dõi và dễ lẩn trốn, nếu triển khai nó ở gần đáy biển, có thể tấn công và bắn chìm tàu chiến Mỹ đi qua.
Nếu cần thiết, Hải quân Mỹ có thể sử dụng vệ tinh và các thủ đoạn khác để theo dõi và tiêu diệt chúng, nhưng những tàu ngầm này rất nhỏ, hơn nữa một lần có thể lẩn trốn vài tuần.
Iran còn sở hữu vài trăm thuyền máy trang bị tên lửa và thiết bị nổ, cũng có thể phát động “tấn công kiểu bầy sói” đối với tàu chiến Mỹ.
Tuy nhiên, kho vũ khí phức tạp vẫn chưa phải là mối đe dọa chủ yếu nhất của Mỹ. Bài báo cho rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, Iran có vai trò ảnh hưởng rõ rệt đối với mạng lưới của chủ nghĩa khủng bố, các phần tử khủng bố có thể dễ dàng tấn công các mục tiêu dân sự của Mỹ ở Trung Đông và châu Âu, tàu thuyền dân dụng của Iran thậm chí có khả năng phát động tấn công tên lửa khí độc đối với nước Mỹ.
John Parker, Giám đốc chương trình quốc phòng của trang mạng “An ninh Toàn cầu” cho rằng, Iran sở hữu vũ khí hóa học, những vũ khí này có thể phóng từ tàu thuyền dân dụng ở bờ biển phía đông nước Mỹ.
Chiristopher Hammer, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, người từng tham gia xây dựng Kế hoạch tác chiến khu vực vùng Vịnh cho rằng, Iran không thể duy trì sự tấn công đối với Mỹ, “Hải quân Iran có lẽ có thể bắn trúng chúng tôi một lần ở trên biển hoặc trên bờ.
Nếu họ làm như thế, chúng tôi sẽ quét sạch tất cả lực lượng hải quân và phần lớn lực lượng tên lửa trên bờ của họ, hơn nữa chỉ cần 4 ngày”.
( GDVN)
------------------
Những cuộc phô diễn quân sự nguy hiểm ở vùng vịnh
(CATP) Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad công kích nhau trên diễn đàn Đại hội đồng Liên hiệp quốc vừa khai mạc tại New York, quân đội hai nước đối đầu này đã cùng một lúc tiến hành những cuộc phô diễn sức mạnh quân sự ở vùng vịnh Persia ngay ngoài khơi Iran.
Tư lệnh hải quân Iran, thiếu tướng Ali Fadavi loan báo ngày 25-9-2012, các tàu chiến Iran gần eo biển Hormuz đã bắn thử bốn quả tên lửa chống tàu và đã tiêu diệt các mục tiêu có kích thước bằng một tàu chiến trong vòng 50 giây. Viên tướng này cũng cho biết các tên lửa của Iran có tầm bắn vượt qua tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ ở vùng vịnh.
Hai ngày trước đó, Iran loan báo đã chế tạo được máy bay không người lái mới Shahed-129 có tầm hoạt động 1.250 dặm - nghĩa là tới lãnh thổ Israel, có thể thực hiện nhiệm vụ dọ thám hay tấn công bằng bom và tên lửa.
Hồi đầu tháng 9-2012, tư lệnh hải quân Iran tuyên bố sự hiện diện của lính Mỹ ở vùng vịnh là mang tính “chiếm đóng”. Ngày 23-9, Tư lệnh không quân Iran, tướng Ali Hajizadeh đe dọa sẽ lập tức tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Bahrain, Qatar và Afghanistan nếu Iran bị Israel tấn công. Ông giải thích: Israel sẽ không đời nào dám tấn công Iran nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, đồng minh chiến lược lớn nhất của họ. Iran cũng đe dọa, khi bị Israel tấn công, nước này sẽ đóng cửa eo biển Hormuz bằng cách rải mìn (Mỹ ước tính sẽ cần khoảng 5.000 quả mìn).
Trong mấy ngày qua, Mỹ cũng đang tiến hành tập trận hải quân ở vùng vịnh với đội tàu chiến lớn nhất xưa nay. Hơn 20 tàu chiến từ Mỹ đến từ các căn cứ quân sự của họ trên các châu lục đã tham gia cuộc diễn tập với nhiệm vụ chủ yếu là giữ cho các tuyến đường biển của vùng vịnh được sạch mìn.
Mỹ tuyên bố cuộc tập trận hải quân quy mô lớn này chỉ nhằm diễn tập khả năng phòng thủ chứ không nhằm trực tiếp vào Iran. Nhưng rõ ràng Washington đang ráo riết tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực nóng bỏng này. Ở đây đang có tới hai tàu sân bay (từ năm 2003 tới 2007 chỉ có một chiếc). Mỹ cũng đang xây dựng hệ thống radar chống tên lửa để ngăn chặn tên lửa từ Iran...
Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Ahmad Vahidi ngày 25-9 nhận định cả vùng vịnh lẫn eo biển Hormuz đều có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với Iran và nước này sẽ bảo vệ chúng bằng mọi giá.
Cho tới nay, bất chấp những căng thẳng trong ngoại giao và việc tăng cường lực lượng hải quân của cả hai bên, hải quân Mỹ cho biết các tàu chiến Mỹ và Iran đang hoạt động trong vùng biển quốc tế ở vùng vịnh vẫn liên lạc với nhau theo đúng quy định hàng hải một cách chuyên nghiệp và bình thường. Nhưng các tàu chiến Mỹ vẫn được đặt trong tình trạng báo động cao.
Giới quan sát quốc tế cảnh báo rằng: một khi cả Mỹ và Iran đều tập trung quá nhiều tàu chiến ở vùng vịnh và eo biển Hormuz, nguy cơ xảy ra những va chạm vượt ngoài vòng kiểm soát càng cao hơn.
PHẠM HỒNG PHƯỚC// Công An
---------------------
Colombia, thương lượng hòa bình sau 50 năm nội chiến
(CATP) Khi người Colombia bầu ông Juan Manuel Santos làm tổng thống vào tháng 6-2010, họ biết mình bầu cho một nhà quý tộc (cháu nội một tổng thống, thuộc dòng họ thế lực nhất Colombia, và từng ba lần làm bộ trưởng) kiêm một ông vua đánh bạc. Tuy nhiên, không ai nghĩ ông ta dám liều mạng với hòa bình, khi đã từng làm Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời tổng thống chiến tranh Alvaro Uribe (2002 - 2010) từng giết chết nhân vật số 2 của lực lượng Farc trên lãnh thổ Équateur vào ngày 1-3-2008, hay chỉ huy chiến dịch Jaque, lừa quân du kích bằng một chiến dịch nhân đạo, để giải thoát cho tù binh nổi tiếng Ingrid Betancourt ngày 2-7-2008. Khi vừa đắc cử tổng thống, ông đã làm kinh ngạc đối phương bằng bài diễn văn đầu tiên nói đến thống nhất và quyền con người, khác hẳn người tiền nhiệm. Còn hơn những lời hứa hẹn trong cuộc bầu cử tháng 6-2012, một đạo luật công nhận quyền của các nạn nhân trong cuộc xung đột, và dự kiến trả lại một phần đất đai cho nông dân. Ông Santos cũng gây kinh ngạc khi hòa giải với Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, tuyên bố ủng hộ Cuba gia nhập các tổ chức Nam Mỹ, và hợp pháp hóa ma túy. Nếu hòa bình với Farc diễn tiến thành công, ông sẽ thắng lớn. Giáo sư Hernando Gomez Buendia, thuộc khoa chính trị học tại Colombia nhận định: “Với Santos, ông phải là một tổng thống hòa bình, có thể tái đắc cử và còn nhắm vào chiếc ghế tổng thư ký Liên hiệp quốc nữa!”.
Giải pháp không nằm ở chiến tranh, mà ở thương lượng một cách văn minh. Thủ lĩnh hiện nay của Farc, Rodrigo Londono quả quyết khi tuyên bố khai mạc hội đàm hòa bình với chính phủ Colombia. Được Jacobo Arenas và Manuel Marulanda thành lập năm 1964, phong trào ngày nay có 9.000 tay súng. Thủ lĩnh đầu tiên Manuel Marulanda chết năm 2008. Người kế vị Alfonso Cano bị giết tháng 11-2011. Đây là lần thứ tư trong vòng 30 năm, Farc tham gia thương lượng hòa bình. Ivan Marquez, nhân vật số hai, không tin vào tiến trình hòa bình này. Marco Calarca, phụ trách ủy ban quốc tế, Andrés Paris, có mặt trong cuộc thương lượng tại Caguan, cách nay 10 năm. Rodrigo Granda, được xem là Bộ trưởng ngoại giao của Farc. Và sau cùng Simon Trinidad, từng bị Hoa Kỳ kết án 60 năm tù giam, không chắc tham gia cuộc thương lượng.
Trong lần thương lượng hòa bình với Farc năm 2002, Tổng thống Andres Pastrana đồng ý phi quân sự hóa một diện tích 42.000km2 trong vùng Caguan, để tỏ thiện chí, nhưng vẫn không đi đến kết quả. Sau đó Farc còn trở nên mạnh hơn.
ĐINH CÔNG THÀNH (LCI, Công An)
-----------------
Iran phản đối “các cường quốc bá chủ” đe dọa
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hôm thứ Tư đã cáo buộc một số “cường quốc bá chủ” đe dọa đất nước ông, dẫn chứng đe dọa quân sự từ Israel.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad phát biểu tại Khóa họp Đại đồng LHQ lần thứ 67 tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, ngày 26.9.2012
Ông phát biểu trước cuộc họp hàng năm của Đại hội đồng LHQ: “Chạy đua vũ trang và đe dọa bởi vũ khí hạt nhân và vũ khí phá hủy hàng loạt do các cường quốc bá chủ gây nên đã trở thành phổ biến,” và thêm “Đe dọa tiếp tục bởi nhũng kẻ theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái mọi rợ đòi có hành động quân sự chống lại đất nước vĩ đại của chúng tôi là chứng cứ rõ ràng cho sự thật cay đắng này”.
Những nhận xét của Ahmadinejad được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo, trên cùng diễn đàn hôm thứ Ba rằng thời gian “không bất tận” để giàn xếp ngoại giao về vấn đề hạt nhân của Iran, và Washington sẽ làm mọi điều phải làm để ngăn chặn Tehran không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Hồng Hoa (theo Tân Hoa xã, Công An)