Tấn công quân sự vào Iran chưa phải là lựa chọn số một hiện nay. Tuy nhiên, trên mặt trận kinh tế, cuộc chiến chống lại quốc gia này của Mỹ và đồng minh đã bắt đầu từ lâu và ngày càng được siết chặt.
Những đòn tấn công dồn dập
Có thể nói Mỹ là nước đi đầu trong chiến dịch tấn công kinh tế nhằm vào quốc gia bên bờ vịnh Ba Tư. Trong tháng 9/2012, Chính phủ Mỹ đã cử nhiều đoàn công tác do Bộ Tài chính Mỹ chủ trì tới các nước có quan hệ kinh tế với Iran để vừa giám sát việc thực thi lệnh cấm vận, vừa vận động ủng hộ chính sách cấm vận này. Ngay cả với Trung Quốc, Mỹ cũng tỏ ra rất cương quyết. Cụ thể, tháng 7 vừa qua, Hoa Kỳ đã loại ngân hàng Côn Luân của Trung Quốc ra khỏi hệ thống tài chính của mình với cáo buộc ngân hàng này đã giúp Iran né tránh các biện pháp cấm vận, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 6 ngân hàng của Iran bị Mỹ trừng phạt vì dính líu đến chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Tehran.
Nhận định về nền kinh tế Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Nuland cho rằng, trừng phạt kinh tế đã tác động sâu sắc tới nền kinh tế Iran. Còn Bộ trưởng Tài chính Israel Steinitz cũng dự báo nền kinh tế Iran đang bên bờ vực sụp đổ và Iran đang bị thất thu 45-50 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ (!?).
Một đòn nặng khác đánh vào hệ thống tài chính của Iran chính là việc hồi giữa tháng ba vừa qua, Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu SWIFT đã dừng cung cấp dịch vụ điện tín của khoảng 20 ngân hàng Iran nằm trong danh sách bị EU trừng phạt - một trong những liên kết quan trọng nhất của Iran với hệ thống cho ngân hàng quốc tế. Đây đồng thời cũng là hành động chưa từng có tiền lệ tại SWIFT - hệ thống ngân hàng điện tử lớn nhất thế giới với hơn 9.700 chi nhánh tại 209 nước - được coi là kết quả của một nỗ lục đa phương nhằm cô lập Iran.
Về phía Liên minh châu Âu, khối này cũng đã triển khai nhiều đòn đánh mạnh vào nền kinh tế Iran. Mới đây nhất, đầu tháng 9/2012, ngoại trưởng các nước EU đã nhất trí áp dụng thêm lệnh trừng phạt mới nhắm vào ngành hóa dầu, tài chính và khí đốt của nước này. Trước đó, lệnh cấm vận được cho là khắc nghiệt nhất của EU đã chính thức có hiệu lực từ 1/7 khiến thương mại của Iran trên khắp thế giới bị ảnh hưởng. Theo đó, cấm các công ty EU vận chuyển dầu thô hoặc bảo hiểm cho lĩnh vực dầu khí của Iran. Tổng thống Iran - Ahmadinejad - sau đó phải thừa nhận đây là lệnh trừng phạt "mạnh mẽ nhất từ trước tới nay".
Bức tranhảm đạm về kinh tế Iran
Lên tiếng chính thức bên lề cuộc họp 67 Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 2/10/2012, tổng thống Iran cáo buộc phương Tây đang tiến hành cuộc chiến tranh kinh tế chống lại một nước Cộng hòa Hồi giáo. Ông Mahmoud Ahmadinejad nói rằng các "kẻ thù" của Iran đang tấn công vào lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ của Iran và làm ảnh hưởng mạnh tới cuộc sống của người dân nước này.
Khu vực ảnh hưởng mạnh nhất có lẽ là tài chính - ngân hàng. Theo Reuters, riêng trong ngày 1/10, đồng Rial đã mất giá 10% và chỉ trong vòng một tuần, đồng tiền này đã mất tới 20%, giảm từ mức 29.700 ngày 30/9 xuống mức 34.200 Rial/USD, trong khi Ngân hàng trung ương Iran vẫn duy trì tỷ giá ở mức 12.260 Rial/USD. Iran thông báo tỷ lệ lạm phát của nước này là 30% nhưng theo các nhà kinh tế khu vực con số thực đã lên tới 50-60%. Giá cả các mặt hàng, đặc biệt là nhu yếu phẩm, tăng từng ngày.
Ngành đem lại nhiều ngoại tệ nhất cho Iran là dầu mỏ cũng phải chống đỡ vất vả với lệnh cấm vận. Vẫn theo các số liệu của Mỹ, lượng dầu xuất khẩu của Iran đã giảm từ mức 2,4 triệu thùng/ngày trong năm ngoái xuống còn hơn 1 triệu thùng/ngày. Như vậy, Iran thất thu khoảng 3,4 triệu USD mỗi tháng và lượng dầu xuất khẩu của Iran giảm khoảng 40%.
Lo ngại lệnh cấm vận, nhiều tập đoàn lớn đã rút khỏi thị trường Iran. Đáng kể nhất là Trung Quốc rút khỏi dự án xây đập trị giá 2 tỷ USD và dự án khí đốt trị giá 4,7 tỷ USD; Nga rút khỏi dự án khai thác dầu trị giá hơn 2 tỷ USD. Các tập đoàn xe hơi Peugeot của Pháp, Mercedes của Đức hay Huyndai của Hàn Quốc cũng đã tháo chạy khỏi thị trường này.
Tìm cách chống chọi
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Bahmani thừa nhận đồng nội tệ của Iran mất giá sâu hơn so với đồng USD nhưng cho hay sẽ sớm tăng trở lại nhờ các hoạt động trao đổi diễn ra sôi động hơn tại Trung tâm Ngoại hối - mới được thành lập ngày 24/9. Trước mắt, Ngân hàng trung ương Iran sẽ cấp 181 triệu USD cho trung tâm này để đảm bảo cung cấp ngoại tệ cho các ngân hàng Iran có nhu cầu, với tỷ giá thấp hơn thị trường tự do 2%.
Chính phủ cũng dự kiến sẽ sử dụng ngoại tệ thu được từ xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu và 14,5% ngoại tệ từ xuất khẩu dầu để hỗ trợ trung tâm.
Ông Bahmani cho biết ảnh hưởng của các biện pháp cấm vận là khá mạnh nhưng Iran đã có 150 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, tương đương với 13 tháng nhập khẩu để bảo vệ nền kinh tế.
Về việc đồng nội tệ trượt giá, lãnh đạo Iran cho rằng đây là cuộc chiến tranh tâm lý nhằm gây sức ép cho ngành tài chính và kinh tế của nước này và làm rối loạn nội bộ Iran.
Ngoài ra, Iran cũng có những hành động đáp trả như ngừng xuất khẩu dầu sang một loạt nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Đức và giảm nhập khẩu các sản phẩm từ EU. Trong buôn bán quốc tế, nước này khuyến khích các đối tác linh hoạt trong sử dụng các phương thức thanh toán như hàng đổi hàng, thanh toán bằng đồng tiền nước thứ ba hay bằng vàng.
Tác giả: A Vũ (tổng hợp)
Theo VEF