Hàng chục ngàn người Jordan biểu tình đòi cải cách hiến pháp
(VOV) - Lực lượng này đòi sửa đổi hiến pháp theo hướng thành lập Quốc hội dân bầu chứ không phải do Quốc vương chỉ định.
Hôm 5/10, hàng chục nghìn người Jordan đã xuống đường biểu tình ở trung tâm thủ đô Amman để kêu gọi cải cách hiến pháp, kinh tế và chống tham nhũng. Cuộc biểu tình diễn ra sau khi Quốc vương Jordan Abdullah II tuyên bố giải tán Hạ viện và kêu gọi bầu cử trước thời hạn.
Cuộc biểu tình do tổ chức Anh em Hồi giáo tiến hành sau khi kết thúc lễ cầu nguyện chiều thứ 6 hàng tuần nhằm gây sức ép buộc Quốc hội Jordan phải sửa đổi hiến pháp theo hướng thành lập Quốc hội dân bầu chứ không phải do Quốc vương chỉ định. Ngoài ra, những người biểu tình cũng kêu gọi đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và tẩy chay cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới.
Đây cũng là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất ở Jordan kể từ khi bùng phát làn sóng biểu tình có tên gọi "Mùa Xuân Arab" đầu năm 2011. Một lượng lớn cảnh sát và nhân viên an ninh đã được triển khai nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát bạo loạn. Trước đó, cảnh sát bắt giữ 8 người tìm cách vận chuyển vũ khí trên 3 xe buýt cỡ nhỏ vào trung tâm thành phố./.
TTXVN
--------------
Belarus hối thúc EU ngừng gây sức ép với nước này
(VOV) - Nước này sẵn sàng hợp tác tích cực với các nước châu Âu nhằm tăng cường an ninh và thịnh vượng toàn châu lục.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 5/10 hối thúc Liên minh châu Âu dừng việc gây sức ép lên Belarus và bắt đầu xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Ông Lukashenko bày tỏ hi vọng Liên minh châu Âu sẽ đưa ra các bước đi thể hiện là những đối tác quan trọng và thân thiện của Belarus.
Ông cũng khẳng định, Belarus là một phần không thể thiếu của một châu Âu rộng lớn và hiện đại, sẵn sàng hợp tác tích cực với các nước châu Âu nhằm tăng cường an ninh và sự phát triển thịnh vượng của toàn châu lục.
Cuộc xung đột ngoại giao giữa Belarus và Liên minh châu Âu bùng nổ vào tháng 2 vừa qua sau khi Hội đồng châu Âu (EC) thông qua những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Minsk.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Belarus đã triệu hồi các đại sứ của mình tại Liên minh châu Âu và Ba Lan về nước. Đại sứ các nước EU cũng đồng loạt rời Belarus. Tuy nhiên, sau 2 tháng, hai bên đều quyết định đưa các đại sứ trở lại./.
Phạm Hà/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
------------------
Iran ngấm đòn trừng phạt
Việc đồng Rial của Iran đang bị mất giá với tốc độ chóng mặt cho thấy nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này đang phải gánh chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề do cuộc bao vây cấm vận hà khắc của phương Tây.
Hãng tin bán chính thức Mehr của Iran ngày 5-10 dẫn thông báo của cơ quan công tố ở Thủ đô Tehran cho biết, nhà chức trách nước này đã bắt giữ 16 đối tượng là “các phần tử chính gây ra tình trạng rối loạn trên thị trường tiền tệ” trong nước. Theo thông báo, 16 người bị bắt giữ đã lợi dụng “cuộc chiến tranh tâm lý của kẻ kịch” để kiếm lợi bất hợp pháp và “phục vụ lợi ích của nước ngoài gây rối loạn nền kinh tế nước nhà”.
Vụ bắt giữ trên diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế và xã hội Iran, nhất là ở Thủ đô Tehran, đang diễn biến phức tạp do đồng Rial mất giá quá nhanh. Theo tỷ giá quy đổi ngày 4-10, 1USD đổi 39.000 Rial trong khi tỷ giá này là 1USD đổi 34.500 Rial ngày 2-10 và 24.000 Rial/USD cách đây khoảng một tuần. Tính ra đồng Rial đã mất giá với 80% so với các đồng ngoại tệ mạnh khác chỉ trong vòng 1 năm qua.
Đồng tiền mất giá nhanh đã khiến giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như thực phẩm, lương thực, hàng tiêu dùng... ngày càng đắt đỏ, gây bức xúc trong xã hội. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình biến thành bạo động tại khu trung tâm thương mại Ferdowsi ở Tehran ngày 4-10 với những khẩu hiệu chống chính phủ và đòi Thống đốc Ngân hàng Trung ương phải từ chức.
Trước những diễn biến căng thẳng do đồng Rial mất giá, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cáo buộc phương Tây đã phát động “cuộc chiến tranh kinh tế” chống lại nước này. Ông Ahmadinejad còn cho rằng, phương Tây đang gây “chiến tranh tâm lý” nhằm tăng sức ép lên lĩnh vực kinh tế và tài chính của Iran, khiến đồng nội tệ Rial của nước này giảm giá mạnh so với các ngoại tệ khác trong những ngày qua.
Trong khi đó, phát biểu trên đài phát thanh quân sự Israel ngày 4-10, Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman không ngần ngại tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Iran sẽ dẫn tới bạo loạn tại quốc gia Hồi giáo này. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Israel Yuval Steinitz cũng cho rằng, nền kinh tế Iran đang đứng bên bờ vực sụp đổ do bị cấm vận quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi.
Rối loạn trên thị trường tiền tệ, bất ổn trong xã hội... tại Iran hiện nay rõ ràng là hậu quả nặng nề tích tụ từ cuộc bao vây cấm vận quốc tế. Bên cạnh 4 lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt từ năm 2006 -2010, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) còn siết chặt thêm bằng những đòn trừng phạt hà khắc, chủ yếu nhằm vào mặt hàng dầu mỏ xuất khẩu chủ lực, nhằm gây sức ép buộc Tehran phải ngừng chương trình làm giàu uranium mà phương Tây nghi ngờ là nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trừng phạt của quốc tế đã khiến lượng dầu xuất khẩu của Iran giảm từ mức 2,4 triệu thùng/ngày trong năm 2011 xuống còn hơn 1 triệu thùng/ngày hiện nay, gây thất thu khoảng 3,4 tỷ USD mỗi tháng. Trừng phạt quốc tế còn làm cho nhiều quốc gia, bạn hàng đang làm ăn với Iran phải tháo chạy khỏi thị trường này, dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.
Song bất chấp tất cả, Tổng thống Ahmadinejad vẫn khẳng định, Tehran sẽ không từ bỏ quyền phát triển hạt nhân cũng như khuất phục trước sức ép từ bên ngoài.
HOÀNG HÀ // ANTĐ
-------------
Trung Quốc muốn lập quỹ hợp tác hàng hải với ASEAN
AP đưa tin, các quan chức ngày 5/10 cho biết Trung Quốc đã đề nghị lập quỹ hợp tác hàng hải trị giá 3 tỷ Nhân dân tệ (474 triệu USD) với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó một số nước thành viên có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh, Trung Quốc đã đưa ra đề nghị trên tại phiên khai mạc Diễn đàn hàng hải ASEAN và tám nước đối tác, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ.
[Khai mạc Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng lần đầu]
Diễn đàn hàng hải mở rộng ASEAN là một sáng kiến của Nhật Bản, đưa ra tại Hội nghị Cấp cáo Đông Á tại Bali, Indonesia, năm 2011, nhằm cho phép Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và các đối tác đối thoại khác của ASEAN tham gia Diễn đàn Hàng hải ASEAN.
Diễn đàn có sự tham gia của các quan chức chính phủ, các chuyên gia, học giả và các tổ chức phi chính phủ để thảo luận các vấn đề hàng hải, bao gồm cả nạn cướp biển và buôn người, đồng thời vạch ra đường hướng bảo vệ môi trường biển và thúc đẩy du lịch sinh thái và phát triển nghề cá tại Đông Á.
ASEAN và Trung Quốc hợp tác trong các vấn đề hàng hải, trong đó có an toàn hàng hải, hệ sinh thái, tìm kiếm và cứu hộ./.
(Vietnam+)
----------
DIỄN ĐÀN HÀNG HẢI ASEAN MỞ RỘNG: Việt-Trung xác định các lĩnh vực có thể hợp tác
Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF) lần thứ nhất đã khai mạc tại Manila (Philippines) ngày 5-10 với 18 nước thành viên hội nghị cấp cao Đông Á tham dự.
Hãng tin GMA News (Philippines) đưa tin tại cuộc họp báo bên lề EAMF, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh cho biết diễn đàn đã thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, giải pháp kiềm chế tranh chấp và giải pháp bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải. Các đại biểu đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) để giải quyết thách thức.
Ông Phạm Quang Vinh nói Trung Quốc đã đề nghị đóng góp 3 tỉ nhân dân tệ cho quỹ hợp tác hàng hải ASEAN-Trung Quốc; Việt Nam và Trung Quốc cũng đã xác định các lĩnh vực có thể hợp tác ở biển Đông căn cứ vào việc thực hiện Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.
Trong khi đó, báo Manila Bulletin (Philippines) đưa tin phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Koji Tsuruoka khẳng định cần thiết phải thiết lập trật tự hàng hải hiệu quả ở Đông Á để bảo đảm hòa bình, ổn định và duy trì tăng trưởng kinh tế của khu vực.
Ông bác bỏ ý tưởng “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh” và kêu gọi các bên tranh chấp ở biển Đông tuân thủ các công ước quốc tế, kiềm chế hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông. Ông kêu gọi các đối tác đối thoại của ASEAN ở hội nghị cấp cao Đông Á duy trì cam kết ủng hộ tính trung tâm và thống nhất của ASEAN.
THẠCH ANH// PLTP
----------------
Bộ trưởng Nhật dính bê bối nhận tài trợ của TQ
TTO - Báo Japan Times ngày 5-10 dẫn lời văn phòng Bộ Tư pháp Nhật cho biết tân Bộ trưởng Keishu Tanaka đã bị phát hiện nhận tổng cộng 420.000 yen (5.350 USD) tiền tài trợ từ một công ty do một người quốc tịch Trung Quốc điều hành trong bốn năm kể từ 2006.
Những khoản tài trợ này có thể vi phạm một đạo luật ở Nhật cấm các chính trị gia nhận tiền từ những cá nhân và pháp nhân nước ngoài, nhưng văn phòng của ông Tanaka nói ông đã trả lại toàn bộ số tiền.
Ông Tanaka cũng khẳng định trong một cuộc họp báo rằng ông không có ý định từ chức vì sự cố này.
Thông tin nói trên được báo chí Nhật tiết lộ sau khi ông Tanaka được chọn làm bộ trưởng tư pháp kiêm bộ trưởng phụ trách vấn đề người Nhật bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc vào đầu tuần này.
Văn phòng của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) ở khu vực bầu cử số 5 thuộc tỉnh Kanagawa, quận nhà của ông Tanaka, đã nhận mỗi năm 60.000-150.000 yen từ một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Yokohama trong giai đoạn 2006-2009, theo văn phòng của ông.
Luật kiểm soát quỹ chính trị Nhật cấm các chính trị gia nhận tiền đóng góp của các pháp nhân hay cá nhân nước ngoài. Năm 2011, báo chí cũng đã phanh phui hai vụ việc vi phạm luật trên liên quan tới người tiền nhiệm của Thủ tướng Yoshihiko Noda là ông Naoto Kan và ông Seiji Maehara, vào đầu tuần vừa được bổ nhiệm làm bộ trưởng kinh tế tài chính.
Ông Maehara khi đó làm bộ trưởng ngoại giao và đã phải từ chức, trong khi ông Kan giải thích rằng ông không biết bên tài trợ là người nước ngoài.
HẢI MINH// Tuổi Trẻ
---------------
Nga tập đánh chặn tên lửa tàng hình
Hôm qua (5/10), lực lượng phòng không, không quân của Nga và các nước Trung Á đã chính thức khai hỏa cuộc tập trận chung nhằm ngăn chặn những cuộc tấn công bằng tên lửa ở Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan, Người phát ngôn của Không lực Nga – Thiếu Tá Vladimir Deryabin cho hay.
Cuộc tập trận này được khai hỏa hôm nay và sẽ kéo dài đến ngày 16/10 tới với nhiều kịch bản, trong đó có kịch bản đánh chặn cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình.
Cuộc tập trận mang tên Chistoye Nebo (Bầu trời Sạch) 2012 sẽ được tổ chức tại vùng không phận của Kyrgyzstan, Tajikistan và Kazakhstan với sự tham gia của các loại tên lửa hành trình.
Một nhóm chuyên gia đến từ Bộ Tư lệnh Không quân Nga sẽ đại diện cho nước này đến tham gia cuộc tập trận. Các máy bay đánh chặn MiG-31 Foxhound và một máy bay cảnh báo sớm A-50 Mainstay được triển khai tại căn cứ không quân Kant ở Kyrgyzstan của Nga sẽ góp mặt trong cuộc tập trận.
Kazakhstan đã triển khai 5 sư đoàn phòng không tham gia cuộc tập trận. Một phần của cuộc tập trận cũng sẽ diễn ra tại ba căn cứ không quân của nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ này.
Trong khi đó, Kyrgyzstan cũng tham gia cuộc tập trận với các máy bay huấn luyện chiến đấu L-39 Albatros và máy bay tiêm kích Su-25 Frogfoot.
Cuộc tập trận được tổ chức nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác quân sự giữa các quốc gia là thành viên của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) cũng như tăng cường sức mạnh phòng không của khối này trước những mối đe doạ tiềm tàng.
Đan Khanh - (theo RIA, VNmedia)
--------------
Nga siết chặt chính sách nhập cư
Tại phiên họp chính phủ ngày 4-10, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố đã đến lúc tăng hình phạt đối với những vi phạm pháp luật về nhập cư. Thủ tướng Nga nhấn mạnh mức phạt tối đa được nâng lên đến 30.000 rúp, còn thời hạn tù tối đa là 5 năm. Đồng thời, ông cũng ủng hộ quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin về việc khởi tố hình sự đối với hành vi vi phạm nguyên tắc đăng ký khi nhập cảnh nước Nga.
Theo hãng tin Newsru, Cơ quan Di trú Liên bang Nga cho biết năm 2006 đã khởi tố hình sự 230 vụ liên quan đến vi phạm pháp luật nhập cư, đến năm 2011 có gần 400 vụ. Các chuyên gia cho rằng để cải thiện tình hình, cần thực hiện chính sách nhập cư cho giai đoạn đến năm 2025 mà Tổng thống Putin đã khẳng định hồi tháng 6.
Cuối tháng 8 vừa qua, Tổng thống Putin đã đặt lại vấn đề siết chặt chính sách nhập cư. Ông đã giao cho chính phủ điều nghiên và xác định chiến lược chính sách dân tộc của nhà nước Nga, trong đó có chính sách nhập cư.
Lục San// NLĐ
------------------
Hàng loạt cửa hàng ở Thái Lan đóng cửa vì sợ bị tấn công
(TNO) Hàng loạt cửa hàng kinh doanh trên đường phố và chợ ngoài trời ở các tỉnh cực nam Thái Lan đóng cửa, ngưng kinh doanh ngày hôm nay (5.10) vì lo sợ trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng ly khai.
Người dân ở tỉnh Yala, Narathiwat, Songkhla và Pattani ngày hôm nay không dám ra đường cũng như mở cửa kinh doanh như thường ngày. Họ cho biết trong nhiều ngày qua những tờ rơi đã được phát đi khắp nơi, đặc biệt là khu trung tâm thương mại.
Những tờ rơi này có lời cảnh báo họ không được kinh doanh, mua bán trong ngày thứ sáu vì đây là ngày của những người Hồi giáo cầu kinh. Sinh hoạt mua bán trong ngày này là vi phạm điều luật cấm của đạo Hồi, thay vào đó chỉ được cầu nguyện.
Kèm theo cảnh báo này là những lời đe dọa rằng lực lượng ly khai sẽ tấn công vào những kẻ mua bán.
Thứ sáu tuần trước hiện tượng này đã xảy ra và nhiều cửa hàng phải đóng cửa.
Giới chức địa phương tăng cường an ninh nhằm bảo vệ người dân mua bán, đồng thời trấn an người dân không nên tin vào tin đồn. Tuy nhiên rất nhiều người vẫn lo sợ, không dám kinh doanh.
Những tỉnh cực nam Thái Lan, nơi tiếp giáp với Malaysia, rất bất ổn trong nhiều năm qua. Phần lớn người Hồi giáo sinh sống ở khu vực này. Lực lượng ly khai đánh bom, bạo động thường xuyên đe dọa tính mạng của người dân.
An ninh luôn được thắt chặt ở đây. Chính phủ Thái Lan cố gắng giải quyết tình trạng bạo động nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)// Thanh Niên
------------------
Tàu chở người Trung Quốc cháy trên biển Nhật
(NLĐO) - Báo chí địa phương thông tin, một tàu chở hàng cắm cờ Campuchia tên HAODA 6 có 11 thành viên gồm 9 người Trung Quốc đã bốc cháy trên vùng biển gần thành phố Kitakyushu, Tây Nam tỉnh Fukuoka, Nhật Bản sáng 5-10.
Đám cháy dữ dội bùng phát trên HAODA 6 khi đó đang ở vùng biển ngoài khơi cách thành phố Kitakyushu 2km về phía Đông Bắc. Theo đài NHK thời điểm phát hiện tàu cháy khoảng 3 giờ sáng.
Ngay lập tức, lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã cử tàu cứu hộ đến hiện trường. Tàu này cùng tàu cứu hỏa địa phương cùng phun nước vào con tàu chở hàng trọng tải 1.496 tấn.
Đại diện Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Fukuoka xác nhận rằng có một con tàu chở hàng với thủy thủ đoàn gồm 9 người Trung Quốc và 2 người Myanmar bị bốc cháy. Đám cháy được dập tắt vào buổi trưa.
Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại do vụ hỏa hoạn gây ra. Chiếc tàu gặp hỏa hoạn khi đang chở 980 tấn sắt vụn từ cảng Chiba, Nhật Bản đến cảng Ninh Ba, Trung Quốc.
M.Khuê (Theo Tân Hoa Xã, Global Times, NLĐ)
--------------------
Hàn Quốc nối lại nhập khẩu dầu của Iran
Hàn Quốc đã chính thức nối lại việc nhập khẩu dầu thô từ Iran, ba tháng sau khi phải ngừng hoạt động nàyo này do các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Iran.
Theo một quan chức giấu tên thuộc SK Energy, công ty lọc dầu của Tập đoàn SK Innovation (Hàn Quốc), hồi đầu tuần, công ty này đã tiếp nhận chuyến hàng gồm 2 triệu thùng dầu từ một tàu chở dầu của Iran. Trong khi đó, một công ty lọc dầu khác của Hàn Quốc là Hyundai Oilbank dự kiến sẽ nhận chuyến hàng gồm 2 triệu thùng dầu trong tháng 10 này.
Cả hai công ty lọc dầu nói trên đã ngừng nhập dầu thô từ Iran từ ngày 1/7, thời điểm mà các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực đầy đủ khiến các công ty bảo hiểm nước ngoài từ chối bảo hiểm cho các tàu chở dầu từ Iran. Hàn Quốc quyết định nối lại nhập khẩu dầu từ Iran sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo này đề nghị sẽ tự bảo hiểm cho việc vận chuyển dầu của mình.
Theo thống kê, trong năm 2011, dầu mỏ Iran chiếm 9,4% tổng lượng dầu nhập khẩu của Hàn Quốc. Trong năm nay, lượng dầu mà Soul nhập từ Têhêran đã giảm mạnh do những lệnh cấm vận riêng rẽ của Mỹ đối với Iran, trong khi Iran là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc ở Trung Đông.
TTXVN/Tin tức
-------------
Campuchia hy vọng trở thành thành viên HĐBA
(VOV) - Cùng cạnh tranh chiếc ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với Campuchia có Hàn Quốc và Bhutan.
Phát biểu với báo giới ngày 5/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia bày tỏ hy vọng nước này có thể trở thành đại diện của châu Á được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2013-2014.
Người phát ngôn trên bày tỏ hy vọng, tại cuộc bỏ phiếu vào ngày 18/10 tới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Campuchia có thể nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia trong tổng số 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc. Hiện Campuchia đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều nước như Pháp, Trung Quốc, Iran, Brazil…
Cùng cạnh tranh chiếc ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với Campuchia có Hàn Quốc và Bhutan.
Để trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, các ứng cử viên phải nhận được sự ủng hộ của 2 phần 3 trong tổng số 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc./.
Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
(Theo Tân Hoa xã)
-------------
Iran bắt giữ 16 nghi can làm rối loạn thị trường tiền tệ
(VOV) - Lợi dụng tâm lý người dân lo sợ đồng nội tệ rớt giá, các nghi can này đã khiến người dân thêm hoang mang.
Nhà chức trách Iran ngày 4/10, thông báo đã bắt giữ 16 nghi can làm rối loạn thị trường tiền tệ nước này.
Hãng thông tấn bán chính thức Mehr dẫn nguồn tin từ Văn phòng công tố viên ở Tehran cho biết, giữa lúc người dân Iran lo sợ đồng nội tệ Rial rớt giá mạnh nên đổ xô nên mua ngoại tệ, lợi dụng tâm lý này những kẻ đó đã buôn bán bất chính ngoại tệ để kiếm lời, và reo rắc thêm tâm lý hoang mang trong người dân.
Tin còn cho biết, nguy hại hơn là những kẻ này “vô hình trung” đang làm lợi cho các “thế lực thù địch” muốn làm tổn hại nền kinh tế Iran.
Động thái trên diễn ra giữa lúc có đồn đoán rằng, nước này có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ, khi chỉ trong chưa đầy một tuần qua, đồng Rial rớt giá thảm hại so với đồng USD và các ngoại tệ có giá khác.
Theo tỷ giá quy đổi ngày 4/10, 1 USD ăn 32.000 Rial trong khi một tuần trước đó chỉ ăn 24.000 Rial và hồi cuối tháng 3 là 13.000 Rial.
Theo giới phân tích, việc đồng Rial trượt giá mạnh sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với ngành ngân hàng và dầu mỏ của Iran nhằm gây sức ép buộc chính phủ của Tổng thống Ahmedinejad phải chấm dứt chương trình sản xuất uranium của nước này./.
Mai Liên/VOV-Trung tâm tin
(Theo Tân Hoa xã)
--------------
Hiểm họa sóng thần ở Biển Đông đang bị làm ngơ
Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đang làm lu mờ một hiểm họa khác nguy hại không kém và đó là hiểm họa sóng thần có thể cướp đi hàng trăm nghìn sinh mạng.
Nguy cơ xảy ra sóng thần ở Biển Đông là có thực và các nước ven Biển Đông cần cấp bách chuẩn bị các biện pháp phòng chống hữu hiệu để giảm bớt thiệt hại về người và của.
Nguy cơ này đã được thể hiện trong trận động đất mạnh 7,6 độ Richter xảy ra hôm 31/8/2012. Trận động đất này đã làm rung chuyển nhiều thành phố ven biển ở miền Nam Philippines. Mặc dù tâm chấn không nằm trong các khu vực tranh chấp, nó có thể là một thử nghiệm đối với phản ứng của các nước và các cộng đồng ven biển Biển Đông trước nguy cơ sóng thần. Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương ở Hawaii đã đưa ra một cảnh báo sóng thần cho các nước có khả năng bị ảnh hưởng, bao gồm Indonessia và Philippines.
Rãnh Manila ở Biển Đông được Trung Quốc sử dụng như một giới hạn tuyên bố lãnh thổ của họ, điều mà phía Philippines cực lực phản đối. Đối với Indonessia, rãnh Manila là một trong những nguồn gốc gây ra sóng thần. Đáng tiếc là tranh chấp lãnh thổ kéo dài ở biển Hoa Đông và Biển Đông đang làm lu mờ hiểm họa và cản trở các biện phải giảm thiểu tác hại của sóng thần.
Tranh chấp Biển Đông đã bước vào một giai đoạn mới sau khi Hội nghị ASEAN tại Phnom Penh hồi tháng 7/2012 không dẫn đến một thỏa thuận giữa các quốc gia đòi hỏi chủ quyền Biển Đông. Nhiều học giả cho rằng tranh chấp Biển Đông sẽ nổi lên thành nguyên nhân tiềm tàng lớn nhất dẫn đến xung đột trong khu vực.
Ngoài tranh chấp lãnh thổ, khu vực Biển Đông còn tiềm ẩn những cơn bão cực mạnh và những trận động đất lớn có thể gây ra sóng thần. Vấn đề được đặt ra là làm thế nào mà các nước ven Biển Đông có thể đối phó hữu hiệu với nguy cơ sóng thần, khi mà họ dồn hết tâm sức vào vấn đề tranh chấp biển đảo?
Nguồn có thể gây ra sóng thần nguy hại nhất ở Biển Đông là khu vực đảo Luzon của Philippines. Các nhà khoa học đã đặt tên cho khu vực này là rãnh Manila, một rãnh đứt gãy dưới đáy biển trải dài 1.500 km. Đây là nơi có thể xảy ra những trận động đất cực mạnh không kém gì trận động đất-sóng thần từng tàn phá tỉnh Aceh của Indonesia năm 2004.
Rãnh Manila chính là nơi mảng lục địa Âu-Á va chạm với mảng lục địa Philippines. Trong hơn 100 năm qua, ở khu vực này đã không xảy ra trận động đất nào có cường độ lớn hơn 7,6 độ Richter. Chính điều này lại khiến cho các nhà nghiên cứu động đất-sóng thần e ngại. Rãnh Manila đã tích tụ năng lượng gần 5 thế kỷ và có thể giải tỏa khối năng lượng khổng lồ được tích tụ này vào bất cứ lúc nào. Đáng tiếc là một phần của rãnh đứt gãy cực kỳ nguy hiểm này lại là nơi xảy ra tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Philippines.
Nếu giới nghiên cứu của hai nước chỉ bận tâm với việc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, công cuộc nghiên cứu về nguy cơ động đất-sóng thần ở Biển Đông sẽ bị gián đoạn, xao nhãng.
So với Trung Quốc, Philippines dễ bị tổn thương hơn bởi động đất-sóng thần vì nó nước này nằm gần rãnh Manila hơn. Sóng thần sẽ tràn vào Philippines sớm hơn tất cả các quốc gia khác ở ven Biển Đông. Nếu xảy ra một trận động đất cực lớn ở rãnh Manila, điều này có thể tạo ra sóng thần gây hại cho Singapore, Trung Quốc lục địa, Malaysia, Việt Nam, Campuchia và một phần lãnh thổ Thái Lan.
Biển Đông có thể là vùng biển nguy hiểm nhất thế giới, xảy ra nhiều thiên tai. Xuất phát từ những bằng chứng về địa chất, nhà nghiên cứu Philip Liu (Cornell University) cho rằng nguy cơ sóng thần ở Biển Đông là có thực, nhãn tiền. Trong những năm qua, các nhà khoa học Philippines đã tiến hành nhiều cuộc khảo cứu nguy cơ này. Việc chuẩn bị chu đáo cho các cộng đồng trong việc phòng chống thiên tai chính là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm thiểu tổn thất.
Sau khi đã nhận thức rằng sóng thần và các thảm họa trên biển khác có thể gây hại nghiêm trọng cho các nước ven Biển Đông, cam kết ưu tiên cho lĩnh vực nhân đạo của các nước tranh chấp biển đảo là vô cùng cần thiết. Cam kết này bao gồm việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các cộng đồng dân cư ven biển cũng như các hệ thống cảnh báo sớm để giảm thiểu rủi ro./.
Minh Châu (theo Jakarta Post, ĐVO)
----------------
Cháy tàu chở hàng Campuchia tại vùng biển Nhật Bản
(VOV) - Trên tàu có 9 thủy thủ đoàn, trong đó có 5 người Trung Quốc.
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản cho biết, sáng 5/10, đã xảy ra một vụ hỏa hoạn trên một chiếc tàu chở hàng của Campuchia tại vùng biển gần tỉnh Fukuoka, Tây Nam Nhật Bản. Trên tàu có 9 thủy thủ đoàn, trong đó có 5 người Trung Quốc.
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại vùng biển cách thành phố Kitakyushu 2km.
Ngay sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu của chiếc tàu “HAODA 6”, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã cử tàu cứu hộ đến hiện trường.
Hiện chưa có báo cáo về thiệt hại do vụ hỏa hoạn gây ra.
Chiếc tàu gặp hỏa hoạn khi đang trên đường từ cảng Chiba, Nhật Bản đến cảng Ninh Ba, Trung Quốc./.
Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
(Theo Tân Hoa xã)
------------
Nga - Mỹ tranh cãi trong nghi án gián điệp
Cơ quan tư pháp Mỹ tuyên bố đã phá một mạng lưới gián điệp chuyên mua các thiết bị vi điện tử tinh vi cho cơ quan tình báo Nga, nhưng Moscow bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào của chính phủ Nga trong vụ việc.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vừa bắt giữ người được cho là cầm đầu đường dây, Alexander Fishenko, và 7 người khác, thuộc một mạng lưới có tất cả 11 người. FBI cho rằng ba người còn lại đã kịp chạy về Nga.
Theo bản cáo trạng hé lộ hôm qua tại tòa án liên bang, từ năm 2008, Fishenko đã thực hiện kế hoạch tinh vi để lừa các nhân viên hải quan Mỹ rằng công ty Arc Electronics, Inc có trụ sở tại Houston của ông này chỉ sản xuất và vận chuyển những sản phẩm thông thường tới Nga.
Giới chức Mỹ cho rằng công ty này trên thực tế đã cung cấp cho quân đội Nga "những công nghệ nhạy cảm" có thể dùng trong các hệ thống radar, theo dõi, hệ thống dẫn đường của vũ khí hay thiết bị kích nổ. Nếu bị kết tội, các bị cáo có thể đi tù tới 65 năm vì âm mưu lừa đảo, cản trở pháp luật và vi phạm luật thương mại liên bang. Fishenko có thể phải chịu thêm 30 năm sau song sắt nữa vì âm mưu rửa tiền.
Tuy nhiên, các quan chức Nga hôm qua nhấn mạnh rằng với những thông tin họ có được, đây không phải một đường dây gián điệp mà là một vụ án hình sự thông thường.
"Những cáo buộc mà phía Mỹ cho chúng tôi biết mang bản chất hình sự và không liên quan đến bất cứ hành vi gián điệp nào", AFP dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm qua cho biết. Ông cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc vì "nhiều phần trong vụ việc này không rõ ràng".
Trọng Giáp// VNex
---------------------
Đại tá Hàn Quốc lộ bí mật quân sự cho nhân tình
Một đại tá quân sự Hàn Quốc đang bị điều tra vì cáo buộc tiết lộ thông tin quân sự mật cho tình nhân, nhưng không có dấu hiệu cho thấy cô này là gián điệp của Triều Tiên.
Một đại tá thuộc cơ quan huấn luyện quân sự bị buộc tội tiết lộ 38 thông tin tuyệt mật cho một phụ nữ hồi tháng 5, Yonhap dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Chỉ huy An ninh Quốc phòng Hàn Quốc cho hay.
"Các công tố viên quân sự đang điều tra vụ việc", vị quan chức này nói.
Viên đại tá được giữ bí mật về danh tính khai rằng người phụ nữ này đã hỏi ông về các thông tin quân sự vì cô đang phải viết một bài báo cáo khoa học. Các nhà điều tra đang cố gắng tìm hiểu liệu Triều Tiên có liên quan đến vụ việc này không, nhưng hiện vẫn chưa có bằng chứng cho thấy người phụ nữ này làm gián điệp cho Bình Nhưỡng.
Tổng cộng 63 thông tin quân sự mật của Hàn Quốc đã bị rò rỉ trong năm nay, tăng vọt so với con số 23 thông tin năm ngoái.
Trọng Giáp // VNex
-------------
An ninh hàng hải: Biết chủ động “bắt quàng ai làm họ”
“Tại bất kỳ diễn đàn nào, dù an ninh hàng hải hay quy chế đối tác toàn diện Liên hiệp quốc – ASEAN mấy ngày gần đây, chúng ta đều phải chủ động “quảng bá” công cuộc bảo vệ biển đảo của Việt Nam”, chủ nhiệm chương trình “Minh triết làm chủ Biển Đông” Nguyễn Khắc Mai nói.
Các quan chức/chuyên gia cấp cao về an ninh hàng hải của các nước ASEAN nhóm họp từ 3 – 5.10 tại thủ đô Manila (Philippines), trong khi các nhà ngoại giao hàng đầu từ các nước ASEAN cũng vừa kết thúc hội nghị ASEAN – Liên hiệp quốc (AUMM) tại New York (Mỹ). Các diễn đàn này đều đã đề cập tới các tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Cơ hội ở các diễn đàn liên tiếp
Ngày 4.10, chủ tịch diễn đàn Hàng hải các nước ASEAN đã ra thông cáo với các điều khoản thúc đẩy hợp tác khu vực. Thành phần tham dự hội nghị chủ yếu cấp thứ trưởng và quan chức cấp cao. Ngày 5.10 hôm nay, ngoài các nước ASEAN, diễn đàn sẽ có thêm các đối tác ngoài khối như Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ cùng tham dự. Các cuộc thảo luận xoay quanh nỗ lực cải thiện hợp tác hàng hải giữa bối cảnh tranh chấp Biển Đông đang đe doạ an ninh khu vực.
Cũng trong ngày 4.10, được tin Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon mới đây đã nhất trí với lời kêu gọi giải quyết tranh chấp hoà bình ở Biển Đông, ông Nguyễn Khắc Mai, chủ nhiệm chương trình “Minh triết làm chủ Biển Đông” cho rằng, đây là dịp tốt để các nước vừa và nhỏ đứng ra yêu cầu tổ chức quốc tế này giúp đỡ. Tại khoá họp 67 của Đại hội đồng, ngoại trưởng Philippines del Rosario đã phát biểu: “Liên hiệp quốc được thành lập là để bênh vực những nước yếu trước nước mạnh, nhằm bảo đảm sự công bằng cho tất cả các quốc gia có chủ quyền, lấy thượng tôn pháp luật làm nguyên tắc cơ bản trong giải quyết các xung đột quốc tế”.
Trưởng đoàn Việt Nam, thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Quang Vinh trước Đại hội đồng cũng tuyên bố: Việt Nam hoàn toàn ủng hộ nguyên tắc sáu điểm về Biển Đông và việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đi đến Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Mai, trong bối cảnh những vi phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa liên tục và mang tính hệ thống như hiện nay, đáng ra đoàn Việt Nam cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa tại diễn đàn quốc tế quan trọng này.
Đề cập tới những tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, đoàn Philippines đã kêu gọi tất cả các nước thành viên Liên hiệp quốc hãy tôn trọng các quy định của luật pháp và cam kết quốc tế đồng thời kiềm chế sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Ngoại trưởng Albert del Rosario đã dẫn chiếu Hiến chương và UNCLOS, đồng thời đánh giá đó là những công cụ thích hợp nhất để giải quyết các tranh chấp hiện nay.
Những sáng kiến kêu gọi can hệ
Trong một cuộc họp riêng với ngoại trưởng Philippines trước đó, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc Vuk Jeremic đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc của ông tới các sáng kiến của Manila trong giải quyết hoà bình các tranh chấp.
Ông del Rosario coi chủ đề “Điều chỉnh hoặc giải quyết tranh chấp và xung đột quốc tế bằng biện pháp hoà bình” của phiên họp thứ 67 Đại hội đồng phản ánh được ý thức nhạy bén về các vấn đề trọng yếu của thế giới ngày nay và tạo cơ hội để các bên liên quan giải quyết tranh chấp mà không đe doạ dùng vũ lực.
Tuyên bố chung về “quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và Liên hiệp quốc” được thông qua cuối tháng 11.2011. AUMM lần này còn thảo luận công tác chuẩn bị cũng như các vấn đề chính cho Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Liên hiệp quốc lần thứ năm, dự kiến diễn ra tại Phnom Penh vào ngày 20.11 tới.
Nguyễn Hoàng // SGTT
------------------
Có khó “xác định danh tính?”các "tàu lạ" đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam
Tàu nào lại cứ nhắm vào tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam mà húc mãi như vậy? Có nhiều lần chúng húc vào đêm khuya, ngư dân gặp nạn bám vào phao dập dềnh giữa mênh mông trùng dương. Tàu nào mà ác đến như vậy?
14 giờ ngày 3.10, tàu cá mang số hiệu TH - 3138TS của ông Lê Như Khanh (trú tại phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hoá) chở theo 9 ngư dân đang đánh lưới ghẹ đã bị 2 tàu chưa xác định danh tính đâm chìm. Khu vực tàu TH - 3138TS bị đâm chìm cách đảo Nẹ (huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá) khoảng 40 hải lý về phía Đông Bắc. Sau khi bị đâm chìm, các ngư dân đã bám vào phao cứu sinh và liên hệ với đất liền chờ ứng cứu.
Nếu không có lực lượng biên phòng tỉnh Thanh Hóa cứu ứng kịp thời thì những ngư dân này khó sống sót.
Tàu nào lại cứ nhắm vào tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam mà húc mãi như vậy? Có nhiều lần chúng húc vào đêm khuya, ngư dân gặp nạn bám vào phao dập dềnh giữa mênh mông trùng dương. Tàu nào mà ác đến như vậy?
Biển của Việt Nam, hải phận của Việt Nam. Tàu ngoại quốc lưu thông chỉ trên các tuyến hải phận quốc tế, không có tàu nào rỗi hơi và mất lịch sự đi vào bên trong vùng nội thủy của Việt Nam cho tốn dầu và mất thời gian. Tàu xâm phạm vùng biển Việt Nam vì vậy quá dễ biết, vì nó xâm phạm thường xuyên. Vậy thì có chi là lạ.
Xin cam đoan ngư dân bị húc chìm ngoài biển biết rất rõ tàu đó xuất xứ từ đâu nhưng đành làm như không quen biết. Thế mới là chuyện lạ.
Ngư dân đánh cá trong vùng biển của mình, bị kẻ quen bắt đòi tiền chuộc, thế mới là chuyện lạ.
Biển của cha ông mình để lại nhưng kẻ khác ngang nhiên xâm chiếm, la to là biển của họ mới là chuyện lạ.
Xin được hỏi cao kiến của ban đọc Dân trí, tàu lạ húc chìm tàu của 9 ngư dân Thanh Hóa là tàu nào? Và theo các bạn, chúng ta nên cư xử với cái tàu "chưa xác định danh tính" gây tội ác này như thế nào ?
Lê Chân Nhân // Dân Trí