Phát hiện tài liệu phản động vi phạm chủ quyền biển đảo VN
Ngày 7-10, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan TP.HCM cho biết vừa kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được gửi từ nước ngoài (Mỹ, Trung Quốc) về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh hàng không, làm thủ tục hải quan theo diện quà biếu, phi mậu dịch nhiều tài liệu phản động và có nội dung đồi trụy.
Đáng lưu ý trong số DVD chương trình truyền hình, sách phản động có một quyển sách Atlas of the world có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
V.H.Q.// Tuổi Trẻ
---
Trung Quốc phát hiện mỏ niken trữ lượng gần 1,3 triệu tấn
Ngoài niken, mỏ vừa phát hiện còn có các loại khoáng sản khác, với tổng trữ lượng lên tới hơn 2 triệu tấn, trong đó có khoảng 220.000 tấn đồng và 60.000 tấn coban.
Theo nguồn tin Tân hoa xã, các nhà địa chất Trung Quốc vừa phát hiện ra một mỏ niken có trữ lượng ít nhất 1,28 triệu tấn ở hạt Ruoqiang, khu tự trị Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc.
Mỏ này được kỳ vọng sẽ đáp ứng nguồn thiếu hụt niken cho các ngành công nghiệp vốn đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc.
Ngoài niken, mỏ vừa phát hiện còn có các loại khoáng sản khác, với tổng trữ lượng lên tới hơn 2 triệu tấn, trong đó có khoảng 220.000 tấn đồng và 60.000 tấn coban.
Được tài trợ bởi quỹ thăm dò địa chất trung ương, các ban ngành về địa chất và cac công ty khai mỏ tại Thiên Tân đã thực hiện hoạt động thăm dò từ năm 2009.
Niken là một kim loại sáng màu trắng bạc, được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, quốc phòng và công nghiệp dân sự. Theo thống kê, Trung Quốc hiện có trữ lượng khoảng 9 triệu tấn niken, đứng thứ 9 thế giới.
( Theo Stockbiz/TTVN)
----------------
Tổng thống Venezuela Chavez tái thắng cử nhiệm kỳ 4
Tổng thống Venezuela Chavez đã được tái bầu thêm nhiệm kỳ 6 năm nữa trong cuộc bầu cử ngày 7/10, cuộc bầu cử được cho là thách thức nhất của ông trong suốt 14 năm cầm quyền khi đối đầu với ứng viên trẻ Henrique Capriles.
Ông Chavez đã giành được 54,42% phiếu bầu so với 44,97% của đối thủ Capriles, Ủy ban bầu cử quốc gia Venezuela cho hay. Trong khi đó, pháo hoa được người ủng hộ Tổng thống và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của ông bắn khắp Caracas.
Hàng trăm người ủng hộ ông Chavez đã tụ tập trước dinh tổng thống Miraflores trước khi kết quả sơ bộ được thông báo. Họ bắn pháo hoa, thổi kèn và giương biển hiệu khi bài hát trong chiến dịch tranh cử của ông Chavez được vang lên.
Kết quả bỏ phiếu sau khi một tỉ lệ lớn cử tri đi bầu cho thấy ông Chavez đã đối mặt với một cuộc đua cam go nhất trong suốt 14 năm nắm quyền. Ngay trước cuộc bỏ phiếu ngày chủ nhật, 7/10, ông Chavez được dự đoán dẫn trước đối thủ 10%. Ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006 với tỉ lệ ủng hộ 62%, bỏ xa đối thủ gần nhất hơn 20%.
Hiện chưa có phản ứng từ đối thủ 40 tuổi Capriles, người đã cam kết sẽ tôn trọng kết quả bầu cử, bất chấp phần thắng nghiêng về ai.
Cả ông Chavez và đối thủ Capriles trước đó đều kêu gọi mọi người bình tĩnh và tôn trọng kết quả. “Tôi kêu gọi đất nước bình tĩnh, kiên nhẫn; không ai thất vọng, không ai khiêu khích, dùng bạo lực và chúng ta đợi kết quả”, ông Chavez cho biết trong cuộc điện thoại với nhóm tranh cử của mình.
Vũ Quý
Theo AFP, Dân trí
---------------
VN muốn giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Phạm Quang Vinh dẫn đầu đã tham dự Diễn đàn Hàng hải ASEAN (AMF) lần 3 và Diễn đàn Hàng hải ASEAN Mở rộng (EAMF) lần thứ nhất đã diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines từ ngày 3-5/10.
Phát biểu tại các diễn đàn, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đã trình bày lập trường quốc gia của Việt Nam về tăng cường hợp tác khu vực trong lĩnh vực biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển, vì lợi ích của mỗi quốc gia và của cả khu vực.
Ông nhấn mạnh tới việc thúc đẩy xây dựng lòng tin, hợp tác bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS) cũng như các văn kiện, thỏa thuận khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cũng đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong điều phối hợp tác khu vực về biển, nhất là trong việc chỉ đạo xây dựng chương trình nghị sự và xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong khu vực này. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đã nhấn mạnh việc tích cực phối hợp triển khai các sáng kiến có liên quan của ASEAN về hợp tác môi trường biển, hợp tác ứng phó thiên tai, các sự cố trên biển, đặc biệt là sáng kiến về hợp tác giúp đỡ người và tàu thuyền đi biển gặp nạn.
Tại cả hai diễn đàn, các nước ASEAN và các nước đối tác Đông Á đã trình bày quan điểm quốc gia về an ninh biển, trao đổi về tăng cường hợp tác biển tại khu vực, trong đó có việc phối hợp, hợp tác liên ngành về an ninh, an toàn hàng hải; phòng chống cướp biển; tăng cường kết nối; xây dựng hạ tầng biển; nâng cao năng lực, đào tạo thủy thủ; bảo vệ môi trường biển và hợp tác về nghề cá, du lịch sinh thái biển…
Các nước đều nhất trí tranh thủ tăng cường các cơ hội hợp tác và xây dựng lòng tin, đi đôi với bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải nhằm xây dựng môi trường thuận lợi cho hợp tác biển.
Theo đó, đối với các tranh chấp trên biển, các nước một lần nữa nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS), cũng như các văn kiện, thỏa thuận khu vực có liên quan như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố về 6 Nguyên tắc trên Biển Đông…; đồng thời nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, tránh để tranh chấp leo thang thành xung đột.
Tại AMF, các nước ASEAN đã điểm lại những hoạt động hợp tác khu vực về an ninh biển, trong đó có kết quả của AMF 1 và 2, nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực về biển; nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong tăng cường hợp tác biển khu vực nhất là trong Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng.
Tại EAMF, các nước đã thảo luận nhiều về luật pháp quốc tế, vai trò của UNCLOS, coi đây là cơ sở pháp lý căn bản trong bảo đảm ứng xử của các quốc gia, xác định cơ sở pháp lý cho giải quyết tranh chấp cũng như trong hợp tác biển.
Một số nước đã đưa ra các đề xuất cụ thể như tổ chức các khóa đào tạo, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho nghề cá, tăng cường hợp tác về pháp lý trong phòng chống cướp biển, bảo vệ môi trường, tăng cường kết nối và thúc đẩy hợp tác du lịch biển…/.
(TTXVN)
---------------
Mỹ lo gián điệp Trung Quốc đội lốt công nghệ
TP - Cuối tuần qua, Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ cảnh báo các công ty Mỹ nên tránh làm ăn với Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ 2 thế giới, vì lo ngại thiết bị của hãng Trung Quốc này có thể mở cửa cho gián điệp.
“Trong trường hợp cân nhắc mua thiết bị từ Huawei, nên chọn một nhà cung cấp khác, nếu bạn quan tâm về sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư của người tiêu dùng và an ninh quốc gia của nước Mỹ”, Chủ tịch Ủy ban Mike Rogers nói.
Ông Rogers, cựu đặc vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI), phát biểu trên chương trình truyền hình 60 Minutes (60 phút) của đài CBS phát sóng hôm 7-10.
Hôm nay (8-10), một nhóm chuyên gia của Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ sẽ công bố kết quả điều tra gần một năm về nguy cơ an ninh đến từ Huawei Technologies và ZTE (Trung Quốc). ZTE là sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ 5 thế giới.
Một thành viên của nhóm chuyên gia tên là Ruppersberger nói trong chương trình 60 Minutes: “Một trong những lý do chính mà chúng tôi thực hiện cuộc điều tra này là giáo dục công dân Mỹ về kinh doanh…, về thế giới viễn thông”.
Theo nội dung chương trình 60 Minutes, Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ tin rằng, việc cho phép Huawei xây dựng và vận hành nhiều cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ sẽ mở đường cho phía Trung Quốc do thám chính phủ Mỹ và tham gia vào hoạt động tình báo công nghiệp.
Phản ứng trước những thông tin trên, Huawei nói rằng hãng được “tôn trọng và tin tưởng trên toàn cầu”, làm ăn ở gần 150 thị trường với hơn 500 khách hàng doanh nghiệp, bao gồm những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn ở mọi châu lục, trừ Nam Cực.
“Độ an toàn, an ninh và tính tổng thể của sản phẩm của chúng tôi đã được chứng minh trên thế giới. Đó là thực tế hôm nay. Đó cũng là thực tế tuần sau, nếu không bị gắn yếu tố chính trị vào”, thư điện tử của William Plummer, người phát ngôn của Huawei ở Washington (Mỹ), viết.
Những nỗ lực của Huawei và ZTE ở Mỹ đang bị ngăn trở vì phía Mỹ lo lắng trước cáo buộc ngày càng tăng về tình báo kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt thông qua hệ thống máy tính.
Từ khi giới thiệu thiết bị mạng của mình ở Mỹ hồi năm ngoái, Huawei đã bán được sản phẩm cho nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông quy mô vừa và nhỏ khắp nước Mỹ.
Huawei cũng giới thiệu điện thoại di động cho nhiều nhà cung cấp của Mỹ trong 4 năm qua.
Cả Huawei và ZTE bác bỏ những thông tin cho rằng, việc họ mở rộng hoạt động ở Mỹ dẫn tới rủi ro an ninh cho Mỹ.
Hai hãng này nói rằng, họ hoạt động độc lập, không phụ thuộc chính quyền Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích của Mỹ, Trung Quốc thường hỏi các nhà khoa học nước này - những người tham gia chương trình trao đổi mang tính học thuật, hoặc tham dự phái đoàn thương mại, chương trình hợp tác khoa học hoặc những sự kiện tương tự.
Hơn nữa, Nhà nước Trung Quốc yêu cầu công dân của mình hợp tác trong những trường hợp cụ thể.
Vì thế, Trung Quốc có thể tận dụng rất nhiều đầu mới được tuyển dụng để thu thập, đánh cắp thông tin tình báo về các công nghệ mới của Mỹ, bao gồm công nghệ quân sự nhạy cảm nhất.
Trung Quốc cũng tiếp cận công nghệ bí mật của nước ngoài thông qua tình báo công nghiệp. Giới chức hải quan và nhập cư Mỹ đã coi hoạt động đánh cắp và tình báo công nghiệp Trung Quốc là nguy cơ hàng đầu đối với an ninh công nghệ Mỹ.
Từ tháng 10-2002 tới tháng 2-2003, năm doanh nhân Trung Quốc bị buộc tội vận chuyển trái phép thiết bị và bí mật thương mại từ bang California về Trung Quốc.
Giới chức Mỹ mới đây ngăn chặn một người đàn ông Trung Quốc mua một máy tính tốc độ cao của Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, từng được dùng để xử lý các dự án bí mật, trong đó có phát triển vũ khí hạt nhân.
Minh Long
Theo CBS New, AP, Tiền Phong
------------------------------
Nhật Bản sẽ giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân
(VOV) - Đó là khẳng định của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda khi đi thị sát các khu vực của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 7/10 tới thăm nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi - nơi bị ảnh hưởng nặng nề từ thảm hoạ động đất và sóng thần tháng 3/2011.
Đây là chuyến thị sát trực tiếp đầu tiên của Thủ tướng Noda tới nhà máy này trong vòng 1 năm qua nhằm thể hiện quyết tâm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân. Chuyến thăm trước đó diễn ra vào tháng 9/2011.
Phát biểu khi đi thị sát các khu vực của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Thủ tướng Noda cho biết, Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi con đường giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân: “Con đường hướng tới việc ngừng hoạt động các lò phản ứng hạt nhân vẫn còn rất dài nhưng tôi thực sự thấy chúng ta đang hướng tới mục tiêu này một cách kiên định. Tôi tin rằng, đây cũng là điều cần thiết cho sự tái thiết và xây dựng lại nền tảng của khu vực Fukushima”./.
Thuỳ Linh/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
--------------
Thủ tướng Anh đề xuất EU cần có hai ngân sách riêng
Ngày 7/10, Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra đề xuất Liên minh châu Âu (EU) nên có hai ngân sách riêng rẽ cho các quốc gia thành viên Khu vực đồng Eurozone và các quốc gia không thuộc khu vực này.
Đề xuất trên được Thủ tướng Cameron đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn BBC trong ngày đầu tiên của đại hội đảng Bảo thủ.
Ông cũng cảnh báo sẽ phủ quyết một ngân sách EU mới "nếu cần thiết" trong bối cảnh EU đang bắt đầu thương lượng về ngân sách tiếp theo cho giai đoạn từ 2014 đến 2020.
Theo BBC, Thủ tướng Anh sẽ phản đối nếu có đề xuất "tăng mạnh" trong ngân sách mới hay nếu một thỏa thuận "không được khống chế thích hợp" được thúc đẩy.
Ông Cameron cho rằng các quốc gia không thể tiếp tục rót tiền vào EU trong khi phải cắt giảm ngân sách của chính mình.
Năm ngoái, Thủ tướng Cameron từng phủ quyết một thỏa thuận của EU về phối hợp các chính sách ngân sách và áp đặt phạt với những quốc gia vi phạm.
Đại hội mùa Thu của đảng Bảo thủ Anh bắt đầu chiều 7/10 và sẽ kéo dài trong bốn ngày./.
(TTXVN)
----------------
Mỹ tiếp tục siết chặt trừng phạt lên Iran
Ngày 7.10, AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cảnh báo nếu không hợp tác với cộng đồng quốc tế, Iran sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế mới mạnh hơn.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Peru hôm 9.10, ông Panetta cho biết Mỹ và phương Tây hy vọng Iran tham gia giải quyết vấn đề làm giàu uranium mà Mỹ lo ngại dùng để phát triển một quả bom nguyên tử. Nếu không, cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung.
Cuộc bạo động hôm 3.10 tại Tehran do đồng Rial của Iran mất giá 40% đã cho thấy tác động đáng kể của lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Iran. Tuy nhiên, chuyên gia Thierry Coville của Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược có trụ sở ở Pháp nhận định điều này chưa đủ để làm suy yếu chế độ hay buộc Tehran phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
AFP dẫn lời một quan chức Pháp cho biết Liên minh Châu Âu đang xem xét khả năng siết chặt các biện pháp trừng phạt hơn nữa.
Những đe dọa trừng phạt từ phía Washington nhằm vào chương trình hạt nhân của Tehran vẫn tiếp tục được siết chặt bất chấp cảnh báo từ Liên Hiệp Quốc về mặt nhân đạo của lệnh cấm vận. Hôm 5.10, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cảnh báo những trừng phạt của phương Tây đang tác động đáng kể đến cuộc sống của người dân Iran và dẫn đến thiếu hụt các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thiết yếu như thuốc men, theo Press TV.
Trương Y Vân// Thanh Niên
--------------
Việt Nam tham dự Diễn đàn Biển ASEAN tại Manila
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu đã tham dự các diễn đàn.
Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) lần 3 và Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng (EAMF) lần 1 đã được tổ chức tại Manila (Philippines) từ 3-5/10/2012.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Phạm Quang Vinh dẫn đầu đã tham dự các diễn đàn.
Tại cả hai diễn đàn, các nước ASEAN và các nước đối tác Đông Á đã trình bày quan điểm quốc gia về an ninh biển, trao đổi về tăng cường hợp tác biển tại khu vực, trong đó có việc phối hợp, hợp tác liên ngành về an ninh, an toàn hàng hải; phòng chống cướp biển; tăng cường kết nối; xây dựng hạ tầng biển; nâng cao năng lực, đào tạo thủy thủ; bảo vệ môi trường biển và hợp tác về nghề cá, du lịch sinh thái biển…
Các nước đều nhất trí tranh thủ tăng cường các cơ hội hợp tác và xây dựng lòng tin, đi đôi với bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải nhằm xây dựng môi trường thuận lợi cho hợp tác biển.
Theo đó, đối với các tranh chấp trên biển, các nước một lần nữa nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS), cũng như các văn kiện, thỏa thuận khu vực có liên quan như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) Tuyên bố về 6 Nguyên tắc trên Biển Đông;… đồng thời nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, tránh để tranh chấp leo thang thành xung đột.
Tại Diễn đàn Biển ASEAN, các nước ASEAN đã điểm lại những hoạt động hợp tác khu vực về an ninh biển, trong đó có kết quả của Diễn đàn Biển ASEAN 1 và 2, nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực về biển; nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong tăng cường hợp tác biển khu vực nhất là trong Diễn đàn Biển ASEAN Mở rộng.
Tại EAMF, các nước đã thảo luận nhiều về luật pháp quốc tế, vai trò của UNCLOS, coi đây là cơ sở pháp lý căn bản trong bảo đảm ứng xử của các quốc gia, xác định cơ sở pháp lý cho giải quyết tranh chấp cũng như trong hợp tác biển.
Một số nước đã đưa ra các đề xuất cụ thể như tổ chức các khóa đào tạo, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho nghề cá, tăng cường hợp tác về pháp lý trong phòng chống cướp biển, bảo vệ môi trường, tăng cường kết nối và thúc đẩy hợp tác du lịch biển…
Phát biểu tại các Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đã trình bày lập trường quốc gia của Việt Nam về tăng cường hợp tác khu vực trên lĩnh vực biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển, vì lợi ích của mỗi quốc gia và của cả khu vực; nhấn mạnh việc thúc đẩy xây dựng lòng tin, hợp tác bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển (UNCLOS), cũng như các văn kiện, thỏa thuận khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)… sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong điều phối hợp tác khu vực về biển, nhất là trong việc chỉ đạo xây dựng chương trình nghị sự và xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong khu vực này.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng đã nhấn mạnh việc tích cực phối hợp triển khai các sáng kiến có liên quan của ASEAN về hợp tác môi trường biển, hợp tác ứng phó thiên tai, các sự cố trên biển, đặc biệt là sáng kiến về hợp tác giúp đỡ người và tàu thuyền đi biển gặp nạn./.
Theo Bộ Ngoại giao // VOV
----------------
Iran rút lực lượng bí mật ở Syria về nước
Báo Sunday Times (Anh) ngày 7.10 dẫn các nguồn tin an ninh phương Tây cho biết Iran đã rút 275 binh sĩ hoạt động bí mật ở Syria về nước.
Những người này thuộc một lữ đoàn có tên gọi Đơn vị 400, vốn là một phần lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran. Họ được cho là đã cùng với lực lượng an ninh của Tổng thống Bashar al-Assad chiến đấu chống lại các tay súng nổi dậy theo Hồi giáo dòng Sunni.
Việc rút quân được xem như một dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite của Iran đã giảm lòng tin về khả năng sống sót qua cuộc nổi dậy của chính quyền al-Assad.
Tuần trước, báo The Times đưa tin lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei không hài lòng với chỉ huy lực lượng Quds, thiếu tướng Qasem Soleimanei, về cách xử lý của ông này đối với cuộc khủng hoảng tại nước láng giềng Syria.
Nước Cộng hòa Hồi giáo này được cho là đã chuyển 10 tỉ USD cho chính quyền Syria kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy cách đây hơn 18 tháng. Giới chức cho biết ông Soleimanei đã đảm bảo với Đại giáo chủ Khamenei rằng ông sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, tờ báo Anh cho biết ông Khamenei đã không tin chắc điều đó sẽ xảy ra khi quân nổi dậy Syria không chịu đầu hàng. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Iran, do các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây ra, cũng đã khiến nước này không thể tiếp tục tài trợ cho đồng minh al-Assad.
(Thanh Niên)
------------
Tổng thống Cộng hoà Czech bị ám sát hụt
Trong chuyến công du mới đây đến thị trấn Chrastava cách thủ đô Prague 100km về phía bắc, đương kim Tổng thống Cộng hòa Czech Vaclav Klaus 71 tuổi đã bị một kẻ lạ mặt cố ý hạ sát, nhưng bất thành. Đây là sự kiện chưa từng có trong suốt 2 nhiệm kỳ đảm nhiệm chức vụ đứng đầu nhà nước của ông V. Klaus.
Sự việc xảy ra vào lúc 15h10’ ngày 28/9 vừa qua theo giờ địa phương, khi Tổng thống V. Klaus cùng đoàn quan khách tham dự lễ khánh thành một chiếc cầu bắc qua sông Lusatia Neisse, được phục hồi sau khi bị lũ quét phá hủy gần 2 năm trước. Bất thình lình một người đàn ông trong trang phục rằn ri nhà binh đã giương khẩu súng hướng thẳng vào người vị nguyên thủ quốc gia rồi… bóp cò, trước khi nhanh chân đào tẩu lẫn vào đám đông. Tổng cộng 7 viên đạn đã được bắn ra, nhưng điều may mắn rằng đó chỉ là một khẩu súng đồ chơi bắn đạn bằng bi nhựa nên Tổng thống không hề hấn gì.
Đương sự ngay lập tức bị cảnh sát địa phương tước súng và còng tay. Còn Tổng thống V. Klaus vẫn tiếp tục chuyến thăm và trò chuyện với mọi người như không có chuyện gì xảy ra. Sau đó, Tổng thống V. Klaus được đưa tới bệnh viện Trung ương Quân đội ở Prague để xác định lại tình trạng sức khỏe.
Các nhân chứng có mặt tại chỗ nghe thấy Tổng thống V. Klaus nói rằng kẻ đã thô bạo tấn công ông "xứng được ăn vài cái tát"; đồng thời quay sang quở trách Đội trưởng Đội cận vệ Jiri Sklenka: "Các anh chẳng được tích sự gì vì không hoàn thành nhiệm vụ".
Tạm thời Cảnh sát Chrastava chưa công bố danh tính của kẻ phạm tội mà chỉ cho biết đương sự 26 tuổi đã đóng giả như một binh sĩ đặc nhiệm để dễ bề tiếp cận Tổng thống trong phạm vi gần. Khám người hung thủ cảnh sát còn tìm thấy một lọ xịt bột tiêu. Nếu bị buộc tội ám sát nguyên thủ quốc gia, chiểu theo Luật Czech hung thủ có thể lĩnh mức án tù tối đa là chung thân truất quyền ân giảm.
Được biết, trong vòng 2 thập niên qua đã có 16 vụ tấn công chính khách cao cấp tại Cộng hòa Czech. Tiêu biểu là trường hợp của cựu Thủ tướng Mirek Topolanek, bị một nhóm thanh niên ném đá trọng thương trong một cuộc mít tinh dạo đầu năm 2009
T.H. (theo Reuters, CAND)
--------------------
Philippines và phiến quân Hồi giáo đạt được thỏa thuận hòa bình
Ngày 7/10, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết chính phủ nước này và phiến quân Hồi giáo đã đồng ý một thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc xung đột 40 năm giết chết hơn 120.000 người, mở đường để phục hồi kinh tế và chính trị ở miền nam bất ổn của đất nước.
Thỏa thuận đặt ra một lộ trình để tạo ra một khu tự trị mới mang tên Bangsamoro ở khu vực cư dân chủ yếu là người Hồi giáo ở miền nam trong một đất nước chủ yếu là người Công giáo, trước khi ông Aquino kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2016.
Sau gần 15 năm đàm phán bị bạo lực làm gián đoạn, cả chính phủ cũng như nhóm phiến quân hồi giáo lớn nhất đất nước sẽ sát cánh để hiện thực hóa những hứa hẹn trong thỏa thuận, dự kiến được ký ngày 15/10 sắp tới tại Manila dưới sự chứng kiến của ông Aquino và Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Hai bên đã đạt được thỏa thuận đối với khu vực giàu tài nguyên này trong các cuộc đàm phán tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
"Thỏa thuận này tạo ra một thực thể chính trị mới và nó xứng đáng với một cái tên tượng trưng và vinh danh cuộc đấu tranh của các bậc tiền bối của chúng ta ở Mindanao, đồng thời kỷ niệm lịch sử và nhân vật của một phần đất nước. Cái tên đó sẽ là Bangsamoro," Aquino công bố trong một chương trình phát sóng trực tiếp từ dinh tổng thống.
Trong khi những trở ngại vẫn còn ở phía trước, thỏa thuận này báo hiệu một sự đột phá lớn trong niềm tin giữa Chính phủ và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) ly khai, một lực lượng từ lâu nghi ngờ động cơ của Manila trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Zainuddin Malang, giám đốc điều hành Trung tâm hành động nhân quyền Mindanao, một nhóm xã hội giám sát thỏa thuận ngừng bắn đang có hiệu lực trong khu vực, cho biết hai bên cần phải thận trọng hơn trong những bước đi tiếp theo của mình.
Thỏa thuận đạt được cho thấy Philippines quyết tâm thay đổi tiếng xấu từ một nền kinh tế lạc hậu sang một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ để tái thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Thỏa thuận này sẽ thành lập một Ủy ban chuyển tiếp gồm 15 thành viên, họ có trách nhiệm đến năm 2015 soạn thảo luật thành lập một thực thể mới thay thế cho khu tự trị hiện tại. Thực thể mới và quyền tài phán của nó sẽ được xác định thông qua một cuộc trưng cầu ý dân sau hoàn tất văn bản chính thức.
Khu tự trị Hồi giáo mới sẽ có nhiều hơn quyền lực chính trị và kinh tế, bao gồm cả áp đặt các loại thuế để cắt giảm trợ cấp của chính phủ trung ương, chia sẻ nhiều hơn về tài nguyên thiên nhiên và có vai trò tích cực hơn an ninh nội địa.
"Thỏa thuận khung này mở đường cho một nền hòa bình chung cuộc và lâu dài ở Mindanao", ông Aquino nói. "Nó sẽ đưa tất cả các nhóm ly khai cũ vào dưới một mái nhà, Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro cũng không còn yêu sách về một nhà nước riêng biệt nữa.
"Điều này có nghĩa là, những bàn tay quen cầm súng sẽ chuyển sang cày xới đất trồng, mua bán sản phẩm, dịch vụ làm thuê và mở cửa ra cơ hội cho các công dân khác", Tổng thống nói.
VIỆT HƯNG (Theo Reuters, PNO)
--------------
Iran cảnh báo NATO can thiệp quân sự vào Syria
Ông Ali-Akbar Velayati: NATO sẵn sàng đưa ra một lời đe dọa đối với Syria nhằm can thiệp quân sự vào nước này.
Một quan chức cố vấn cấp cao của Iran hôm 6/10 cảnh báo, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang chuẩn bị dọn đường cho một sự can thiệp quân sự vào Syria.
Cố vấn của nhà lãnh đạo tối cao Iran đồng thời là cựu Ngoại trưởng nước này, ông Ali-Akbar Velayati cho rằng, NATO sẵn sàng đưa ra một lời đe dọa đối với Syria nhằm can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này trong bối cảnh 1 thành viên của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đe dọa vì đạn pháo từ nước láng giềng.
Ông nhấn mạnh, phương Tây đang tìm cách khoét sâu những xung đột biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Cựu Ngoại trưởng Iran cũng cho rằng, phương Tây đã phớt lờ một bộ phận người dân Syria ủng hộ Tổng thống B.Assad để ủng hộ các tay súng đánh thuê từ nước ngoài gây hỗn loạn tình hình tại Syria cũng như khuyến khích các nước láng giềng ủng hộ các tay súng đánh thuê này.
Về quan điểm của Iran, ông Velayati cho biết, Tehran đã, đang và sẽ ủng hộ cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria cũng như lợi ích của người dân và chính phủ nước này trong quá trình các cải cách vẫn tiếp diễn.
Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast cho biết, nước này kêu gọi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trước những căng thẳng biên giới trong những ngày qua. Bộ Ngoại giao Iran cho rằng, mục đích của những kẻ gây ra xung đột là làm xói mòn tình hữu nghị giữa 2 nước láng giềng.
Tehran cũng nhấn mạnh sẽ nỗ lực góp phần giải quyết những vấn đề mà Syria đang phải đối mặt và bày tỏ tin tưởng rằng đối thoại vẫn là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng tại đây./.
Diệu Hương/VOV-Trung tâm tin
---------------
Người Nga đã tạo ra được một nguyên tố hiếm
Các nhà khoa học Nga đã thành công trong việc hóa hợp ra nguyên tố thứ 118 trong bảng tuần hoàn Mendeleev.
Các nhà vật lý thuộc Viện khoa học nguyên tử tại vùng Dubne, ngoại thành Moscow đã tiến hành thí nghiệm hóa hợp nguyên tố 118 trong bảng tuần hoàn Mendeleev một cách thành công. Lần đầu tiên nguyên tố này được hóa hợp thành công là năm 2002.
Trong tự nhiên, không tồn tại nguyên tố có số nguyên tử lớn hơn 92 tức là nặng hơn Uran. Những nguyên tố nặng hơn, như Pluton, thì chỉ có thể được tạo ra trong các phản ứng hạt nhân. Các nguyên tố nặng hơn Fermium chỉ có thể tạo được trong máy gia tốc, bằng cách bắn phá các hạt ion nặng. Sauk hi kết hợp hạt nhân “đạn” dùng để bắn phá, chúng ta sẽ nhận được một nguyên tố mới.
Người ta dùng berkelium làm mục tiêu bắn phá. Trong hạt nhân của nó có 97 proton và khi thêm 20 proton từ “đạn” bắn phá là calci, chúng ta đã tạo ra được nguyên tố thứ 117. Quá trình bán phân rã của đồng vị berkelium là 320 đến 330 ngày. Sau thời gian này, một nửa chất này đã bị biến thành nguyên tố khác, có 98 proton (tức là đồng vị kali-249). Phản ứng giữa calci và kali đồng vị này cho ra nguyên tố 118.
Nguyên tố 118 lần đầu tiên được hóa hợp thành công năm 2006. Nhóm viện sỹ Yuri Oganesyan từ phòng thí nghiệm Flerov đã thông báo về sự ra đời của nguyên tố thứ 118, sau khi dùng máy gia tốc U-400 bắn phá cali bằng các hạt ion của đồng vị calci-48. Thời gian tồn tại của nguyên tố này chỉ là 0,9 mili giây.
Nguyễn Hiền (TheoTheo Dni, ĐVO)
------------
Các nước Địa Trung Hải tăng hợp tác trong vùng
Tại hội nghị cấp cao "Đối thoại 5+5" giữa các nước hai bờ Địa Trung Hải, diễn ra trong hai ngày 5-6/10 tại thủ đô La Valetta của Malta, các nhà lãnh đạo các nước tham dự hội nghị đã nhất trí cần tập trung nỗ lực giải quyết các vấn đề được đặt ra trong quá trình phát triển và hợp tác khu vực.
Các hoạt động hợp tác được chú ý đề cập tới là vận tải, hạ tầng, việc làm cho giới trẻ, đào tạo nghề, năng lượng và năng lượng tái tạo, du lịch, chống khủng bố, buôn lậu vũ khí, di cư bất hợp pháp và vấn đề an ninh ở Sahel với cuộc khủng hoảng Mali.
Phát biểu tại hội nghị, với sự tham dự của những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của các nước Algeria, Tunisia, Morocco, Libya và Mauritania cùng với Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Malta, Tổng thống Pháp François Hollande kêu gọi các nước trong khu vực sẵn sàng đối mặt với hai thách thức lớn trong mối quan hệ giữa hai bờ Địa Trung Hải, theo đó một mặt hỗ trợ tiến trình chính trị, quá trình chuyển tiếp dân chủ tôn trọng quyền của các dân tộc, mặt khác phát triển kinh tế ở bờ Nam đồng thời kích thích tăng trưởng ở bờ Bắc.
Ông Hollande cho rằng hai thách thức trên và các vấn đề hội nghị đề cập cần được giải quyết đồng thời thông qua các tổ chức hợp tác đang tồn tại, trong đó có Liên minh vì Địa Trung Hải. Ông nêu rõ vai trò của tổ chức vùng này cần phải khác trước, trong bối cảnh diễn ra chuyển tiếp chính trị ở một số nước bờ Nam Địa Trung Hải.
Trong khi đó, Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki khẳng định những thay đổi ở bờ Nam Địa Trung Hải "không phải là mối đe dọa" đối với châu Âu, đồng thời khẳng định các dân tộc ở Bắc Phi "không chấp nhận chế độ Hồi giáo phi dân chủ."
Tổng thống Mauritania, Mohamed Abdel Aziz tán thành quan điểm của người đồng nhiệm Tunisia và cho rằng tiến triển chính trị ở bờ Nam Địa Trung Hải góp phần ổn định vùng. Ông mong muốn các nước trong vùng "bổ trợ cho nhau" và đề xuất đối thoại giữa các nền văn minh với tinh thần tôn trọng đặc điểm riêng của nhau.
Thủ tướng Malta Lawrence Gonzi bày tỏ mong muốn Địa Trung Hải không phải là không gian chia rẽ các nước mà là không gian thống nhất các nước có liên quan.
Đối thoại 5+5 là khuôn khổ đối thoại chính trị không chính thức, với sứ mệnh thúc đẩy đối thoại giữa các nước hai bờ Bắc-Nam của Địa Trung Hải, thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn thông qua đối thoại chính trị và khuyến khích kiểm soát tốt hơn nguồn tài nguyên để tăng cường độc lập trong vùng và phát triển./.
(TTXVN)
----------------
"Biện pháp trừng phạt ảnh hưởng tiêu cực đến Iran"
Trong một báo cáo được công bố ngày 5/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Iran đang gây ra những tác động tiêu cực đến người dân cũng như các hoạt động nhân đạo ở quốc gia Hồi giáo này.
Báo cáo đề ngày 22/8 gửi Đại hội đồng Liên hợp quốc về "Tình hình nhân đạo của nước Cộng hoà Hồi giáo Iran," ông Ban Ki-moon ghi rõ: "Các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Iran đã có những tác động đáng kể đến người dân nói chung, trong đó làm leo thang lạm phát, tăng giá hàng hóa và chi phí năng lượng, tăng tỷ lệ thất nghiệp và gây thiếu thốn các mặt hàng thiết yếu, trong đó có thuốc men. Các biện pháp trừng phạt dường như cũng ảnh hưởng tới các hoạt động nhân đạo ở nước này. Ngay cả các công ty đã được cấp phép nhận khẩu lương thực và thuốc men cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các ngân hàng của nước thứ ba để tiến hành giao dịch."
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu thảo luận khả năng áp đặt một lệnh cấm vận thương mại chung đối với Iran nhằm vào ngân hàng trung ương và ngành năng lượng nhằm gây sức ép buộc Tehran phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Tại Mỹ, các nghị sỹ quốc hội tiếp tục thảo luận về việc mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Nghị sỹ đảng Dân chủ Robert Menendez cho biết các biện pháp trừng phạt mới sẽ nhằm vào các ngân hàng nước ngoài có giao dịch với Ngân hàng trung ương Iran. Ngoài ra, Mỹ đang xem xét việc phong tỏa 30% dự trữ ngoại tệ của Iran đang được gửi ở nước ngoài.
Tuy nhiên, bất chấp sức ép từ phương Tây, một thủ lĩnh Hồi giáo của Iran, Giáo sỹ Ahmad Khatami tuyên bố Tehran sẽ kháng cự và vượt qua "cuộc chiến tranh kinh tế" do Mỹ phát động nhằm vào quốc gia này. Ông khẳng định Iran sẽ không đầu hàng trước sức ép.
Cùng ngày, một cố vấn của Đại Giáo chủ Ali Khamenei cũng khẳng định nước này sẽ đánh bại âm mưu của phương Tây trong việc làm mất giá đồng rial trên thị trường. Theo các nhà kinh tế, các đòn trừng phạt của phương Tây đã làm đồng nội tệ Iran mất tới 1/3 giá trị so với đồng USD chỉ trong vòng 10 ngày.
Trước đó, phát biểu trên kênh Press TV ngày 5/10, nghị sỹ Evaz Heidarpour thuộc Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran khẳng định Tehran sẽ không thay đổi chính sách hạt nhân của mình bởi các chính sách này gắn liền với các lợi ích quốc gia của Iran.
Cũng trên kênh Press TV ngày 5/10, Tư lệnh Hải quân của Lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), Thiếu tướng Ali Fadavi cảnh báo "mọi cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran sẽ chỉ chuốc lấy sự thất bại nặng nề cho những kẻ xâm lược."./.
(TTXVN)