Hôm qua, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc khẳng định vụ tấn công khiến Đại sứ nước này ở Libya thiệt mạng là phản ứng tự phát đối với bộ phim chống Hồi giáo.
Một người biểu tình trong các cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động trên đường dẫn tới Đại sứ quán Mỹ ở Cairo, Ai Cập hôm 14/9 – Nguồn: Reuters. |
Tuy nhiên, Tổng thống Libya khẳng định rằng những kẻ tấn công đã lên kế hoạch tấn công từ hàng tháng trước và chọn lựa thời điểm để tiến hành – ngày kỉ niệm 11 năm vụ khủng bố 11/9 kinh hoàng ở nước Mỹ.
Sự mất bình tĩnh sau vụ tấn công chớp nhoáng vào Đại sứ quán Mỹ tại Libya hôm 11/9 khiến Đại sứ Mỹ và 3 người Mỹ khác thiệt mang. Tuần trước chính quyền Obama tiến hành một cuộc điều tra tìm hiểu liệu các nhóm khủng bố có lợi dụng sự giận dữ của người Hồi giáo về bộ phim nhạo báng nhà tiên tri Mohammed để thực hiện cuộc tấn công mà chúng đã lên kế hoạch từ lâu không.
Tuy nhiên, hôm qua Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc bà Susan Rice tuyên bố các bằng chứng thu thập được cho thấy cuộc tấn công này không được lên kế hoạch trước và cũng không phải được phối hợp tác chiến. Bà Rice phát biểu rằng cuộc tấn công ở Benghazi với sự xuất hiện của súng cối và súng phóng lựu đạn có vẻ là bản sao của các cuộc biểu tình diễn ra trước đó hàng giờ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Cairo, Ai Cập. Cuộc biểu tình ở Ai Cập nổ ra sau khi đoạn phim của Mỹ chế nhạo nhà tiên tri Mohammed phiên bản tiếng Ả rập xuất hiện trên trang mạng YouTube.
“Có vẻ như các cuộc biểu tình đã bị một nhóm các cá nhân cực đoan xuất hiện với vũ khí hạng nặng trà trộn và lợi dụng”, bà Rice phát biểu và nói thêm rằng những vũ khí như trên có thể dễ dàng xuất hiện tại đất nước Libya mới bước ra khỏi cuộc nội chiến.
Bà Rice cho biết hiện chưa thể xác định liệu những kẻ cực đoan đó có mối liên hệ gì với Al Qaeda hay các nhóm khủng bố khác không và FBI chưa hoàn thành cuộc điều tra của mình.
Nhận định của bà Rice trái ngược hẳn với nhận định của Tổng thống lâm thời Libya Mohammed el-Megarif. Hôm qua, ông el-Megarif cho rằng chắc chắn thủ phạm đã lên kế hoạch cho vụ tấn công này.
“Rõ ràng là cuộc tấn công đã được lên kế hoạch. Kế hoạch được lập bởi những người nước ngoài xâm nhập vào Libya cách đây vài tháng. Và bọn chúng đã lên kế hoạch cho hành động tội phạm này kể từ khi chúng đến Libya”, ông el-Megarif nói.
Bác bỏ nhận định của ông el-Megarif, bà Rice cho rằng đây không phải lần đầu tiên các tác phẩm của phương Tây chỉ trích đạo Hồi khơi mào cho các cuộc biểu tình và nổi loạn trên khắp Trung Đông. Bà Rice lấy dẫn chứng là cuốn tiểu thuyết “Những áng thơ của Sa tăng” của Salman Rushdie và bộ hình về nhà tiên tri Mohammed mà một tờ báo của Đan Mạch công bố vào năm 2006.
Tuy nhiên, chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cho rằng sẽ là thiếu chín chắn nếu loại trừ khả năng đây là một cuộc tấn công được lên kế hoạch từ trước. Là một cựu đặc vụ FBI, ông Rogers cho rằng có quá nhiều tình huống ngẫu nhiên nên không thể đưa ra kết luận rằng vụ tấn công ở Benghazi không được lên kế hoạch từ trước.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cũng cho rằng: ‘Chẳng mấy ai lại đem súng phóng lựu đạn và vũ khí hạng nặng đến tham gia một cuộc biểu tình”.
Hôm thứ Ba tuần trước (11/9), các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra trước cổng Đại sứ quán Mỹ ở Cairo, Ai Cập phản đối một đoạn phim nhạo báng nhà tiên tri Mohammed và sau đó các cuộc biểu tình lan rộng ra khắp thế giới Hồi giáo.
Ở Libya, Đại sứ Mỹ Chris Stevens và ba người Mỹ khác đã thiệt mạng khi người biểu tình tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi. Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở 20 quốc gia khác khiến Lầu Năm Góc phải điều đội đặc nhiệm chống khủng bố đến Libya và Yemen đồng thời điều 2 tàu chiến đến gần bờ biển Libya.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra lệnh cho những nhân viên chính phủ Mỹ ở vị trí không quan trọng cùng gia đình rời khỏi Sudan và Tunisia.
Tại Li Băng, người biểu tình đã đốt một cửa hàng đồ ăn nhanh của Mỹ.
Thậm chí ngay cả khi tình hình đã lắng dịu vào hôm15/9, chi nhánh hoạt động năng nổ nhất của Al Qaeda tại Trung Đông đã kêu gọi tiến hành thêm các cuộc tấn công vào các Đại sứ quán Mỹ.
“Đó là phản ứng đối với đoạn phim và đoạn phim đó chứa đầy sự thù hận, không liên quan gì đến Hoa Kỳ mà chúng tôi coi đoạn phim thực sự đáng ghê tởm và đáng trách”, bà Rice phát biểu.
Tuy nhiên, chính quyền Obama đối mặt với nỗi lo ngại về việc Mỹ đạt được gì sau khi ủng hộ các cuộc nổi dậy vì dân chủ và thân Hồi giáo vừa nổ ra.
Tình trạng nổi loạn vừa qua cũng đưa ra một vấn đề lớn đối với chiến dịch tái tranh cử chức tổng thống Mỹ của ông Obama khi đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney đổ lỗi vụ việc trên cho ông và yêu cầu ông phải xin lỗi nước Mỹ.
Dư luận cũng nghi ngờ liệu các biện pháp an ninh hiện nay có hiệu quả trong việc bảo vệ các phái đoàn ngoại giao Mỹ hay không.
Tùng Lâm
Theo InfoNet