TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 07-10-2012


Tổng thống Hugo Chavez có hạ knock out đối thủ?

 Hôm nay, 7-10, gần 19 triệu cử tri Venezuela sẽ tham gia cuộc bầu cử Tổng thống.

Đây là cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt giữa hai đối thủ: đương kim Tổng thống Hugo Chavez, 57 tuổi và thủ lĩnh phe đối lập Henrique Capriles, 40 tuổi.

Cách đây ít lâu, ông Chavez khẳng định, trong cuộc “so găng” lần này, ông nhất định sẽ hạ “knock-out” đối thủ. Lời khẳng định đó liệu có thể trở thành hiện thực hay không? Câu trả lời sẽ được giải đáp vào cuối ngày hôm nay.

Về đối ngoại, ông Hugo Chavez kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc và phát triển quan hệ thân hữu với Nga, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua và Iran cùng nhiều nước khác đồng chí hướng. Còn ông Henrique Capriles tuyên bố nếu thắng cử sẽ đưa Venezuela xa rời Nga và Trung Quốc.

    Ông Hugo Chavez đã lãnh đạo đất nước 14 năm và giờ đây đang tranh đấu để có thể chèo lái con thuyền quốc gia thêm 6 năm nữa. Trong 14 năm qua, ông thi hành một chính sách đối nội và đối ngoại tích cực.

Đối nội, ông thực hiện nhiều chương trình xã hội theo hướng phục vụ cho đông đảo người dân và chủ trương phân bố lại thu nhập nhằm giảm bớt tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội.

Đối ngoại, ông kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc và phát triển quan hệ thân hữu với Nga, Trung Quốc, Cuba, Nicaragua và Iran cùng nhiều nước khác đồng chí hướng.

Đối thủ của ông - thủ lĩnh phe đối lập Henrique Capriles - lại có lập trường khác hẳn. Đối nội, ông Capriles chủ trương chấm dứt chính sách “thúc đẩy cách mạng thế giới” của ông Chavez và tập trung nguồn tài lực vào những nhu cầu của chính đất nước Venezuela. Nhưng đối ngoại mới là lĩnh vực ông có ý định thực hiện những thay đổi triệt để nhất.

Ông tuyên bố nếu thắng cử sẽ đưa Venezuela xa rời Nga và Trung Quốc, xem xét lại mối quan hệ với Iran và nhiều nước “thiên tả” cũng như xem xét lại những hợp đồng khai thác dầu mỏ đã ký với nước ngoài.

Ông Capriles chủ trương ngừng mua vũ khí của Nga. Theo lời ông, Venezuela đã mua hơn 14 tỷ USD vũ khí của Nga và như vậy là đã quá đủ, nếu mua thêm nữa là “sai lầm”.

Ông cũng tuyên bố sẽ tạo khoảng cách với những nước như Iran và Belorussia bởi vì mối quan hệ với những nước đó chẳng có lợi gì cho Venezuela.

Một vấn đề quan trọng nữa là những thay đổi trong lĩnh vực dầu mỏ. Ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela ngang hàng với Saudi Arabia và hiện sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Nhưng cho tới nay, những hợp đồng khai thác dầu quy mô nhất của Venezuela chủ yếu là ký kết với các công ty Nga và Trung Quốc.

Giờ đây, ông Capriles chủ trương xem xét lại từng hợp đồng một bởi vì theo lời ông, những hợp đồng đó “không có lợi” cho Venezuela.

Rõ ràng lập trường của 2 đối thủ Chavez và Capriles khác nhau như nước với lửa, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại.

Những cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy cuộc chạy đua hết sức sít sao giữa hai ứng viên.

Có thể nói, trong suốt 14 năm cầm quyền, ông Chavez chưa bao giờ gặp một đối thủ nặng ký như vậy.

Nếu vào thời điểm bắt đầu chiến dịch tranh cử, ông Chavez bỏ xa ông Capriles thì giờ đây, ông Capriles tuy vẫn ở thế yếu nhưng đã mau chóng rút ngắn khoảng cách với ông Chavez.

Thậm chí có cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ số tín nhiệm của ông Capriles đã vượt ông Chavez khoảng 2%. Cuộc chạy đua càng gần đến đích thì không khí tranh cử càng quyết liệt.

Trong những ngày vừa qua, khắp Venezuela diễn ra những cuộc mít tinh và diễu hành rầm rộ nhằm ủng hộ hoặc ứng viên Chavez hoặc ứng viên Capriles.

Trong bầu không khí nóng bỏng và khoảng cách sít sao giữa hai ứng viên, không ai dám dự đoán kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử.

Theo Vũ Việt
Tiền phong/Inosmi.ru và Kp.r
---------------
Biển Hoa Đông tiếp tục nóng

Tối 6.10, Kyodo News dẫn nguồn Lực lượng tuần duyên Nhật Bản (JCG) cho hay 8 tàu tuần tra Trung Quốc vừa tiếp cận vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đang tranh chấp.

Theo JCG, số tàu này xâm nhập vùng biển trên lúc 3 giờ chiều hôm qua. Trước đó, vào sáng qua, 3 tàu ngư chính Trung Quốc cũng tiến vào vùng biển xung quanh Senkaku/Điếu Ngư. Như vậy, tính đến hôm qua, tàu công vụ của Bắc Kinh liên tục xâm nhập khu vực trên suốt 6 ngày liền. Trong khi đó, Tokyo nhiều lần nhấn mạnh sẽ hành động cương quyết đối với vấn đề Senkaku/Điếu Ngư và ra lệnh hàng chục tàu tuần tra sẵn sàng ứng phó.

Giữa bối cảnh Tokyo - Bắc Kinh đang căng thẳng, tờ Daily Yomiuri đưa tin máy bay vận tải quân sự hạng nặng MV-22 Osprey của Mỹ chính thức hoàn tất việc triển khai tại Nhật Bản.

Với ưu điểm khả năng vận tải lớn và tầm hoạt động xa, trực thăng MV-22 Osprey được cho là sẽ giúp lực lượng Mỹ tăng cường sức điều phối để nhanh chóng có mặt tại nhiều nơi ở Đông Bắc Á. Theo giới quan sát, điều này chắc chắn khiến Bắc Kinh phải lo ngại. Trong một diễn biến khác, Nhật Bản vừa chính thức bổ nhiệm ông Masato Kitera, 59 tuổi, giữ chức đại sứ nước này tại Trung Quốc.

Ngô Minh Trí// Thanh Niên
---------------
Những sự kiện 'nóng' thế giới 7 ngày qua

 Ông Mitt Romney giành ưu thế trong cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên.

Ứng cử viên của đảng Cộng hòa - cựu Thống đốc Mitt Romney đã nổi lên là người chiến thắng trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình tối 3/10 trước đối thủ đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama.

Kết quả thăm dò ngay trong đêm 3/10 của CNN/ORC cho biết có tới 67% số cử tri trên khắp cả nước Mỹ được phỏng vấn ngẫu nhiên nói rằng ông Mitt Romney là người chủ động hơn, nổi bật hơn trong cuộc tranh luận. Vị chính khách này liên tục công kích đối thủ trong suốt 90 phút, do vậy đã dồn đẩy ông Obama vào thế bị động và phải quay sang giải trình chính sách của Nhà Trắng trong các vấn đề. Với sự thể hiện thành công này trong cuộc tranh luận đầu tiên, ông Mitt Romney được dự báo sẽ nhận được nhiều tiền hơn trong các cuộc vận động sắp tới, thậm chí cả sự ủng hộ của không ít những cử tri cho tới nay vẫn còn chưa biết chọn ai làm người đại diện cho nước Mỹ.

Tuy nhiên, với uy tín bị sụt giảm nghiêm trọng trong hơn một tháng qua kể từ đại hội toàn quốc của hai đảng và trong bối cảnh chỉ còn một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu chọn tổng thống mới, các chuyên gia cho rằng là liệu có quá muộn để vị cựu Thống đốc 65 tuổi này bứt phá hẳn lên và giành thắng lợi chung cuộc trong cuộc bầu cử ngày 6/11 tới hay không.

Dù thắng lợi nghiêng về ông Mitt Romney, song cũng có khá nhiều người cho biết kết quả các cuộc tranh luận sẽ không tác động nhiều tới sự lựa chọn của họ. Theo thăm dò của Google, có 47,8% đánh giá tích cực sự thể hiện của ông Mitt Romney trong cuộc tranh luận so với 25,4% dành cho ông Obama và hơn 25% còn lại nói rằng hai ứng cử viên đã hòa nhau. Tuy nhiên, theo đánh giá của Giáo sư khoa học chính trị Samuel Popkin đến từ Đại học California ở thành phố San Diego, sẽ có rất ít cử tri ngả từ bên này sang bên kia chỉ do kết quả cuộc tranh luận này. Nổi lên trở thành người chiến thắng sau cuộc tranh luận trực tiếp, nhưng với 35 bang, 6% số cử tri đã bỏ phiếu sớm và trong hoàn cảnh chỉ còn xấp xỉ một tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu, giới phân tích nhận định ông Mitt Romney dường như không còn đủ thời gian để tranh thủ lợi thế vừa giành được để có thể "lội ngược dòng" trong cuộc đua tranh chức ông chủ Nhà Trắng.


Nhật Bản kêu gọi tôn trọng UNCLOS trong tranh chấp tại Biển Đông

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koji Tsuruoka đã kêu gọi các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông phải triệt để tôn trọng các công ước quốc tế, vì trật tự hàng hải là yếu tố hết sức quan trọng giúp duy trì sự phát triển bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong phát biểu tại Diễn đàn Hàng hải mở rộng (EAMF) lần thứ nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Manila của Philippines, ông Koji Tsuruoka nêu rõ: "Các nước liên quan trong tranh chấp ở Biển Đông nên tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), và tránh các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông".

Bình luận của ông Tsuruoka được đưa ra sau phát biểu gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), trong đó Thủ tướng Nođa cho rằng "mọi âm mưu hiện thực hóa tư tưởng hay tuyên bố chủ quyền của một nước thông qua việc đơn phương sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực là đi ngược lại tinh thần cơ bản trong Hiến chương LHQ cũng như lương tri nhân loại, do vậy hoàn toàn không thể chấp nhận".

EAMF là một sáng kiến của Nhật Bản, đưa ra tại Hội nghị Cấp cáo Đông Á tại Bali (Indonesia) năm 2011, nhằm cho phép Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và các đối tác đối thoại khác của ASEAN tham gia Diễn đàn Hàng hải ASEAN.

Philippines bắt cựu Tổng thống Arroyo

Cựu Tổng thống Philippines, bà Gloria Macapagal Arroyo đã bị bắt tại bệnh viện ngày 4/10 sau khi bị buộc tội tham nhũng trong thời gian cầm quyền.

Bà Gloria Macapagal Arroyo, 65 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ tại một quân y viện ở thủ đô Manila, nơi bà mới nhập viện để điều trị một căn bệnh mạn tính liên quan đến cột sống.

Phát biểu với các phóng viên sau vụ bắt giữ, một sĩ quan cảnh sát cấp cao cho biết bà Arroyo đang chịu sự giám sát và giam giữ của cảnh sát quốc gia. Tuy nhiên, cũng có khả năng bà sẽ được đưa trở lại bệnh viện cho tới khi tòa án chống hối lộ đưa ra quyết định về việc có chuyển bà đi hay không.

Bà Arroyo bị bắt giữ chỉ một ngày sau khi một tòa án Philippines ra lệnh bắt giữ bà vì tội biển thủ 366 triệu peso (8,8 triệu USD) trong quỹ xổ số nhà nước dành cho các chương trình từ thiện để chi cho các chiến dịch vận động tranh cử. Ngoài ra, bà cũng bị cáo buộc nhận hối lộ trong một thỏa thuận truyền thông trị giá 329 triệu USD với công ty ZTE của Trung Quốc.

Ngoài bà Arroyo, tòa án trên cũng ra lệnh bắt giữ 10 cựu quan chức nhà nước có liên quan đến các cáo buộc sử dụng sai mục đích quỹ xổ số nhà nước. Bà Arroyo nắm quyền Tổng thống Philippines từ năm 2001-2010. Bà vừa kết thúc 7 tháng tạm giam tại một quân y viện sau khi nộp tiền bảo lãnh cho các tội danh gian lận bầu cử.


Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có nguy cơ vượt tầm kiểm soát và vượt ra khỏi biên giới

Ngày 4/10, các nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã họp khẩn cấp để bỏ phiếu thông qua kiến nghị của chính phủ về việc triển khai quân qua biên giới, sau khi xảy ra vụ nã pháo từ phía Syria ngày 3/10 làm 5 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng lãnh thổ nước này "đã trở thành mục tiêu của các hành động gây hấn của các lực lượng vũ trang Syria, đe dọa an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ".

Trước đó, sau khi xảy ra vụ nã pháo từ phía biên giới Syria vào thị trấn Akcakale thuộc tỉnh biên giới Sanliurfa ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/10, Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày đã đáp trả bằng đạn pháo vào các mục tiêu ở Syria. Theo báo Today's Zaman của Thổ Nhĩ Kỳ, sáng sớm 4/10 quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục bắn pháo vào các mục tiêu ở huyện Tel Abyad gần biên giới Syria, làm một số binh sĩ Syria thiệt mạng.

TTK LHQ Ban Ki-moon kêu gọi Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu duy trì mọi kênh liên lạc với chính quyền Syria nhằm giảm nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột, đồng thời kêu gọi Damacuss "tôn trọng đầy đủ sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng". Trong một động thái liên quan, tối 3/10, NATO đã họp khẩn cấp và ra tuyên bố lên án vụ nã pháo của Syria gây ra "mối lo ngại lớn nhất" đối với nước thành viên NATO. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 4/10 cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình "đang xấu đi" giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ

Trong khi đó, tờ "Daily News" đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường sức mạnh ở Địa Trung Hải, với việc điều một số tàu chiến nổi và tàu ngầm đến các căn cứ của Hải quân tới khu vực trên. Tin cho hay các tàu trên được trang bị đầy đủ vũ khí trong trạng thái sẵn sàng cho chiến tranh.

Trong bối cảnh dư luận thế giới lo ngại chiến sự Syria sẽ lan sang các quốc gia láng giềng, một loạt các nước Lebanon, Iran, Iraq, Jordania đã chuẩn bị các biện pháp đề phòng nguy cơ chiến sự lan rộng. Chính phủ Iraq đã huy động quân đội đến bảo vệ khu vực biên giới với Syria sau khi thừa nhận các tay súng thuộc dòng Hồi giáo Sunni tại quốc gia này đã vượt biên vào Syria để hỗ trợ cho lực lượng chống Tổng thống Bashar Al Assad.

Giới phân tích nhận định nếu Syria rơi vào tình trạng chia rẽ, toàn bộ khu vực Trung Đông có nguy cơ rơi vào hỗn loạn.



Cái chết của Cách mạng Hoa Hồng

Ủy ban bầu cử Grudia tối 3/10 đã công bố kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Quốc hội nước này ngày 1/10. Theo đó, khối đối lập "Giấc mơ Grudia" (DG) do nhà tỉ phú Bidzina Ivanishvilli đứng đầu, đã giành thắng lợi với 54,9% số phiếu ủng hộ sau khi kiểm 99% số phiếu của các khu vực bầu cử.

Đảng "Phong trào Dân tộc Thống nhất" (UNM) cầm quyền thân Tổng thống Mikhael Saakashvili chỉ giành được 40,3% số phiếu bầu. Tổng cộng, DG có thể giành 80-81 ghế và UNM đoạt 69-70 ghế trong Quốc hội Grudia khóa mới gồm 150 ghế với nhiệm kỳ 4 năm.

Ngay trong đêm 2 rạng sáng 3/10, ông Ivanisvili đã kêu gọi Tổng thống Saacasvili từ chức và tổ chức bầu cử tổng thống mới trước thời hạn. Tuy nhiên, sau đó ông lại cải chính rằng đó chỉ là nguyện vọng chứ không là yêu sách của khối đối lập DG gồm sáu chính đảng do ông đứng đầu.

Trưa 3/10, ông Ivanisvili cũng đã triệu tập phiên họp kín của lãnh đạo DG để thảo luận việc thành lập chính phủ mới. Một Nhóm công tác cũng được thành lập nhằm phối hợp với Tổng thống Mikhael Saakashvili để thành lập nội các mới. Ông Ivanisvili cho biết có thể sẽ nhận trọng trách Thủ tướng Grudia và chính phủ mới sẽ gồm các thành viên mới, giỏi chuyên môn nhằm đạt được mục tiêu của DG là lập lại trật tự hiến pháp, khôi phục và chấn hưng Grudia. Ông khẳng định ban lãnh đạo mới Grudia chủ trương cải thiện quan hệ với Nga trong khi vẫn tiếp tục thực hiện đường lối liên kết với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông cho biết trên cương vị người đứng đầu chính phủ mới, ông sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên tới Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, Tổng thống Mikhael Saakashvili cho biết ông không có ý định từ chức và sẽ tiếp tục đảm đương trọng trách nguyên thủ quốc gia Grudia cho đến tháng 10/2013. Theo Hiến pháp Grudia đã được sửa đổi, từ ngày 1/1/2013, Tổng thống Mikhael Saakashvili sẽ bị giảm bớt quyền hạn và các quyền này sẽ được chuyển cho quốc hội và chính phủ mới với thủ tướng mới sẽ có nhiều quyền hơn so với tổng thống.

Kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội Grudia được ví như “cái chết” của Cách mạng Hoa Hồng với sự ra đi sớm hay muộn của ông Mikhael Saakashvili.


“Nóng” bầu cử Venezuela

Venezuela đã hoàn tất những công đoạn chuẩn bị cuối cùng cho cuộc bầu cử Tổng thống nước này diễn ra vào hôm nay(7/10). Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy Tổng thống Chavez vẫn chiếm ưu thế trước đối thủ Henrique Capriles với khoảng cách từ 2 đến 15%. Gần 19 triệu cử tri Venezuela đủ tư cách sẽ tham gia bỏ phiếu trong ngày 7/10 để bầu tổng thống mới nhiệm kỳ 2013-2019.

Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, Tổng thống Chavez vẫn duy trì được thế thượng phong với cách biệt từ 10%-19%. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định khả năng đắc cử của hai ứng cử viên là khá ngang nhau dù có phần nghiêng về Tổng thống Chavez. Theo họ, cả hai ông đều có những lợi thế không thể phủ nhận. Vấn đề là ở vào giai đoạn nước rút của chiến dịch vận động tranh cử, họ có thuyết phục được bộ phận cử tri vẫn còn lưỡng lự hay không.

Trên cương vị người đứng đầu Nhà nước Venezuela 2 nhiệm kỳ qua, Tổng thống Chavez đã thực hiện các chính sách xã hội cải thiện đời sống cho những người nghèo, góp phần giảm đáng kể số người nghèo và dưới mức nghèo khổ cũng như giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo mọi người dân tại quốc gia 29 triệu dân này được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế và cung cấp lương thực đầy đủ. Đây cũng là những nhân tố làm nên một Tổng thống Chavez được lòng dân khi hướng tới cộng đồng người nghèo.

Trong khi đó, đại diện cho liên minh đối lập, chính khách Henrique Capriles, 40 tuổi, sinh ra trong một gia đình giàu có tại thủ đô Caracas. Ông tự nhận mình là một chính khách mang tư tưởng cấp tiến,theo đuổi một đường lối phát triển kinh tế toàn diện, ủng hộ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và một chính sách đối ngoại cân bằng. Ông tham gia vũ đài chính trị từ khá sớm và nhanh chóng thành công với những tố chất của một chính trị gia bẩm sinh; đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trên chính trường như Chủ tịch trẻ nhất của Hạ viện và tiếp đó là Phó Chủ tịch Thượng việnVenezuela. Đó chính là những vũ khí của ông trong cuộc đua này.


Chìm phà ở Hong Kong, ít nhất 23 người chết và mất tích

Tối 1/10, 1 chiếc phà đã bị chìm ở khu vực ngoài khơi đảo Lamma, phía Tây Nam đảo Hồng Kong làm ít nhất 8 người thiệt mạng và 45 người bị thương.

Nguyên nhân vụ tai nạn là do một tàu kéo đã va chạm với một phà chở 124 người. Dã có 101 người được giải cứu, hàng chục người trong số này đã được chuyển tới bốn bệnh viện địa phương, trong khi vẫn còn nhiều người mất tích. Một quan chức Hồng Kong cho biết con tàu kéo đã đâm vào chính giữa chiếc phà khiến chiếc phà nhanh chóng bị chìm xuống. Cảnh sát cho hay vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn này.



Công bố bản đồ gen hoàn chỉnh của cây lúa

Một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc và Nhật Bản vừa công bố một bản đồ hoàn chỉnh về các biến thể gen của cây lúa, nguồn cung cấp lương thực cho một nửa dân cư trên hành tinh. Nghiên cứu cho thấy giống lúa chủ yếu hiện nay có nguồn gốc từ vùng châu thổ hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Quốc.

Nghiên cứu trên, được công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 3/10, là kết quả của quá trình phân tích tỉ mỉ mã di truyền ADN của hơn 1.000 giống lúa (bao gồm hai tiểu nhóm indica và japonica) và gần 500 giống lúa hoang (thuộc nhóm Oryza rufipogon), tổ tiên của các giống lúa đang trồng hiện nay.

Nghiên cứu này được đánh giá sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển các giống lúa mới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Hồ Điệp (Tổng hợp) // Petrotimes
--------------
Hàn Quốc: Rò rỉ hóa chất độc hại, cả làng sơ tán

Dân làng Bongsan, thành phố Gumi đã phải sơ tán đến nơi trú ẩn tạm thời sau khi 8 tấn chất axit hydroflouric bị rò rỉ ra bên ngoài.

Khoảng 70 người già phải rời khỏi làng trên hai xe khách đến làng Baekhyeon cách đó 6km vì vụ rò rỉ hóa chất độc hại vào hôm 27-9 tại nhà máy sản xuất hóa chất Hube Global ở thành phố Gumi.

“Chúng tôi quyết định rời khỏi làng để tránh những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe”, trưởng thôn Park Myung-Seok nói. Ông cũng yêu cầu chính quyền địa phương cung cấp nơi trú ẩn cho người dân.

Cả làng có khoảng 300 người. Văn phòng quản lý thiên tai ở Gumii cho hay, sắp tới sẽ phải sơ tán toàn bộ dân làng.

Hãng tin Yonhap đưa tin, người dân ở làng Imcheon bên cạnh cũng đang yêu cầu được sơ tán.

Theo các nhân viên y tế, hơn 600 người, bao gồm người dân địa phương và lính cứu hỏa, đang trong quá trình điều trị những căn bệnh nghi ngờ do vụ rò rỉ hóa chất độc hại gây ra.

5 người đã thiệt mạng trong vụ nổ nhà máy gây nên vụ rò rỉ nghiêm trọng bởi khi đó, các công nhân đang vận chuyển axit từ một xe chứa.

Tuy nhiên, tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn những suy nghĩ ban đầu rất nhiều. Một nhóm các chuyên gia và nhân viên chính phủ đã bắt đầu cuộc điều tra ba ngày (bắt đầu từ thứ sáu, 5-10) để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình hình.

Hàng trăm người dân phải điều trị trong bệnh viện do hít phải khí độc từ vụ rò rỉ có triệu chứng buồn nôn, đau ngực, phát ban, đau mắt, đau rát cổ họng. Một số người thấy máu trong nước bọt.

Hãng tin Yonhap cho hay, 90 ha cây lương thực và hoa màu bị khô héo, hơn 1.300 gia súc có triệu chứng bệnh giống như cúm.

Theo chính phủ Hàn Quốc, khu vực này được liệt vào vùng thiên tai. Tức là cư dân trong khu vực này có thể được hỗ trợ về tài chính, được cắt giảm thuế và được bồi thường thiệt hại.

Phan Yến
Theo News// Tiền Phong
------------
Thêm một thủ lĩnh Taliban bị tiêu diệt ở Afghanistan

Mulla Abdul Akhun từng tổ chức nhiều cuộc tấn công bằng bom vào các mục tiêu của Chính phủ và liên quân.

Lực lượng liên minh NATO tại Afganistan hôm 6/10 thông cáo rằng Mulla Abdul Akhun, một trong những thủ lĩnh của lực lượng Taliban đã bị tiêu diệt trong một vụ đụng độ tại quận Zhari ở thành phố Kandaha, miền nam Afghanistan ngày 5/10.

Theo thông cáo, 3 binh sỹ Taliban đã thiệt mạng trọng vụ đụng độ và NATO đã xác định được danh tính của Abdul Akhun, một trong những khủ lĩnh khét tiếng của Taliban, từng tổ chức nhiều cuộc tấn công bằng bom vào các mục tiêu của Chính phủ và liên quân, đồng thời là kẻ cầm đầu điều phối các hoạt động buôn bán vũ khí ở khu vực phía Nam thủ đô Kabul.

Ngoài ra, NATO cũng cho biết đã bắt giữa một nhà lãnh đạo cấp cao của Taliban tại Gazder nằm ở tỉnh miền đông Paktia. Tuy nhiên, danh tính người bị bắt vẫn chưa được tiết lộ.

Phía Taliban vẫn chưa lên tiếng xác nhận thông tin thủ lĩnh bị tiêu diệt./.

Thu Hiền/VOV-Trung tâm tin Theo Tân Hoa xã
--------------
Nhật Bản kêu gọi tôn trọng UNCLOS ở Biển Đông

Trong phát biểu tại Diễn đàn Hàng hải mở rộng (EAMF) lần thứ nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 5/10 ở thủ đô Manila của Philippines, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koji Tsuruoka đã kêu gọi các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông phải triệt để tôn trọng các công ước quốc tế, vì trật tự hàng hải là yếu tố hết sức quan trọng giúp duy trì sự phát triển bền vững ở châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Koji Tsuruoka nêu rõ: "Các nước liên quan trong tranh chấp ở Biển Đông nên tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), và tránh các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông."

Theo ông, UNCLOS đã quy định trật tự về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mỗi quốc gia, nên tất cả các bên phải xác định tuyên bố chủ quyền của mình phù hợp với luật quốc tế.

Ông cũng kêu gọi các nước ngoài ASEAN, tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), trong đó có Mỹ, Trung Quốc, và Nga nên giữ cam kết ủng hộ một khối ASEAN tập trung và hội nhập, kể cả việc tăng cường liên kết hàng hải trong khu vực.

Cùng tại diễn đàn trên, Trung Quốc đã đề xuất lập quỹ hợp tác hàng hải trị giá 474 triệu USD với 10 nước ASEAN./.

TTXVN
-----------------
Công ty Nhật: Đầu tư ở Trung Quốc chứa nhiều rủi ro

Sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo tranh chấp, mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư thời gian qua, đã khiến làn sóng chống Nhật tại Trung Quốc đang làm gia tăng rủi ro đối với các công ty Nhật Bản hoạt động tại quốc gia này.

Giới phân tích kinh tế nhận định điều này có thể tạo ra sự chuyển dịch đầu tư của các công ty Nhật Bản sang các quốc gia khác.

Nhà kinh tế hàng đầu của Viện nghiên cứu Daiwa - Mitsumaru Kumagai - cho biết, hơn bao giờ hết, các công ty Nhật Bản thấy rằng đầu tư ở Trung Quốc ẩn chứa nhiều rủi ro, vì vậy họ sẽ cân nhắc việc chuyển hướng sang các nền kinh tế mới nổi khác. Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên quan hệ kinh tế Trung-Nhật bị tổn hại do căng thẳng ngoại giao.

Các chuyên gia đã đề cập đến chiến lược kinh tế "Trung Quốc+1," tức là đặt thêm một cơ sở thứ hai ngoài Trung Quốc để giảm rủi ro.

Myanmar, Bangladesh, Philippines... đang trở thành những điểm đến hấp dẫn hơn Trung Quốc, nơi giá thành lao động đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, với quy mô lớn, Trung Quốc vẫn được xem là một trong những thị trường hấp dẫn nhiều nhà đầu tư Nhật Bản./.

(TTXVN)
--------------
 Triều Tiên phái người tới Thụy Điển học tập cách quản lý kinh tế

 “Họ hỏi chúng tôi chính phủ có áp mức lương tối đa cho công ty không… Họ đến từ một thế giới hoàn toàn khác, họ không hiểu chúng tôi và tôi cũng không hiểu họ.”

Tờ Washington Post ngày 05/10 đưa tin, hôm thứ Sáu một đoàn đại biểu thương mại và doanh nghiệp Triều Tiên đã tới thăm Thụy Điển trong một chuyến đi được chính phủ Thụy Điển tài trợ một phần.

Đài phát thanh The Local của Thụy Điển cho hay: “Tham gia chuyến thăm này có các đại biểu đến từ các trường đại học, các công ty xuất khẩu nhà nước và đại diện Bộ Ngoại thương Triều Tiên. Họ đến thăm Thụy Điển theo lời mời của Hội đồng Quốc tế Công nghiệp Thụy Điển.”

Theo The Local, trong chuyến thăm này, các đại biểu Triều Tiên đã tới thăm một cơ sở bán buôn rau xanh và đã đưa ra nhiều câu hỏi về cách quản lý kinh tế của chính phủ.

Giám đốc tiếp thị Benny Olsson của cơ sở này cho hay: “Họ hỏi chúng tôi kiếm được bao nhiêu, mức lương bình quân là bao nhiêu và nhiều câu hỏi khác về sự quản lý của chính phủ đối với chúng tôi.”

“Họ hỏi chúng tôi chính phủ có áp mức lương tối đa cho công ty không… Họ đến từ một thế giới hoàn toàn khác, họ không hiểu chúng tôi và tôi cũng không hiểu họ.”

Nền kinh tế Triều Tiên hiện nay thực hiện theo chế độ quản lý tập trung và thường xuyên bị thiếu hụt lương thực. Tuy nhiên gần đây nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đề cập tới ý định đổi mới nền kinh tế.

Thụy Điển là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.
( GDVN)
------------------------
 Đến lượt Anh, Argentina căng thẳng vì tranh chấp đảo

Argentina hôm 5/10 phản đối kế hoạch của Anh tiến hành một cuộc tập trận quân sự mới ở quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands.

Bộ Ngoại giao Argentina cho biết, đã lần lượt triệu tập Đại sứ Anh Shan Morgan và Đại sứ Liên minh châu Âu Alfonso Diez Torres tại Argentina tới để bày tỏ “sự phản đối chính thức”.

Trước đó, quân đội Anh thông báo, nước này sẽ tổ chức một cuộc diễn tập quân sự ở quần đảo Malvinas theo cách gọi của Argentina và Falklands theo cách gọi của  Anh từ ngày 8/10 - 19/10.

Giữa Argentina và Anh từng có một cuộc chiến tranh kéo dài 74 ngày năm 1982 vì tranh chấp quần đảo trên. Bất chấp thất bại về quân sự, Argentina vẫn không từ bỏ việc đòi chủ quyền đối với quần đảo./.

Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm
Theo Tân Hoa xã
---------------
Tổng thống Iran tố phương Tây gây rối thị trường tiền tệ

(VOV) - Đồng rial của Iran đã mất khoảng 80% giá trị so với USD kể từ đầu năm 2012.

Ngày 5/10, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cáo buộc  phương Tây và phe đối lập trong nước gây rối loạn thị trường tiền tệ Iran, làm cho đồng nội tệ rial bị mất giá.

Tổng thống Ahmadinejad cũng tuyên bố, nước này sẽ không nhượng bộ trước sức ép quốc tế cũng như không chấm dứt các hoạt động hạt nhân, bất chấp những vấn đề kinh tế mà Iran đang đối mặt xuất phát từ các lệnh cấm vận của phương Tây.

Trong khi đó, Tòa án Tehran tuyên bố đã bắt được 16 người, bị cáo buộc liên quan tới việc gây “mất trật tự” trên thị trường tiền tệ địa phương. Những người bị bắt “đóng vai trò chính gây ra sự thay đổi bất thường gần đây trên thị trường giao dịch ngoại tệ trong nước”.

Theo thông báo trên, 16 đối tượng bị bắt giữ "là các phần tử chính gây ra tình trạng rối loạn trên thị trường tiền tệ". Thông báo nêu rõ các đối tượng này đã lợi dụng "tâm lý chiến của kẻ địch" để kiếm lợi bất hợp pháp và "phục vụ lợi ích của nước ngoài gây rối loạn nền kinh tế nước nhà".

Đồng rial của Iran đã mất khoảng 80% giá trị so với USD kể từ đầu năm 2012 khi phương Tây bắt đầu áp dụng các lệnh cấm vận nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran, nguồn thu ngoại tệ chính của Iran.Tình trạng này đã dẫn tới việc người dân đổ xô đi đổi ngoại tệ bất hợp pháp ./.

Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters
---------------
Trung Quốc đề nghị hợp tác hàng hải với ASEAN

 Hãng tin AP ngày 5.10 cho biết Trung Quốc đã đề nghị lập quỹ hợp tác hàng hải trị giá 3 tỉ nhân dân tệ (474 triệu USD) với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trung Quốc đưa ra đề nghị trên tại Diễn đàn hàng hải ASEAN và tám quốc gia đối tác (trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ) vào ngày 5.10, tại Manila (thủ đô của Philippines), theo tin tức từ hãng tin AP.

Các quan chức ngoại giao Trung Quốc và các nước ASEAN vẫn đang thảo luận về phương hướng sử dụng số tiền quỹ mà Trung Quốc đề xuất, theo AP.

Theo AP, ASEAN và Trung Quốc có thể hợp tác hàng hải trong các lĩnh vực an toàn hàng hải, sinh thái, tìm kiếm và cứu hộ.

Khai mạc vào ngày 3.10, Diễn đàn hàng hải ASEAN 2012 tập trung thảo luận các vấn đề hợp tác hàng hải, bảo vệ môi trường biển trong khu vực. Ngày 5.10, diễn đàn này mở rộng thảo luận với tám quốc gia đối tác nói trên.

Phúc Duy // Thanh Niên
-------------------
Nhật Bản bổ nhiệm tân đại sứ tại Trung Quốc

Nhật Bản sẽ bổ nhiệm đại sứ mới ở Trung Quốc, thay cho vị đại sứ qua đời vì bệnh hồi tháng 9.

Ông Masato Kitera (59 tuổi) sẽ được bổ nhiệm thay cho đại sứ quá cố Uichiro Niwa vào tháng tới, trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản, theo tin tức từ AFP.

Theo AFP, ông Kitera, hiện giữ chức cố vấn trong văn phòng thủ tướng, từng giữ chức Tổng thư ký phụ trách các vấn đề châu Phi thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, từng đứng ra tổ chức Hội thảo viện trợ châu Phi Nhật Bản - Liên Hiệp Quốc hồi năm 2008.

Tâm điểm căng thẳng tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, theo AFP.

Trong những tuần qua, tàu hải giám và cả tàu chiến của Trung Quốc liên tục xuất hiện tại vùng biển gần quần đảo này.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde trong tuần này cảnh báo nền kinh tế thế giới yếu ớt sẽ không thể trụ được, nếu Trung Quốc và Nhật dấn sâu vào vụ tranh chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sau khi các ngân hàng Trung Quốc rút khỏi cuộc họp của quỹ này tại Tokyo.

Phúc Duy // Thanh Niên
--------------
  Phát hiện giếng dầu có trữ lượng lớn ở vịnh Mexico

Trong buổi họp báo ngày 5/10, Tổng thống Mexico Felipe Calderon thông báo quốc gia Bắc Trung Mỹ này vừa phát hiện giếng dầu Supremus 1 có trữ lượng khoảng từ 75 triệu đến 125 triệu thùng, tương đương sản lượng khai thác 10.000 thùng/ngày.

Giếng dầu mới nằm ở độ sâu gần 4.000 mét, trong đó 2.874 mét nước và 1.100 mét dưới lòng đáy biển tại khu vực vùng vịnh Mexico, cách thành phố Matamoro, điểm cực Đông Bắc Mexico khoảng 250km, và cách đường biên giới với Mỹ khoảng 40km.

Theo ông Calderon, việc phát hiện ra giếng dầu trên cho phép khẳng định sự hiện diện của một hệ dầu mỏ lớn nằm trong lòng vịnh Mexico và sau khi xác nhận con số về trữ lượng dầu, tập đoàn dầu khí quốc gia Pemex có thể tiến hành khai thác giếng này ít nhất trong vòng 6 năm.

Trong 6 năm dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Calderon, tập đoàn Pemex đã tiến hành khoan thăm dò 15 giếng dầu tại vùng nước sâu và có kế hoạch tìm kiếm tại 22 địa điểm khác trong một nỗ lực nhằm tăng gấp đôi sản lượng dầu mỏ hiện nay là 2,5 triệu thùng/ngày vào năm 2026./.

(TTXVN)
------------------------
Ông Obama phê chuẩn dự luật tài chính về Myanmar

Theo AFP, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 5/10 đã ký phê chuẩn dự luật tạo điều kiện cho Mỹ hậu thuẫn các thể chế tài chính quốc tế hỗ trợ xu hướng cải cách của Myanmar.

Đạo luật trên, được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng trước trong bối cảnh Washington dỡ bỏ lệnh trừng phạt tài chính và các biện pháp trừng phạt khác đối với Myanmar.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết động thái trên sẽ khuyến khích "các thể chế tài chính mạnh đảm bảo chính sách kinh tế hợp lý và quản lý tốt ở Myanmar," đồng thời hỗ trợ sự phát triển và giúp đỡ quốc gia biệt lập này tái hội nhập với kinh tế toàn cầu.

Theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ, đạo luật này sẽ ủy quyền cho các đại diện Mỹ hỗ trợ các cơ quan quốc tế trợ giúp tài chính cho Myanmar.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 26/9 tuyên bố Washington sẽ nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa từ Myanmar nhằm đáp lại những cải cách tích cực gần đây tại quốc gia Đông Nam Á này.

Mỹ sẽ bắt đầu việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với hàng hóa Myanmar với hy vọng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để người dân tại quốc gia Đông Nam Á này có thể xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ./.

(Vietnam+)
--------------
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận gần 10 vạn người tỵ nạn Syria

(VOV) - Đã có hơn 136.700 người Syria tới Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn, tuy nhiên hơn 40.000 người sau đó đã trở lại Syria.

Ngày 5/10, Cơ quan Khẩn cấp và Đối phó thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: gần 100.000 người Syria đang ở trong các trung tâm tỵ nạn tại 5 thành phố ở tỉnh Hatay của nước này.

Những người tỵ nạn Syria được cung cấp chỗ ở tạm thời, lương thực, dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục và tham gia các hoạt động xã hội, tôn giáo.

Thống kê của Cơ quan Khẩn cấp và Đối phó thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, kể từ khi khủng hoảng bùng phát tại Syria tháng 3 năm 2011, có hơn 136.700 người Syria tới Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn, tuy nhiên hơn 40.000 người sau đó đã trở lại Syria.

Hiện căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tiếp tục leo thang sau vụ tấn công của Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ làm 5 dân thường thiệt mạng. Trong khi người dân khu vực biên giới Syria lo ngại về bạo lực có thể gia tăng, thì người dân phía bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cũng được khuyến cáo sơ tán tới những khu vực an toàn hơn./.

Hoàng Lê/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân hoa xã

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te