TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 28-9-2012


Châu Âu bác bỏ khả năng can thiệp quân sự ở Syria

Theo Tân Hoa xã và AFP, các bộ trưởng quốc phòng châu Âu ngày 27/9 đã bác bỏ khả năng can thiệp quân sự ở Syria, đồng thời ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở nước này.

Phát biểu tại hội nghị không chính thức kéo dài hai ngày ở Nicosia (Cộng hòa Síp), Bộ trưởng Quốc phòng Síp Demetris Eliades khẳng định: "Mục đích của chúng tôi là mở rộng sự ủng hộ đối với người dân trong khu vực để họ có thể xây dựng các thiết chế, xã hội và nhà nước dân chủ cho chính họ dựa trên các quyền con người và quyền chính trị".

Ông Eliades nói thêm rằng Liên minh châu Âu ủng hộ một giải pháp chính trị ở Syria dù thừa nhận tình trạng bi thảm ở nước này và cảm giác chung tại hội nghị là "không có dấu hiệu chấm dứt cuộc khủng hoảng" ở Syria.

Cũng liên quan tình hình Syria, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, các nhà lãnh đạo Liên đoàn Arập (AU) cùng Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và AU về Syria Lakhdar Brahimi ngày 27/9 đã bày tỏ quan ngại rằng Syria sẽ trở thành một "chiến trường khu vực" nếu cuộc xung đột ở nước này trầm trọng hơn.

Người phát ngôn Liên hợp quốc Martin Nesirky cho biết Tổng Thư ký Ban Ki-moon, Tổng Thư ký AU Nabil al-Arabi và Đặc phái viên Brahimi đã gặp nhau tại trụ sở Liên hợp quốc để thảo luận về "mức độ bạo lực kinh hoàng" ở Syria cũng như các nỗ lực để trợ giúp ông Brahimi.

Người phát ngôn nói: "Ba nhà lãnh đạo đã cảnh báo nguy cơ Syria biến thành một chiến trường khu vực nếu bạo lực ở nước này ngày càng ác liệt hơn./.

(Vietnam+)
-----------------
 Thủ tướng Israel cam kết đánh bại mọi đe dọa

(VOV) - Thủ tướng Israel Netanyahu sẽ tìm kiếm sự ủng hộ tại Liên Hợp Quốc để trừng phạt mạnh tay hơn đối với Iran.

Trong một thông điệp gửi tới người dân Israel ngày 27/9, Thủ tướng Israel Netanyahu cam kết sẽ đưa ra một phản ứng cứng rắn trong bài phát biểu của mình, nhằm đáp trả bài phát biểu trước đó của Tổng thống Iran Ahmadinejad tại phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

Ông Netanyahu cũng khẳng định sẽ đại diện cho người dân Do Thái đánh bại bất kỳ mối đe dọa nào đối với nước này: “Tôi muốn nói với người dân rằng, tôi đại diện cho toàn thể người dân Israel trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Dân tộc chúng ta sẽ vượt qua bất kỳ khó khăn hay mối đe dọa nào. Chúng ta đoàn kết vì mục tiêu hòa bình và đảm bảo an ninh cho người dân, đất nước Israel”.

Thủ tướng Israel Netanyahu nhấn mạnh, nước này sẽ nỗ lực để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông địa phương, ông Netanyahu dự kiến sẽ tập trung tìm kiếm sự ủng hộ tại Liên Hợp Quốc về các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran.

Trước đó, phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc trong phiên họp vào ngày 25/9, Tổng thống Iran Ahmadinejad cho biết Iran đang tiếp tục bị đe dọa bởi những người Do Thái, những người đang cố gắng viện tới các hành động quân sự để chống lại Iran. Trong bài phát biểu này, Tổng thống Iran còn ám chỉ khả năng Israel sẽ bị “loại bỏ”./.

 Lệ Chi/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
---------------------
Trung Quốc “dụ” Đài Loan cùng chống Nhật

Bắc Kinh đang vận động Đài Loan cùng đứng về một phía trong cuộc tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Báo Financial Times hôm qua đưa tin Trung Quốc vừa lên tiếng cam kết bảo vệ tàu cá Đài Loan, vốn cũng là một bên tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư, trước lực lượng tuần duyên Nhật. Tờ báo dẫn một thông báo của Văn phòng Đài Loan sự vụ thuộc chính phủ Trung Quốc cho biết: “Các tàu của chính phủ đại lục hiện cung cấp dịch vụ cho ngư dân của cả hai phía ở eo biển Đài Loan”. Cơ quan trên còn tỏ ra “thân ái” hơn khi tuyên bố: “Cả hai phía đều là một nhà. Những người anh em, ngay cả nếu họ có tranh cãi nội bộ, vẫn nên đoàn kết chống lại sự xâm lấn từ bên ngoài”. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi tàu tuần duyên của Nhật Bản và Đài Loan đấu vòi rồng với nhau hồi đầu tuần tại vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư. Trước động thái mới của Bắc Kinh, tờ The Christian Science Monitor dẫn lời chuyên gia phân tích chính trị Jun Okumura ở Mỹ nhận định Bắc Kinh chắc hẳn đang hài lòng về việc tàu Nhật và Đài Loan đấu vòi rồng.

Trong khi đó, AP dẫn lời Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda, phát biểu vào ngày 27.9 sau phiên họp của Đại hội đồng LHQ, khẳng định sẽ không khoan nhượng với Trung Quốc về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật cũng cam kết Tokyo sẽ phản ứng bình tĩnh và kiềm chế không cho tranh chấp ảnh hưởng bất lợi đến quan hệ song phương. Trước đó, trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, ông Noda kêu gọi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, đúng luật pháp quốc tế và không sử dụng vũ lực. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm qua tuyên bố Tokyo cần “đối mặt với lịch sử” và “ngừng tất cả các hoạt động vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các nước khác”.

Trong một diễn biến liên quan, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Yuji Miyamoto kêu gọi Tokyo và Bắc Kinh sớm tổ chức đàm phán về Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, tờ The Japan Times ngày 27.9 đưa tin ông Miyatomo cũng đề nghị triển khai Lực lượng Phòng vệ và Cảnh sát biển của Nhật để tăng cường khả năng phòng thủ trên biển xung quanh quần đảo tranh chấp. Ông cho rằng đó là cách để xúc tiến đàm phán ngoại giao hiệu quả.

Trùng Quang // Thanh Niên
---------------------

Thái Lan muốn tham gia vấn đề biển Đông

Trong lúc các thành viên ASEAN đang nỗ lực đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên biển Đông, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đưa ra một hướng tiếp cận bất ngờ đối với vấn đề này.

AP dẫn lời bà Yingluck, phát biểu tại một hội nghị ở New York (Mỹ), cho hay trên cương vị một nước không liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại biển Đông, Thái Lan muốn tham gia giải quyết xung đột. Theo đó, Thủ tướng Yingluck nhấn mạnh rằng mình không hề đánh giá thấp những thách thức phải đối mặt, nhưng bà tự tin tận dụng lợi thế mềm mỏng của phái yếu để đưa ra cách tiếp cận mới.

Như vậy, Thái Lan đã chính thức bày tỏ ý định hỗ trợ nỗ lực của khối ASEAN nhằm giải quyết vấn đề biển Đông. Những ngày vừa qua, mọi chú ý về tranh chấp chủ quyền trên biển đều dồn về khu vực Hoa Đông. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn cho rằng đó chỉ là tạm thời và không ít thách thức vẫn đang tồn tại ở biển Đông. Vì thế, khối ASEAN đừng nên lơi lỏng nỗ lực giải quyết những thách thức đó.

T.M// Thanh Niên
--------------
Bộ trưởng Quốc phòng báo cáo về an ninh biên giới biển

 Sáng 27/9, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH đã tổ chức phiên họp, nghe báo cáo giải trình về “tình hình tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới biển”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đại biểu Quốc hội là thành viên các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội đã tới dự.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng báo cáo, giải trình. Dự và tham gia giải trình bổ sung còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương hữu quan.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, phiên họp được thực hiện trên cơ sở Nghị quyết Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đây cũng là lần đầu tiên hoạt động chất vấn, giải trình được tổ chức trong một phiên họp của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Phiên họp nhằm xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong việc tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới biển; công tác tuần tra, kiểm soát người, tàu thuyền tại các khu vực cảng biển; công tác phối kết hợp giữa các lực lượng được giao nhiệm vụ và xem xét các kiến nghị, ý kiến đóng góp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động này.

 Phiên họp cũng sẽ là cơ sở để Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổng hợp, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, cơ chế hoạt động cũng như chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các cơ quan, đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới biển; đồng thời góp phần hoàn thiện việc thẩm tra dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo chương trình xây dựng pháp luật đã được Quốc hội phê duyệt.

TTXVN
-------------------
 Trung Quốc định lập mạng viễn thông ở Hoàng Sa, Trường Sa

ICTnews - Báo chí Đài Loan vừa qua đã đồng loạt đưa tin Trung Quốc chuẩn bị xây dựng mạng lưới viễn thông trên các hòn đảo ở biển Đông, trong đó có đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Các trang báo của Đài Loan như Taiwan News, Focustaiwan cho biết mạng lưới viễn thông này sẽ do cơ quan viễn thông của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đảm nhận. Nó sẽ bao gồm 51 trạm thu phát sóng di động (BTS) trên các đảo, 104 trạm BTS trên các thuyền và 8 cáp ngầm dưới biển.

Nếu hoàn thành, mạng lưới này sẽ bao phủ tất cả các hòn đảo ở vùng biển Đông, bao gồm cả các đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) và Trường Sa (Spratly Islands) của Việt Nam, và cả hòn đảo Scarborough Shoal – một lãnh thổ đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippine. Việc Trung Quốc xây dựng mạng viễn thông ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực này.

Liên quan đến vấn đề này, trang Gmanetwork của Philippine đưa tin Tổng thống Philippine Benigno Aquino III đã lên tiếng bác bỏ kế hoạch này của Trung Quốc, và ký một sắc lệnh hành chính tuyên bố một số hòn đảo ở đây là thuộc chủ quyền của Philippine.

Hiện nay, 3 công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là China Mobile, China Telecom và China United Telecom đang quản lý mạng lưới viễn thông bao phủ toàn bộ 70 km đường bờ biển của tỉnh Hải Nam và một số hòn đảo khác.

Bảo Bình// ICTnews
-----------------
Thủ tướng Thái Lan: Châu Á nên tập trung kiếm tiền, đừng kiếm chuyện

(GDVN) - Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra phát biểu: “Chúng tôi tin rằng các vùng biển như Biển Đông phải được coi là khu vực của tiềm năng” để phát triển kinh tế.

Tờ Straitstimes của Singapore ngày 26/9 đưa tin, trong buổi nói chuyện với Hiệp hội Asia Society tại New York ngày hôm qua, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho rằng các nền kinh tế đang lên của Châu Á có thể giúp kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng, nhưng đồng thời cũng cảnh báo sự chệch hướng của xung đột tranh chấp chủ quyền biển đảo trong khu vực.

Bà Shinawatra nói rằng: “Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là động lực chính của nền kinh tế toàn cầu”, tuy nhiên căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng về chủ quyền biển đảo cần phải được giải quyết.

Thủ tướng Thái Lan khẳng định: “Chúng ta sẽ không thể thúc đẩy phát triển kinh tế và thịnh vượng nếu các căng thẳng vẫn còn tồn tại”, và bà bổ sung rằng Thái Lan “quyết tâm làm hết sức mình” để tháo ngòi nổ xung đột vì căng thẳng tranh chấp chủ quyền trong khu vực.

Bà Shinawatra phát biểu: “Chúng tôi tin rằng các vùng biển như Biển Đông phải được coi là khu vực của tiềm năng” để phát triển kinh tế.

Hiện nay tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản trên biển Hoa Đông, với Việt Nam và Philippines cùng các quốc gia khác trên Biển Đông ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Bà Shinawatra khẳng định rằng sau nhiều năm bất ổn về chính trị, Thái Lan hiểu được cái giá của sự ổn định đối với phát triển kinh tế, và hiện nay nước này đang trong thời kỳ phát triển ổn định với tỉ lệ tăng trưởng GDP trong năm 2012 dự kiến đạt từ 5,5 đến 6%.

Bảo Thành (Nguồn: Straitstimes, GDVN)
-------------------
Triều Tiên ra lệnh ám sát anh trai ruột Kim Jong un?

Theo tin tức được đăng tải trên tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc), một điệp viên Triều Tiên vừa bị bắt tại Hàn Quốc cho biết ông này đang trên đường thực thi nhiệm vụ ám sát Kim Jong Nam, con trai cả của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il.

Theo tờ Chosun Ilbo, điệp viên này được xác định có họ Kim, 50 tuổi và đã đóng giả làm một người Triều Tiên đào tẩu và bị cảnh sát Hàn Quốc bắt hôm 12/9.

Ông Kim khai với cảnh sát rằng vào tháng 7 năm 2010, ông được Cục an ninh nhà nước Triều Tiên ra lệnh ám sát Kim Jong Nam, người hiện đang sống chủ yếu tại Macau. Các quan chức tình báo Hàn Quốc đang điều tra xem lời khai của ông này có xác thực hay không.

Ông Kim hoạt động tình báo tại Bắc Kinh và các khu vực khác ở Trung Quốc từ 10 năm trước và đến Hàn Quốc vào tháng 6 năm nay cùng một nhóm người Triều Tiên đào tẩu.

Khi vỏ bọc của ông này bị các quan chức tình báo lật tẩy, ban đầu ông ta khai rằng mình được cử đến Hàn Quốc làm điệp viên nằm vùng, được ra lệnh “án binh bất động” tại đây và chờ đợi các mệnh lệnh tiếp theo.

Tuy nhiên gần đây nhất, ông Kim lại khai rằng mình được ra lệnh xâm nhập Hàn Quốc để tiếp cận nhà hoạt động Park Sang-hak, một người Triều Tiên đào ngũ hiện đang tham gia gửi các truyền đơn chống Triều Tiên.

Kim Jong Nam thường đi đi lại lại giữa Bắc Kinh và Macau. Vào tháng 7, 2010 điệp viên Kim được ra lệnh tiến hành ám sát Jong Nam, chỉ 2 tháng trước khi em trai cùng cha khác mẹ của Jong Nam là Jong Un được chỉ định là người kế tục cha mình.

TÙNG LÂM// InfoNet
------------------
 Căng thẳng Trung -Nhật- Hàn phủ bóng đen lên đàm phán FTA

(VOV) - Cuộc đàm phán về Hiệp định FTA giữa 3 nước được xem như cuộc thảo luận cuối cùng trước khi đàm phán chính thức bắt đầu.

 Ngày 27/9, tại Seoul (Hàn Quốc), ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu cuộc thảo luận cấp chuyên viên lần thứ 3 về đàm phán Hiệp định Tự do thương mại (FTA) giữa 3 nước.

Các cuộc thảo luận cấp chuyên viên về Hiệp định FTA giữa Trung-Nhật- Hàn được khởi động sau khi nguyên thủ 3 nước tại cuộc hội đàm cấp cao hồi tháng 5/2012 ở Bắc Kinh đạt được thỏa thuận về việc bắt đầu đàm phán về Hiệp định trong năm nay.
Quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Tại cuộc thảo luận lần này, 3 nước sẽ trao đổi về cách thức cũng như lịch trình tiến hành đàm phán. Đây được xem như cuộc thảo luận cuối cùng trước khi đàm phán chính thức bắt đầu.

Mặc dù cuộc thảo luận lần này diễn ra theo đúng kế hoạch nhưng căng thẳng giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc do tranh chấp lãnh thổ đang phủ bóng đen lên khả năng bắt đầu đàm phán chính thức trong năm nay theo đúng thỏa thuận cấp cao giữa 3 nước.

Tại Hàn Quốc, hiện đang xuất hiện một số ý kiến lo ngại tình hình căng thẳng hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả cuộc thảo luận về Hiệp định FTA giữa Trung -Nhật- Hàn./.

Hoàng Liên Sơn/VOV-Tokyo
--------------------
Nga điều tra kẻ gom tiền ám sát Putin

Cơ quan an ninh Nga đang tích cực điều tra về thông tin mới được đăng tải trên mạng về việc chuẩn bị ám sát Tổng thống Nga Putin.

(ĐVO) Một kẻ tự xưng là Sergey Moyseev đã yêu cầu chuyển tiền cho anh ta qua hệ thống ngân hàng điện tử (internet banking) để mua súng bắn tỉa BARRETT nhằm ám sát người đứng đầu nhà nước Nga Vladimir Putin.

Sergey Moyseev xác nhận, sẽ ám sát Tổng thống Nga Putin bằng một khẩu súng bắn tỉa BARRETT. Nhưng để mua được khẩu súng đó và tổ chức thực hiện được âm mưu sát hắn cần phải có đủ 750.000 ruble.

Sergey Moyseev cho biết, hắn đã có hơn 90.000 ruble và yêu cầu những người ủng hộ chuyển tiền vào một tài khoản mà hắn cung cấp.  

Các cơ quan an ninh Nga đang tích cực điều tra danh tính thực sự của kẻ tự xưng là Sergey Moyseev.

Đại diện của Tổng cục phòng chống tội phạm cực đoan thuộc Bộ Nội vụ Nga cho biết, họ quan tâm tới thông tin mà báo chí đã nêu. “Chúng tôi luôn cố gắng theo dõi sự xuất hiện của các trang mạng cực đoan bất kỳ, do đó trang mạng đăng tải thông tin này sẽ bị điều tra”, nhà chức trách cho biết.

Trong khi đó, đại diện của Cục K – cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm trên không gian mạng, khi được hỏi về vấn đề trên, đã nói rằng, những sự việc như vậy ở FSB có một cơ quan chuyên trách để điều tra và xử lý.

Tuy nhiên, đài FSB từ chối bình luận về sự việc mà Izvestia nêu ra. Các chuyên gia không loại trừ khả năng đây là những kẻ có vấn đề về tâm thần hoặc cố tình tạo bê bối.

Danh Nguyễn (theo Izvestia, ĐVO)
---------------
 LHQ công bố văn bản về quần đảo tranh chấp Trung-Nhật

(VOV) - Vấn đề chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư có chiều hướng phát triển thành các cuộc tranh luận về mặt luật pháp quốc tế.

Ngày 27/9, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã cho công bố bản đồ hải giới quần đảo mà phía Trung Quốc đã trình lên LHQ cũng như văn bản phản đối bản đồ này của phía Nhật Bản. Việc công bố diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc.
Tàu hải giám của Trung Quốc hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư (0Ảnh: Tân Hoa xã)

Ngày 13/9, Trung Quốc đã đệ trình lên LHQ bản sao bản đồ hải giới, trong đó chính phủ Trung Quốc đặt tên và tuyên bố chủ quyền đối với 17 điểm cơ sở quanh quần đảo tranh chấp. Sau đó, ngày 25/9, Chính phủ Nhật Bản đã trình LHQ văn bản phản đối bản đồ này.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố sẽ sớm đệ đơn lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa LHQ xin mở rộng thềm lục địa của nước này ở biển Hoa Đông.

Theo giới phân tích, vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có chiều hướng phát triển thành các cuộc tranh luận về mặt luật pháp quốc tế./.

Hoàng Liên Sơn/VOV-Tokyo
----------------------
Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích Thủ tướng Nhật ngoan cố và sai lầm!

Trung Quốc hôm nay (27/9) đã chỉ trích những phát biểu cứng rắn mới nhất của Thủ tướng Nhật Bản là “ngoan cố” và “sai lầm”.
 
Trước đó, phát biểu tại New York, Mỹ sau khi tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda hôm qua tuyên bố sẽ không nhượng bộ hay thỏa hiệp về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc bởi Tokyo có chủ quyền đối với quần đảo này.
 
"Nói đến quần đảo Senkaku, đó là một phần lãnh thổ không thể tách rời của chúng tôi xét cả về mặt lịch sử lẫn về mặt luật pháp quốc tế. Vì thế, sẽ không thể có bất kỳ nhượng bộ nào trong vấn đề Senkaku”, Thủ tướng Noda nhấn mạnh.
 
Phản ứng trước những phát biểu mạnh mẽ và cứng rắn của Thủ tướng Noda, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Qin Gang cho biết: “Trung Quốc cực kỳ thất vọng và kịch liệt phản đối sự ngoan cố của Nhà lãnh dạo Nhật Bản liên quan đến quan điểm sai trái của ông ấy” về vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ông Qin tiếp tục “tố” Nhật Bản phớt lờ những dữ liệu lịch sử và luật pháp quốc tế.
 
"Nhật Bản đã thách thức nghiêm trọng trật tự quốc tế thời hậu chiến tranh nhưng vẫn cố lôi luật quốc tế ra để che đậy. Đó là sự tự lừa dối”, phát ngôn viên Qin chỉ trích gay gắt.
 
Cuộc “khẩu chiến” mới trên giữa quan chức hai nước Trung-Nhật diễn ra trong bối cảnh hai bên vừa có cuộc gặp ở New York, Mỹ nhằm tháo “ngòi nổ” cuộc đối đầu căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Senkaku/Điếu Ngư.
 
Mặc dù cả Tokyo và Bắc Kinh đều không muốn cuộc tranh chấp hiện nay giữa hai bên ở biển Hoa Đông vượt ra khỏi tầm kiểm soát nhưng giới lãnh đạo Trung-Nhật vẫn thể hiện một thái độ cứng rắn, quyết không lùi bước. Vì lẽ đó, cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á được cho là sẽ còn kéo dài.
 
Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku. Nhật Bản đang kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều này. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung-Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng.
 
Mới đây nhất, sóng gió ở biển Hoa Đông lại nổi lên sau sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm “khẳng định chủ quyền". Nhật Bản đã đáp trả bằng một loạt động thái đầy thách thức, trong đó đỉnh điểm là việc nước này mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
(VNmedia)
-----------------
 Quan chức Trung Quốc công khai thu nhập trên Internet

 Tờ China Daily cho hay, thông tin tài chính của các ứng viên sắp thăng chức sẽ được công bố trên trang web của chính quyền huyện Pan'an, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Theo trưởng ban giám sát kỷ luật của ủy ban tổ chức huyện Pan’an, mục đích của việc công khai thông tin thu nhập và tài sản cá nhân ra công chúng là "nhằm đảm bảo các quan chức mới được thăng tiến không có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến tham nhũng".

Bên cạnh việc công khai tài chính của quan chức, một đường dây nóng sẽ được thiết lập để người dân thông báo khi phát hiện các thông tin sai lệch. Nếu dối trá, ứng viên sẽ mất cơ hội thăng tiến và bị xử phạt. Tuy nhiên, hiện tại chính quyền chưa nhận được bất cứ thông tin sai phạm nào.

Bà Hu Yuxian, người tham gia việc công khai tài sản này với mong muốn trở thành chủ tịch thị trấn, có thu nhập hằng năm là 62.123 NDT (9.860 USD) nhờ công việc làm thư ký ủy ban Đoàn Thanh niên Cộng sản huyện. Bà sở hữu hai căn nhà, một căn rộng 143 m vuông do gia đình mua và một căn khác rộng khoảng 304m vuông được thừa kế.

Cuối tháng 8 vừa qua, 600 công chức tại một phường ở Xuzhou, tỉnh Giang Tô cũng đã tiết lộ những thông tin tài chính trên trang web chính quyền địa phương.

T.Y // NĐT
-----------------
Nga đối mặt làn sóng khủng hoảng thứ hai

TTO - Báo Nga Nezavisimaya Gazeta nhận định làn sóng khủng hoảng thứ hai đã tràn qua châu Âu và chẳng mấy chốc sẽ lan đến Nga.

Bộ Tài chính Nga mới đây dự báo thâm hụt ngân sách liên bang năm 2013 sẽ vượt qua 521 tỉ rup (17 tỉ USD).

Nợ nước ngoài của Nga sẽ chạm đến 66,2 tỉ USD vào đầu năm 2014.

Trong khi đó, nhu cầu từ nước ngoài đối với hàng hóa Nga tăng trưởng rất chậm do khủng hoảng nợ châu Âu đang lan rộng. Quý I, kinh tế EU tăng trưởng bằng 0, quý II là âm 0,2% và quý III dự kiến cũng tăng trưởng âm.

Chuyên gia Vladimir Nazarov - giám đốc Phòng ngân sách của Viện nghiên cứu Gaydar - cho hay dù tăng trưởng 1,5-3% trong nửa đầu năm nay, đến cuối năm mức tăng trưởng thực tế của Nga chỉ bằng 0 và năm 2013 sẽ mang lại nhiều khó khăn cho kinh tế thế giới.

Quỹ dự phòng của Nga chỉ khoảng 60 tỉ USD, ít hơn hai lần số cần thiết nếu khủng hoảng xảy ra, trong khi thuế không thể tăng thêm.

Telegraph dẫn khảo sát của Hãng nghiên cứu Romir Holding cho thấy 56% người Nga đang chuẩn bị tâm lý đón làn sóng khủng hoảng thứ hai. Hiện điện Kremlin cũng chuẩn bị cắt giảm lớn các khoản chi công, cải cách tiền lương để đối phó với khủng hoảng. Dự kiến ngày 1-10 tới, chính phủ sẽ quyết định cuối cùng về cải cách lương hưu, trong đó có thể có việc tăng độ tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên có tới 82% người được khảo sát phản đối việc tăng độ tuổi nghỉ hưu và cắt giảm tiền lương. Đây cũng là tâm lý chung của người lao động và là mâu thuẫn làm bùng nổ các cuộc biểu tình ở châu Âu vừa qua.

Phần lớn người Nga chỉ thu nhập 10.000-20.000 rup mỗi tháng (320-640 USD), trong khi vật giá leo thang sẽ khiến mức sống của họ giảm nghiêm trọng. Sự chênh lệch giàu nghèo ở Nga cũng có thể gây căng thẳng trong xã hội khi 20% GDP nằm trong tay 96 người giàu nhất nước Nga.

PHAN ANH // Tuổi Trẻ
--------------
 Hơn 30.000 người chết trong cuộc khủng hoảng ở Syria

(VOV) - Số người chết phần lớn là dân thường kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát hồi giữa tháng 3/2011.

Theo Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria có trụ sở tại thủ đô London, Anh, các vụ bạo lực tại Syria đã làm hơn 30.000 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là dân thường kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát hồi giữa tháng 3/2011.

Cuộc khủng hoảng tại Syria đang là chủ đề nóng trong các cuộc thảo luận tại phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 67 đang diễn ra tại thành phố New York, Mỹ.

Nhân dịp này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thực hiện các nỗ lực mới để đạt được một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Syria../.

Thu Hoài/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuteurs)
-----------------
Nhật Bản 'bó tay' với tàu cá Trung Quốc ở Senkaku?

Ngày 25/9, hàng chục tàu cá Đài Loan ồ ạt kéo đến vùng biển gần đảo Điếu Ngư/Senkaku, tàu cảnh sát biển Nhật Bản đã dùng vòi rồng phun vào tàu Đài Loan, ngăn chặn họ tiến sát vào đảo Senkaku. Tàu cảnh sát biển Đài Loan cũng vào trện, hai bên cùng giữ thế giằng co, rượt đuổi trong nhiều giờ.

Báo “Tin tức kinh tế” của Nhật Bản hôm 26/9 cho đăng một bài với nhan đề: “Khả năng đối phó với đội tàu cá của Nhật Bản chỉ có hạn”. Bài báo cho biết, “Luật bảo vệ an ninh trên biển” sau khi sửa đổi đã cho phép các nhân viên an ninh trên biển được quyền bắt giữ người vi phạm, Cục an ninh trên biển đã bố trí nhân viên của mình gần khu vực đảo Senkaku.
Nhật Bản 'bó tay' với tàu cá Trung Quốc ở Sekaku?

Cho dù như vậy, lực lượng an ninh trên biển của Nhật Bản vẫn hết sức lo lắng trước việc hàng loạt tàu cá Trung Quốc ồ ạt kéo vào biển Hoa Đông.

Một nhân viên an ninh cho biết: “Nói thực lòng, nếu sau này còn đến nhiều hơn, thì chúng tôi không thể nào đối phó hết”. Chính phủ Trung Quốc thì bố trí tàu hải giám và tàu ngư chính xung quanh khu vực đảo Senkaku. Bài báo cho hay, trước kia Cục an ninh trên biển thường có một đến hai tàu tuần tra giám sát một tàu hải giám, hiện chỉ có 45 tàu giám sát tại khu vực này, chiếm đến hơn 10% số lượng tàu của Cục an ninh trên biển, gần như là đã huy động tối đa lượng tàu cho việc này rồi.

Bài báo cho biết, Cục an ninh trên biển nhận định các tàu cá có căng các khẩu hiểu đòi chủ quyền chỉ là các tàu đến đưa ra yêu cầu thôi, nên dùng vòi rồng ngăn họ lại. Nhưng sau đó tàu tuần tra của Đài Loa cũng đến, hai bên dùng vòi rồng phun vào nhau, khiến cục diện thêm căng thẳng. Thế giằng co, rượt đuổi này kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ.

Một quan chức tại lực lượng an ninh trên biển Nhật Bản cho biết: “Số lượng tàu của lực lượng an ninh không thể bằng số lượng tàu cá, thực sự mà nói, để ngăn cản họ lên đảo phi pháp thì hiện tại quả thật rất khó khăn”.

Hòa Phong// Infonet
------------------
 Biểu tình gây bạo loạn ở Hy Lạp

TPO – Cảnh sát Hy Lạp trong ngày 26-9 phải dùng đến súng hơi cay để chống lại hàng ngàn người biểu tình đã ném bom xăng vào nhiều văn phòng chính phủ tại thủ đô Athens.

Cuộc biểu tình kéo dài suốt ngày 26-9 nhằm chống lại các chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng mà chính phủ nước này đang áp dụng. Đây là cuộc biểu tình nổ ra sớm nhất kể từ hồi tháng sáu năm nay, nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm khoảng 11,5 triệu Euro tiền chi tiêu quốc gia.

Có khoảng 50.000 người đã tham gia cuộc biểu tình bao gồm bác sĩ, giáo viên nhân viên thuế, nhân viên giao thông vận tải… Những người biểu tình đã dùng bom xăng ném vào các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Athens khiến đám cháy lan rộng.

Cuộc biểu tình được xem là cuộc đình công lớn nhất từ trước tới nay. Theo một cuộc khảo sát mới đây, 90% người Hy Lạp đã phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ Hy Lạp. Những người Hy Lạp cho rằng chính sách mới này là không công bằng và là một gánh nặng đối với người nghèo.

Tầng lớp tri thức của nước tham gia cuộc đình công, biểu tình lần này với mong muốn chính phủ Hy Lạp từ bỏ các chính sách thắt lưng buộc bụng, đông thời kêu gọi Bộ Tài chính trả mức lương thỏa đáng cho họ.

Cảnh sát Hy Lạp trong ngày 26-9 cũng đã bắt giữ hàng chục người biểu tình. Tuy nhiên, tình trạng bạo loạn vẫn gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát.
 ( Tiền Phong)
----------------
Người Palextin sẽ giành chiến thắng với giá đắt tại LHQ?

Sau khi Palextin không được công nhận quy chế nhà nước tại Liên hợp quốc (LHQ) hồi năm 2011, Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas ngày 27/9 sẽ quay trở lại New York để đề nghị Đại hội đồng LHQ chấp thuận nâng vị thế của Palextin.

Lần này, có vẻ như ông Abbas sẽ đạt được điều mà ông mong muốn, nhưng để mang lại một nền độc lập cho Palextin thì có lẽ còn xa vời. Và có khả năng, ông sẽ phải đối mặt với sự giận dữ của Mỹ và Ixraen, những nước chắc chắn sẽ trả đũa bằng các biện áp trừng phạt kinh tế đầy đau đớn. Aaron David Miller, cựu cố vấn cao cấp về tiến trình hòa bình Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện làm việc tại Trung tâm Woodrow Wilson ở Oasinhtơn, nói: "Người Palextin không có chiến lược. Người Ixraen hay thậm chí người Mỹ cũng vậy".

Năm 2011, khi ông Abbas cố gắng giành sự công nhận quy chế nhà nước đầy đủ cho Palextin tại LHQ, những người dân ở Bờ Tây đã cảm thấy rất phấn khởi. Song, đúng như dự đoán, yêu cầu này của ông đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Mỹ. 12 tháng sau đó, những người dân này không còn tỏ ra háo hức khi ông Abbas chuẩn bị thực hiện nỗ lực lần hai nhằm nâng cấp vị thế của Palextin tại LHQ, từ "thực thể quan sát viên" lên "nhà nước quan sát viên".

Phản ánh thái độ thờ ơ của đông đảo người dân ở Bờ Tây trước nỗ lực lần này của ông Abbas, Manal Hassan - giáo viên giảng dạy bán thời gian tại Ramallah - nói: "Palextin đáng được công nhận là một nhà nước chính thức, chứ không phải là sự thăng cấp nửa vời như vậy".

Việc được công nhận là nhà nước chứ không phải là một thực thể đồng nghĩa với việc Palextin có thể gia nhập các tổ chức như Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) và đệ trình hàng loạt đơn kiện Ixraen vì nước này liên tục chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palextin. Trao đổi với phóng viên hãng tin Reuters hồi tuần trước, Saeb Erekat - nhà thương thuyết kỳ cựu của Palextin - nói: "Điều này sẽ giúp san bằng sân chơi". Ông cho rằng sự thay đổi này sẽ được đưa ra bỏ phiếu trước cuối năm nay. Mỹ không có quyền phủ quyết tại Đại hội đồng - nơi có khoảng 120/193 quốc gia thành viên đã công nhận nhà nước Palextin.

Trong khi đó, Ixraen đã tỏ dấu hiệu lo ngại. Các quan chức Ixraen đã kín đáo nói rằng Ixraen có thể sẽ trả đũa bằng cách giữ lại tiền thuế mà quốc gia Do Thái này thu hộ Palextin, chiếm khoảng 2/3 toàn bộ doanh thu của Palextin. Còn các chính trị gia ủng hộ Ixraen trong Quốc hội Mỹ đã tạm ngừng cung cấp khoản viện trợ trị giá khoảng 200 triệu USD cho Palextin nhằm trả đũa động thái của Palextin tại LHQ hồi năm ngoái, và họ có thể sẽ tiếp tục gia tăng áp lực này.

Cả Ixraen và Palextin sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng phản ứng của mình. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng này đã đưa ra các báo cáo đáng ngại về tình trạng kinh tế của Palextin, đồng thời cảnh báo khả năng xảy ra bất ổn xã hội nếu nước ngoài không tăng cường tài trợ cho Palextin và Ixraen không chấm dứt các hành động kiềm chế sự phát triển của Palextin.

Các nhà phân tích cho rằng các lựa chọn đang ngày càng thu hẹp đối với ông Abbas - người từ lâu đã đánh mất quyền kiểm soát Dải Gada vào tay phong trào Hồi giáo Hamas. Ghassan Khatib, cựu phát ngôn viên của Thủ tướng Salam Fayyad và hiện là giảng viên phụ trách các nghiên cứu Arập đương đại tại Đại học Birzeit, nói: "Giới lãnh đạo Palextin đã không thể thực hiện bất cứ cam kết nào với công chúng".

Các nhà ngoại giao phương Tây ở Ixraen đều cho rằng ông Abbas đang phải chịu áp lực lớn từ bên ngoài, đồng thời nói rằng những hy vọng về giải pháp "hai nhà nước" đang mờ dần trong khi thời gian đang sắp hết.

TTK (Theo Reuters, Báo Tin Tức)
------------------
Indonesia thăm dò ý kiến các nước về dự thảo COC

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết đang chuyển dự thảo bản Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) tới các nước ASEAN để tham vấn, với hy vọng đạt tiến bộ  tại Hội nghị thượng đỉnh khối vào tháng 11 tới.

Theo ông Natalegawa, tình hình biển đảo ngày càng gây quan ngại, nhưng phải giải quyết vì nếu xung đột xảy ra thì  nước nào cũng thiệt hại, kể cả Trung Quốc. Ông Natalegawa, nói tại cuộc họp Đại hội đồng LHQ, rằng dư luận nói chung thừa nhận rằng các quốc gia trong khu vực phát triển và thịnh vượng tới hôm nay là nhờ tình hình ổn định và hòa bình.

Ông Natelagawa đã có cuộc gặp với người đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì vào ngày 25/9. Ông cho hay, phía Trung Quốc cũng đã thay đổi đôi chút trong lập trường của mình. Theo ông Natalegawa, Trung Quốc thừa nhận sự cần thiết phải có tiến bộ về ngoại giao, trong đó có việc thực hiện Tuyên bố chung về cách hành xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà các nước ASEAN đã ký với Trung Quốc năm 2002.

Ông Natelagawa nói “sẽ bắt đầu thăm dò ý kiến” của các nước Đông Nam Á về dự thảo COC trong tuần này tại New York, hy vọng đạt được tiến bộ trước khi hội nghị thượng đỉnh ASEAN được tổ chức tại Canpuchia tháng 11 tới này. Điều cần nhất, theo ông, là không để các tranh chấp vượt khỏi kiểm soát.

Mai Linh// Chính Phủ
----------------
Mỹ nới lỏng lệnh cấm vận với hàng hóa Myanmar

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 26/9 tuyên bố Washington sẽ nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ Myanmar nhằm đáp lại những cải cách tích cực gần đây tại quốc gia Đông Nam Á này.

Phát biểu tại cuộc gặp Tổng thống Myanmar U Thein Sein bên lề Hội nghị thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại thành phố New York, Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton đánh giá cao những cải cách nhanh chóng mà Chính phủ Myanmar đã thực hiện, đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ thực hiện các bước tiếp theo nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ thương mại song phương.

Mỹ sẽ bắt đầu việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với hàng hóa Myanmar với hy vọng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để người dân tại quốc gia Đông Nam Á này có thể xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết Washington sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của quốc hội và các bên liên quan về các bước bổ sung, đồng thời luôn sẵn sàng hợp tác với Nay Pyi Daw nhằm đảm bảo những tiến bộ trong cải cách tiếp tục được thực hiện.

Về phần mình, Tổng thống Thein Sein cho biết việc Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế là dấu hiệu tích cực cho thấy quan hệ giữa hai nước đang ngày càng được cải thiện. Theo kế hoạch, Tổng thống Thein Sein sẽ trình bày trước Liên hợp quốc về các kế hoạch của mình đối với một đất nước Myanmar đang đổi thay nhanh chóng.

Tại cuộc gặp, hai bên cũng thảo luận một số vấn đề chính trị, bao gồm tiến trình hòa giải dân tộc cũng như tình trạng bom mìn vẫn còn rải rác tại Myanmar. Ngoại trưởng Hillary Clinton khẳng định Mỹ sẵn sằng hỗ trợ Myanmar trong tiến trình hòa giải với các dân tộc thiểu số cũng như trong công tác rà phá bom mình tại quốc gia Đông Nam Á này.

Lệnh cấm vận của Mỹ đối với các sản phẩm của Myanmar được áp đặt từ năm 2003. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Myanmar đã cải thiện rõ rệt kể từ sau chuyến thăm lịch sử tháng 12/2011 của Ngoại trưởng Hillary Clinton tới Myanmar. Hai nước đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Hồi tháng Bảy vừa qua, Mỹ cũng đã nới lỏng một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với Myanmar, qua đó cho phép các công ty nước này đầu tư và xuất khẩu các dịch vụ tài chính vào quốc gia Đông Nam Á.

Mới đây nhất, ngày 19/9, Mỹ đã thông báo dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Myanmar là Tổng thống Thein Sein và Chủ tịch Hạ viện Thura Shwe Mann, theo đó, hai nhà lãnh đạo này sẽ không còn có tên trong danh sách của Bộ Tài chính Mỹ cấm các cá nhân tiến hành giao dịch hay sở hữu tài sản trên đất Mỹ./.

(TTXVN)



 

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te