TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 18-9-2012


Ấn Độ tăng quân dọc biên giới giáp với Trung Quốc

Theo tin ngày 18/9 của PTI, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường lực lượng quân sự dọc biên giới giáp Ấn Độ, quân đội nước này có kế hoạch triển khai các sư đoàn pháo và xe tăng dọc các tuyến biên giới khu vực miền Bắc và Đông Bắc.

Tin cho biết, trong thời gian gần đây quân đội Ấn Độ đã đề nghị tăng thêm 100.000 quân dọc biên giới cùng với việc lập thêm một Quân đoàn Sơn cước.

Để tăng cường khả năng chiến đấu, kế hoạch cũng đề nghị thành lập các sư đoàn thiết giáp, với các xe tăng có nguồn gốc từ Nga và các xe chiến đấu bộ binh tại khu vực Ladakh và vùng Đông Bắc Ấn Độ.

Quân đội Ấn Độ cũng đang có kế hoạch triển khai hai sư đoàn thiết giáp tại Uttarakhand và Ladakh, triển khai 10.000 quân tại quần đảo Andaman và Nicobar.

Kế hoạch mở rộng và hiện đại hóa còn bao gồm cả việc xây dựng các đường băng và sân bay dành riêng cho máy bay lên thẳng tại các vùng hẻo lánh và xung quanh biên giới giáp Trung Quốc./.

(Vietnam+)
---------------------

Malaysia-Mỹ tiến hành cuộc tập trận Ex Keris Strike

Truyền thông Malaysia cho biết, ngày 18/9, tại bang Johor Bahru, quân đội Malaysia và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung mang tên Ex Keris Strike nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự giữa hai nước với sự tham gia của 96 quân nhân Mỹ và 369 quân nhân Malaysia.

Cuộc tập trận bao gồm các bài diễn tập chỉ huy ở cấp lữ đoàn và tiểu đoàn có sự hỗ trợ của máy tính.

Bên cạnh đó, các binh sĩ còn tham gia khóa học về cấp cứu y tế, chương trình hành động y tế dân sự và một khóa học về Thiết bị chống nổ tự tạo (C-IED)./.

(TTXVN)
-----------------

Hàng không mẫu hạm Vikramaditya gặp sự cố lớn trên biển

Tờ Kommersant hôm 17/9 cho biết, hàng không mẫu hạm Vikramaditya đã gặp phải một số trục trặc trong quá trình thử nghiệm trên biển.  Sự việc này một lần nữa ảnh hưởng tới tiến độ bàn giao con tàu cho phía Ấn Độ.
 Hàng không mẫu hạm Vikramaditya, trước đây được biết đến với tên gọi Đô đốc Gorshkov thuộc lớp 1143.4. Theo kế hoạch, con tàu này sẽ được chuyển giao cho phía Ấn Độ vào đúng dịp lễ kỉ niệm của lực lượng Hải quân (04/12) nhưng với sự cố kể trên, hải quân Ấn Độ chưa thể nhận được con tàu trước tháng 10/2013.

Các vấn đề bắt đầu phát sinh khi Vikramaditya cố gắng để đạt được tốc độ tối đa, thì 7/8 nồi hơi của hệ thống máy phát điện bị hỏng.

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân là bởi phía Ấn Độ đã từ chối không sử dụng vật liệu cách nhiệt cho nồi hơi truyền thống làm từ sợi amiăng, vì cho rằng vật liệu này có thể gây nguy hiểm cho thủy thủ đoàn. Thay vào đó, phía Ấn Độ yêu cầu sử dụng tường gạch chịu nhiệt.

Một chuyên gia làm việc trên tàu Vikramaditya cho hay, nồi hơi đã phải sử dụng một loại đá nung và dường như không có khả năng chịu nhiệt.

Vấn đề cấp thiết nhất hiện tại là việc các chuyên gia phải tìm ra phương án đưa tàu Vikramaditya trở lại ụ tàu, bởi chỉ với 1 chiếc nồi hơi, nó không thể quay trở lại điểm xuất phát.

Hàng không mẫu hạm Vikramaditya đã được bán cho Ấn Độ vào năm 2005, nhưng thời điểm chuyển giao con tàu đã bị trì hoãn 2 lần, sau những tranh cãi giữa 2 bên về chi phí tân trang con tàu. Số tiền mà phía Ấn Độ sẽ phải chi trả cho Nga đã tăng từ 947 triệu USD lên con số 2,3 tỉ USD.

Trước đó, Giám đốc nhà máy đóng tàu Sevmash - ông Vladimir Pastukhov đã bị sa thải vào năm 2007 do “bộc lộ” nhiều yếu kém trong công tác quản lý dự án tầm cỡ này.

Tàu Vikramaditya đã được khởi công đóng từ năm 1978 tại xưởng đóng tàu Nikolayev South ở Ukraine, hạ thuỷ năm 1982 và được trang bị cho hải quân Liên Xô trong năm 1987. Cho đến năm 1996, tàu Đô đốc Gorshkov bị rao bán. Con tàu này được thiết kế với chiều dài 283m, rộng 31m, lượng mớn nước 8,2m; lượng choán nước 45.000 tấn, tốc độ tối đa 32 hải lý và phạm vi hoạt động lên đến 13.500 hải lý (25.000 km). Hệ thống điện tử của tàu Vikramaditya dựa trên hệ thống radar mạng pha đa chức năng, kết hợp với trực thăng chỉ huy và hệ thống cảnh báo sớm trên không AEW.

Máy bay chiến đấu Mig-29K sẽ được sử dụng trên tàu Vikramaditya

Trải qua thời gian dài đại tu, Vikramaditya có thể thực hiện tốt khả năng STOBAR (tức là cất cánh theo đà phóng) với các máy bay chiến đấu Mig-29K được trang bị đi kèm. Ngoài ra, con tàu này còn được trang bị thêm các hệ thống liên lạc, thiết bị hải giám và hệ thống phòng không mới.

Bắt đầu từ tháng 3/2012, hàng không mẫu hạm Vikramaditya bước vào giai đoạn thử nghiệm trong cảng và cho tới đầu tháng 6/2012, tàu bắt đầu hành trình thử nghiệm đến biển Trắng và sau đó là biển Barents.

Minh Quân (Theo RIA. Petrotimes)
--------------------------------------

Hàn Quốc tự phát triển tên lửa, phá hủy căn cứ ngầm của Triều Tiên

Yonhap đánh giá đây là một bước tiến phù hợp với chiến lược tăng cường phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc.

Tờ Yonhap dẫn lời một nhà lập pháp thuộc Ủy ban quốc phòng Quốc hội Hàn Quốc cho biết, quân đội nước này đã phát triển một loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn, nhằm phá hủy các căn cứ pháo binh dưới lòng đất dưới lòng đất của Triều Tiên.

Trong một cuộc họp kín, Bộ Tổng tham mưu Liên quân JCS đã thông báo rằng quân đội đã thành công trong việc phát triển lên lửa dẫn đường, hoạt động trong phạm vi 100 km. JCS thậm chí còn trình chiếu một đoạn video cho thấy vụ phóng thử thành công lên lửa này.


Loại tên lửa này có thể phóng được từ hệ thống phóng đa tên lửa, đồng thời sử dụng hệ thống dẫn đường trên mặt đất, có khả năng gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu GPS.

Theo một thành viên khác trong ủy ban, JCS đã thông báo rằng hệ thống dẫn đường tên lửa cần được cải tiến hơn nữa. Song các công nghệ cốt lõi khác, ví dụ như khả năng thâm nhập vào các hầm ngần và xác định lối vào đường hầm, đã hoàn thành.

Dự án này được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Lee Myung Bak, sau khi Triều Tiên nã pháo vào hồm đảu Yeonpyeong, gần biên giới với Hàn Quốc hồi tháng 11/2010, khiến 4 người Hàn Quốc thiệt mạng.

Hồng Anh - theo TTVN
-----------------------

MiG-25 được gia ân 'sống' tới 2020

Bộ Quốc phòng Nga sẽ tiến hành nâng cấp máy bay trinh sát MiG-25 vốn bị dừng sản xuất từ năm 1976.

Nguồn tin tại Bộ Quốc phòng Nga cho hay, “các máy bay sẽ được lắp hệ thống dẫn đường mới, hệ thống trinh sát ảnh, video và radar số. Bộ Quốc phòng Nga dự tính sử dụng các máy bay MiG-25 này đến năm 2020”.

“Không quân Nga hiện thiếu máy bay trinh sát. Trong biên chế chỉ có 3 loại máy bay là: Su-24MR, Il-20R và MiG-25. Các hệ thống trinh sát của chúng đã lạc hậu, số lượng máy bay hạn chế. Việc hiện đại hóa MiG-25 sẽ cho phép giải quyết một phần vấn đề này. Không quân Nga sẽ nhận được một máy bay trinh sát hiện đại”, một sĩ quan của Bộ Tư lệnh Không quân Nga cho biết.

Theo nguồn tin, “Không quân Nga chỉ có hơn 20 chiếc MiG-25 một chút, nhưng có khả năng bay thực sự chỉ có 5-7 chiếc. Số còn lại trục trặc hoặc bị tháo dỡ”.

Nguồn tin cho biết, “vấn đề của các máy bay này là ở động cơ. Hơn nữa, các động cơ R-15B dùng trên MiG-25 đã không còn sản xuất nữa, nên sẽ chỉ khôi phục những máy bay không đòi hỏi lắp lại động cơ”.

Không quân và Bộ Quốc phòng Nga đã xây dựng nhiệm vụ chiến-kỹ thuật để hiện đại hóa MiG-25. Dự định, các máy bay mới sẽ được trang bị hệ thống dẫn đường trên cơ sở hệ thống định vị vệ tinh GLONASS.

Tất cả các máy bay sẽ được lắp radar quan sát bên sườn để trinh sát mục tiêu mặt đất và các hệ thống radar phát hiện radar, khí tài thông tin… của  đối phương.

Tuy nhiên, một nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho rằng, “ở các nước phát triển, người ta từ lâu đã từ bỏ khái niệm máy bay trinh sát chuyên dụng mà đang sử dụng các thùng treo chuyên dụng.

Trong thành phần của thùng treo này có toàn bộ hệ thống khí tài trinh sát dự định trang bị cho MiG-25, bởi vậy không cần phải chế tạo một máy bay chuyên dụng chức năng hẹp”.

PM (theo Izvestia, Armstrade, ĐVO)
--------------------

Hàn Quốc đăng cai tập trận 'chọc giận' Triều Tiên

Hàn Quốc sẽ là chủ nhà của một cuộc tập trận đa quốc gia nhằm kiểm soát việc buôn bán các vũ khí hủy diệt hàng loạt, một động thái có thể khiến Triều Tiên nổi giận.
ộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này sẽ cùng với Mỹ, Nhật và Australia tiến hành cuộc diễn tập Sáng kiến An ninh Chống phổ biến vũ khí hạt nhân (PSI). Theo AFP, cuộc diễn tập này do Mỹ dẫn đầu và sẽ diễn ra vào ngày 27/9 tại vùng nước cách thành phố cảng miền nam Busan của Hàn Quốc khoảng 100 km.

7 chiến hạm và 11 chiến đấu cơ của 4 quốc gia kể trên sẽ tham gia cuộc tập trận. Đây là lần thứ hai Hàn Quốc đăng cai PSI, sau lần đầu tiên vào năm 2010.

Hàn Quốc tham gia PSI trong tư cách thành viên chính thức từ năm 2009, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai. Bình Nhưỡng lên án sự tham gia này và gọi đó là động thái tương tự như "một lời tuyên chiến".

Trước năm 2009, Hàn Quốc chỉ góp mặt với vai trò quan sát viên của PSI, do lo ngại làm Triều Tiên giận dữ. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh rằng cuộc tập trận sắp tới cũng không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào.

Được khởi xướng bởi cựu tổng thống Mỹ George W. Bush vào năm 2003, PSI được tổ chức với mục đích ngăn chặn việc buôn bán trái phép các vũ khí hủy diệt hàng loạt, các hệ thống tiếp nhận của những vũ khí này, cũng như những thứ có liên quan từ và tới các nước bị quan ngại việc phổ biến chúng.

Hà Giang/ VNexpress
------------------------------------

Nga phóng thành công vệ tinh khí tượng Metop-B

Vào khoảng 3 giờ sáng 18/9 (theo giờ Việt Nam), Nga đã phóng thành công lên quỹ đạo vệ tinh khí tượng châu Âu Metop-B.

Cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos cho biết vệ tinh Metop-B, có trọng lượng hơn 4 tấn, được tên lửa đẩy Soyuz phóng lên quỹ đạo từ sân bay vũ trụ Baikonur của Nga ở miền Trung Kazakhstan.

Theo các nhà chế tạo, vệ tinh Metop-B có thể hoạt động trong 5-6 năm nhằm phục vụ nghiên cứu, dự báo thời tiết, theo dõi diễn biến khí hậu của hành tinh.

Đây là vệ tinh thứ hai trong số ba vệ tinh khí tượng Metop mà Cơ quan vũ trụ châu Âu đặt hàng công ty Astrium - công ty hàng đầu trong ngành công nghiệp vũ trụ châu Âu, sản xuất.

Vệ tinh thứ nhất Metop-A đã được phóng lên quỹ đạo từ năm 2006. Vệ tinh thứ ba Metop-C dự kiến được phóng lên quỹ đạo vào năm 2017./.

(TTXVN)
------------------------------------

IAEA tăng hợp tác với WANO về an toàn hạt nhân

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Hiệp hội các nhà máy điện nguyên tử thế giới (WANO) ngày 17/9 đã ký kết bản ghi nhớ mới về tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai cơ quan này sau sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản hồi tháng 3/2011.

Giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết "Kế hoạch hành động an toàn hạt nhân" của IAEA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ hơn với WANO và các tổ chức quốc tế khác để có thể đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của tương lai.

Theo ông, bản ghi nhớ này là một bước đi quan trọng trong việc tăng cường hợp tác và đẩy mạnh trao đổi thông tin về các vấn đề an toàn hạt nhân.

Trong khi đó, Chủ tịch WANO Lauren Stricker cho biết các thành viên WANO cũng hối thúc xem xét lại bản ghi nhớ để cải thiện việc chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra sự cố hạt nhân tại Nhật Bản. Ông nhấn mạnh bài học quan trọng từ Fukushima là WANO cần hợp tác với IAEA.

IAEA cũng tuyên bố đã hoàn tất các kế hoạch để phối hợp nhiệm vụ của Nhóm đánh giá hoạt động an toàn hạt nhân của IAEA với công tác đánh giá an toàn của WANO và lên kế hoạch tổ chức các cuộc họp định kỳ với WANO để thảo luận những hoạt động chính liên quan đến an toàn hạt nhân./.

( Theo Vietnam+)
-------------------------------

 Hải quân 30 nước phô diễn lực lượng ở Vùng Vịnh

Ngày 17/9 (giờ VN), tàu chiến của 30 quốc gia trên thế giới đã rầm rộ hội quân tại Vùng Vịnh để tham gia cuộc diễn tập mà quân đội Mỹ mô tả là có sự tham dự đông đảo nhất của hải quân quốc tế, trong đó có Mỹ, Anh, Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất....

 Theo thông báo của Bộ chỉ huy trung tâm Hải quân Mỹ, cuộc diễn tập mang tên “Ứng phó mìn quốc tế 12” diễn ra trong 12 ngày, gồm các đợt thao diễn tăng cường khả năng rà phá mìn và thủy lôi.

“Ứng phó mìn quốc tế 12” diễn ra trùng với thời điểm những căng thẳng trong khu vực đang gia tăng do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Têhêran từng đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến tàu biển vận chuyển tới 40% lượng dầu mỏ xuất khẩu của thế giới. Iran cũng từng tuyên bố sẽ đặt các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực trong tầm bắn của tên lửa, nếu nước này bị tấn công.

 T.L // Báo Tin Tức
------------------------------

“Quân đội Syria thử hệ thống vũ khí hóa học”

Một tạp chí Đức ngày 17/9 dẫn lời các “nhân chứng” cho biết quân đội Syria đã thử một hệ thống vũ khí hóa học, bắn pháo cối ở một trung tâm nghiên cứu tại vùng sa mạc tây bắc đất nước.

Tạp chí Der Spiegel đưa tin: “5 hoặc 6 quả pháo rỗng được dùng để truyền hóa chất đã được xe tăng và máy bay bắn ra, tại địa điểm có tên gọi Diraiham trên sa mạc gần làng Khanasir”, phía đông thành phố Aleppo.

Trung tâm nghiên cứu Safira đang bị nghi vấn là khu bắn thử vũ khí hóa học lớn nhất Syria, thường được gọi là “trung tâm nghiên cứu khoa học”.

Theo các nhân chứng, quan chức Iran, được cho là thành viên của lực lượng vệ binh cách mạng, đã bay đến bằng trực thăng trong khi vụ thử diễn ra.

Các nhà khoa học Iran và Triều Tiên được cho là làm việc tại trung tâm rộng và được rào chắn cẩn thận này. Theo các cơ quan tình báo phương Tây, các nhà khoa học ở đây sản xuất hóa chất chết người như sarin và hơi cay mù tạt.

Tháng trước Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học sẽ là lý do chính đáng khiến nước ngoài vào can thiệp.

Washington hiện cũng đang đau đầu trước hàng loạt viễn cảnh có thể xảy ra tại Syria, khi chính quyền Damascus có khả năng để mất kiểm soát kho vũ khí hóa học của nước này.

Kho vũ khí hóa học của Syria có từ những năm 1970, là kho vũ khí hóa học lớn nhất tại Trung Đông. Tuy nhiên quy mô chính xác của nó hiện vẫn chưa được rõ.

Damascus trước đó cảnh báo có thể dùng vũ khí hóa học nếu bị nước ngoài tấn công. Tuy nhiên Damascus cho biết sẽ không chống lại người dân của mình.

Phan Anh
Theo AFP // Dân Trí
---------------------------------

'Kho tên lửa khổng lồ của Iran sẽ san phẳng Israel'

Tổng tư lệnh lực lượng Vệ binh cách mạng Iran tuyên bố: Tên lửa của nước Cộng hòa Hồi giáo bảo đảm “không gì có thể tồn tại” ở Israel nếu chống lại Tehran.

Tướng Jafari nói rằng: “Phản ứng của chúng tôi với Israel là rõ ràng. Tôi nghĩ sẽ không còn gì ở Israel (nếu họ tấn công Iran). Với diện tích đất đai nhỏ hẹp và không có khả năng chống lại một hỏa lực tên lửa khổng lồ của Iran, tôi không nghĩ rằng bất cứ một điểm nào trên đất Israel có thể được an toàn.”

Ông nói rằng phản ứng của Iran đối với bất kỳ một cuộc tấn công nào sẽ được bắt đầu từ khu vực gần biên giới với Israel. Nước cộng hòa Hồi giáo có quan hệ mật thiết với các chiến binh ở Dải Gaza và Lebanon, cả hai nơi đều có các kho tên lửa có thể được dùng cho các cuộc tấn công vượt biên giới.

Ông còn cho biết, sẽ không tin việc Israel tự mình đứng ra tấn công. Nếu Mỹ khởi sự một cuộc tiến công thì Jafari cho biết Iran sẽ đáp trả bằng những loạt tên lửa vào các căn cứ quân sự Mỹ tại Vùng Vịnh.

Ông nói: “Các căn cứ quân sự của Mỹ nằm rải rác xung quanh Iran được coi là một lỗ hổng lớn. Ngay cả các lá chắn tên lửa mà họ đã thiết lập, dựa trên thông tin mà chúng tôi có, cũng chỉ có thể có hiệu quả đối với một vài quả tên lửa, nhưng khi tiếp xúc với một khối lượng lớn tên lửa thì những lá chắn này sẽ mất đi hiệu quả của chúng và sẽ không còn tác dụng”.

Tướng Mohammad Ali Jafari đồng thời cũng cảnh báo rằng Iran có thể sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) và bắn phá các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông, nếu họ bị Israel tấn công.

Những cảnh báo và miêu tả tương tự về huy diệt đối với Israel đã từng được các quan chức Iran đưa ra trước đây. Tuy nhiên, lời bình luận mới nhất của tướng Jafari trong phát biểu tại cuộc họp báo được đưa ra một cách chi tiết chưa từng có, mạnh mẽ về ngôn từ và cụ thể về chủng loại phương pháp mà Iran nói là họ sẽ tiến hành trả đũa đối với một cuộc tiến công vào các cơ sở hạt nhân của mình.

Những lời bình luận của tướng Jafari được đưa ra trong lúc các lực lượng hải quân phương Tây và các nước đồng minh trong thế giới Arab do Mỹ lãnh đạo đang tập trung cho một cuộc tập trân trên Vịnh Ba Tư, bao gồm cả việc quét thủy lôi trên biển.

Phạm Ngọc Uyển (theo MSNBC News, ĐVO)
-------------------------------------------

Nga quan ngại Mỹ dựng trạm radar thứ hai ở Nhật Bản

Ngày 17/9, Nga bày tỏ quan ngại về việc Mỹ sẽ triển khai thêm một trạm radar phòng thủ tên lửa X-band ở Nhật Bản, đồng thời kêu gọi Washington (Oasinhtơn) cân đối các nỗ lực và tránh làm phương hại lợi ích an ninh của các nước khác.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Việc triển khai trạm radar chống tên lửa thứ hai này trên lãnh thổ Nhật Bản sẽ tăng cường đáng kể các khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi kêu gọi các đối tác Mỹ cân đối các nỗ lực phòng thủ tên lửa của họ trước những thách thức và mối đe dọa thực sự, để không làm phương hại đến lợi ích an ninh của các thành viên khác trong cộng đồng quốc tế". (TTXVN)
----------------

Tên lửa đạn đạo thế hệ mới DF-16: 'Sát thủ' uy hiếp Đài Loan lộ 'chân tướng'

Giữa tháng 9/2012, trên các trang mạng Trung Quốc lan truyền hình ảnh thực đầu tiên về tên lửa đạn đạo thế hệ mới DF-16.

 

Hình ảnh mới cho thấy, đạn tên lửa DF-16 đặt trên xe mang bệ giá phóng tự hành (TEL) tương tự xe của hệ thống DF-21C/D.

Nhưng, quả đạn tên lửa không đặt trong ống phóng bảo quản mà nằm ngoài.

Trước đó vào tháng 3/2011, Giám đốc cơ quan an ninh quốc gia Đài Loan đã tiết lộ thông tin về việc DF-16 đã được triển khai tại lữ đoàn thuộc Đại Quân khu Quảng Châu.

DF-16 được xem là “vũ khí kế nhiệm” tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-11 có tầm bắn 300-500km.

DF-16 có tầm bắn khoảng 800-1.000km và được xếp vào tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM).

Theo các chuyên gia Đài Loan, DF-16 được phát triển nhằm đối phó với tổ hợp tên lửa phòng không PAC-2/3 và tổ hợp tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo Thiên Cung của Đài Loan.
 
Đài Loan cho rằng, có khoảng 1.600 tên lửa Trung Quốc nhắm vào hòn đảo này.

Phượng Hồng (theo Aviation Week, ĐVO)
---------------------------------------------------

Taurus KEPD 350, sát thủ thầm lặng

Taurus KEPD 350 được trang bị đầu đạn kép nặng 500kg. Ngòi nổ của Taurus KEPD 350 được TDW Gesellschaft für verteidigungstechnische Wirksysteme thiết kế với công nghệ định thời gian sau khi chạm mục tiêu. Nhờ đó, sau khi thâm nhập vào sâu bên trong, tên lửa mới phát nổ để làm tăng thiệt hại cho mục tiêu và giảm thiệt hại cho khu vực ngoài.

Taurus KEPD 350 được trang bị  một động cơ phản lực cánh quạt Williams P8300-15 cung cấp tốc độ tối đa Mach-0.95 tốc độ hành trình Mach-0.6, tầm bắn tối đa lên tới 500km, nhưng thông thường tên lửa được sử dụng trong phạm vi 350km với độ chính xác cao hơn. ( Xem chi tiết>>)
------------------------------
Tàu tuần tra trong chiến tranh VN được hồi sinh

Bảo tàng Hàng hải ở San Diego, Mỹ sẽ long trọng tiếp nhận tàu tuần tra P24 từng hoạt động trong chiến tranh Việt Nam cho nhiệm vụ trưng bày và chở khách.

 Sự kiện trên có sự góp mặt của 35 cựu chiến binh và Thị trưởng Jerry Sanders, cùng các quan chức khác, diễn ra tại Bảo tàng Hàng hải, 1492 Harbor Drive, trung tâm San Diego. Con tàu này được thu mua hồi tháng 7/2012 từ Cộng hòa Malta.

Sau khi tham chiến ở Việt Nam, P24 được Hải quân Mỹ “tặng” cho Malta vào năm 1971. Con tàu này tiếp tục hoạt động ở Malta đến năm 2010.

Những năm sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malta, Vanessa Frazier, bày tỏ thiện ý muốn đưa P24 trở lại Hiệp hội thủy thủ tàu tuần tra.

Ngày 20/7/2012, đại diện Bảo tàng Hàng hải San Diego có mặt tại Malta trong buổi lễ hợp tác đưa P24 quay trở lại Mỹ, nơi con tàu này ra đời.

P24 được xếp vào loại tàu tuần tra nhanh (PCF). Lực lượng tàu PCF của Hải quân Mỹ bắt đầu đi vào phục vụ năm 1965, khi Mỹ tiến hành các hoạt động tuần tra dọc bờ biển miền Nam Việt Nam.

Sau khi được khôi phục và đưa vào hoạt động đầy đủ, tàu tuần tra này được sử dụng cho cả hai nhiệm vụ là vật trưng bày và chở khách trong các tour du lịch gần các căn cứ hải quân Mỹ.

Phan Anh (theo Marine Link; ĐVO)
------------------------------------------
Nga chậm giao tàu sân bay Vikramaditya cho Ấn Độ

 

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, nhà ngoại giao uy tín của Ấn Độ, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế Melkulangara Bhadrakumar nhận định sự chậm trễ trong việc bàn giao cho Ấn Độ tàu sân bay Vikramaditya (trước đây gọi là Đô đốc Gorshkov) là điều không hề có lợi cho hợp tác quốc phòng song phương.

Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 17/9 dẫn một nguồn tin trong Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Nga cho biết cuộc thử nghiệm trên biển của tàu sân bay Vikramaditya đã phát hiện một số trục trặc trong ba nồi hơi.

Theo các phương tiện truyền thông, con tàu giờ đây sẽ được chuyển giao sớm nhất là vào tháng 10/2013, thay vì vào cuối năm nay theo kế hoạch ban đầu.

Chuyên gia Ấn Độ chỉ ra rằng, việc chuyển giao chậm trễ tàu sân bay Vikramaditya, bất kể vì lý do nào đều tạo ra khúc mắc về sự tin tưởng.

Theo ông, "điều này không hề có lợi cho hợp tác quốc phòng dài hạn giữa Nga và Ấn Độ, đặc biệt khi hai nước bắt đầu các dự án siêu hiện đại như chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm".


Hơn nữa, chuyên gia này ước tính, sau tất cả các vấn đề, Ấn Độ sẽ phải chi nhiều tiền hơn so với thỏa thuận ban đầu để mua tàu Vikramaditya./.

(Vietnam+)
------------------------------

Nga triển khai tên lửa tàng hình xuyên lá chắn

Tổ hợp tên lửa Iskander là thế hệ tên lửa “tàng hình” tân tiến của Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga. Đây là loại tên lửa mà Nga tuyên bố sẽ triển khai để đáp trả lại kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu. 
 
Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, khí tài, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu trú đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương ở mọi thời điểm trong suốt chiều sâu chiến dịch và mọi điều kiện khí hậu thời tiết. ( Xem thêm>>)
---------------

Malaysia không chi thêm cho quốc phòng
 
Chính phủ Malaysia quyết định không chi thêm tiền cho Bộ Quốc phòng trong tài khóa 2013, thay vào đó là tập trung phát triển kinh tế-xã hội cho công chúng.

 Bộ trưởng Quốc phòng Ahmad Zahid Hamidi cho biết Bộ này hài lòng với những quyết định của Bộ Tài chính và không hy vọng sẽ nhận được khoản chi phí bổ sung nào trong tài khóa sắp tới.

“Đó là bởi vì chúng tôi cảm thấy rằng các chương trình kinh tế - xã hội nên là ưu tiên hàng đầu. Đối với các hoạt động quốc phòng, chúng tôi vẫn tiếp tục với chương trình huấn luyện hiện tại và tự chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào”, ông phát biểu.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cũng khẳng định mặc dù không nhận thêm bất kỳ khoản đầu tư vào trong ngân sách mới nhưng việc bảo vệ an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ vẫn là ưu tiên hàng đầu và sẽ không bao giờ bị thỏa hiệp.

Phan Anh (theo New Strait Times, ĐVO)
---------------------

 





 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te