TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 28-10-2012


Triều Tiên cho báo chí Nhật Bản tới đặc khu kinh tế

Đài NHK của Nhật Bản cho biết giới chức Triều Tiên đã lần đầu tiên giới thiệu với giới truyền thông Nhật Bản về một trong những đặc khu kinh tế của nước này.
 
Đài NHK và một số hãng truyền thông khác của Nhật Bản đã được Triều Tiên cho phép tới thăm một đặc khu kinh tế tại thành phố cảng Rason, thuộc tỉnh Hamgyongpukdo ở miền Đông Bắc nước này, ở khu vực giáp giới Trung Quốc và Nga.
 
Cảng Rason, nhìn ra Biển Nhật Bản, có ba cầu tàu với các cần trục cỡ lớn. Cầu tàu thứ nhất hiện đang được Trung Quốc thuê dài hạn để vận chuyển than, phục vụ cho nhu cầu trong nước.

Còn Nga đã thuê lại cầu tàu thứ ba và đang trong quá trình sửa chữa.
 
Chính phủ Triều Tiên dường như muốn cho Tokyo thấy nước này đang tái thiết kinh tế, bằng việc hợp tác với các quốc gia thân thiện, mặc dù Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đã áp đặt các trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng./.

(Vietnam+)
--------
Mỹ thấy tấm biển và cọc ghi đảo Dokdo là của Nhật

Theo Đài KBS, trong thư viện công cộng Palisades Park, Chính quyền bang New Jersey (Mỹ) ngày 26/10 đã phát hiện một chiếc cọc dài 1 mét với dòng chữ "Đảo Dokdo (mà phía Tokyo gọi là đảo Takeshima) thuộc chủ quyền Nhật Bản"  được cắm bên cạnh bia tưởng nhớ những phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho lính Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

Ngoài ra, một tấm biển ghi nội dung tương tự cũng được đặt trên bia này.

Hội người Hàn tại bang New Jersey và chính quyền bang không giấu nổi kinh ngạc và tuyên bố sẽ làm rõ sự thật một cách triệt để.

Trong một tin liên quan cùng ngày, Tổng Lãnh sứ quán Hàn Quốc tại New York cũng đã phát hiện một đoạn giấy dán dài và rộng 5cm có ghi dòng chữ "Đảo Dokdo thuộc chủ quyền Nhật Bản" bằng tiếng Anh dưới biển hiệu Tổng Lãnh sứ quán.

Hiện an ninh đã được tăng cường để đối phó với những vụ việc tái diễn.

Trong khi đó, hãng tin Kyodo dẫn các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết chính phủ nước này ngày 26/10 đã bắt đầu các bước đi nhằm trì hoãn việc đưa vấn đề tranh chấp quần đảo Dokdo, do Hàn Quốc kiểm soát mà Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền, lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ít nhất đến tháng 11 tới.

Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Nhật Bản cho biết động thái trên diễn ra do đã xuất hiện những dấu hiệu cải thiện quan hệ song phương, trong đó có cuộc gặp tại New York vào cuối tháng Chín vừa qua giữa ngoại trưởng hai nước.

Tiếp sau chuyến thăm chưa từng có tiền lệ tới quần đảo Dokdo đang tranh chấp (Nhật Bản gọi là Takeshima) của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak hồi tháng Tám, Nhật Bản có kế hoạch đơn phương đưa vụ việc tranh chấp này lên ICJ tại LaHay vào cuối tháng 10./.

(Vietnam+)
-----------
 Mỹ cam kết không cho al-Qaeda có chốn dung thân

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định trong một hội thảo diễn ra tại Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây.

Mỹ cam kết sẽ loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn từ các phiến quân hồi giáo tại vùng Mahgreb, miền Bắc Mali, một địa danh đang được xem là thiên đường trú ẩn của các phần tử al-Qaeda. Đây là khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong một hội thảo diễn ra tại Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây.

Ông Panetta cũng cho biết, cá nhân ông và  giới quân sự Mỹ sẽ quyết không để al-Qaeda còn chỗ nương thân: “Phương pháp của chúng tôi là làm thế nào để đảm bảo rằng al-Qaeda không còn chỗ nương thân, cho dù chúng ẩn náu ở đâu, kể cả Yemen, Somalia hay cả ở khu vực Bắc Phi”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng nước này đang phối hợp với các nước trong khu vực nhằm xây dựng hệ thống mạng lưới tình báo chiến lược để sớm phát hiện và tiêu diệt các phần tử al-Qaeda một cách có hiệu quả nhất.
Trước tình trạng bất ổn trong nước, hôm 19/10, Tổng thống Mali Dioncounda Traoré đã kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp khẩn cấp để giải phóng miền Bắc nước này khỏi tay các nhóm vũ trang./.

Hồng Nhung/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters

----------
Bầu cử TT Mỹ: Người bầu sớm đông kỷ lục, Obama đại thắng

Đợt bỏ phiếu sớm trên khắp 50 bang của nước Mỹ đã bắt đầu. Theo số liệu thống kê của Reuters/Ipsos, ước tính có tới 40% số cử tri Mỹ đã bỏ phiếu này và ứng viên đảng Dân chủ Barack Obama đang dẫn trước khá xa so với Mitt Romney với tỷ lệ 54% -39%.

Mặc dù phải đến ngày 6/11 tới đây cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2012 mới chính thức bắt đầu nhưng theo luật Mỹ, các cử tri được phép đi bỏ phiếu sớm từ cuối tháng 9 và cuối tháng 10. Cả 2 ứng viên của đảng Dân chủ (đương kim Tổng thống Barack Obama) và đảng Cộng hòa (thượng nghị sỹ Mitt Romney) đều đã lên tiếng thúc giục các cử tri đi bỏ phiếu sớm, đặc biệt là tại những bang quan trọng.

Các cuộc thăm dò/khảo sát nhanh tại các điểm bỏ phiếu cho thấy, ông Barack Obama đang dẫn đầu tại rất nhiều bang. Đáng chú ý, trong cuộc bầu cử Tổng thống cách đây 4 năm ông Obama cũng đã hưởng lợi khá nhiều từ những cử tri đi bỏ phiếu sớm.

Số liệu thống kê của trung tâm Reuters/Ipsos cho biết, hiện nay ông Obama đang nhận được sử ủng hộ của khoảng 54% số cử tri đã đi bầu, trong khi đó đối thủ của ông là Mitt Romney chỉ nhận được khoảng 39% số phiếu ủng hộ. Khoảng 18% số cử tri đã đăng ký, 25% số cử tri thiểu số và khoảng 20% số cử tri là người da trắng đã đi bỏ phiếu.

Allison Gilmore – một cử tri ở Arlington, bang Virginia cho biết, cô đã tranh thủ đi bỏ phiếu trong giờ ăn trưa và giống như nhiều cử tri khác, cô muốn đi bỏ phiếu sớm vì sợ vào ngày 6/11 tới sẽ bận công việc và không thể tham gia góp lá phiếu chọn ra người đứng đầu chính phủ Mỹ trong 4 năm tiếp theo được.

“Tôi không thể biết vào ngày đó tôi sẽ bận thế nào vì tôi làm nghề trông trẻ. Tôi muốn chắc chắn rằng lá phiếu của tôi sẽ góp phần vào sự lựa chọn Tổng thống”, Gilmore nói trong khi không tiết lộ cô đã bỏ phiếu cho ai.

Những cuộc bỏ phiếu sớm đã bắt đầu tại một số bang của nước Mỹ từ tháng 9, hiện đang diễn ra trên hầu khắp các bang, kể cả hình thức bỏ phiếu qua thư hay đi bầu trực tiếp. Các nhà khoa học chính trị Mỹ ước tính, những cuộc bỏ phiếu sớm năm nay thu hút được từ 35-40% tổng số cử tri của nước Mỹ.

"Tại một số bang, tỷ lệ người đi bầu sớm thậm chí còn cao hơn cả tỷ lệ này, đặc biệt là ở những bang quan trọng có khả năng ảnh hưởng lớn đến kết quả chung cuộc ai sẽ là người đứng đầu Nhà Trắng trong 4 năm tới”, Michael McDonald, giáo sư khoa học chính trị của trường ĐH George Mason bang Virginia nói. Ông McDonald cũng là người đứng đầu dự án Bầu cử Mỹ và theo dõi một cách rất sát sao những cuộc bỏ phiếu sớm.

"Các chiến dịch tranh cử của cả 2 ứng viên đều đang nhắm đến việc thu hút cử tri đi bỏ phiếu sớm", ông McDonald cho biết và lý giải rằng sở dĩ có tình trạng này là do đảng Cộng hòa đã “rút kinh nghiệm từ cuộc bầu cử năm 2008” khi đã để ông Obama “độc diễn” trong các cuộc bầu cử sớm và không thể kịp “sửa chữa sai lầm” trong ngày bầu cử chính thức.

Trong những ngày qua, cả 2 đảng đều liên tiếp công bố những kết quả khảo sát ban đầu và tuyên bố rằng họ đang dẫn đầu từ những cuộc bỏ phiếu sớm.

Hôm thứ Năm (25/10), ông Barack Obama đã bỏ phiếu tại thành phố Chicago và trở thành vị đương kim Tổng thống đi bầu cử sớm nhất trong lịch sử Mỹ. Điều này cho thấy đảng Dân chủ coi trọng những cử tri đi bầu sớm như thế nào.

Trước cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đã có những cuộc đối đầu nảy lửa tại tòa án quanh vấn đề đi bỏ phiếu sớm, đặc biệt là tại các bang Florida và Ohio. Đảng Dân chủ lên tiếng tố cáo đảng Cộng hòa cố tình sử dụng các tiểu xảo để hạn chế lượng người đi bỏ phiếu sớm và qua đó gián tiếp loại bỏ phần lớn những cử tri thuộc tầng lớp lao động – những người gần như chắc chắn sẽ ủng hộ ông Obama tái đắc cử.

Cuối cùng, bang Ohio đã yêu cầu tòa án cho phép mọi cử tri được đi bầu sớm với hạn chót là đêm trước ngày 6/11. Chính quyền bang Florida đã cắt giảm số ngày được phép đi bỏ phiếu sớm nhưng lại cho phép tăng số giờ đi bỏ phiếu trong mỗi ngày để xoa dịu sự chỉ trích của các cử tri là người lao động và dân văn phòng vốn bị hạn chế rất nhiều về thời gian.

Phan Sương// Infonet
--------
Trung Quốc kiên quyết từ chối nhượng bộ Nhật

Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ nhượng bộ trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Đây là tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân, người đại diện cho Bắc Kinh trong các tham vấn với Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm nay. "Chúng tôi muốn sống trong tình hữu nghị với tất cả các nước, bao gồm cả Nhật Bản, nhưng chúng tôi cũng cương quyết bảo vệ những quan điểm của mình" - nhà ngoại giao nói. "Nhật Bản nên nghiêm túc trước quan điểm của Trung Quốc và chấm dứt mọi hành động gây tổn hại cho chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc" – vị Thứ trưởng nói và kêu gọi Nhật Bản sửa chữa sai lầm, cũng như "phải nhìn thẳng vào thực tế." Ông Trương Chí Quân cho biết,

Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục duy trì liên lạc về vấn đề này thông qua các kênh khác nhau. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đã xấu đi nghiêm trọng sau khi vào đầu tháng 9/2012, nội các Nhật Bản mua các đảo thuộc nhóm Điếu Ngư/Senkaku của chủ sở hữu tư nhân. Chính phủ Trung Quốc công bố đây là một hợp đồng bất hợp pháp và cáo buộc Nhật Bản xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Th.Long (Theo AFP)
-------
Kurt Campbell: Nhật Bản thay quan chức "xoành xoạch" sẽ bất lợi

 Campbell cho rằng khi các quan chức cấp cao của Nhật Bản cứ thay đổi xoành xoạch như vậy thì việc xây dựng lòng tin và quan hệ ngoại giao mật thiết với nước này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thật khó để phát triển quan hệ và lòng tin khi các quan chức cấp cao liên tục bị thay đổi và xáo trộn. Tờ Japan Daily Press xuất bản ngày 27/10 cho hay, đây chính là phát biểu của ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trong một hội nghị chuyên đề về chính sách của Mỹ ở châu Á được tổ chức gần đây tại Tokyo.

Trợ lý Ngoại trưởng Campbell đang nhắc tới động thái cải tổ nội các được Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda tiến hành hồi tháng trước. Chỉ vài tháng nữa, Nhật Bản sẽ lại tiến hành bầu cử để bầu ra một vị Thủ tướng mới. Đây sẽ là Thủ tướng thứ bảy kể chỉ trong vòng 6 năm kể từ năm 2006, sau khi Thủ tướng Junichiro Koizumi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, một trường hợp hiếm hoi trong chính trường Nhật Bản.

Thủ tướng Noda đã hứa với phe đối lập là sẽ tổ chức bầu cử sớm để đổi lấy sự ủng hộ đối với các kế hoạch tăng thuế kinh doanh. Tuy ông Noda chưa đưa ra ngày bầu cử cụ thể nhưng nhiều người tin rằng cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2013, chậm nhất là trước tháng 8 năm sau.

Ông Campbell cho rằng khi các quan chức cấp cao của Nhật Bản cứ thay đổi xoành xoạch  như vậy thì việc xây dựng lòng tin và quan hệ ngoại giao mật thiết với nước này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell đến châu Á lần này nhằm hàn gắn quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc khi hai cường quốc châu Á này đang tranh chấp quyết liệt chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku trên biển Hoa Đông. Sau đó dự kiến ông Campbell sẽ lên đường tới Hàn Quốc, nước cũng đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên nhóm đảo Takeshima/Dokdo.

Bảo Thành (Nguồn: Japan Daily Press, GDVN)
----------
Indonesia bắt 11 kẻ dự định tấn công sứ quán Mỹ

Ngày 27/10, đội chống khủng bố thuộc lực lượng cảnh sát Indonesia, Biệt đội 88 đã bắt giữ 11 nghi can khủng bố âm mưu tấn công nhiều mục tiêu, trong đó có Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta và các phái đoàn ngoại giao khác.

Người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia, ông Suhardi Alius cho biết việc bắt giữ các đối tượng trên diễn ra tại bốn thành phố thuộc tỉnh Java, gồm Madiun, Solo, Bogor và Jakarta.

Theo ông Alius, qua lời khai của các đối tượng bị bắt giữ, các mục tiêu nằm trong âm mưu tấn công ngoài Đại sứ quán Mỹ còn có Đại sứ quán Australiaa ở Jakarta, Tổng lãnh sự Mỹ tại Surabaya thuộc Đông Giava, văn phòng các công ty mỏ của Mỹ và trụ sở lữ đoàn lưu động của cảnh sát.

Ông Alius cho biết thêm trong các cuộc đột kích sào huyệt của khủng bố Biệt đội 88 cũng đã tịch thu các sách hướng dẫn chế tạo bom và bom có sức công phá lớn./.

(Vietnam+)
---------------
Căng thẳng Trung - Nhật leo thang

Căng thẳng giữa Trung Quốc-Nhật Bản liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư, phía Nhật Bản gọi là Senkaku, tiếp tục leo thang trong bối cảnh các bên vẫn giữ nguyên lập trường của mình về vấn đề này.

Theo hãng tin Tân Hoa, trong cuộc họp báo bất thường tổ chức vào tối 26/10, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân ngày 26/10 tuyên bố Bắc Kinh sẽ không bao giờ nhượng bộ trong vấn để chủ quyền lãnh thổ. Ông nói Trung Quốc ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp quốc tế một cách hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán song đối với vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, điều này không chỉ phụ thuộc vào phía Trung Quốc.

Bắc Kinh đã thể hiện lập trường cứng rắn khi tuyên bố nước này bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp trả đũa mạnh mẽ nếu Nhật Bản “tạo ra các sự cố” ở những vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ông Trương Chí Quân nói: “Chúng tôi đang theo dõi rất sát sao những hành động mà Nhật Bản có thể thực hiện liên quan đến quần đảo Điếu Ngư và các vùng biển liền kề. Hành động mà phía Nhật Bản có thể tiến hành sẽ quyết định đến các biện pháp trả đũa của Trung Quốc. Nếu Nhật Bản tiếp tục đi theo con đường sai trái hiện nay và có thêm những hành động sai lầm cũng như tạo ra các sự cố liên quan đến quần đảo Điếu Ngư và thách thức Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ dứt khoát tiến hành những biện pháp đáp trả mạnh mẽ. Trung Quốc không thiếu những biện pháp trả đũa. Chúng tôi có niềm tin và khả năng để bảo vệ chủ quyền cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Các mối đe dọa hay sức ép của nước ngoài dù lớn đến đâu cũng không thể làm lay chuyển quyết tâm của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc”.

Ngoài ra, ông Trương cũng khẳng định việc Nhật Bản quốc hữu hóa một phần quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất đối với quan hệ Trung - Nhật kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ 40 năm trước. Ông cho rằng trước đây không hề có tranh chấp liên quan đến Điếu Ngư/Senkaku cho đến khi Nhật Bản tiếp quản quần đảo này vào năm 1895.

Trong khi đó, phía Nhật Bản cũng tuyên bố sẵn sàng thương lượng với Trung Quốc. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura xác nhận, tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã có cuộc hội đàm tại Thượng Hải. Tuy nhiên, ông Trương không đề cập đến nội dung của cuộc đàm phán trên.

Khủng hoảng ngoại giao giữa Bắc Kinh với Tokyo gia tăng nghiêm trọng sau khi Nhật Bản mua 3 trong số 5 đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc thường xuyên điều tàu hải giám và ngư chính đi vào vùng biển tiếp giáp chuỗi đảo này, làm gia tăng quan ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc đối đầu Trung-Nhật ở Hoa Đông, đẩy khu vực Đông Bắc Á rơi vào bất ổn.

TTXVN/Tin tức
---------
 LHQ lo ngại bạo lực gia tăng tại Myanmar

 LHQ kêu gọi chính phủ Myanmar có hành động khẩn cấp để kiểm soát bạo lực tại bang Rakhine.

    Liên Hợp Quốc ngày 26/10 bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực tôn giáo tái bùng phát ở miền Tây Myanmar.

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi chính phủ Myanmar có hành động khẩn cấp và hiệu quả nhằm kiểm soát tình trạng bạo lực tại bang Rakhine, miền Tây nước này.

Trong khi đó, ông Nambia, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, các hành vi bạo lực, tư tưởng cực đoan tại miền Tây Myanmar cần phải chấm dứt để không gây ảnh hưởng tới tiến trình cải cách của nước này.

Ông Martin Nesirky, Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: “Các vụ bạo lực tôn giáo mới đây tại bang Rakhine là rất nghiêm trọng. Liên Hợp Quốc đã cử nhân viên tới khu vực và có các cuộc tiếp xúc với chính quyền Myanmar nhằm chấm dứt tình trạng này. Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ một làn sóng bạo lực mới tại Myanmar, có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực quốc gia”.

Bạo lực giáo phái ở bang Rakhine bùng phát từ hồi tháng 6 vừa qua sau khi một phụ nữ theo đạo Phật bị 3 người đàn ông Hồi giáo tấn công tình dục và sát hại, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo tại khu vực này. Chính quyền bang phải ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm.

Chính quyền Myanmar ngày 27/10 cho biết, đã có ít nhất hơn 100 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực này./.

   Thu Hoài/VOV-Trung tâm tin
(Theo UN)
----------
Hơn 2 tỷ USD quyên góp cho bầu cử Tổng thống Mỹ

Số tiền quyên góp cho cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống Mỹ giữa hai ứng viên Barack Obama và Mitt Romney đến nay đã vượt ngưỡng 2 tỷ USD, trở thành cuộc tranh cử đắt nhất lịch sử.

Theo những số liệu vừa được công bố, dự tính đến ngày 6/11, mỗi ứng cử viên sẽ quyên được hơn một tỷ USD, mà thực tế là ông Obama đã vượt mức này. Đương kim Tổng thống cùng Đảng Dân chủ đã có tổng cộng 1,06 tỷ USD, trong khi ông Mitt Romney và Đảng Cộng hòa quyên được 954 triệu USD kể từ đầu năm nay. Các chuyên gia dự báo, tổng chi phí cho cuộc đua vào chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng năm 2012 sẽ cao hơn mức 5,8 tỷ USD của năm 2008. Cùng thời điểm này của cuộc tranh cử trước, số tiền quyên góp vào khoảng 1,8 tỷ USD.

New York Times cho hay, Phố Wall đầu tư cho Romney nhiều hơn bất kỳ ứng viên nào của Nhà Trắng. Nhân viên từ các công ty tài chính đã ủng hộ hơn 18 triệu USD cho chiến dịch của Đảng Dân chủ. Nhóm người này cũng chi hàng trăm triệu USD cho "super-PAC", các nhóm hoạt động độc lập của chiến dịch tranh cử chính thức, đơn vị thường chi tiền cho các quảng cáo ủng hộ những ứng viên của họ. Tiền cho "super-PAC" không được tính trong tổng chi phí của cuộc vận động.

Bác sĩ, công ty bảo hiểm, kiểm toán,... cũng bỏ tiền ủng hộ ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ. Năm nay, Romney nhận được nhiều tiền quyên góp hơn so với ông John McCain 4 năm trước (trong cuộc đua vào Nhà Trắng với ông Obama).

Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm Barack Obama lại có được sự hậu thuẫn từ phía Thung lũng Silicon, nơi tập trung của giới công nghệ. Trong lần tranh cử này, các ông chủ của những công ty tại đây đã quyên góp 14 triệu USD cho ông Obama. Những người đã nghỉ hưu, nhân viên các công ty bán lẻ, y bác sĩ, các nhóm phụ nữ cũng "chi bộn" để ủng hộ Tổng thống Obama.

Năm 2008, hầu hết số tiền ủng hộ chiến dịch của ông Obama là các khoản đóng góp nhỏ. Trong đó, 55% trường hợp là dưới 200 USD, chỉ có 13% ở mức 2.500 USD, số tiền tối đa mà các nhà hảo tâm cá nhân được quyên góp. Tính đến nay, cuộc vận động của ông Obama đã nhận tiền từ 4,2 triệu người, cao hơn khoảng một triệu so với năm 2008.

Đối thủ Mitt Romney ngược lại hoàn toàn, khi ông này nhận được sự ủng hộ từ giới giàu có, các doanh nghiệp lớn. Có tới 45% tiền quyên góp ở mức 2.500 USD, và 22% ở mức dưới 200 USD. Về phía các "super-PAC", Mitt Romney đang là người thắng thế khi nhóm này chi 302 triệu USD cho quảng cáo của ông, còn Tổng thống Obama chỉ có 120 triệu USD.

Anh Quân
VNexpress
---------
Myanmar-Bangladesh: Đạt thỏa thuận dầu khí qua tài phán quốc tế

Hoạt động thăm dò, khai thác dầu lửa và khí đốt ở vịnh Bengal đang được mời thầu cho những khu vực vốn có tranh chấp giữa Bangladesh và Myanmar. Giải pháp hòa bình này đang được tán dương là một khuôn mẫu cho những vụ tranh chấp tương tự về chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Bangladesh và Myanmar đang náo nức chờ đợi hồ sơ đấu thầu của các công ty nước ngoài để thăm dò các lô dầu lửa và khí đốt trong vùng vịnh Bengal. Khu vực này hầu như chưa được khai thác vì một vụ tranh chấp gay gắt kéo dài 30 năm qua, vốn đã gây ra những vụ giằng co rất căng thẳng giữa hải quân hai nước. Nhưng vào năm 2009, họ đồng ý đưa vụ tranh chấp ra trước Tòa án Quốc tế về Luật Biển. Tháng 3/2012, tòa án đã phân định lãnh thổ của đôi bên và sự phân định đó đã được cả hai nước chấp nhận.

Ông Philippe Goutier, một viên chức của Tòa án Luật Biển, nói rằng giờ đây có nhiều nhà đầu tư và công ty dầu khí nước ngoài bày tỏ ý muốn tham gia hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở vịnh Bengal. Ông nói: “Các công ty muốn có được sự an toàn trước khi họ được cấp phép. An toàn pháp lý là yếu tố đầu tiên mà các công ty tư nhân cũng như các công ty công cần phải lưu ý khi muốn khai thác tài nguyên của một khu vực nào đó”.

Tòa án quyết định dành cho Bangladesh phần lãnh hải lớn hơn phần lãnh thổ, trong khi Myanmar thì ngược lại, phần lãnh thổ lớn hơn lãnh hải. Tuy có tin nói rằng một số giới chức Myanmar không hài lòng với thỏa thuận này, nhưng ông Goutier cho biết cả hai bên đều thỏa mãn và họ đã bày tỏ cảm giác nhẹ nhõm khi thấy vụ tranh chấp rốt cuộc đã được giải quyết. Ông Goutier cho hay tòa án sẵn sàng phân xử những vụ tranh chấp tương tự đối với những vùng biển có nhiều tài nguyên ở Biển Đông, Hoa Đông… khi nào các bên có tranh chấp sẵn sàng làm như vậy.

Bắc Kinh và Tokyo đang vướng vào một cuộc giằng co kịch liệt về chủ quyền một nhóm đảo nhỏ mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku. Hồi đầu năm 2012, quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã bị suy sụp sau khi các tàu bè của đôi bên đối đầu với nhau vì một khu vực có tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa.

Những vụ việc vừa kể đã làm gia tăng sự lo ngại của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ - nước có hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản và Philippines. Đô đốc Samuel Locklear của hải quân Mỹ mới đây đã đến thăm Bangladesh. Ông ca ngợi thỏa thuận về lãnh thổ giữa nước này với Myanmar và gọi đó là một mô thức tuyệt vời để giải quyết những vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Ông Samuel Locklear đã lập lại nhận định đó trong cuộc tiếp xúc với báo chí ở BangKok ngày 16/10: “Những vụ tranh chấp này cần được quản lý với một phương thức hòa bình. Việc giải quyết phải được thực hiện mà không có sự cưỡng bức đáng kể, và chúng tôi mong muốn những vụ tranh chấp được phân xử thông qua một cơ chế của nguyên tắc pháp lý. Và chúng ta đã có những cơ chế để làm việc đó. Chúng tôi mong rằng các bên liên hệ ở Biển Đông xem xét tới thỏa thuận giữa Myanmar và Bangladesh”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng tranh chấp ở Biển Đông phức tạp hơn nhiều so với vụ tranh chấp ở vịnh Bengal. Trung Quốc là một cường quốc đang lên và đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông, nơi mà Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền từng phần. Bắc Kinh nói rằng họ không muốn chấp nhận sự phân xử quốc tế và chỉ muốn giải quyết thông qua các cuộc đàm phán song phương.

Nhà phân tích Philip Andrews-Speed thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng ở Singapore nói rằng những yếu tố độc đáo đã giúp Bangladesh và Myanmar đạt được thỏa thuận đó là “cách thức cai trị ở Myanmar đã có sự thay đổi. Đây là một động lực mới. Điều này cho phép Myanmar có sự cởi mở hơn trước và nhận được sự tín nhiệm nhiều hơn từ nước láng giềng Bangladesh”.

Ông Andrews-Speed cho hay: “Khi chúng ta so sánh hai nước này với những vụ tranh chấp khác đang tồn tại ở Đông Á, chúng ta sẽ thấy đây là hai nước rất nghèo. Cả đôi bên không bên nào mưu tìm vị thế bá chủ trong khu vực. Và vì vậy, tôi nghĩ rằng, hai nước tương đối ngang hàng với nhau đạt được thỏa thuận để phục vụ lợi ích của đôi bên là một việc dễ dàng hơn”.

Tuy có sự phấn khởi như vậy nhưng theo ông Andrew-Speed, có thể phải mất nhiều năm mới biết được khu vực này có bao nhiêu dầu lửa và khí đốt và sẽ cần có những cơ sở hạ tầng như thế nào vận chuyển số tài nguyên khai thác được.

Th.Long (Theo TNHK, Petrotimes)
---------
 Liên Hợp quốc cảnh báo về nợ công tại các nước đang phát triển

 Ngày 26/10 (theo giờ Việt Nam), Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) khóa 67 Vuk Jeremic đã cảnh báo mức nợ hiện nay của các nước đang phát triển là không thể chấp nhận được. Đồng thời, kêu gọi các nước phát triển phải nỗ lực thực hiện những cam kết tài chính của họ đối với các nước đang phát triển để giảm thiểu rủi ro do nợ công có thể gây ra.
Phát biểu tại Hội nghị về khủng hoảng nợ công và tái cơ cấu do Diễn đàn phát triển và thương mại của LHQ (UNCTAD), Chủ tịch Jeremic đã bày tỏ những quan ngại của thể chế đa phương lớn nhất toàn cầu này về khả năng quản lý nợ của các nước nghèo, đặc biệt khi nền kinh tế thế giới bị suy thoái. Theo một nghiên cứu gần đây của UNCTAD, các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng của các nước đã sử dụng phần lớn các khoản dự trữ được tạo ra trong thập kỷ trước suy thoái.
 
Do đó các nước khó có thể khôi phục năng lực so với trước đây và tình hình có thể trở thành thách thức nghiêm trọng cho một số nước thành viên do áp lực từ cắt giảm thâm hụt ngân sách sẽ tác động tới chính sách điều hành kinh tế - xã hội.Chủ tịch Jeremic nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và yêu cầu các nước phát triển tăng cường hợp tác hơn nữa với các nước đang phát triển có nợ để đối phó với các khó khăn do nợ gây nên.
 
Ông khẳng định các nước phát triển cũng phải nỗ lực thực hiện các cam kết với các nước đối tác. Ngoài việc kêu gọi LHQ và các nền kinh tế lớn trên thế giới cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa, Chủ tịch Jeremic đề nghị Hội nghị thành lập một cơ quan tư vấn để kết nối Đại Hội đồng LHQ với các tổ chức thương mại và tài chính quốc tế khác nhau, kể cả G20 - nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới để đối phó tốt hơn với các nguy cơ của khủng hoảng nợ công.
 
Hân Hân
KTĐT
--------
Belarus phản đối nghị quyết của Nghị viện châu Âu

Nghị quyết của Nghị viện châu Âu cho rằng cuộc bầu cử Quốc hội Belarus không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Bộ Ngoại giao Belarus ngày 26/10 đã kêu gọi Nghị viện châu Âu đưa ra một nghị quyết mới có tính chất sáng suốt hơn cho tình hình chính trị tại nước này.

Kêu gọi của Belarus đưa ra sau khi Nghị viện châu Âu trước đó cùng ngày, đã thông qua một nghị quyết về quốc gia Đông Âu này, trong đó đề cập tình hình nhân quyền yếu kém và sự không phù hợp của cuộc bầu cử Quốc hội Belarus với tiêu chuẩn quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus Andrei Savinykh đã gọi nghị quyết của Nghị viên châu Âu chỉ là “một văn bản được in tốc độ cao mà quên mất tính sáng suốt”. Belarus cho rằng nghị quyết này không đúng với thực tế và sẽ không giải quyết được vấn đề gì.

Ngày 23/9, hơn 7 triệu cử tri Belarus đã đi bỏ phiếu bầu 110 đại biểu Hạ viện khóa mới nhiệm kỳ 4 năm. Tuy nhiên, một ngày sau đó, Liên minh châu Âu đã tuyên bố cuộc bầu cử cơ quan lập pháp ở Belarus diễn ra trong bầu không khí "đàn áp và khủng bố tinh thần", đồng thời kêu gọi Belarus áp dụng những biện pháp cần thiết để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà nước này đã đưa ra.

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cũng ra tuyên bố không công nhận cuộc bầu cử quốc hội Belarus, cho rằng cuộc tổng tuyển cử này không tự do và dân chủ.

Trong khi đó, Tổng thống Belarus Lukashenko nói rằng ông sẵn sàng lắng nghe và rút ra kết luận phù hợp. Tuy nhiên, Belarus kiên quyết bác bỏ mọi sức ép quá đáng liên quan tới vấn đề này./.

Hoàng Lê/VOV-Trung tâm tin
(Theo Tân Hoa xã)
-------
Diễn tập ứng phó tai nạn hàng không

Sáng 26-10, tại sân bay quân sự Hòa Lạc (Hà Nội), diễn ra chương trình diễn tập Tìm kiếm cứu nạn Hàng không (SAREX) 2012.

Tới dự buổi diễn tập có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo, đại diện Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Cục Hàng không Việt Nam… Lực lượng tham gia diễn tập gồm hơn 300 người của ngành Hàng không dân dụng, Bộ Quốc phòng, các lực lượng cảnh sát thuộc TP Hà Nội.

Nhiều trang thiết bị chuyên dụng hiện đại được huy động cho chương trình diễn tập như trực thăng, xe cứu hỏa, xe tìm kiếm cứu nạn, thiết bị tìm kiếm cứu nạn chuyên ngành hàng không.

Tình huống giả định là chuyến bay DT 2012, loại máy bay B737, cất cánh từ Bangkok (Thái Lan) đi Quảng Châu (Trung Quốc) bất ngờ bị trục trặc động cơ nên xin hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nội Bài (Việt Nam).

Tuy nhiên, máy bay bất ngờ mất tín hiệu, công tác tìm kiếm cứu nạn được triển khai khẩn cấp.

Cuộc diễn tập nhằm huấn luyện cho các lực lượng của ngành hàng không dân dụng trong tìm kiếm và phối hợp cứu nạn máy bay dân dụng bị nạn trong khu vực có trách nhiệm cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn; kiểm tra khả năng phối hợp của các lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn của địa phương và các bộ ngành liên quan trong việc tìm kiếm, cứu nạn tại thực địa; kiểm tra khả năng tìm kiếm máy bay lâm nạn nhờ hệ thống thông tin vệ tinh COSPAS-SARSAT mà Việt Nam tham gia. SAREX 2012 cũng nhằm giới thiệu và chứng minh khả năng đảm bảo dịch vụ tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam.

Có mặt trên trực thăng quân sự MI-171 số hiệu 03 (một trong hai chiếc trực thăng thuộc Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Không quân 371 tham gia SAREX 2012), phóng viên Tiền Phong ghi lại những hình ảnh độc quyền về cuộc diễn tập, từ độ cao 150m.

Nguyễn Minh - N.C.Khanh
Tiền Phong
----------
Anh, Mỹ lên kế hoạch đối phó điểm nóng Trung Đông

Theo AP, Chính phủ Anh ngày 26/10 cho biết London sẽ cùng Washington tham gia việc lên kế hoạch hành động quân sự đối phó với các điểm nóng tiềm tàng ở Trung Đông, song khẳng định không ủng hộ bất cứ cuộc tấn công sắp tới nào nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Văn phòng Thủ tướng Anh David Cameron xác nhận việc lên kế hoạch sẽ được tiến hành với Mỹ và các đồng minh khác, trong đó có việc lực lượng Mỹ có khả năng sử dụng các căn cứ của Anh ở nước ngoài.

Những bình luận trên được đưa ra tiếp sau thông tin của tờ Người bảo vệ trước đó nói rằng Mỹ đã yêu cầu được sử dụng các căn cứ của Anh tại Síp, lãnh thổ Anh ở Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, để tăng cường các lực lượng trên vùng Vịnh.

Động thái này là kế hoạch chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiềm tàng nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Tehran.

Văn phòng ông Cameron cho biết các cuộc thảo luận vẫn đang được tiến hành song không cho biết thêm thông tin chi tiết./.

(Vietnam+)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te