TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 18-8-2012


Sứ quán Mỹ tại Indonesia bị ném đá

Khoảng 1.000 người biểu tình ném đá và chai xăng vào đại sứ quán Mỹ, và đụng độ với cảnh sát ở Jakarta, Indonesia để phản đối bộ phim có nội dung chống đạo Hồi.

Trong cuộc đụng độ với người biểu tình diễn ra chiều qua, ít nhất một cảnh sát bị thương ở đầu và người này đã được các đồng nghiệp đưa đến nơi an toàn, Jakarta Globe cho hay.

Những người biểu tình đã định đốt một xe tải đỗ trước cổng đại sứ quán. Những chai xăng cũng bị đốt và ném về phía hàng rào quanh tòa nhà. Khoảng 50 học sinh Indonesia còn thể hiện sự phản đối bằng cách giẫm đạp lên cờ Mỹ và ném trứng vào tòa nhà của phái đoàn ngoại giao, AFP cho biết.

Cuộc biểu tình ban đầu diễn ra một cách hòa bình, với một nhóm vài trăm người diễu hành đến đại sứ quán Mỹ. Tuy nhiên, bạo lực xảy ra khi những thành viên của Mặt trận những người Bảo vệ đạo Hồi (FPI) và Diễn đàn các Dân tộc Hồi giáo (FUI) tràn ra phố, ném đá vào đại sứ quán và cảnh sát, Dektik.com cho biết.

Các cuộc biểu tình này nằm trong làn sóng của người Hồi giáo nhằm phản đối một bộ phim được cho là đã xúc phạm nhà tiên tri Mohammed, gây ra một loạt cuộc bạo động trên toàn cầu.

Những cuộc biểu tình khác hôm qua cũng diễn ra tại các thành phố Medan và Bandung, Indonesia. Cuối tuần qua, tại tỉnh Solo, miền trung Java, những người biểu tình tràn vào các nhà hàng KFC và McDonald, khiến nhiều khách hàng phải bỏ đi và chủ quán phải đóng cửa.

Đại sứ quán Mỹ đã đưa ra cảnh báo trên website, khuyên công dân Mỹ cẩn trọng ở thành phố Jakarta, Medan và tránh đám đông. "Đại sứ quán Mỹ được Cảnh sát Quốc gia Indonesia cho biết khoảng 150 sĩ quan cảnh sát sẽ được cử tới Medan và khoảng 1.500 người sẽ hiện diện tại Jakarta đề phòng các cuộc biểu tình", cảnh báo này cho hay.

Trọng Giáp// VNexpress
-----------------------

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc cảnh cáo Nhật Bản

Hôm nay, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tuyên bố nước này có quyền “hành động xa hơn nữa” để giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản.

Theo AFP, trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta, Bộ trưởng quốc phòng, Tướng Lương Quang Liệt tuyên bố Bắc Kinh đã theo dõi sát sao tình hình trên biển Hoa Đông “và chúng tôi có quyền hành động xa hơn nữa”.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có dùng sức mạnh quân sự để giải quyết tranh chấp không, ông Lương Quang Liệt nói: “Tất nhiên, như chúng tôi vẫn nói, chúng tôi hi vọng có giải pháp hòa bình và thương lượng cho vấn đề này”.

Quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư không có người ở nhưng nằm ở vùng biển giàu tài nguyên và hải sản. Hiện các đảo này đang được Nhật Bản kiểm soát nhưng cả Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố quần đảo này thuộc chủ quyền của mình.

Tướng Lương Quang Liệt buộc tội Tokyo leo thang căng thẳng và tuyên bố quần đảo này thuộc về Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, từ thời nhà Minh.

“Tình hình leo thang căng thẳng hiện nay hoàn toàn là lỗi của phía Nhật Bản”, ông Lương nói.

Hoa Kỳ là đồng minh an ninh của Nhật Bản và Bộ trưởng Panetta kêu gọi hai bên hạ nhiệt.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ kêu gọi: “Xét đến tình hình căng thẳng hiện nay, chúng tôi kêu gọi các bên bình tĩnh và kiềm chế”.

“Không quốc gia nào có lợi nếu để tình hình leo thang thành một cuộc xung đột ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của một khu vực rất quan trọng này. Đây là thông điệp xuyên suốt tuần của của tôi”, ông Panetta nói.

Lê Dung// Infonet
--------------------------

LB Nga: Tổng Giám đốc ITAR-TASS đã bị cách chức

Theo AFP, hãng thông tấn ITAR-TASS của Nga ngày 17/9 thông báo Tổng Giám đốc Vitaly Ignatenko của cơ quan này đã bị cách chức sau gần bốn thập niên ông công tác tại đây.

Chính phủ Nga cho biết ông Ignatenko - người từng phụ trách bộ phận báo chí cho cựu lãnh đạo Xôviết Mikhail Gorbachev - đã được thuyên chuyển sang một vị trí mới vừa được thành lập tại cơ quan này.

Tuy nhiên, Chính phủ Nga không giải thích lý do cách chức cũng như quyết định đưa ông Sergei Mikhailov, 41 tuổi, vào vị trí tổng giám đốc ITAR-TASS thay ông Ignatenko.

Tờ nhật báo Thương gia của Nga cho rằng quyết định sa thải ông Ignatenko đã được một thứ trưởng truyền thông Nga cam kết thực hiện khi ông này được bổ nhiệm hồi tháng Bảy vừa qua.

Chính phủ Nga được cho là không hài lòng khi ITAR-TASS không thể bắt kịp với thế giới truyền thông không ngơi nghỉ thông qua các mạng xã hội và các dịch vụ di động./.

(Vietnam+)
-----------------------------

Hiệp ước Nhật – Mỹ bảo vệ Senkaku/Điếu ngư

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã tuyên bố như vậy vào sáng 17-9, sau cuộc gặp với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang thăm Tokyo.

VOR dẫn nguồn tin từ Tokyo cho biết, Tokyo và Washington thống nhất ý kiến rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang diễn ra tranh chấp giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan, được bảo vệ bởi hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ.

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cũng cho biết, hòn đảo không phải là trọng tâm chính của các cuộc đàm phán, nhưng "giữa Tokyo và Washington có một sự hiểu biết lẫn nhau được thỏa thuận này đảm bảo".

Phát biểu trước báo giới tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta kêu gọi các bên giữ bình tĩnh, cảnh báo rằng bất kỳ tính toán sai lầm trong tình huống này có thể kích động bạo lực và cuối cùng dẫn đến cuộc xung đột trong khu vực.

Theo chuyên gia Sergei Pravosudov, Giám đốc Viện Năng lượng Quốc gia Nga, khủng hoảng tại biển Hoa Đông đang diễn biến khó lường, và bất cứ lúc nào cũng có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.

Ông Sergei Pravosudov phân tích: “Đây là sự bùng phát mâu thuẫn nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, thậm chí có thể dẫn đến xung đột quân sự quy mô nhỏ. Xét theo tình hình, tất cả diễn biến đang dẫn tới kịch bản trên”.

Tùng Dương ( trích từ TP)
-------------------------

Nhật dừng nhiều hoạt động tại Trung Quốc

Hôm nay (18/9), hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản và đại sứ quán của nước này đã đình chỉ hoạt động tại Trung Quốc trong bối cảnh có thể sẽ diễn ra nhiều cuộc biểu tình bạo động hơn nữa, đồng thời tăng cường bảo vệ quần đảo tranh chấp.

Theo hãng tin Kyodo, Toyota có kế hoạch dừng hoạt động một số nhà máy tại Trung Quốc vào ngày 18/9.

Hôm qua (17/9), nhiều công ty có thương hiệu lớn khác của Nhật Bản cũng đã thông báo đóng cửa và kêu gọi nhân viên hạn chế ra ngoài đường.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cảnh báo rằng Nhật Bản có thể sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề nếu Bắc Kinh quay sang trả đũa về thương mại.

Dự kiến sẽ có nhiều cuộc biểu tình diễn ra trên khắp Trung Quốc vào ngày hôm nay (18/9), ngày đánh dấu sự xâm chiếm của Nhật Bản đối với nhiều phần lãnh thổ của Trung Quốc đại lục vào năm 1931.
-------------------------------------

Nhật xua tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển tranh chấp

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản hôm nay phát đi lời cảnh báo để tàu Ngư chính của Trung Quốc rời khỏi vùng nước gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Tàu Ngư chính 35001 của Trung Quốc xuất hiện gần hòn đảo chính trong chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư. "Con tàu xuất hiện lúc 7h sáng ngày 18/9 tại địa điểm cách đảo Uotsurijima 42 km về phía tây bắc và đang tiến về phía đông", AFP dẫn lời người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản tại Okinawa cho hay.

Không phát hiện thấy tàu cá nào xuất hiện cùng tàu Ngư chính 35001 sáng nay. Tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã lên tiếng cảnh báo và yêu cầu tàu Trung Quốc "không được đi vào lãnh thổ Nhật Bản". Nhật Bản cũng đã thiết lập mạng lưới thông tin để theo dõi diễn biến của vụ việc kể trên.
-------------------

Họp về biển Đông tại Liên Hiệp Quốc

Bên lề khóa họp thứ 67 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc ngày 18-9, Indonesia sẽ cố gắng tổ chức một cuộc đối thoại giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc để bàn về cách tháo gỡ tranh chấp trên biển Đông, tờ Wall Street Journal đưa tin.

Tự nhận là “nhà môi giới trung thực”, Jakarta cho biết nước này mong muốn nối lại các cuộc đàm phán để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vốn bị đình trệ lâu nay, theo Ngoại trưởng Marty Natalegawa. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn ngày 14-9, Ngoại trưởng Natalegawa nhận định ASEAN không thể áp dụng cùng một giải pháp cho các tranh chấp trên biển Đông, vốn diễn ra giữa các nước khác nhau và kéo dài trong nhiều năm.
Do đó, COC phải đạt được sự đồng thuận của từng quốc gia thành viên ASEAN để trở thành cơ sở tháo ngòi nổ tranh chấp trên biển Đông. Ngoài ra, về sự tăng cường hiện diện của Mỹ trong khu vực, Ngoại trưởng Natalegawa cho rằng “cần đánh giá kỹ lưỡng để giảm thiểu cảm giác cạnh tranh và căng thẳng”.

Mỹ Nhung/ theo NLĐ
-------------------

Trung Quốc đến biển Trung Đông tập trận với Mỹ

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, cuộc tập trận kéo dài 5 giờ đồng hồ với sự tham gia của tàu khu trục tên lửa Trung Quốc Yiyang và một tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ USS Winston S. Churchill.

Việc Trung Quốc triển khai các tàu Hải quân tới bờ biển Somali năm 2008 đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Trung Quốc đưa lực lượng ra ngoài lãnh hải của mình.

Trung Quốc và Mỹ vốn chỉ tổ chức một vài cuộc tập trận chung trước đây, tập trung vào hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. Đầu tháng này, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ - Trung đã tiến hành cuộc tập trận cứu hộ quy mô lớn đầu tiên diễn ra ở ngoài khơi Hawaii.

Trung Quốc và Mỹ đã định kì tổ chức các cuộc đàm phán quân sự chuyên môn. Phía Mỹ ủng hộ mạnh mẽ những trao đổi theo hướng này và tin rằng nó sẽ giúp giảm khả năng xảy ra các sự cố trên biển.

Hồng Anh - theo TTVN

-----------------

Tranh chấp biển đảo ở châu Á có thể dẫn đến xung đột

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản từ ngày 16.9, trong vòng công du châu Á.

Tại Tokyo, khi được hỏi về căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc, đối với quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư), ông Panetta bày tỏ sự lo ngại là tranh chấp lãnh thổ tại châu Á có thể dẫn đến chiến tranh:

“Tôi lo ngại khi nhìn thấy các nước có những hành động khiêu khích khác nhau và điều này có thể dẫn đến những bạo lực và cuối cùng là dẫn đến xung đột”.

Ông Panetta nhấn mạnh: “Cuộc xung đột này có thể còn lan rộng ra”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công du châu Á trong bối cảnh từ vài ngày qua, các cuộc biểu tình chống Nhật đã diễn ra ở nhiều thành phố tại Trung Quốc. Căng thẳng đã tăng thêm một nấc sau khi Chính phủ Nhật Bản quyết định mua lại một số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku.

Quang Minh// Dân Việt
------------------------
Nhật-Mỹ đạt thỏa thuận xây dựng lá chắn tên lửa thứ hai

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, Washington và Tokyo hôm 17-9 đạt được thỏa thuận xây dựng một căn cứ radar thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa thứ hai trên lãnh thổ Nhật Bản.

Hệ thống này được thiết kế để giúp triển khai nhanh các lực lượng Mỹ. Ngoài ra, còn có hiệu quả trong việc bảo vệ Mỹ khỏi bị tên lửa của CHDCND Triều Tiên tấn công.

Vị trí cụ thể của hệ thống radar này vẫn chưa được quyết định. Tuy nhiên, các quan chức Nhật Bản nói rằng, hệ thống lá chắn tên lửa thứ hai sẽ được lắp đặt tại một căn cứ quân sự thuộc tỉnh Okinawa ở miền nam Nhật Bản.

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc lo ngại. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo nói trên, Bộ trưởng Panetta nói rằng, hệ thống radar mới không nhằm vào Trung Quốc.

Đ.P( theo AP, Washington Post, Ria-Novosti, Tienphong)
--------------------------

Nga tái khởi động hầm tên lửa đạn đạo quanh thủ đô Moscow

Mạng lưới tên lửa và các thiết bị khác cũng được hiện đại hóa toàn bộ.

Nga sẽ tái khởi động hầm tên lửa đạn đạo xung quanh Moscow vốn đã ngừng hoạt động. Theo Đại tướng Viktor Yesin, cựu giám đốc Các lực lượng tên lửa Nga. Đây là một phần của kế hoạch hiện đai hóa mạng lưới tên lửa đạn đạo một cách sâu rộng nhằm bảo vệ thủ đô nước này.

Mạng lưới tên lửa đạn đạo A - 135 được triển khai quanh Moscow nhằm đối phó với tên lửa của địch nhắm vào thành phố và các khu vực lân cận. Nó bao gồm radar gián sát chiến trường D-2N và 2 loại lên lửa ABM.

Phát biểu với tờ RIA Novosti, ông Yesin cho biết:  "Hệ thống A-135 đang được hiện đại hóa triệt để. Tên lửa và các bộ phận khác, bao gồm cả các thiết bị theo dấu và phát hiện, đang được nâng cấp".

Hai khu vực phóng với tên lửa đánh chặn tầm xa 51T5 đã ngừng hoạt động từ năm 2007 do đã lỗi thời, nay sẽ được trang bị tên lửa tầm xa mới và tái khởi động lại.

"Không có kế hoạch xây dựng các bãi phóng mới vì các bãi phóng cũ sẽ được tái khởi động".

My Lan - theo TTVN
-------------------------------
Trung, Mỹ lần đầu tập trận chống cướp biển

Các tàu hải quân của Trung Quốc và Mỹ hôm qua tiến hành diễn tập chung như một phần trong cuộc tập trận chống cướp biển tại vịnh Aden.

Hoạt động diễn tập kéo dài 5 giờ có sự tham gia của một tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc và một khu trục hạm có tên lửa dẫn đường của Mỹ. Cuộc diễn tập được tổ chức tại vịnh Aden, cửa ngõ dẫn vào biển Đỏ và nằm giữa châu Á với châu Phi.

Hãng tin Xinhua của Trung Quốc ca ngợi hoạt động này là "chất xúc tác làm tăng hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa hải quân hai nước, đồng thời làm sâu sắc thêm hợp tác song phương tại những lĩnh vực an ninh phi truyền thống".

Trung Quốc triển khai lực lượng tới vùng bờ biển của Somalia, vốn là nơi cướp biển hoành hành, từ năm 2008. Đó là dấu mốc đầu tiên trong lịch sử hiện đại của việc Bắc Kinh đưa các lực lượng tới những vùng nước không thuộc chủ quyền của nước này.

Mỹ và Trung Quốc vốn chỉ có những hoạt động diễn tập chung hạn chế trong quá khứ, chủ yếu tập trung vào các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ. Đầu tháng này, tuần duyên Mỹ và Trung Quốc tiến hành diễn tập cứu hộ toàn diện lần đầu tiên tại đảo Hawaii của Mỹ.

Hai nước cũng có tổ chức định kỳ các cuộc tham vấn quân sự. Mỹ ủng hộ những hình thức liên lạc như vậy vì cho rằng nó sẽ giúp giảm nguy cơ va chạm trên biển.

Cuộc tập trận chống khủng bố chung lần đầu tiên giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc diễn ra ngay trước chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta.

Hà Giang// VNexpress
----



 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te