Trung Quốc và các quốc gia châu Á có thể sa vào cuộc chiến tranh tranh chấp lãnh thổ nếu chính phủ các nước tiếp tục “hành vi kích động”
Tờ The Australian xuất bản tại Úc ngày 17/9 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cảnh báo Trung Quốc và các quốc gia châu Á có thể sa vào cuộc chiến tranh tranh chấp lãnh thổ nếu chính phủ các nước tiếp tục “hành vi kích động”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đặt chân xuống Tokyo |
Trả lời phỏng vấn các phóng viên trước khi đặt chân tới Tokyo trong chuyến công du châu Á của mình, ông Panetta đã kêu gọi các nước kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ ngày càng leo thang trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Khi được hỏi về tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc, ông Panetta trả lời: “Tôi lo ngại rằng khi các nước này có những hình thức khiêu khích dạng này hay dạng khác đối với các hòn đảo đó, nó sẽ làm tăng nguy cơ đánh giá sai tình hình có thể dẫn tới bạo lực, và kết quả cuối cùng sẽ là xung đột vũ trang. Và cuộc xung đột đó sẽ có nguy cơ ngày càng lan rộng.”
Chuyến đi này của ông Panetta diễn ra khi cuộc tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á về chủ quyền trên nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đang lên tới đỉnh điểm. Căng thẳng leo thang sau khi Nhật Bản tiến hành mua và quốc hữu hóa nhóm đảo này, châm ngòi cho phong trào biểu tình chống Nhật Bản rầm rộ trên khắp Trung Quốc.
Một số cuộc biểu tình bạo lực đã nổ ra gần đại sứ quán Nhật Bản, tuy nhiên hiện không có báo cáo về con số thương vong.
Người biểu tình ném chai lọ vào đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh |
Hôm Chủ nhật, đài Cable TV của Hồng Kông chiếu cảnh đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở tỉnh Thâm Quyến, một số người biểu tình giơ biểu ngữ đòi “tắm máu” ở Tokyo.
Ngày hôm nay ông Panetta sẽ hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản với chủ đề chính là cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, sau đó ông sẽ lên đường sang Trung Quốc rồi tới New Zealand.
Washington cũng tỏ ra lo ngại về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông khi Trung Quốc kiên quyết không chịu rút lại những tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ tuyến vận tải biển chiến lược nơi khoảng 50% lượng hàng hóa thế giới đi qua này.