TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 08-10-2012


Máy bay Nga thử nghiệm phương tiện siêu vượt âm châu Âu

Châu Âu sẽ tiến hành bắn thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt âm LEA trên máy bay ném bom Tu-22M3 của Nga.
 
Phương tiện bay siêu vượt âm LEA đang được Tập đoàn quốc phòng MBDA (châu Âu) và Cơ quan nghiên cứu Onera (Pháp) phát triển.
 
Các thử nghiệm đầu tiên đối với khung thân LEA tiến hành ở Pháp đã hoàn tất. Việc thử nghiệm một cách đầy đủ động cơ phản lực-không khí dòng thẳng, hai chế độ trong phòng thí nghiệm là khó khăn.
 
Nhưng các thử nghiệm trong ống thổi khí động S4 ở thành phố Modane (Pháp) cho thấy LEA đã sẵn sàng cho chuyến bay đầu tiên ở tốc độ Mach 6.
 
Đáng lưu ý, việc bay thử LEA dự định tiến hành từ một máy bay ném bom siêu âm Tu-22М3 của Nga. Dự kiến, năm 2014-2015, châu Âu sẽ thực hiện 2 chuyến bay thử với tốc độ bay dự kiến đạt được làMach 4và Mach 8. Song song với đó, họ sẽ tiến hành thổi LEA trong ống thổi khí động S4 với tốc độ Mach 6.
 
Ngay trước vòng thử nghiệm cuối cùng trong ống thổi khí động của Pháp, LEA sẽ tiến hành thổi tại Viện Khí - Thủy động học trung ương (TsAGI) của Nga. Mô hình LEA sẽ được thổi cùng với máy bay mang Tu-22М3.
 
LEA có chiều dài 4,2m, trọng lượng gần 5,6 tấn. LEA sẽ lắp thêm tầng khởi tốc được chế tạo dựa trên tên lửa chống hạm Kh-22 của Nga (chiều dài LEA tăng lên 12m).
 
Khi bắn thật, Tu-22M3 sẽ bay ở tốc độ Mach 1,7 và thả LEA ở trần bay 13.000m. Bước đầu, tầng khởi tốc kích hoạt và nhanh chóng đưa LEA lên tốc độ Mach 4.Trong vòng 20-30 giây, động cơ phản lực - không khí dòng thẳng của LEA đưa nó đạt tốc độ Mach 8. Nếu tốt đẹp, LEA sẽ bay 40km ở chế độ tự hoạt cho đến khi hết nhiên liệu.
 
(Theo ĐVO)
-----------------
Thổ Nhĩ Kỳ từ chối điều kiện hợp tác tình báo của Mỹ

Nhật báo Yeni Safak thuộc đảng Công lý và Phát triển cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ số ra ngày 8/10 tiết lộ, Mỹ đã đặt hai điều kiện với Ankara về việc hợp tác tình báo quân đội giữa hai nước. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức từ chối do các điều kiện trên can thiệp vào chủ quyền của nước này.

Theo tờ báo trên, điều kiện thứ nhất là Thổ Nhĩ Kỳ phải tham gia cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan (Ápganixtan) và thứ hai là Ankara cũng phải tham gia một chiến dịch chống bất cứ sự hiện diện nào của Al-Qaeda tại Syria (Xyri), trong đó có việc thành lập một chế độ đảng Baath với sự hiện diện của người Kito giáo sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.

Yeni Safak cho biết trong cuộc họp mới đây tại thủ đô Ankara, Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ - Tướng Nada Avail - đã đề nghị với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Martin Dempsey, hợp tác trong lĩnh vực tình báo trong cuộc chiến chống Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Liên quan đến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, các nguồn tin nước ngoài cho biết quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/10 đã ngay lập tức bắn trả một loạt đạn pháo sang Syria sau khi một quả đạn bắn đi từ Syria rơi trúng thị trấn biên giới Akcakale của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vụ pháo kích mới nhất này đã nhằm trúng khu đất gần một nhà máy thuộc Cơ quan ngũ cốc Thổ Nhĩ Kỳ, cách trung tâm thị trấn Akcakale vài trăm mét, nơi 5 dân thường đã thiệt mạng trong vụ pháo kích đầu tiên xảy ra hôm 3/10 vừa qua. Thị trưởng Akcakale, ông Abdulhakim Ayhan, xác nhận quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức bắn trả. Theo ông Ayhan, mảnh đạn pháo gây thiệt hại cho một kho ngũ cốc, song không có ai bị thương.

H.H (tổng hợp)// Tin Tức
----------------------
Không quân Israel tấn công trả đũa ở dải Gaza

Theo Reuters, ngày 7-10, không quân Israel đã bất ngờ thực hiện một vụ tấn công tại dải Gaza.

Vụ tấn công nhằm vào một xe máy đang lưu thông ở thị trấn Rafah, phía Đông Nam dải Gaza và đã làm 10 người bị thương, trong đó có 3 trẻ em. Mục tiêu chính của vụ tấn công trên là 2 thành viên cao cấp của phong trào Global Jihad đã được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

Phía Israel đã xác nhận vụ tấn công trên và tuyên bố vụ tấn công đã làm thương nhiều chiến binh Hồi giáo địa phương. Theo nguồn tin từ phía Israel, các phần tử bị tấn công nêu trên chính là những kẻ thực hiện các vụ tấn công bằng rocket và lãnh thổ Israel làm 1 người thiệt mạng hồi tháng 6-2012.

Không quân Israel rất thường xuyên thực hiện các vụ tấn công ở dải Gaza. Mục tiêu chính nhắm tới là các tay súng Palestine hoặc cơ sở quân sự của họ với lý do là để trả đũa cho các vụ tấn công rocket vào Israel từ dải Gaza.

Hồng Anh (theo Lenta, QĐND)
----------------
Iran: Sẽ tiêu diệt 10.000 lính Israel nếu có chiến tranh

Một quan chức cấp cao Iran tuyên bố, Israel sẽ mất ít nhất 10.000 binh lính nếu nước này thực hiện một cuộc tấn công quân sự vào nước CH Hồi giáo, đài truyền hình Press TV hôm qua (7/10) đưa tin.
 
"Nếu Israel tấn công, sức mạnh răn đe của Iran sẽ giáng một đòn chí tử vào họ và tổn thất mà Nhà nước Do Thái phải hứng chịu là không ít hơn 10.000 binh lính. Vì thế, họ nên ngừng ngay ý định đó”, ông Mohsen Rezaei – Thư ký Hội đồng Cố vấn Iran, cảnh báo.

"Chúng tôi không muốn chiến tranh nhưng chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng bảo vệ đất nước trước bất kỳ cuộc tấn công nào. Tất nhiên, Nhà nước Do Thái không dám xâm lược Iran mà chỉ tung ra những lời ‘đao to búa lớn’ như vậy để giành được sự nhượng bộ từ phía Tổng thống Mỹ sắp tới," ông Rezaei, một cựu chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cho biết thêm.
 
Đây không phải là lần đầu tiên giới lãnh đạo Iran lên tiếng thách thức Israel. Rất nhiều lần, cả giới chức dân sự lẫn quân sự của nước CH Hồi giáo đưa ra những cảnh báo đầy sắc lạnh về hậu quả khủng khiếp mà Nhà nước Do Thái sẽ phải hứng chịu nếu thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào họ.
 
Quan hệ giữa Iran với Israel và Mỹ từ lâu đã rất căng thẳng vì chương trình hạt nhân của nước CH Hồi giáo. Mỹ và Israel cáo buộc Iran đang tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân trong khi Tehran bác bỏ điều này.
 
Từ hồi cuối năm ngoái, mối quan hệ căng thẳng Iran với Mỹ và Israel bắt đầu leo thang khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tung ra một bản báo cáo gây sốc, trong đó lần đầu tiên cơ quan này cáo buộc Tehran đang bí mật sản xuất bom hạt nhân. Ngay sau báo cáo này, tin đồn đã dấy lên về việc Mỹ, Anh, Israel đang chuẩn bị đánh Iran. Mỹ và Israel cũng chưa bao giờ bác bỏ khả năng dùng sức mạnh quân sự để phá hủy chương trình hạt nhân của Iran.

Kiệt Linh - (theo THX, VNmedia)
------------------
 Mỹ, Philippines bắt đầu tập trận chung

Hôm nay 8/10, quân đội Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận chung với các binh sĩ Mỹ nhằm tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng của hai nước giữa lúc căng thẳng vẫn tiếp diễn giữa Manila và Bắc Kinh về chủ quyền bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Tờ Inquirer xuất bản tại Philippines ngày 8/10 dẫn lời Trung úy Cherry Tindog người phát ngôn cuộc tập trận này cho biết nó sẽ kéo dài 10 ngày và mang tên Phiblex (Tác chiến đổ bộ trên biển) sẽ tập trung vào các nội dung hỗ trợ nhân đạo, ứng phó với thiên tai, an ninh hàng hải và phát triển cộng đồng.

Theo Tindog, cuộc tập trận Phiblex đã được tổ chức hàng năm, là cơ hội huấn luyện đào tạo chung không chỉ để cho thủy quân lục chiến Philippines và quân đội Mỹ mà còn cho hải quân, không quân quân đội Philippines.

Trước đó, tàu sân bay trực thăng Mỹ USS Bonhomme Richard, do hai tàu khu trục nhỏ hộ tống, đã tới Philippines, chở theo 2.200 binh lính Mỹ. Con tàu còn mang các xe tấn công đổ bộ, xe bọc thép hạng nhẹ, trực thăng và máy bay phản lực lên thẳng Harrier.

Tàu ngầm Olympia USScũng đã cập cảng Philippines vào ngày 4/10 nhưng hiện con tàu này vẫn chưa được xác định có tham gia cuộc tập trận hay không. Trong một thông báo của Đại sứ quán Mỹ ở Philippines cho biết, chuyến thăm của Olympia "nhấn mạnh sự liên hệ lịch sử, cộng đồng và quân sự mạnh mẽ" giữa Mỹ và Philippines.
 
Bên cạnh đó, ban chỉ huy Phiblex cho biết trong một tuyên bố rằng "cuộc tập trận Phiblex giúp duy trì một quan hệ đối tác lâu dài và bền vững được thành lập dựa trên kế thừa chung giữa các quốc gia yêu chuộng tự do".

Anh Vũ (Nguồn Inquirer, GDVN)
------------------
Iran chuyển 1/3 dự trữ urani cấp độ cao sang dạng bột

Theo Đài Tiếng nói nước Nga và Đài BBC của Anh dẫn nguồn tin từ Liên hợp quốc hôm 6/10 cho hay, Iran đã chế biến 1/3 lượng dự trữ urani làm giàu ở cấp độ cao thành dạng bột để dùng trong mục đích y học.

Như vậy, số nguyên liệu này hầu như không thể sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân tiềm tàng.

Theo nguồn tin này, Tehran muốn bằng cách đó thể hiện thái độ sẵn sàng nối lại cuộc đàm phán với cộng đồng quốc tế về chương trình năng lượng hạt nhân của nước mình.

Hàng loạt chuyên gia phương Tây cho rằng Tehran đang cố gắng giảm nhẹ lệnh cấm vận dầu mỏ chống Iran mà Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt.

Các thanh sát viên từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng đã xác nhận việc chuyển một phần đáng kể urani làm giàu cấp độ 20% thành dạng bột của Iran.

Chuyên gia IAEA cho hay urani bột không thích hợp cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Người ta sử dụng urani bột trong sản xuất nhiên liệu dành cho các lò phản ứng y học, từ đó nhận được hạt nhân đồng vị phóng xạ để điều trị bệnh ung thư./.

(Vietnam+)
--------------
Quân Taliban sắp trở lại cầm quyền ở Afghanistan?

Trong khi thời hạn liên quân NATO rút hoàn toàn khỏi vũng lầy Afghanistan đã được ấn định vào năm 2014 thì một báo cáo đáng lo ngại của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Carnegie với nhan đề “Sự chờ đợi quân Taliban” được đưa ra tuần này khẳng định, Taliban sẽ trở lại nắm quyền tại Afghanistan sau năm 2014.

Báo cáo trên cho rằng, Chính quyền Kabul của Tổng thống Hamid Karzai sẽ không thể chống lại được quân Taliban cả về mặt kinh tế lẫn quân sự. Chế độ này chắc chắn sẽ sụp đổ trong vài năm tới. Sau năm 2014, sự ủng hộ của Mỹ dành cho Kabul sẽ hạn chế và việc lực lượng NATO rút đi sẽ dẫn đến các cuộc bạo loạn.

An ninh ở các thành phố và một số khu vực ủng hộ chính phủ được bảo đảm nhưng chính phủ bị mất kiểm soát ở các vùng nông thôn Pashtun và các tỉnh biên giới với Pakistan do lực lượng an ninh thiếu các phương tiện hoạt động, không được huấn luyện chu đáo và những khu vực này bấy lâu nay chính phủ chỉ quản lý một cách nửa vời.

Báo cáo cũng cảnh báo, từ nay đến 2014, nhà cầm quyền Afghanistan sẽ phải trải qua ba cuộc khủng hoảng. Đó là khủng hoảng kinh tế với sự suy giảm viện trợ của phương Tây, cuộc bầu cử tổng thống bấp bênh, khó suôn sẻ và cuộc khủng hoảng về khả năng quốc phòng-an ninh.

Cơn ác mộng đối với tương lai của Afghanistan là hệ quả tất yếu của sự thất bại về chiến lược của NATO do Mỹ đứng đầu và cuộc xâm lược này của NATO đã để lại một "di sản" tồi tệ hơn so với năm 2001 xét theo một số khía cạnh.

Từ chối công nhận thất bại, các nhà lãnh đạo lực lượng NATO đã bác bỏ thẳng thừng những dự đoán trên và quả quyết rằng quân Afghanistan đủ vững mạnh để chống lại các cuộc nổi dậy. Với cái nhìn lạc quan về tình hình, Tướng Pháp Olivier de Bavinchove - Tham mưu trưởng các lực lượng NATO ở Afghanistan, cho rằng tỷ lệ phần trăm lãnh thổ và dân chúng Afghanistan được bảo đảm an ninh và không có tình trạng bạo lực lên tới 80%.

Tuy nhiên, thực tế dường như còn “cay đắng” và “đen tối” hơn nhiều so với những dự đoán của báo cáo, chứ chưa nói đến số liệu do NATO đưa ra. Một ví dụ đơn giản mà ai cũng biết là mặc dù hơn 130.000 binh lính được triển khai trên khắp đất nước Afghanistan nhưng chưa lúc nào kể từ khi đưa quân vào chiến trường này năm 2001 NATO vẫn không thể chấm dứt được sự nổi dậy của quân Taliban.

Cách đây vài ngày, một cuộc tấn công của Taliban đã giết chết một lính của NATO, một dân thường và ba binh sỹ Afghanistan. Một bộ phận khá đông dân chúng Afghanistan cho biết họ đang chuẩn bị rời đất nước đi tị nạn ở nước ngoài vì lo sợ một cuộc nội chiến mới sau hơn 30 năm xung đột.

Lo sợ phải trở về số không sau hơn một thập kỷ gây chiến không khoan nhượng, trong tuần này NATO đã quyết định tái thực hiện các chiến dịch phối hợp với quân đội Afghanistan để trấn áp Taliban.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang cố "thổi thêm sức mạnh” cho NATO khi quả quyết cách đây không lâu rằng, phần lớn các đơn vị của NATO tiếp tục thực hiện một cách bình thường việc phối hợp ở tất cả các cấp trên chiến trường Afghanistan. Tuy nhiên, ông cũng tái khẳng định không gì có thể thay đổi tiến trình chuyển giao an ninh cho các lực lượng Afghanistan vào năm 2014.

Như vậy, chỉ thời gian mới có thể trả lời được liệu Kabul có lại trở thành "miếng mồi" cho Taliban hay không? Hiện có khá nhiều dự đoán theo chiều hướng mà cả Mỹ, NATO lẫn chính quyền Kabul hiện nay đều không dám nghĩ tới./.

(Vietnam+)
---------------
 Ấn Độ thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos

Sáng 7/10, Hải quân Ấn Độ đã thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh vượt đại dương Brahmos có tầm bắn 290 km, có khả năng mang đầu đạn thông thường nặng 300 kg.

Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn hãng tin PTI cho biết tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp đã được phóng thử từ tàu khu trục INS Teg ở ngoài khơi vùng Gua, bắn trúng mục tiêu là một chiếc tàu giả định.

Nguồn tin cho biết INS Teg là chiến hạm mới nhất của Hải quân Ấn Độ mới tiếp nhận từ Nga, sản xuất tại xưởng đóng tàu Yantar.

Tên lửa Brahmos là sản phẩm hợp tác giữa công nghiệp quốc phòng giữa Nga và Ấn Độ, được phát triển dựa trên tên lửa chống hạm Yakhont của Nga. Đây là một loại tên lửa hành trình thông dụng của ba quân chủng, có tốc độ gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh và được mệnh danh là “công nghệ dẫn đường hoàn thiện nhất”.

Tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos được thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ chống hạm, có khả năng phóng từ nhiều phương tiện: tàu chiến, tàu ngầm, máy bay và bệ phóng di động trên đất liền.

TTXVN/Tin tức
--------------
Hàn Quốc tăng cường năng lực bảo vệ quần đảo tranh chấp

 Hàn Quốc nên tăng mạnh năng lực của các đội đặc nhiệm hải quân nhằm bảo vệ hiệu quả hơn chủ quyền của nước này đối với các quần đảo ở phía cực đông và cực nam, hãng thông tấn Yonhap dẫn một báo cáo chính phủ cho biết ngày 7.10.

Theo báo cáo của Cơ quan Chương trình Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc (DAPA), Hải quân Hàn Quốc nên có ít nhất 3 - 4 đội đặc nhiệm để bảo vệ quần đảo Dokdo và đảo chìm Ieodo trên biển Hoa Đông trước những tuyên bố chủ quyền của nước ngoài.

Cả hai quần đảo này hiện do Hàn Quốc quản lý nhưng Nhật cũng tuyên bố chủ quyền đối với Dokdo và đặt tên quần đảo này là Takeshima. Trung Quốc thì tuyên bố chủ quyền đối với Ieodo và gọi đảo đá ngầm này là Tô Nham Tiêu.

Một đội đặc nhiệm hải quân thường bao gồm 2 tàu khu trục lớp Aegis, 2 tàu khu trục lớp Hàn Quốc, 16 máy bay trực thăng chống tàu ngầm, 1 tàu đổ bộ, 2 tàu ngầm có lượng choán nước 3.000 tấn, 3 máy bay tuần tra biển và 1 tàu hỗ trợ hậu cần.

Vào tháng 2.2010, Hàn Quốc đã thành lập đội đặc nhiệm hải quân đầu tiên với khoảng 10 tàu, bao gồm tàu chiến lớp Aegis Vua Sejong.

DAPA cho biết họ đã soạn thảo báo cáo với điều kiện các nước láng giềng của Hàn Quốc sẽ huy động khoảng 30% năng lực hải quân của họ trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột gần các đảo tiền tiêu.

Báo cáo của DAPA, do Hạ nghị sĩ Ahn Gyu-baek thuộc đảng đối lập Dân chủ Thống nhất công bố, ghi nhận rằng việc thành lập 4 lực lượng đặc nhiệm sẽ cần chi phí 19,8 tỉ USD cùng 6.100 lính hải quân.

Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kwan-jin đồng ý với mục đích của báo cáo trong phiên điều trần trước quốc hội ngày 5.10 nhưng nói rằng kế hoạch của DAPA sẽ cần nhiều thời gian để thực hiện. Trước mắt, ông cho biết chính phủ sẽ khởi công đóng 6 tàu khu trục thế hệ mới.

Căng thẳng gia tăng giữa Seoul và Tokyo sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thực hiện chuyến thăm vô tiền khoáng hậu đến quần đảo Dokdo/Takeshima hồi tháng 8. Nhật đã phản đối mạnh mẽ chuyến thăm này.

Đảo Ieodo chìm dưới mặt biển 4,6 m và nằm trong khu vực chồng lấn giữa hai vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trùng Quang// Thanh Niên
----------------
Mỹ và Peru tái đàm phán về thỏa thuận hợp tác quốc phòng

Ông Leon Panetta nhấn mạnh: việc nâng cấp Thỏa thuận quốc phòng ký năm 1952 với Peru sẽ giúp 2 nước xích lại gần hơn.

Mỹ và Peru sẽ tái đàm phán về Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tồn tại 60 năm qua giữa 2 bên trong bối cảnh Washington muốn tăng cường hợp tác an ninh với các nước Mỹ Latin sau 1 thập kỷ hao người tốn của vào các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
 
Phát biểu hôm 6/10 tại thủ đô của Peru, sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Pedro Cateriano, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nhấn mạnh, việc nâng cấp Thỏa thuận quốc phòng ký năm 1952 với Peru sẽ giúp 2 nước xích lại gần hơn trong những vấn đề cùng quan tâm như chống khủng bố, ngăn chặn nạn buôn lậu ma túy và ứng phó với thảm họa thiên nhiên.

Ông Leon Panetta cho biết, việc nâng cấp thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Peru có thể giúp 2 nước tăng cường các hoạt động chung trong trao đổi kinh nghiệm và huấn luyện nhân sự.

Việc tái đàm phán Thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Peru có thể được coi là 1 phần trong chiến lược chuyển trọng tâm sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dường với việc tăng cường hỗ trợ các nước đối tác nâng cao khả năng phòng vệ./.

Diệu Hương/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters
------------
Mỹ mở rộng cuộc chiến bí mật khắp khu vực Bắc Phi

Tạp chí Stars & Stripes (Mỹ) ngày 3/10 cho biết, các toán nhỏ thuộc lực lượng tác chiến đặc biệt của quân đội Mỹ đã có mặt trong các đại sứ quán Mỹ ở tất cả các nước Bắc Phi trong những tháng trước khi xảy ra cuộc tấn công ác liệt của các chiến binh giết hại Đại sứ Mỹ tại Libya.

Nhiệm vụ của các toán hoạt động đặc biệt là thiết lập một mạng lưới có thể nhanh chóng tấn công một mục tiêu khủng bố hoặc giải cứu con tin ở tất cả các nước khu vực.

Các nỗ lực chống khủng bố cho thấy Chính quyền Mỹ hết sức lo ngại trước mối đe dọa ngày càng tăng của al-Qeada và các chi nhánh của chúng tại Bắc Phi. Nhưng các quan chức Mỹ cho biết, các toán hoạt động đặc biệt quá mới nên không thể đối phó với cuộc tấn công tại Benghazi - nơi Chính quyền Mỹ cho rằng các chiến binh có quan hệ với al-Qaeda đã bao vây, giết hại Đại sứ Chris Stevens và 3 người Mỹ khác trong cơ quan lãnh sự Mỹ vốn được bảo vệ sơ sài.

Đầu tháng 9/2012, các toán đặc nhiệm Mỹ vẫn chỉ gồm các sĩ quan liên lạc được giao nhiệm vụ xây dựng quan hệ với chính quyền địa phương và liên lạc với các quan chức Mỹ trong khu vực. Và đến nay, lực lượng Mỹ chỉ tiến hành các chiến dịch chống khủng bố hạn chế ở châu Phi.

Ngày 2/9, người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little khẳng định, trong giai đoạn hiện nay quân đội Mỹ không có kế hoạch hoạt động đơn phương nào trong khu vực mà chỉ tập trung giúp đỡ các nước châu Phi xây dựng lực lượng của họ.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt, Đại tá Tim Nye, cho biết các binh sĩ của lực lượng tác chiến đặc biệt đang tiến hành nhiệm vụ chống khủng bố hàng ngày tại 75 quốc gia châu Phi.

Cách tiếp cận chậm chạp của đơn vị chống khủng bố bí mật hàng đầu của quân đội Mỹ - hay còn gọi Lực lượng Delta - là một nỗ lực của Nhà Trắng nhằm đối phó với những lời chỉ trích của một số nghị sĩ, các nhà hoạt động nhân quyền và nhiều người khác cho rằng cuộc chiến chống khủng bố đang chuyển sang cuộc chiến bí mật bằng cách sử dụng các chiến dịch đặc biệt để tập kích và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm tránh trách nhiệm giải trình công khai.

Chính quyền đang tranh thủ thời gian để thành lập đơn vị mới nhằm trấn an tất cả các nhân vật quan trọng như các đại sứ Mỹ, trưởng toán CIA, các sĩ quan chỉ huy quân đội Mỹ trong khu vực và các nhà lãnh đạo địa phương. Rốt cuộc, Lực lượng Delta sẽ tạo thành xương sống của lực lượng đặc nhiệm quân sự chịu trách nhiệm tấn công al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác khắp khu vực bằng các loại vũ khí kể cả máy bay không người lái.

Nhưng trước tiên, đơn vị này phải giành được sự ủng hộ bằng cách giúp đỡ các nước Bắc Phi xây dựng các đơn vị hoạt động đặc biệt và chống khủng bố của họ. Và tất nhiên Chính quyền Mỹ sẽ sử dụng các đơn vị quân đội hoặc tình báo khác để trả đũa các thủ phạm gây nên cuộc tấn công cơ quan lãnh sự Mỹ ngày 11/9 ở Benghazi.

Chính quyền Obama rất quan tâm đến sức mạnh ngày càng tăng và ảnh hưởng của các chi nhánh al-Qaeda tại Yemen, Somalia, Iraq và Bắc Phi. Do đó, đến nay chỉ chi nhánh al-Qaeda tại Yemen tìm cách tấn công trực tiếp các chuyến bay đến Mỹ. Lực lượng đặc nhiệm mới sẽ hoạt động tương tự các đơn vị được Mỹ thành lập trước đây tại Bắc Phi để chống lại các chi nhánh al-Qaeda hiện đang phát triển về số lượng và được trang bị các loại vũ khí lấy được từ các kho dự trữ sau cuộc cách mạng Libya. Chúng cũng được tài trợ tiền bạc bởi một mạng lưới tội phạm buôn bán ma túy và bắt giữ con tin.

Hiện nay chi nhánh al-Qaeda ở khu vực Bắc Phi (AQIM) và giáo phái cực đoan Boko Haram đặt căn cứ tại Nigiêria là hai chi nhánh lớn nhất và nguy hiểm nhất. Các nhóm khủng bố thường sử dụng bạo lực để áp đặt các đạo luật cực đoan Hồi giáo ở bất cứ khu vực lãnh thổ nào chúng chiếm được khắp châu Phi.

Các quan chức Mỹ tin rằng có thể AQIM đã giúp nhóm chiến binh Libya người địa phương tổ chức cuộc tấn công ở Benghazi và Boko Haram đã giết hại hơn 240 người trong một chiến dịch ám sát và đánh bom chống những người Kitô giáo và chống Chính phủ đầu năm nay.

Hơn nữa, các chính phủ Libya và Nigeria yêu cầu Mỹ hỗ trợ để xây dựng khả năng hoạt động đặc biệt cho lực lượng của họ nhằm chống lại các nhóm quan hệ với al-Qaeda và Nigeria yêu cầu Mỹ giúp kiểm soát khu vực biên giới để ngăn chặn nạn buôn lậu của các chiến binh.

Chính quyền Mali cũng yêu cầu Mỹ giúp đỡ để giành quyền kiểm soát khu vực phía Bắc từ nhóm AQIM và Boko Haram, từ đó mở ra khả năng lực lượng đặc biệt Mỹ sẽ trở lại nước này trong nay mai./.

(TTXVN)
----------------
Hàn sẽ tăng tầm bắn tên lửa trùm lãnh thổ Triều Tiên

Ngày 7/10, Hàn Quốc thông báo đã đạt một thỏa thuận với Mỹ để tăng hơn gấp đôi tầm bắn của các hệ thống tên lửa nhằm bao trùm toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên - một hành động chắc chắn sẽ khiến cho Bình Nhưỡng nổi giận.
 
Cố vấn an ninh quốc gia Chun Yung-Woo nói với các nhà báo rằng thỏa thuận kể trên cho phép Hàn Quốc triển khai các tên lửa với tầm bắn 800km, tăng đáng kể từ mức hạn chế hiện nay là 300km.
 
"Mục tiêu lớn nhất của việc sửa đổi này là để đối phó với những khiêu khích quân sự của Triều Tiên," ông Chun nói.
 
Như vậy toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên, và thậm chí cả một số khu vực của Trung Quốc và Nhật Bản, cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc.
 
Mỹ có 28.500 quân tại Hàn Quốc và bảo đảm "ô hạt nhân" trong trường hợp bị tấn công bằng bom nguyên tử. Đổi lại, Hàn Quốc chấp nhận bị giới hạn khả năng tên lửa.
 
Một thỏa thuận ký kết tại Mỹ năm 2001 - đúng vào năm Hàn Quốc tham gia Cơ chế Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR) - hạn chế tên lửa của nước này trong tầm bắn 300km và chỉ có tải trọng 500kg.
 
Với lý do Triều Tiên xúc tiến các chương trình hạt nhân, lâu nay Seoul yêu cầu tăng giới hạn này, đặc biệt là sau vụ bắn rocket thất bại của miền Bắc hồi tháng 4 năm nay.
 
Bình Nhưỡng khẳng định họ chỉ muốn đưa vệ tinh lên quý đạo nhưng Mỹ và các đồng minh coi vụ thử thất bại này là một cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa trá hình đã bị cấm theo các nghị quyết của LHQ.
 
Cố vấn Chun cho hay thỏa thuận mới nhằm "đảm bảo một sự phản ứng toàn diện hơn trước các mối đe dọa tên lửa" của miền Bắc./.

(Vietnam+)
-----------
Không quân Ấn Độ chuẩn bị đưa UCAV vào phiên chế

Theo tờ Economic Times, Lực lượng không quân Ấn Độ (IAF) đang có kế hoạch đưa máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) vào phiên chế năm 2013.

Máy bay chiến đấu không người lái có tên Harop mua của Israel sẽ giúp cho IAF có khả năng tấn công các mục tiêu giá trị cao như các vị trí tên lửa và radar của đối phương mà không cần sử dụng máy bay chiến đấu có người lái.

Một quan chức cấp cao của IAF cho biết UCAV dự kiến sẽ được đưa vào phiến chế của IAF trong năm tới nhằm tăng cường hỏa lực cho IAF trong xung đột.

Harop sẽ là máy bay chiến đấu không người lái đầu tiên của IAF mặc dù quân chủng này hiện đã có một phi đội máy bay không người lái Searcher và Heron đảm nhận vai trò do thám và giám sát.

Không giống như máy bay không người lái Predator được Mỹ sử dụng chống quân Taliban tại Afghanistan và Pakistan, có thể phóng tên lửa và trở về sau khi thực hiện nhiệm vụ, Harop là loại máy bay tự hủy nên mua Harop là một sự lựa chọn tốn kém hơn.

Ấn Độ đặt mua loại máy bay này của Ixraen cách đây 2 năm theo một hợp đồng dự kiến trị giá hơn 5 tỷ rupee./.

(Vietnam+)
-----------
Tàu sân bay trực thăng Mỹ tới Philippines tập trận

Một trong ba nhóm tàu chiến của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương hôm 5/9 đã tới Philippines.

Tàu sân bay trực thăng USS Bonhomme Richard (LHD-6) của lính thủy đánh bộ Mỹ cùng hai tàu khu trục nhỏ thả neo ở một căn cứ cũ của hải quân Mỹ tại vịnh Subic, thuộc tỉnh Zambales trên đảo lớn Luzon.

Có khoảng 2.200 lính Mỹ trên tàu USS Bonhomme Richard,Phil Starđưa tin. Ngoài ra, chiến hạm Mỹ còn mang theo nhiều xe tấn công đổ bộ, xe bọc thép hạng nhẹ, trực thăng và các máy bay phản lực lên thẳng Harrier.

Lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ phối hợp với binh sĩ Philippines tham gia các hoạt động diễn tập đổ bộ, cũng như các cuộc tập trận trên bộ ở tỉnh Zambales và đảo Palawan ở tây nam của quốc đảo. Mang tên gọi Phiblex 2012, cuộc tập trận chung Mỹ - Philippines sẽ đồng thời diễn ra từ ngày mai.

Trong một thông báo, đại sứ quán Mỹ ở Philippines cho hay, tàu USS Bonhomme Richard tới quốc đảo trong một chuyến thăm thiện chí nhằm nhấn mạnh hơn nữa các mối quan hệ quân sự, cộng đồng và lịch sử sâu sắc giữa hai nước.
( Soha)
-------------
Nga khôi phục vụ thử hạt nhân chưa tới hạn

Jane's Defence dẫn nguồn tin từ Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Nhà nước Nga (Rosatom) cho biết, nước này sẽ khôi phục các cuộc thử hạt nhân chưa tới hạn.

 Theo đại diện của Rosatem, Nga cần thực hiện những cuộc thử này để đánh giá khả năng tác chiến của vũ khí hạt nhân, cũng như an ninh của việc cất giữ dài hạn vũ khí đó.

Phía Nga tuyên bố, những kiểm tra này không vi phạm Hiệp ước về cấm toàn bộ các cuộc thử hạt nhân mà Nga đã ký tháng 9/1996.

Các vụ thử hạt nhân chưa tới hạn, hay còn gọi là thử hạt nhân dưới ngưỡng, là một cách kích nổ đặc biệt các đầu đạn hạt nhân bằng đồng vị plutonium và uranium, nhưng không giải phóng năng lượng hạt nhân.

Khi tiến hành các cuộc thí nghiệm, có kích nổ chất nổ hoá học, chất nổ này tạo sóng nổ nén các mẫu vật liệu phân rã có thời hạn cất giữ khác nhau và các bộ phận cấu thành của đầu đạn hạt nhân.

Những thử nghiệm như vậy cho phép nghiên cứu các quá trình vật lý xảy ra trong các đầu đạn hạt nhân ở thời điểm vụ nổ.

Ưu điểm của các cuộc thử nghiệm này là không làm ô nhiễm môi trường và phát ra chất phóng xạ. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu có được khả năng xác định dự trữ còn lại của việc cất giữ các đầu đạn hạt nhân và khẳng định độ tin cậy của chúng.

Trường bắn Matochkin Shar (đảo Novaya Zemlya) hay còn được biết đến với tên Công trình - 700 (thành lập năm 1954) là nơi thuận tiện hơn cả để tiến hành những cuộc thử này.

Trường bắn có ba bộ phận chính để thử hạt nhân trên mặt đất, dưới nước, dưới mặt đất và trên không: Chernaya Guba, Matochkin Shar D-II.

Lần thử có tạo năng lượng hạt nhân cuối cùng đã được thực hiện tại trường bắn Đất Mới vào năm 1990. Tổng cộng tại trường bắn đã thực hiện 130 vụ nổ hạt nhân.

Nguyễn Vũ (theo Lenta, ĐVO)
--------------
Lính Nga ở lại Tajikistan tới năm 2042

Căn cứ 201 của Nga vẫn tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa Tajikistan đến hết năm 2042.

Hôm 5/10, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anatoly Serdyukov và người đồng cấp Sherali Khairulloyev đã ký thỏa thuận về quy chế và điều kiện hoạt động của căn cứ quân sự số 201 của Nga tại Tajikistan và Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa hai nước.

Theo đó, căn cứ quân sự số 201 của Nga vẫn tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ của Tajikistan đến hết năm 2042 và có thể gia hạn hợp đồng khi hết hạn.

Thỏa thuận này thay thế cho một thỏa thuận tương tự trước đó có giá trị đến năm 2014 được hai bên ký ngày 25/5/1993.

Ngoài ra, các nhân viên kỹ thuật, sỹ quan và thành viên gia đình Nga cũng như tài sản của căn cứ được hưởng quy chế như cơ quan đại diện ngoại giao và công vụ.

“Đây là mức độ, quy chế  rất cao chỉ sau quy chế ngoại giao”, Phụ tá của Tổng Thống Nga Yury Ushakov cho biết.

Cũng theo thỏa thuận, phía Nga không phải trả tiền thuê căn cứ, đổi lại Nga góp phần đảm bảo hòa bình, an ninh của Tajikistan cũng như khu vực.

Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai bên chủ yếu là đào tạo các nhân viên quân sự và một số vấn đề khác.

Hiện nay, căn cứ quân sự số 201 là căn cứ quân sự trên bộ lớn nhất ở nước ngoài của Nga, một phần của Quân khu Volga-Urals.

Toàn căn cứ có 7.000 người, nơi đây đóng 3 trung đoàn cơ giới, trung đoàn pháo tự hành, một trung đoàn tên lửa phòng không, tiểu đoàn độc lập trang bị hệ thống tên lửa phóng loạt Grad, được bố trí tại sân bay Dushanbe.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô thì cơ sở pháp lý cho việc đặt căn cứ quân sự 201 (tiền thân là Sư đoàn 201) của Nga trên lãnh thổ Tajikistan là Hiệp ước an ninh tập thể được ký ngày 15/5/1992 và sau đó là Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác hỗ trợ giữa Nga và Tajikistan được ký ngày 25/5/1993.

Thu Hoài (theo Arms-Tass, ĐVO)



 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te