TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 28-10-2012


Ấn Độ mua tên lửa chống tăng Konkurs-M của Nga

Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lại tờ Thời báo Ấn Độ ngày 27/10 cho biết Ủy ban An ninh của nội các Ấn Độ đã phê duyệt việc mua 10.000 tên lửa chống tăng có điều khiển Konkurs-M của Nga.
 
Theo một nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Ấn Độ, tên lửa này sẽ được trang bị cho bộ binh và bộ binh cơ giới.
 
Chi phí hợp động này ước tính khoảng 12 tỷ rupee (240 triệu USD).
 
Trước đó, ủy ban trên cũng phê duyệt kế hoạch mua tên lửa Invar trang bị cho xe tăng T-90 nhập từ Nga và hơn 200 tên lửa BrahMos, trị giá tổng cộng 80 tỷ rupee (hơn 1,5 tỷ USD).

RIA Novosti từng dẫn lời ông Aleksandr Dergachev, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của hãng BrahMos, cho biết Nga và Ấn Độ đang chuẩn bị thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đầu tiên dành cho không quân và những cuộc thử nghiệm đầu tiên dự kiến được tiến hành vào năm 2013./.

(Vietnam+)
---------
Al Qaeda kêu gọi bắt cóc

Ngày 27-10, Trung tâm giám sát các trang web Hồi giáo SITE của Mỹ cho biết trong một cuộn băng video phát tán trên mạng.

Thủ lĩnh tổ chức khủng bố Al Qaeda Ayman al-Zawahiri đã hô hào dân Ai Cập tiếp tục “cuộc cách mạng” và xuống đường biểu tình đến đại sứ quán Israel để phản đối bình thường hóa quan hệ với Israel, hiệp định hòa bình giữa Israel và Palestine và phản đối Israel phong tỏa dải Gaza.

Trong cuộn băng dài 2 tiếng không ghi rõ ngày giờ, trùm khủng bố Ayman al-Zawahiri cũng kêu gọi các tín đồ Hồi giáo bắt cóc mọi công dân ở các nước đang chống lại Hồi giáo bởi đây là cách duy nhất để các chiến binh Hồi giáo đang bị cầm tù được trả tự do, trong đó có giáo sĩ mù Omar Abdel-Rahman. Ayman al-Zawahiri cũng kêu gọi các tín đồ Hồi giáo ủng hộ cuộc nổi dậy ở Syria.

Omar Abdel-Rahman bị kết án tù chung thân tại Mỹ vì đã chủ mưu đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York năm 1993.                
H.DUY// PLTP
---------
 Hé lộ về cuộc chiến bí mật của Israel chống Sudan

 Israel sử dụng chiến đấu cơ F-16 bay thấp dọc theo bờ Biển Đỏ dưới tầm radar của Saudi và Ai Cập, nhận tiếp liệu trên không tấn công các mục tiêu.

Tờ Guardian của Anh cho hay, không nhân vật nào ở Israel chịu thừa nhận rằng phi công của mình đã tiến hành một cuộc đột kích tầm xa nhắm vào nhà máy sản xuất vũ khí ở Sudan vốn được cho là cung cấp vũ khí cho phong trào Hamas của người Palestine ở dải Gaza.

Tuy nhiên cũng không có ai đứng ra phản bác điều đó. Khi được hỏi thẳng vào vấn đề này, ông Amos Gilad, một quan chức quốc phòng cao cấp của Israel đã “đánh trống lảng” bằng cách ca ngợi sức mạnh của không quân Israel và gọi Sudan là “một quốc gia khủng bố nguy hiểm”.

Trước đó Sundan đã giận dữ lên tiếng cáo buộc Israel đã đánh bom nhà máy sản xuất vũ khí Yarmouk ở Khartoum và giả thuyết này được nhiều người tán đồng. Vụ tấn công này đã hé lộ về một cuộc chiến tranh bí mật của Israel đang diễn ra suốt nhiều năm trời.

Một cuộc đột kích như thế có thể diễn ra khi Israel sử dụng chiến đấu cơ F-16 bay thấp dọc theo bờ Biển Đỏ dưới tầm radar của Saudi và Ai Cập, nhận tiếp liệu trên không tấn công các mục tiêu. Mỗi chiều bay như thế mất khoảng 2 tiếng rưỡi. Theo các chuyên gia, máy bay không người lái cũng có thể được sử dụng để tấn công. Khả năng tấn công tầm xa như vậy cho phép Israel có thể không kích các cơ sở hạt nhân bên trong lãnh thổ Iran.

Những thông tin ban đầu về cuộc chiến bí mật này được hé lộ vào tháng 1/2010, khi các điệp viên Mossad bị nghi ngờ đã ám sát Mohammed Mabhouh trong một khách sạn ở Dubai. Mabhouh được coi là người liên lạc giữa Hamas và Iran.

Trong năm 2011, một vụ tấn công bằng tên lửa đầy bí ẩn nhắm vào một chiếc xe gần sân bay Port Sudan đã sát hại nhân vật thay thế Mabhouh. Hamas đã phủ nhận thông tin này trong khi Sudan gọi cuộc tấn công là “một nỗ lực liều lĩnh của Israel” nhằm bôi nhọ hình ảnh đất nước Sudan và hủy hoại nỗ lực để Mỹ đưa đất nước này ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Sudan cũng đã bác bỏ việc cho phép vũ khí được tuồn lậu qua lãnh thổ nước này.

Thông tin chi tiết về nỗ lực của Israel nhằm ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí tới Hamas (và Hezbollah ở Lebanon) xuất hiện trong các tài liệu của WikiLeaks mà báo Guardian đã đăng tải. Các tài liệu này cho thấy hồi tháng 1/2009, Mỹ đã cảnh báo Sudan không được cho phép vận chuyển vũ khí của Iran tới Hamas ở dải Gaza trong thời gian diễn ra chiến dịch Chì Đúc (Cast Lead) do Israel phát động sát hại 1.400 người Palestine.

Truyền thông Israel cho hay không quân Israel đã tiến hành ít nhất 2 chiến dịch bí mật ở Sudan vào tháng 1 và tháng 2 năm 2009. Vụ tấn công thứ nhất là vụ đánh bom một đoàn xe chở vũ khí đi qua Sudan tới dải Gaza khiến 119 người thiệt mạng. Vụ thứ hai là một chiếc tàu tại cảng Sudan bị không kích. Sudan đã cáo buộc Mỹ tiến hành các vụ tấn công này. Đến tháng 6 năm đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo với các quan chức Mỹ rằng có một “dòng chảy vũ khí từ Iran tới Gaza qua Sudan hoặc Syria và sau đó là bằng đường biển”.

Còn các bức điện tín ngoại giao của Mỹ hiếm khi chứa đựng thông tin về các yêu cầu trực tiếp của Israel đề nghị Mỹ phong tỏa các chuyến hàng vận chuyển vũ khí. Nhưng trong một cuộc họp vào năm 2009, một quan chức ngoại giao của Mỹ đã nhấn mạnh: “Phần lớn các yêu cầu gửi tới nước thứ ba từ chối các chuyến bay vận chuyển vũ khí đều căn cứ trên thông tin tình báo của Israel. Các thông tin tình báo hoặc bổ trợ từ phía chính phủ Israel sẽ đảm bảo việc phối hợp được hiệu quả hơn.”

Bảo Thành (Nguồn: Guardian, GDVN)
----------
Mỹ nâng cấp căn cứ máy bay không người lái ở nước ngoài

 Báo The Washington Post ngày 26.10 đưa tin Mỹ sẽ đầu tư đến 1,4 tỉ USD để mở rộng và củng cố căn cứ quân sự của Mỹ ở Djibouti nhằm phục vụ cuộc chiến chống khủng bố của nước này ở Đông Phi và Trung Đông.

Trại Lemonnier, trước đây là một tiền đồn của đội lính lê dương Pháp ở Djibouti, hiện là căn cứ chính trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ với gần 16 chuyến bay không người lái và bốn chuyến xuất kích của chiến đấu cơ nhằm thực hiện các phi vụ do thám và tấn công các mục tiêu của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda ở Somalia ở phía nam hoặc băng qua Vịnh Aden đến Yemen trên bán đảo Ả Rập.

Cơ sở có diện tích hơn 2.000 km2 mà Mỹ thuê của chính phủ Djibouti với giá 38 triệu USD/năm là căn cứ máy bay không người lái Predator “nhộn nhịp” nhất  của Mỹ bên ngoài Afghanistan.

Tại cơ sở này có 3.200 binh sĩ, dân thường và nhà thầu Mỹ, thực hiện các công việc hỗ trợ bao gồm huấn luyện các lực lượng nước ngoài, thu thập dữ liệu tình báo và phân phát viện trợ nhân đạo trên toàn Đông Phi trong khuôn khổ chiến dịch thay thế ảnh hưởng của các lực lượng cực đoan.

Một kế hoạch được Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên quốc hội nước này hồi tháng 8 vừa qua cho biết khoản ngân sách 1,4 tỉ USD sẽ được chi cho nhiều dự án xây dựng tại Lemonnier, bao gồm khu nhà mới cho 1.100 lính đặc nhiệm, trụ sở tổng hành dinh mới, nâng cấp các đường bay và nhà chứa máy bay mới dành cho các máy bay có và không có người lái.

Trùng Quang// Thanh Niên
----------
Hải quân Anh-Pháp tập trận chung ở Địa Trung Hải

Ngày 27/10, khoảng 6.000 lính thủy và lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng hải quân của Anh và Pháp đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài một tuần trên biển Địa Trung Hải.

Với tên gọi Corsican Lion, đây là cuộc tập trận chung lớn nhất kể từ khi hai nước ký hiệp ước hợp tác quân sự năm 2010. Cuộc tập trận này nhằm giúp cho lực lượng của hai bên làm quen với phương thức chiến đấu của nhau.

Tham gia tập trận có hàng loạt tàu chiến, trong đó có 5 tàu của Hải quân Hoàng gia Anh, cùng hàng không mẫu hạm Charles De Gaulle của Pháp và các máy bay phản lực Rafaele và Super Étendard, cũng như hàng chục chiếc máy bay trực thăng các loại như Apache, Sea King và Chinook.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond và người đồng cấp Pháp Jean-Yves Le Drian đã trực tiếp quan sát cuộc tập trận này.

Sau cuộc tập trận, đội tàu chiến trên sẽ được điều động đến biển Adriatic để tham gia một cuộc tập trận chung khác với lực lượng của Albani./.

(TTXVN)
----------
 MiG và Sukhoi hợp tác phát triển UAV quân sự

Thông tin về lễ ký kết trên đã được Itar-Tass đăng tải dẫn theo lời giám đốc điều hành của hãng MiG, Sergey Korotkov.

Theo lời ông S. Korotkov, hãng MiG đã quyết định hợp tác với Sukhoi trong gói thầu phát triển UAV mới mà công ty này vừa trúng thầu. Tháng 7-2012, Bộ Quốc phòng Nga đã chọn hãng Sukhoi làm nhà thầu chính chịu trách nhiệm phát triển thế hệ UAV tấn công hạng nặng mới cho quân đội. Các yêu cầu kỹ thuật đối với UAV mới chưa được tiết lộ.


Gần đây, hai công ty Falcon và Transas (Nga) đã bắt tay hợp tác phát triển UAV tấn công hạng trung mới có tổng trọng lượng thiết bị bay tới 5 tấn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự nhận định, hai dòng UAV trên có tính năng tương thích cho các nhiệm vụ trinh sát hơn là nhiệm vụ tấn công mặt đất.

Ngoài UAV hạng trung, Falcon và Transas còn hợp tác phát triển dòng UAV có trọng lượng 1 tấn. Chi phí phát triển của dự án trên ước khoảng 3 tỷ rúp.

Theo Itar-Tass, hãng MiG có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng vật liệu composite trong quá trình chế tạo khung thân của máy bay Mig-29 và đang tăng khả năng sử dụng vật liệu đặc biệt không chỉ trên máy bay, mà còn cả trên thiết bị bay không người lái.

Thay vì 2 đến 3% như hiện nay, trong tương lai tỉ lệ vật liệu composite trong kết cấu khung thân, vỏ của chiến đấu cơ Mig-29 sẽ được nâng lên 10-12%.

Việc tăng sử dụng vật liệu composite sẽ giúp giảm trọng lượng thiết bị bay, nhưng lại tăng độ vững chắc và giảm việc khung thân bị ăn mòn.
(GDVN)
---------
Triều Tiên chi 170.000 USD mua vũ khí từ Thụy Sỹ

Sở thương mại của Seoul cho biết, Triều Tiên đã nhập khẩu lượng vũ khí trị giá 170.000 USD từ Thụy Sĩ trong nửa đầu năm nay.

Theo báo cáo của cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Triều tiên đã nhập khoảng 100.000 USD các loại súng gồm súng ngắn, súng hơi và súng lục ổ quay đồng thời nhập khẩu các phụ tùng của vũ khí trị giá khoảng 70.000 USD.

KOTRA cho biết từ năm 2009, Triều Tiên đã không nhập khẩu vũ khí từ Thụy Sỹ cho đến khi việc mua bán bắt đầu trở lại trong nửa đầu năm 2011.
Một số chuyên gia cho rằng xu hướng mới này có thể là do từ thuở nhỏ, đương kim lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-un từng sống và học tập ở Thụy Sỹ.

Thu Thảo (theo Yonhapnews, Bee)
--------
Lá chắn tên lửa Mỹ bỏ sót 1 mục tiêu trong tập trận

Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đã thực hiện cuộc bắn thử tên lửa phòng thủ lớn nhất và phức tạp nhất từ trước đến nay, tiêu diệt 5 mục tiêu cùng một lúc.

Các thử nghiệm diễn ra trong khu vực Tây Thái Bình Dương, "nhấn mạnh hiệu quả hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis và các hệ thống phòng không THAAD và PAC-3", MDA cho biết.

Các mục tiêu bao gồm một tên lửa đạn đạo tầm trung , hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn và hai tên lửa hành trình.

Trong đó, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao (THAAD) đánh chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung trong khi hệ thống PAC-3 gần như đồng thời tiêu diệt một tên lửa đạn đạo tầm ngắn và mục tiêu tên lửa hành trình bay thấp.

Hệ thống Aegis trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke - USS Fitzgerald đánh chặn thành công một tên lửa hành trình trên mặt nước.

Tuy nhiên, hệ thống này không phá hủy thành công tên lửa đạn đạo tầm ngắn với tên lửa đánh chặn SM-3 block1A.

Theo MDA, chương trình hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đã thực hiện thành công 56 lần đánh chặn và tiêu diệt mục tiêu trong 71 lần thử nghiệm kể từ năm 2001.

Tất cả 3 hệ thống phòng thủ tên lửa được dự kiến ​​sẽ trở thành một phần của kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu vào năm 2020, nhằm bảo vệ lãnh thổ và các tài sản quan trọng của Mỹ tại các khu vực khác nhau trên thế giới.
Đàm Thuận (theo RIA, ĐVO)
------------
 Mỹ đang cố hoàn thiện lá chắn tên lửa ở châu Á - Thái Bình Dương

 Quân đội Mỹ cho biết trong tuần này, các lực lượng phòng thủ tên lửa Mỹ đã thực hiện và đánh chặn được 4 trong số 5 mục tiêu của vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa ở Thái Bình Dương. RIA Novosti ngày 26-10 dẫn thông báo của Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) xác nhận 5 mục tiêu trong vụ thử ngày 24-10 tại đảo san hô Ca-gia-lên (Kwajalein) bao gồm một tên lửa đạn đạo tầm trung, hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn và hai tên lửa hành trình bay ở tầm thấp.

Ca-gia-lên là một đảo nhỏ nằm giữa quần đảo Ha-oai (Hawaii) và Ô-xtrây-li-a và là nơi Không quân Mỹ vẫn duy trì khu vực phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Được biết, trong vụ thử nói trên, các binh sĩ Mỹ đã đánh chặn được ba trong số các tên lửa được phóng đợt này bằng Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot và Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối. Hệ thống Aegis đặt trên tàu USS Fitzgerald cũng đã đánh chặn thành công một tên lửa hành trình, nhưng không xác nhận có tiêu diệt được một tên lửa tầm ngắn hay không. Nữ phát ngôn viên của MDA P. Rô-giơ (P. Rogers) cho biết đây là vụ thử lớn nhất và phức tạp nhất trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của nước này. Bà cho biết thêm, Lực lượng Không quân tham gia thử nghiệm lần này dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Triển khai các chiến dịch không gian, vận hành một hệ thống ra-đa lưu động AN/TPY-2 được thiết kế riêng cho phòng thủ tên lửa đạn đạo. Chương trình Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Oa-sinh-tơn đã hoàn thành 56 lần đánh chặn thành công trong tổng số 71 vụ thử kể từ năm 2001. Cả ba hệ thống phòng thủ tên lửa vừa trải qua thử nghiệm được kỳ vọng sẽ trở thành một phần của lá chắn tên lửa Mỹ tại châu Âu vào năm 2020.

Với vụ thử nghiệm nói trên, Oa-sinh-tơn càng thể hiện rõ ý định  mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta (Leon Panetta) ngày 24-10 đã tuyên bố: Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này tại châu Á - Thái Bình Dương. Phát biểu tại Xơ-un, người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ mở rộng tại một số nước châu Á, trong đó có Hàn Quốc, nhằm "tránh sự đe dọa từ tên lửa hạt nhân của Triều Tiên".

Cách đây không lâu, Mỹ và Nhật Bản cũng đã đạt được thỏa thuận về việc triển khai hệ thống ra-đa cảnh báo sớm TPY-2 ở Nhật Bản. Ra-đa TPY-2 dự định triển khai ở phía Nam Nhật Bản sẽ là sự bổ sung quan trọng cho hệ thống ra-đa X-band mà Oa-sinh-tơn đã bố trí ở miền Bắc Nhật Bản. Đây được coi là một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

ANH VŨ
QĐND
-----------
Thổ Nhĩ Kỳ ra mắt tên lửa với tầm xa 200km

Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển thành công một tên lửa đất-đối-đất với phạm vi hoạt động 200 km và hiện được đưa vào kho vũ khí, ông Nihat Ergunm, Bộ trưởng khoa học, công nghiệp và công nghệ của nước này cho biết.

"Tổ chức nghiên cứu khoa học Tubitak của Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành việc thử nghiệm loại vũ khí có phạm vi 200km này, hệ thống đã đưa vào kho của quân đội", Ergunm nói với các phóng viên.
 
"Bây giờ mục tiêu tiếp theo sẽ là 500 km" - ông nói-  "Chúng tôi có đầy đủ công nghệ để phát triển loại tên lửa này. Nó tìm kiếm mục tiêu sử dụng công nghệ GPS và bản đồ mặt đất. "
 
Các quan chức Tubitak cho biết, vào đầu năm 2012, ban công nghệ cao của đất nước đã phát triển lĩnh vực này theo yêu cầu của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan.

Ngoài việc tiếp nhận một radar của NATO để phát hiện sớm các tên lửa tầm xa, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết thúc đẩy ngành công nghiệp liên quan đến tên lửa tại địa phương.
 
Năm 2011, công ty quốc phòng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, Aselsan, đã ký kết một hợp đồng khoảng 1 tỷ USD để bán các hệ thống phòng không tầm thấp và trung bình cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Đây là hợp đồng lớn nhất được trao cho một công ty trong nước trong những năm gần đây. Theo hợp đồng, Aselsan sẽ phát triển tất cả các hệ thống radar, phòng chống cháy nổ, chỉ huy và kiểm soát và thông tin liên lạc cho cả hai thành phần thấp và tầm trung của chương trình này. Đầu đạn tên lửa và các liên kết dữ liệu cũng sẽ được phát triển bởi Aselsan.
Ngoài ra, công ty này còn tham gia đấu thầu nhằm mua và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa đầu tiên, trị giá 4 tỷ USD.
 
Liên doanh Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ đang cạnh tranh nhằm bán cho Thổ Nhĩ Kỳ các hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Các đối thủ cạnh tranh khác là SAMP /T Aster 30 của Eurosam thuộc Ý và Pháp; Rosoboronexport của Nga với tên lửa S300; và China’s Precision Machinery Export-Import Corp-tập đoàn xuất nhập khẩu máy chính xác của Trung Quốc hứa hẹn cung cấp HQ-9.

Thu Thảo (theo Defencenews, Bee)
------------
 Mỹ và Campuchia thảo luận hợp tác hải quân

 Hai bên cam kết hợp tác cùng nhau trong cuộc chiến chống khủng bố và các hành động vi phạm trên biển.

Chiều 26/10, Tư lệnh Hải quân hoàng gia Campuchia, Đô đốc Tea Vinh và Bộ trưởng Hải quân Mỹ - Ray Mabus có cuộc gặp tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) nhằm tăng cường và mở rộng quan hệ song phương, thúc đẩy sự hợp tác giữa hải quân hai nước.

Tại cuộc gặp, Tư lệnh Hải quân hoàng gia Campuchia Tea Vinh cho biết, Campuchia vẫn đang đối mặt với sự thiếu thốn về trang thiết bị hiện đại cũng như đội ngũ tàu chiến trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển.

Tuy nhiên, Campuchia cam kết chiến đấu chống lại các hoạt động tội phạm trên biển, trong đó có hoạt động khủng bố, buôn bán ma túy, buôn người và buôn lậu vũ khí.

Về phần mình, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Mabus nói rằng, các cuộc diễn tập chung giữa lực lượng hải quân hai nước đã giúp xây dựng tính chuyên nghiệp và khả năng chiến đấu của cả hai bên.

Trong ít năm tới, khoảng 60% đội tàu của Mỹ sẽ được triển khai ở châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ sẽ phát triển số tàu hải quân tại đây lên ít nhất là 300 chiếc. Khi đó, Mỹ và Campuchia sẽ có nhiều cơ hội hợp tác cùng nhau trong cuộc chiến chống khủng bố cùng các hành động vi phạm trên biển khác./.

Bá Thi/VOV - Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
----------
Anh phản đối tấn công quân sự Iran

 Anh ngày 26.10 tuyên bố nước này phản đối một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran “trong thời điểm này” liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo, khẳng định các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng và cần thêm thời gian cho nỗ lực ngoại giao.

Theo hãng tin Reuters, tuyên bố trên được đưa ra sau khi báo Guardian của Anh đưa tin London đã cự tuyệt các kế hoạch của Mỹ sử dụng những căn cứ của Anh để hỗ trợ việc tăng cường lực lượng ở vùng Vịnh, do có lời khuyên pháp lý cảnh báo rằng một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Iran sẽ là bất hợp pháp.

Lời khuyên pháp lý nói rằng Iran hiện chưa phải là một “mối đe dọa hiện tại và rõ ràng”, theo báo Guardian, vốn viện dẫn các nguồn tin nặc danh.

“Chính phủ (Anh) không tin hành động quân sự chống lại Iran là hướng hành động phù hợp vào lúc này, dù không có giải pháp nào bị loại trừ”, nữ phát ngôn viên của Thủ tướng Anh David Cameron nói với các phóng viên nói.

“Chúng tôi muốn nhìn thấy các biện pháp trừng phạt, vốn đang bắt đầu phát huy ảnh hưởng nhất định, phát huy hiệu quả, và chúng tôi cũng muốn tiếp cận Iran”, bà này cho biết.

Báo Guardian cho biết Anh chưa nhận được một yêu cầu chính thức của Mỹ về việc sử dụng các căn cứ của nước này cho một sự tăng cường lực lượng quân sự.

Ông Cameron và các nhà ngoại giao phương Tây tin rằng các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo do phương Tây áp đặt lên Iran đang bắt đầu làm suy yếu quyết tâm của Tehran và kích động sự bất mãn của dân chúng, và rằng hành động quân sự sẽ đảo ngược xu hướng này.

Nhiều năm nỗ lực ngoại giao và các biện pháp trừng phạt đã không thể giải quyết cuộc tranh cãi liên quan đến chương trình hạt nhân nước này, gây lo ngại rằng Israel sẽ có hành động quân sự chống lại Iran và khơi mào một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông.

Các cuộc đàm phán giữa phương Tây và Iran có thể diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 6.11 tới, tiếp nối ba vòng đàm phán không có kết quả rõ ràng trong năm nay.

Trùng Quang// Thanh Niên
--------
Mỹ tăng cường chiến dịch chống khủng bố tại châu Phi

Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định đã xuất hiện những mối đe dọa an ninh ở châu Phi, Mỹ sẽ giúp giải quyết những đe dọa này.

Trên cơ sở những đánh giá tình báo xác định các nhánh của nhóm khủng bố quốc tế al-Qaeda ở châu Phi đang trở thành một nguy cơ ngày càng lớn đe dọa an ninh quốc gia và các lợi ích của Mỹ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang tăng cường chiến dịch truy quét và không loại trừ khả năng sử dụng các biện pháp quân sự đơn phương để đối phó với nguy cơ khủng bố này.

Tờ Bưu điện Washington của Mỹ ngày 26/10 cho biết, Mỹ đang tăng cường các chiến dịch truy quét khủng bố tại một căn cứ quân sự ở Cộng hòa Djibouti. Bộ Quốc phòng Mỹ có kế hoạch chi khoảng 1,4 tỉ USD cho việc mở rộng căn cứ tại quốc gia Đông Phi này.

Theo Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, châu Phi đang trở thành một khu vực an ninh quốc tế quan trọng. Đã xuất hiện những mối đe dọa trong khu vực và sự hiện diện của Mỹ sẽ giúp giải quyết những mối đe dọa này. Căn cứ quân sự tại Djibouti đóng một vai trò quan trọng trong những nỗ lực bảo vệ an ninh quốc tế của Mỹ.

Đầu tháng này, chính quyền Obama cũng bắt đầu xem xét tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại lực lượng al-Qaeda tại Bắc Phi./.

Phạm Hà/VOV-Trung tâm tin
(Theo VOA)
 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te