TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 07-10-2012


Thổ Nhĩ Kỳ đưa hàng loạt tàu chiến, tàu ngầm tới Địa Trung Hải

 Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường sức mạnh hải quân ở Biển Địa Trung Hải trong một nỗ lực nhằm gây thêm sức ép với chính phủ Syria giữa lúc mối căng thẳng xung quanh vấn đề biên giới giữa hai nước đang leo thang.

Hãng Daily News đưa tin, một lượng lớn tàu chiến và tàu ngầm ở căn cứ lớn nhất của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ ở tình Golcuk, miền tây bắc nước này đã được điều tới các căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải để sẵn sàng đối phó với Syria.

Hãng tin trên cho biết, các tàu chiến trên được trang bị một lượng vũ khí lớn nhưng không nói rõ chi tiết đó là những loại vũ khí nào.

Trong một diễn biến liên quan khác, hôm thứ Sáu (5/10), phát biểu tại một buổi mit-ting với sự góp mặt của hơn 5000 người dân ở thủ đô Istanbul, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdogan cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ cần chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh nếu thực sự muốn hòa bình.

 Ông nói: “Người ta có câu: ‘phải chuẩn bị cho chiến tranh nếu bạn muốn có hòa bình’…Chúng ta không phải là những người  thích chiến tranh, nhưng chúng ta cũng không ngại chiến tranh”.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không muốn một cuộc chiến tranh, nhưng cũng sẽ không để danh dự và sự tín nhiệm của mình bị phớt lờ, Thủ tướng cho biết.

“Sẽ là một sai lầm chết người nếu muốn thử nghiệm sự quyết tâm và khả năng của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan tuyên bố.
 
Mối quan hệ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã leo thang hôm thứ Tư (3/10) sau vụ đạn pháo của Syria rơi xuống khu vực Akcakale ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Để trả đũa, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tiếp đánh bom nhằm vào các mục tiêu quân đội của Syria trong suốt 3 ngày.

  Ngày 4/10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ còn thông qua chỉ thị cho phép quân đội nước này sử dụng lựclượng bộ binh để mở các chiến dịch càn quét xuyên biên giới sang Syria trong vòng 1 năm.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia một thời từng là liên minh của Tổng thống Syria al-Assad, nhưng hiện tại đang lên tiếng thúc giục ông từ chức. Đây cũng là quốc gia cung cấp nơi ở cho hơn 90.000 Syria tị nạn và cho phép các lãnh đạo quân nổi dậy Syria ẩn náu.

Đan Khanh - (Theo Xinhua, VNmedia)
-------------
Bộ trưởng Quốc phòng Iran: “Sẽ phản hồi trí mạng”

Hãng thông tấn bán chính thức Fars dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Ahmad Vahidi, ngày 6/10 tuyên bố nước này có thể đưa ra đòn phản hồi trí mạng đối với bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào của kẻ thù nhờ vào khả năng của tên lửa hành trình.
 
Ông Vahidi khẳng định tên lửa của Iran có thể bắn trúng mọi mục tiêu của kẻ thù với độ chính xác cao và hỏa lực mạnh, và mặc dù không hề thiếu tên lửa song Tehran vẫn đang tiếp tục công việc sản xuất tên lửa.
 
Vài ngày trước, Giáo sĩ Ali Shirazi, Trợ lý và là người rất thân cận của lãnh tụ Khamenei, nói rằng nước ông hoàn toàn có thể “tiêu diệt” Israel chỉ trong vòng 24 tiếng và Iran đã sẵn sàng, thậm chí “đang chờ đợi” một cuộc chiến tranh với Israel.
 
Kênh Press TV cùng ngày 6/10 đưa tin một nghị sĩ Iran tuyên bố các biện pháp trừng phạt "bất hợp pháp" mà những nước tuyên bố ủng hộ nhân quyền áp đặt lên Tehran đang nhằm vào những người dân thuộc tầng lớp trung lưu ở Iran, qua đó vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn.
 
Press TV dẫn lời phát ngôn viên của Ủy ban Pháp lý và Tòa án thuộc Quốc hội Iran, nghị sĩ Mohammad Ali Esfanani, nêu rõ: "(Cái gọi là) sự ủng hộ nhân quyền đã chứng minh các tiêu chuẩn hai mặt của phương Tây đối với khái niệm nhân quyền thông qua việc áp đặt các lệnh trừng phạt trái phép đối với người dân Iran."
 
Theo ông Esfanani, các nước lớn định nghĩa "nhân quyền" dựa trên lợi ích và nhu cầu của chính họ, đồng thời sử dụng khái niệm này làm phương tiện để biện minh cho các biện pháp "chống lại loài người" của họ./.

(Vietnam+)
--------------
Lữ đoàn 171 Hải quân tiếp nhận tàu pháo hiện đại

Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) vừa tiếp nhận một tàu pháo hiện đại do Việt Nam sản xuất có phiên hiệu HQ 273.

Sau khi đón nhận quyết định và làm lễ kéo cờ, cán bộ, chiến sĩ khung tàu HQ 273 đã được giao nhiệm vụ và thể hiện quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tàu HQ 273 là lớp tàu quân sự được thiết kế đầy đủ tính năng, tác dụng kỹ, chiến thuật của một tàu chiến hiện đại do Việt Nam sản xuất theo dây chuyền khép kín. Việc biên chế tàu pháo HQ 273 cho Lữ đoàn 171 nhằm tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho Vùng 2 Hải quân.

TUẤN CƯỜNG // PLTP
------------
Thổ Nhĩ Kỳ cấp tập điều binh tới biên giới với Syria

Ngày 6/10 Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ (TSK) đã triển khai nhiều phương tiện quân sự tới khu vực Đông Nam, dọc biên giới với Syria, sau khi căng thẳng giữa hai bên tiếp tục gia tăng do các vụ nã pháo liên tiếp nhằm vào nhau suốt 3 ngày qua.

Hãng thông tấn bán chính thức Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin Ankara đã điều một lượng lớn xe tăng và hệ thống phòng thủ tên lửa tới thị trấn Suruc ở tỉnh Sanliurfa, nơi liên tục hứng các đợt pháo kích từ Syria dội sang trong mấy ngày qua.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng cường sức mạnh ở Địa Trung Hải trong nỗ lực nhằm gia tăng sức ép lên chính phủ Syria sau khi căng thẳng giữa hai nước leo thang.

“Ankara đã điều một số tàu chiến và tàu ngầm từ tỉnh Golcuk ở phía Tây Bắc đến các căn cứ ở Địa Trung Hải. Golcuk là nơi đặt căn cứ chính của hải quân Thổ Nhĩ kỳ”, tờ Daily News của nước này đưa tin.

Tin cũng cho hay các tàu trên được trang bị đầy đủ các loại vũ khí hiện đại và được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Ngoài ra, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng được lệnh bắn hạ máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng Syria tới gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ trong phạm vi 10 km.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh đạn pháo từ Syria tiếp tục bắn sang Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày thứ ba liên tiếp, buộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải bắn súng cối đáp trả.

“Vào lúc 14h30’ giờ địa phương (18h30 ở Việt Nam), một quả đạn pháo bắn sang từ Syria đã rơi xuống một khu đất trống ở tỉnh Hatay, buộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải bắn hai quả súng cối về phía Syria để trả đũa”, tuyên bố của Văn phòng tỉnh trưởng tỉnh Hatay cho biết ngày 6/10.

Trước đó cùng ngày, cũng đã có hai quả đạn pháo của Syria bắn sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chưa rõ con số thiệt hại.

Căng thẳng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã leo thang nghiêm trọng sau khi một quả đạn pháo của Syria rơi trúng khu vực Akcakale ở tỉnh Sanliurfa, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/10, làm 5 người thiệt mạng. Thổ Nhĩ Kỳ đã trả đũa bằng việc oanh kích các mục tiêu của quân đội Syria trong ba ngày qua.

Lo ngại căng thẳng có thể vượt ngoài tầm kiểm soát, chính phủ Syria đã cho rút toàn bộ xe tăng và các thiết bị quân sự khỏi biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời có nhiều động thái thể hiện sự hòa giải như thiết lập vùng cấm bay dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ trong phạm vi 10 km. Cổng thông tin Nga Vesti.ru còn cho biết các đơn vị pháo binh Syria cũng đã được lệnh rời vùng cấm này.

Giới chức Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những động thái trên của Damascus thể hiện nỗ lực của Syria muốn xua tan bất cứ "nguy cơ bùng nổ xung đột nào” giữa hai nước.

Việt Giang
Theo Xinhua, AP, Dân Trí
-------------
Mỹ - Hàn tăng cường đối phó Triều Tiên

Quân đội Mỹ sẽ sớm đưa một tiểu đoàn hóa học đến Hàn Quốc để ứng phó với mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân và sinh hóa học của Triều Tiên

Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc tăng tầm bắn  tên lửa đạn đạo của Seoul nhằm đáp lại mối đe dọa ngày càng tăng từ lực lượng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Theo dữ liệu của Seoul, bất kỳ địa điểm nào trong lãnh thổ Hàn Quốc và các cơ sở quân sự của Mỹ ở Nhật và đảo Guam đều nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.

Hãng tin Yonhap cho biết thông tin về thỏa thuận nêu trên sẽ được chính phủ Hàn Quốc công bố sớm nhất là trong ngày 7-10. Chi tiết của thỏa thuận không được phía Seoul tiết lộ. Dù vậy, một số nguồn tin Mỹ cho hãng tin Reuters biết thỏa thuận trên cho phép Hàn Quốc có thể phát triển tên lửa đạn đạo có tầm bắn tối đa lên đến 800 km, so với mức 300 km hiện nay. Dù vậy, tải trọng tối đa của tên lửa Hàn Quốc vẫn được duy trì ở mức 500 kg.

Với tầm bắn 800 km, tên lửa Hàn Quốc có khả năng đánh trúng bất kỳ mục tiêu nào ở Triều Tiên nếu được phóng từ thành phố Daejeon. Một số chuyên gia nhận định rằng thỏa thuận trên có thể không chỉ gây phản ứng mạnh mẽ từ Triều Tiên mà còn khiến Nhật Bản và Trung Quốc bất an vì một phần lãnh thổ hai nước này đều nằm trong tầm bắn 800 km của tên lửa Hàn Quốc.

Cũng nằm trong nỗ lực ứng phó với mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân và sinh hóa học của Triều Tiên, quân đội Mỹ hôm 4-10 thông báo sẽ sớm đưa một tiểu đoàn hóa học đến Hàn Quốc. Theo báo Stars and Stripes (Mỹ), việc triển khai Tiểu đoàn hóa học 23 cùng với 2 công ty hóa học 61 và 62 đến doanh trại Stanley ở Uijeongbu (Hàn Quốc) dự kiến sẽ được hoàn tất vào đầu năm tới nhằm “tăng cường khả năng sẵn sàng bảo vệ Hàn Quốc, bảo vệ khu vực và duy trì sự ổn định ở bán đảo Triều Tiên”.

Tiểu đoàn hóa học 23 từng đóng quân ở Hàn Quốc trước khi được rút về Mỹ vào năm 2004. Một khi trở lại bán đảo Triều Tiên, nhiệm vụ của đơn vị này là hỗ trợ về mặt khử nhiễm, khắc phục hậu quả, trinh sát hóa học, sinh học, hạt nhân...
HOÀNG PHƯƠNG// NLĐ
------------
Israel bắn hạ một máy bay do thám

Lực lượng không quân Israel (IAF) hôm nay đã bắn hạ một chiếc máy bay do thám thâm nhập vào không phận của nước này từ Địa Trung Hải, người phát ngôn quân đội và đài phát thanh quân đội nước này cho hay.

“Một chiếc máy bay không người lái (UAV) được xác định thâm nhập vào không phận Israel sáng nay và đã bị IAF chặn vào xấp xỉ 10h sáng”, người phát ngôn quân đội Israel cho hay.

Đài phát thanh quân đội cho biết chiếc máy bay không mang theo chất nổ.

Nữ phát ngôn viên quân đội, trung tá Avital Leibovich cho biết: “Chiếc máy bay không người lái này được thấy trên Địa Trung Hải, ở khu vực gần Dải Gaza trước khi tiến vào không phận Israel.”

Cũng theo người phát ngôn, khi tiến vào không phận Israel, chiếc máy bay đã bị không quân Israel theo sát cho đến khi bị bắn hạ trên vùng rừng Yatir,  một khu vực không có người ở”.

Leibovich cho biết hoạt động bắn hạ đã “thành công” song bà không cho biết cách thức chiếc máy bay bị bắn hạ.
 
“Quân đội Israel đã ở hiện trường và đang thu hồi các mảnh vỡ”, bào cho hay.
 
Hiện chưa rõ nguồn gốc của chiếc máy bay bị bắn hạ.

Hồi tháng 7/2006, quân đội Israel đã bắn hạ một máy bay không người lái của lực lượng Hezbollah ở Li-băng trên vùng lãnh hải của quốc gia Do Thái này.

Vào 12/4/2005, một chiếc máy bay không người lái khác của Hezbollah đã bay được vào miền bắc Israel mà không bị bắn hạ.

Phan Anh
Theo AFP// Dân Trí
----------------
Phi cơ Mỹ được triển khai trên đảo Nhật

Lính thủy đánh bộ Mỹ hôm nay hoàn tất việc triển khai 12 chiếc máy bay vận tải Osprey trên một hòn đảo của Nhật Bản, bất chấp sự phản đối của người dân địa phương.

Ba chiếc Osprey tới căn cứ không quân Futenma của lính thủy đánh bộ Mỹ trên đảo Okinawa ở miền nam nước Nhật, sau khi rời một căn cứ không quân khác của Mỹ tại Iwakuni, tỉnh Yamaguchi. Sự triển khai này diễn ra trưa nay theo giờ địa phương, NHK đưa tin.

Đây là những chiếc phi cơ Osprey cuối cùng rời Iwakuni sau khi trải qua những chuyến bay thử. Hai chiếc trong số này được yêu cầu bảo dưỡng bổ sung, bao gồm cả việc thay thế một số bộ phận.

Trong các ngày 1 và 2/10, 9 chiếc Osprey đã tới căn cứ Futenma. Lính thủy đánh bộ Mỹ hiện có tất cả 12 chiếc phi cơ phản lực lên thẳng loại này được triển khai tại Okinawa. Số máy bay này dự kiến hoạt động chính thức ngay trong tháng 10.

Nhiều người dân Nhật phản đối việc Mỹ triển khai các máy bay Osprey tại nước họ. Người dân ở tỉnh Yamaguchi và cả Okinawa đã biểu tình do những lo ngại bắt nguồn từ các vụ tai nạn máy bay lớp Osprey ở nước ngoài, trong đó có vụ rơi máy bay ở Florida, Mỹ, làm 5 người bị thương và một vụ va chạm ở Marốc, làm thiệt mạng hai lính thủy quân lục chiến.

Theo Japan Times, cả Tokyo và Washington đều nhấn mạnh phi cơ phản lực lên thẳng lớp Osprey, loại máy bay sẽ thay thế máy bay lên thẳng CH-46 lỗi thời tại căn cứ Futenma, là thiết yếu đối với việc góp phần duy trì sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh tiềm lực của Trung Quốc ngày một mạnh mẽ.

Osprey là loại máy bay đa năng có thể cất và hạ cánh theo phương thẳng đứng như trực thăng và bay như máy bay chiến đấu thông thường. Là một niềm tự hào của không quân Mỹ, nó được phát triển để phục vụ các yêu cầu tác chiến đa dạng.

Nhật Nam // VNex
-------------
"Chất thải hạt nhân là nguồn năng lượng có giá trị"

Trong lúc các nhà khoa học hạt nhân và các cơ quan chính phủ khắp thế giới đang tìm kiếm những cách thức khác nhau để chôn số chất thải hạt nhân thật sâu dưới lòng đất để chúng không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của con người thì một nhà vật lý sinh học Canada lại cho rằng chất thải hạt nhân không phải là một loại rác thải độc hại, mà là một nguồn năng lượng có giá trị.

Giáo sư danh dự Peter Ottensmeyer, trước đây giảng dạy tại Trường Đại học Toronto, khẳng định rằng trước khi chính thức trở thành chất thải thực sự, các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng có thể cung cấp số năng lượng nhiều gấp 134 lần số năng lượng mà chúng sản xuất ra trong lần sử dụng đầu tiên.

Những nguyên tử nặng hơn trong các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng có thể được các nơtron chuyển động nhanh chia tách, nhưng với điều kiện các nguyên tử này phải được duy trì chuyển động nhanh bằng cách sử dụng một chất làm mát hoặc một bộ phận điều tiết khác trong lò phản ứng.

Theo ông Ottensmeyer, natri hoặc hợp chất của hai kim loại nặng là chì và bitmut là thích hợp nhất. Bộ phận điều tiết dày hơn này sẽ giữ cho các nơtron dồn quanh ở tốc độ cao chứ không chậm lại, giống cơ chế của lò phản ứng hạt nhân làm chậm bằng nước. Việc khai thác những nơtron nhanh này để chia tách các nguyên tử lớn và nặng hơn của lò phản ứng hạt nhân, như plutoni, có thể sản xuất ra lượng điện trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Hơn nữa, một số nguyên tử được chia tách có thể chuyển đổi thành những kim loại thuộc nhóm bạch kim có giá trị cao. Một lợi ích lớn nữa là quá trình này sẽ làm giảm đáng kể độ phóng xạ của các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Chất thải hạt nhân từ các lò phản ứng nơtron nhanh có thể phân rã thành urani tự nhiên trong vòng chưa đến 300 năm.

Phát hiện nói trên là một bước đột phá bởi vì theo các công nghệ lò phản ứng hiện nay, phần lớn lượng urani trong các thanh nhiên liệu hạt nhân không bị chia tách và không được sử dụng mặc dù phản ứng đã biến đổi số urani này thành những nguyên tố nặng hơn, trong đó có plutoni, có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Tiến trình này khiến chất thải hạt nhân trở thành các vật liệu có độ phóng xạ cao, phát ra những tia phóng xạ độc hại trong 400.000 năm. Việc giữ cho số chất thải hạt nhân này an toàn là một vấn đề mà ngành hạt nhân đang phải đối mặt./.

(TTXVN)
----------------------
Hàn Quốc-Mỹ đạt thỏa thuận nâng tầm bắn tên lửa

Nhật báo "Chosun Ilbo" của Hàn Quốc ngày 6/10 dẫn lời các quan chức chính phủ giấu tên cho biết Hàn Quốc và Mỹ đã đạt một thỏa thuận về việc mở rộng tầm bắn của tên lửa đạn đạo của Seoul.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cũng đưa tin hai bên đã đạt được thỏa thuận này.

Theo thỏa thuận ký kết năm 1979 và được sửa đổi vào năm 2001 giữa hai đồng minh này, tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc bị giới hạn ở mức 300 km với đầu đạn có khối lượng tối đa 500 kg. Tuy nhiên, Seoul lâu nay vẫn hối thúc Washington sửa đổi văn kiện này để cho phép Hàn Quốc sản xuất những tên lửa có tầm bắn xa hơn.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp quốc hội ngày 5/10, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc đã cho biết cuộc đàm phán với Washington về vấn đề tên lửa đã đạt tới "giai đoạn cuối cùng." Các quan chức Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc từ chối cho biết thêm thông tin chi tiết về thỏa thuận này.

Trong khi đó, một nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc cùng ngày cho biết hai nước đã kết thúc quá trình đàm phán về việc mở rộng tầm bắn của tên lửa đạn đạo Hàn Quốc lên 800 km. Hai bên cũng nhất trí duy trì giới hạn về khối lượng của đầu đạn ở mức 500 kg như hiện nay.

Tuy nhiên, nếu Hàn Quốc chấp nhận giới hạn tầm bắn tên lửa ở mức 550 km chứ không phải 800 km thì Seoul có thể tăng trọng lượng đầu đạn lên một tấn.

Dự kiến, thông báo chính thức sẽ được Chính phủ Hàn Quốc công bố vào ngày 7/10 tới./.

(TTXVN)
------------------
Ucraina có hứng thú với L-39 cải tiến

Trong Triển lãm hàng không-vũ trụ thế giới Aviasvit-XXI, Thứ trưởng BQP Ucraina Dmitri Plyatsuk cho biết nước này rất có hứng thú với máy bay L-39 cải tiến.

(ĐVO) Theo lời của ông Dmitri Plyatsuk, loại máy bay đã được cải tiến này sẽ cho phép các phi công thích nghi được với máy bay chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất, trong thời gian nhanh nhất.

Trong cuộc triển lãm này, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ucraina cũng được giới thiệu nhiều mô hình tập luyện hàng không, trong đó có sản phẩm của các công ty Belarus.

Theo ngân sách quốc phòng năm 2013, Ucraina sẽ chú trọng vào việc trung và đại tu, cũng như sửa chữa các thiết bị hàng không, chứ không mua thêm thiết bị.
( Theo ĐVO)
---------
Nhiều tập đoàn quốc phòng che giấu thông tin

Trong bản xếp hạng vừa công bố (*), 2/3 các tập đoàn quốc phòng lớn của thế giới bị cáo giác không cung cấp thông tin đầy đủ về phương cách chống tham nhũng.

Đánh giá này được dựa vào mức độ sẵn sàng dùng tiền hối lộ các quan chức để nhận được đơn đặt hàng của các công ty quốc phòng.

Tác giả của bản báo cáo trên đánh giá thứ tự của các ứng viên thông qua những thông tin về các biện pháp chống tham nhũng mà công ty đưa ra, sử dụng hệ thống chữ cái Latin từ A đến F.

Công ty “trong sạch” nhất là hãng Flour của Mỹ, với mức điểm A. Mức B là các công ty như Fujutsu của Nhật, Accenture, BAE System, Meggitt, Serco Group, Thales của châu Âu và Hewlett-Packard, North Group, United Technologies của Mỹ. Một nửa các công ty tham gia vào bảng bình chọn này không chuyên về lĩnh vực quốc phòng.

Nhóm C gồm các công ty như Boeing, EADS, Fimmeccanica, Lockheed Martin, Rolls-Royce, Saab.

Nhóm D gồm hãng AAR, Embraer, Hindustan Aeronautics, Rafael, NEC.

Theo đó, gần ½ số công ty tham gia nhận được đánh giá thấp, với mức điểm E và F, trong đó, có Almaz Antei, hãng Trực thăng Nga, Sukhoi, Irkut, Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật, Cục thiết kế Tula, Tổ hợp sản xuất động cơ.

Riêng đối với Pháp tập đoàn sản xuất chiến đấu cơ Dassault Aviation, chuyên làm các loại máy bay Rafale và Mirage hay hãng đóng tàu chiến DCNS bị điểm E.
( Theo ĐVO)
---------------
 Binh sĩ Triều Tiên bắn chết sĩ quan rồi đào tẩu sang Hàn Quốc

(NLĐO) - Một binh sĩ Triều Tiên đã bắn chết hai sĩ quan của mình và đào tẩu sang Hàn Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Tham mưu Liên quân Hàn Quốc cho biết: “Một binh sĩ của chúng tôi đang canh gác tại đồn thì phát hiện ra một người lính Triều Tiên đi qua biên giới vào Hàn Quốc. Chúng tôi đã đưa người này tới nơi an toàn”.

“Binh sĩ Triều Tiên này đã đào ngũ, anh ta cho biết trước khi vượt qua biên giới anh ta đã bắn chết trung đội trưởng và một trung tá đi cùng”, phát ngôn viên này cho biết thêm.
 
Binh sĩ nói trên bị phát hiện khi vượt qua biên giới phía Tây Hàn Quốc lúc 12 giờ 10 phút ngày 6-10. Hiện tại anh đang được giam giữ và có bảo vệ chặt chẽ.

Hiện chưa có xác nhận liên quan tới thông tin nói trên từ phía Triều Tiên.
Linh San (Theo Asiaone, Herald Sun, NLĐ)
----------------
Tây Ban Nha tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa NATO

Chính phủ Tây Ban Nha ngày 5/10 đã nhất trí tham gia Hệ thống phòng thủ tên lửa (MND) của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo đó cho phép Hải quân Mỹ triển khai 4 tàu chiến chuyên dụng tại căn cứ Rota, miền Tây Nam Tây Ban Nha. Căn cứ quân sự trên hiện đang do Hải quân Mỹ sử dụng.

Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria khẳng định nước này và Mỹ đã ký kết thỏa thuận trên ngày 5/10 nhằm đưa căn cứ ở Rôta trở thành một phần trong lá chắn tên lửa của NATO. Dự kiến, bốn khu trục hạm trang bị hệ thống phòng thủ Aegis của Hải quân Mỹ sẽ được triển khai cùng khoảng 1.400 người tại căn cứ này vào năm 2013.

Ông Santamaria cũng đồng thời nhấn mạnh việc phát triển hệ thống an ninh được Mỹ hỗ trợ kể trên có thể sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực, vốn đang bị tác động bởi tình trạng suy thoái tại Tây Ban Nha.

Lầu Năm Góc cũng có các đơn vị đóng tại căn cứ không quân Moron ở Tây Nam Tây Ban Nha với sự hiện diện của 4.250 quân nhân và 1.000 nhân viên dân sự. Trong khi đó, Nga lâu nay luôn phản đối việc Mỹ và các đồng minh phương Tây triển khai NMD tại khu vực châu Âu và yêu cầu đưa ra bảo đảm pháp lý rằng hệ thống này không nhằm chống lại Nga.

TTXVN/Tin tức
-------------
Mỹ tái triển khai tiểu đoàn hóa học ở Hàn Quốc, đề phòng Triều Tiên

Theo tuyên bố của đơn vị bộ binh số 2, việc tái triển khai Tiểu đoàn hóa học 23  "nhằm phòng thủ chặt chẽ và được thiết kế để tăng cường khả năng sẵn sàng bảo vệ Hàn Quốc, bảo vệ khu vực và duy trì sự ổn định ở bán đảo Triều Tiên".

Theo đó, các nhà máy hóa học thứ 61 và 62, các cơ sở và các biệt đội của Tiểu đoàn hóa học 23 - bao gồm gần 300 binh lính - sẽ được triển khai bước đầu ở căn cứ Stanley, sau đó chuyển tới Căn cứ Humphrey.

Lục quân Mỹ cho biết, tiểu đoàn này sẽ tiến hành  "hoạt động trinh sát hóa học, sinh học, hạt nhân", sử dụng  "thiết bị khử trùng và hỗ trợ theo dõi hậu quả", nhằm giúp đỡ các lực lượng quân đội Hàn quốc và Mỹ ứng phó với những đe dọa từ phía Triều Tiên.

Phát ngôn viên Lục quân Mỹ Wayne Hall cho biết quyết định này không phải mới được đưa ra sau khi tình báo nước này nắm được thông tin mới đây về các vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

"Việc di chuyển này được tiến hành sau khi đánh giá chi tiết tình hình trên toàn thế giới và cần nhiều năm để thực hiện. Đó không phải là việc xảy ra ngày hôm qua hoặc mới chỉ được lên kế hoạch vài tháng".

Hall cho biết một khi việc tái triển khai các tiểu đoàn hóa học ở Hàn Quốc được hoàn thành, mỗi năm, Lục quân Mỹ sẽ tiết kiệm được 1,8 triệu USD chi phí hỗ trợ hoạt động tại quốc gia đồng mình ở châu Á này.

Tiểu đoàn 23 của Mỹ đã rút khỏi Hàn Quốc từ năm 2004 như là một phần của thỏa thuận kêu gọi Hàn Quốc tiếp nhận 10 nhiệm vụ quốc phòng lớn từ Mỹ.

Hồng Anh - theo TTVN | Soha
--------------
Tranh chấp biển đảo "nóng" ở Đại Tây Dương

(VnMedia) - Argentina hôm qua (5/10) đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Anh trong việc tiến hành một cuộc tập trận quân sự mới ở quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands.
 
Bộ Ngoại giao Argentine cho biết trong một tuyên bố rằng, nước này đã lần lượt triệu tập Đại sứ Anh Shan Morgan và Đại sứ Liên minh Châu Âu Alfonso Diez Torres tại Argentina tới để bày tỏ “sự phản đối chính thức”.
 
"Chính phủ Argentina kịch liệt phản đối Anh tiến hành tập trận quân sự với kịch bản phóng tên lửa từ quần đảo Malvinas", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Argentina cho biết.
 
Trước đó, quân đội Anh thông báo, nước này sẽ tổ chức một cuộc diễn tập quân sự ở quần đảo Malvinas/ Falklands từ ngày 8-19/10 tới.
 
Cuộc tập trận mới diễn ra sau những cuộc diễn tập hồi tháng 7 đã vấp phải sự lên án gay gắt của Argentina. Argentina coi đó là hành động “đi ngược lại một cách trắng trợn với lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về việc giải quyết một cách hòa bình bất đồng giữa hai nước về vấn đề Malvinas", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Argentina viết.
 
Các tổ chức khu vực như Liên minh Các Quốc gia Nam Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Ibero và Hội nghị Thượng đỉnh Các nước Nam Mỹ và Ả-rập (ASPA), từ lâu đã lên án những động thái quân sự hóa ngày càng tăng ở quần đảo Malvinas/ Falklands.
 
Tại hội nghị thượng đỉnh ASPA ở Lima, Peru, hồi đầu tuần, Anh tiếp tục được kêu gọi không thực hiện những cuộc tập trận ở vùng tranh chấp.
 
Giữa Argentina và Anh từng có một cuộc chiến tranh kéo dài 74 ngày năm 1982 vì tranh chấp quần đảo Malvinas/ Falklands. Bất chấp thất bại về quân sự, Buenos Aires vẫn không từ bỏ việc đòi chủ quyền đối với quần đảo Malvinas/ Falklands.
 
Quần đảo Malvinas/ Falklands nằm ở Nam Đại Tây Dương, cách Argentina khoảng 500km và cách nước Anh đến 13.000km. Anh đã kiểm soát Malvinas từ năm 1833 đến nay bất chấp việc Argentina liên tục cung cấp bằng chứng về chủ quyền với quần đảo khi giành độc lập từ Tây Ban Nha năm 1811.

Kiệt Linh - (theo THX, VNmedia)
--------
 Mỹ sẽ thiệt hại nghiêm trọng nếu Israel tấn công Iran

(VOV) - Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhắc nhở Israel không làm những việc gây tổn hại lợi ích quan trọng của Mỹ.

Ông Robert Gates, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho rằng cho dù là Israel hay Mỹ, nếu tấn công quân sự vào Iran đều dẫn đến những hậu quả tai hại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ với các quốc gia khu vực Trung Đông trong nhiều năm tới.
Ông Robert Gates (ảnh: Zimbio)

Phát biểu tại Norfolk, bang Virginia hôm qua, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhấn mạnh, Mỹ cần phải làm rõ với các quan chức Israel rằng "Tel Aviv không có quyền thực hiện những hành động gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích quan trọng của Mỹ". Thay vào đó, ông Robert Gates kêu gọi nên tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối Iran.

Tháng trước, kết quả của một cuộc thăm dò dư luận do tờ nhật báo Israel Ha’aretz thực hiện cũng cho thấy, cứ 6 người Palestine khi được hỏi thì có đến 5 người tin là chiến dịch tấn công của Israel nhắm vào Iran sẽ dẫn đến cuộc xung đột nghiêm trọng trong khu vực, 77% người Israel cũng tin vào điều này./.

Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
---------
Bên trong xứ sở máy bay không người lái ở Pakistan    
     
Các vụ bắn tên lửa của Mỹ phá hủy nhiều khu huấn luyện của các nhóm cực đoan và nhiều xe cộ, nhưng chúng cũng tàn phá các nhà thờ, nhà dân, trường học và xe dân sự. Phóng viên BBC sau khi đi thực tế tới khu vực bộ lạc Waziristan của Pakistan, nơi chứng kiến các vụ không kích thường xuyên từ máy bay không người lái Mỹ (drone), đã có bài viết nói rằng ông chứng kiến tâm trạng khiếp hãi, căng thẳng và tuyệt vọng ở người dân nơi đây.

Drone không xuất hiện bất thình lình ở đường chân trời, tấn công rồi đi. Vào bất kỳ thời đểm nào trong ngày, có ít nhất bốn chiếc vo ve trên trời, phát ra âm thanh vo vo đe dọa và dễ phân biệt. Dân chúng địa phương gọi chúng là “muỗi”. Một người dân tên Abdul Waheed nói với phóng viên BBC: “Bất kỳ ai nghe tiếng vo vo suốt ngày đến đêm đều không thể ngủ được. Nó giống như một chiếc gậy của người mù - nó có thể đánh bất kỳ người nào vào bất kể thời gian nào”.

Người dân vùng này nói rằng không chỉ các thành viên Taleban hay Al-Qaeda mới là mục tiêu, nhiều người bình thường cũng bị giết. Có nhiều trường hợp, một số người trong vùng vì động cơ thù hằn cá nhân hay bè phái, đã hạ đối thủ bằng cách chỉ điểm họ như là tay súng Taleban hay người ủng hộ Al-Qaeda.
Ai cũng tin là có thể mình sẽ là mục tiêu tiếp theo.

Theo một nghiên cứu được CNN công bố hồi cuối tháng chín, các vụ tấn công của drone ở Pakistan giết nhiều dân thường hơn Mỹ thừa nhận, gây chấn thương cho nhiều người vô tội và phần lớn không có hiệu quả. Chương trình tấn công bằng máy bay không người lái từ lâu đã gây tranh cãi, với nhiều báo cáo mâu thuẫn nhau từ các quan chức Mỹ, Pakistan và các tổ chức độc lập về tác động của nó. Tổng thống Barack Obama tháng trước nói rằng một mục tiêu phải đáp ứng “những tiêu chuẩn rất chặt chẽ và rất nghiêm ngặt”.

Ngược lại với những tuyên bố từ Mỹ, báo cáo của Stanford/NYU - tựa đề “Sống dưới Drone” - đưa ra những con số khắc nghiệt được công bố bởi Ban điều tra của Hội nhà báo, một tổ chức độc lập đặt ở Đại học City London. Báo cáo nói rằng từ tháng 6-2004 đến giữa tháng 9-2012, các dữ liệu có giá trị ám chỉ rằng các vụ tấn công của drone làm chết từ 2.562 đến 3.325 người ở Pakistan. Trong số đó 474 đến 881 người là thường dân, gồm cả 176 trẻ nhỏ. Những vụ tấn công như vậy cũng làm bị thương 1.228 đến 1.362 người nữa.
     
      H.PHƯƠNG - C.VŨ// CAND
---------------
Indonesia chú trọng sự chuyên nghiệp của quân đội

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 67 năm thành lập Quân đội Indonesia (5/10/1945-5/10/2012), Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã chỉ thị cho quân đội nước này phải duy trì và tăng cường tính chuyên nghiệp trong một xã hội dân chủ.

Lễ kỷ niệm được tổ chức tại căn cứ không quân Halim Perdanakusuma ở Đông Jakarta, với chương trình diễu binh biểu dương sức mạnh và nỗ lực hiện đại hóa các binh chủng thuộc quân đội Indonesia.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Indonesia, Đô đốc Agus Suhartono khẳng định quân đội Indonesia đã trở thành một phần lịch sử của Indonesia và sẽ tiếp tục là một trong lực lượng đi đầu trong việc duy trì độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Nhân dịp này, Tổng thống Yudhoyono đã ký ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng và Luật Cựu chiến binh, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng, cũng như đánh giá cao công lao và sự cống hiến của các cựu quân nhân.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro nhấn mạnh rằng Luật Công nghiệp quốc phòng là cơ sở pháp lý để điều chỉnh sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng và tất cả lĩnh vực liên quan, đảm bảo cung cấp hiệu quả các thiết bị quốc phòng và an ninh cho quân đội có được sức mạnh phòng thủ quốc gia cần thiết để duy trì hòa bình, và bảo vệ đất nước./.

(TTXVN)
---------------------
Vụ tuồn công nghệ quân sự từ Mỹ sang Nga: Moscow lên tiếng

Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov khẳng định Điện Kremlin không liên quan tới mạng lưới buôn lậu công nghệ quân sự từ Mỹ xuất sang Nga mới bị phát giác.
 
Tòa án ở Houston (Mỹ) hôm 5-10 vừa bác bỏ nguyện vọng xin bảo lãnh của Alexander Posobilov, công dân Mỹ, 46 tuổi, người thành lập Công ty Arc Electronics ở thành phố Houston, bang Texas - nghi can chính trong mạng lưới nói trên.

RIA Novosti dẫn lời luật sư của Alexander Posobilov, ông Alexei Tarasov  cho biết thẩm phán tòa án Houston đã quyết định giam giữ đối với Posobilov.

Ngoài ra, Svetalina Zagon, không phải công dân Nga, đã được bảo lãnh trước phiên điều trần.

Hai nghi phạm nói trên nằm trong số 8 thành viên của mạng lưới buôn lậu công nghệ quân sự từ Mỹ xuất sang Nga bị bắt hôm 3-10 ở Houston, trong đó có 4 người Nga là Alexander Fishenko, Posobilov, Viktoria Klebanova và Anastasia Diatlova. Ba nghi phạm khác hiện đã thoát khỏi tay Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và hiện đang có mặt ở Nga.

Theo FBI, mạng lưới nói trên bị cáo buộc xuất khẩu chui những công nghệ quân sự cho  quân đội và cơ quan tình báo Nga.

Trong khi đó Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov khẳng định rằng những cáo trạng nói trên chỉ có tính chất hình sự và “không liên quan gì tới hoạt động tình báo", đồng thời nhấn mạnh rằng sẽ điều tra cẩn thận vụ việc.
 
Phiên điều trần đầu tiên của vụ việc sẽ được bắt đầu vào ngày 9 và 10-10.
Đỗ Quyên (Theo RIA Novosti, NLĐ)


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te