IMF kêu gọi Trung - Nhật "nhường nhịn" nhau vì nền kinh tế thế giới
Thế giới sẽ không thể đủ khả năng phục hồi nền kinh tế khi hai nước Nhật Bản, Trung Quốc đang bị chia rẽ sâu sắc vì tranh chấp hàng lãnh thổ.
Hãng tin AFP ngày 3/10 dẫn lời người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nền kinh tế toàn cầu yếu kém rất cần sự tham gia đầy đủ của Nhật Bản và Trung Quốc. Bà cũng cảnh báo thế giới sẽ không thể đủ khả năng phục hồi nền kinh tế khi hai nước Nhật Bản, Trung Quốc đang bị chia rẽ sâu sắc vì tranh chấp hàng lãnh thổ.
Phát biểu trước các phương tiện truyền thông Nhật Bản trước chuyến đi tham gia cuộc họp hàng năm của IMF tại Tokyo vào tuần tới, bà Christine Lagarde nói rằng hai cường quốc kinh tế cần thể hiện sự "nhường nhịn" lẫn nhau vì lợi ích của cả thế giới.
"Cả Trung Quốc và Nhật Bản là những nền kinh tế chủ chốt của thế giới và IMF không muốn vấn đề tranh chấp lãnh thổ gây chia rẽ hai nước" - hãng tin Kyodo dẫn lời Lagarde nói với các phóng viên tại Washington trong một cuộc phỏng vấn được công bố ngày 3/10.
Cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới sẽ được tổ chức tại Tokyo vào tuần tới, tập trung các quan chức tài chính, ngân hàng và các tổ chức phi chính phủ.
Tờ Dow Jones Newswires cuối ngày 2/10 đưa tin một số ngân hàng lớn của Trung Quốc đã hủy bỏ tham gia các sự kiện liên quan đến các cuộc họp và đây được cho là một dấu hiệu của căng thẳng song phương đã lan rộng sang lĩnh vực kinh tế.
Các ngân hàng không nói rõ lý do nhưng tờ Dow Jones dẫn lời một quan chức chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp của Trung Quốc ở Tokyo cho rằng, nguyên nhân là do mối quan hệ đang đi xuống giữa hai nước.
Trung Quốc và Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới, đang có bất hòa về nhóm đảo Senkaku. Tàu chính phủ Trung Quốc thường xuyên xuất hiện tại vùng biển xung quanh các hòn đảo, bất chấp các cảnh báo của tàu Cảnh sát biển Nhật Bản.
Căng thẳng ngoại giao Nhật - Trung cũng ngày càng gia tăng, kể cả tại cuộc họp Liên Hiệp Quốc ở New York vào tuần trước. Các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở Trung Quốc đã bị ảnh hưởng do các biểu tình phản đối mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.
Anh Vũ (Nguồn AFP, GDVN)
---------------
Hai lò phản ứng hạt nhân Hàn Quốc đóng cửa vì trục trặc kỹ thuật
Hai lò phản ứng hạt nhân tại Hàn Quốc đã phải đóng cửa sau khi có những vụ hư hỏng rõ ràng là không có liên hệ với nhau.
Các giới chức cho biết không có nguy cơ bị rò rỉ phóng xạ.
Các nhân viên điều hành nhà máy điện hạt nhân cho biết lò phản ứng Shingori-1 gần thành phố Busan, đã phải ngưng hoạt động sáng sớm ngày 2/10 sau khi một trục điều khiển bị trục trặc.
Không lâu sau đó, lò phản ứng số 5 tại cơ sở Yeonggwang, cách Seoul 260km về hướng nam, cũng trải qua điều mà các giới chức gọi là một sự trục trặc không liên quan.
Các nhà máy điện hạt nhân ở Hàn Quốc sản xuất trên một phần ba điện lực trong nước.
Ðất nước thiếu tài nguyên thiên nhiên này thề quyết đẩy mạnh việc gia tăng điện hạt nhân bất chấp thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản hồi năm ngoái.
23 lò phản ứng hạt nhân của nước này đã được kiểm tra kỹ lưỡng từ khi xảy ra vụ tan chảy tại nhà máy hạt nhân Fukishima ở Nhật Bản do động đất mạnh và sóng thần gây ra.
( Tia Sáng)
----------
Sứ mệnh giảm xung đột toàn cầu: Le lói hy vọng
5 năm sau khi Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) lấy ngày 2/10 là ngày Quốc tế phi bạo lực, bất ổn chính trị và tình hình xung đột vẫn diễn ra theo chiều hướng phức tạp tại nhiều nước trên thế giới.
Ngày 2/10, ít nhất 196 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh mới nhất tại Syria, quốc gia vốn chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị suốt hơn một năm qua. Giao tranh quyết liệt giữa quân đội Chính phủ Syria và các tay súng đối lập tiếp tục nổ ra tại nhiều khu vực khác nhau, phủ bóng đen lên các nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế. Tại Nam Á và Trung Đông, trong khi bạo lực ở Afghanistan, Iraq vẫn chưa có hồi kết, nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran đang đe dọa nỗ lực duy trì hòa bình của cộng đồng quốc tế. Còn tại châu Phi, bạo lực cũng chưa có dấu hiệu chấm dứt ở một loạt các điểm nóng như Mali, Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria hay Somalia...
Đặc biệt, bạo lực kéo dài không chỉ gây ra thiệt hại về người và của mà còn là nhân tố chính hủy hoại những công trình mang giá trị nghệ thuật cao, thậm chí là cả các di sản của nhân loại. Cuộc xung đột tại Syria đã khiến những di sản của viên ngọc Trung Đông được hình thành và tồn tại từ thời Trung cổ có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Tại trung tâm lịch sử của thành phố cổ Aleppo, khu chợ có mái lợp lớn nhất thế giới "Al-Madina" hiện chỉ còn lại một đám tro tàn khi ngọn lửa trong các cuộc giao tranh đã phá hủy khoảng 500 gian hàng được hình thành từ thế kỷ XIV. Trong khi đó, các cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq, Libya đã hủy hoại hàng chục công trình văn hóa thế giới khi năm 2001, phiến quân Taliban đã phá hủy bức tượng Phật khổng lồ ở Bamiyan (Afghanistan). Nội chiến tại Libya cũng đã tàn phá những di tích văn hóa tượng trưng cho các giá trị chung của toàn nhân loại, như Cyrene – viên ngọc quý của thành phố cổ Cyrenaica. Trước đó, cuộc chiến kéo dài hơn 10 năm tại Iraq đã phá hủy những tàn tích của Babylon.
Tất cả những diễn biến này cho thấy bạo lực vẫn đang hiện hữu trong bức tranh an ninh toàn cảnh của thế giới trong ngày Quốc tế phi bạo lực năm nay. Tuy nhiên, một số điểm sáng như hồi kết của cuộc nội chiến kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua tại Sri Lanka; sự tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình giữa Ấn Độ - Pakistan... là những tia hy vọng le lói giúp cộng đồng quốc tế thực hiện sứ mệnh thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới.
( KTĐT)
----------------
Vì sao người Trung Quốc bị cấm làm nông ở tỉnh Amur?
Giới chức tỉnh Amur, Liên bang Nga, quyết định cấm lao động Trung Quốc làm việc trong ngành nông nghiệp, thay vào đó là lao động người Triều Tiên và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Hãng thông tấn Ria Novosti cho biết đến 2013 sẽ không còn nông dân Trung Quốc hoạt động trong ngành trồng trọt ở tỉnh Amur.
Amur là tỉnh nằm ở khu vực Viễn Đông của Nga, giáp với tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc về phía Nam, nhưng cũng không xa CHDCND Triều Tiên.
Novosti cho hay chính quyền tỉnh này trong những năm qua "đã giảm dần hạn ngạch dành cho người lao động nông nghiệp Trung Quốc". Lý do là vì tình trạng vi phạm luật lệ của lao động từ Trung Quốc.
Bà Tatyana Yakimenko, phát ngôn viên của chính quyền tỉnh Amur, được dẫn lời cho biết: “Nhiều nông dân Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quy định thuê đất. Họ cũng thường xuyên sử dụng thuốc trừ sâu và hóa chất đang bị cấm ở Liên bang Nga. Hoạt động của họ đã dẫn đến việc xáo trộn các tầng đất nông nghiệp. Ngoài ra, có hiện tượng phổ biến là lao động Trung Quốc xả rác bừa bãi”.
Bà Yakimenko nói chính quyền sẽ ưu tiên cho lao động nước ngoài nào biết tuân thủ pháp luật và thực hiện nghĩa vụ một cách đầy đủ.
Dường như chính quyền tỉnh này khuyến khích lao động đến từ miền Bắc Triều Tiên vốn được cho là có kỷ luật và chăm chỉ. Bà Tatyana Yakimenko được trích lời nói: “Tỉnh Amur đã ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Họ cung cấp công nhân thực hiện các dự án chung trong ngành xây dựng, lâm sản và nông nghiệp".
Tuy nhiên quan chức này cho hay người lao động Trung Quốc trong tương lai có thể được quay lại nếu “khôi phục được uy tín”./.
( Theo ĐVO)
-------------
Mỹ rút ngắn thời gian cấp thị thực tại nhiều nước
(VOV) - Tuy nhiên Mỹ sẽ không coi nhẹ các biện pháp an ninh trong bối cảnh nước này đối mặt nhiều mối đe dọa.
Hôm 2/10, phát biểu tại một hội nghị về du lịch do Bộ Ngoại giao Mỹ chủ trì, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết, chính phủ Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân các nước đến Mỹ du lịch.
Ngoại trưởng Clinton nhấn mạnh, lĩnh vực du lịch đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ cũng như thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và các nước trên thế giới.
“Chúng tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Mỹ. Hiện chúng tôi đang rút ngắn thời gian cấp thị thực tại nhiều nước trên thế giới,” bà Clinton cho biết. “Ví dụ như tại Sao Paulo, Brazil, trước đây, thời gian cấp thị thực có lúc kéo dài tới 140 ngày, nhưng nay rút ngắn chỉ còn 48 giờ, hay tại Trung Quốc, hiện nay thời gian cấp thị thực trung bình là 5 ngày.”
Ngoại trưởng Clinton cho rằng, hiện nay Mỹ phải đối mặt với nhiều mối “đe dọa” từ bên ngoài, do đó vấn đề an ninh vẫn cần được coi trọng. Một mặt Mỹ sẽ đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, mặt khác không xem nhẹ các biện pháp an ninh./.
Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters
-------------
Tổng thống Iran đề xuất đối thoại trực tiếp với Mỹ
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tái nhắc lại đề xuất đối thoại trực tiếp với Mỹ, nhưng đồng thời cũng khẳng định sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân dù đang phải vật lộn với những khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tổng thống Amadinejad cáo buộc phương Tây phát động “cuộc chiến kinh tế” chống
Phát biểu họp báo tại thủ đô Tehran ngày 2/10, ông Ahmadinejad khẳng định không một người dân Iran nào muốn từ bỏ quyền phát triển hạt nhân của nước mình và rằng Iran sẽ không bao giờ khuất phục trước sức ép từ bên ngoài.
"Chúng ta sẽ không từ bỏ mục tiêu phát triển hạt nhân. Nếu như ai đó nghĩ rằng có thể gây sức ép lên Iran thì họ đã nhầm và chính họ mới là người phải xem xét lại hành vi của mình", Tổng thống Amadinejad nói.
Cũng tại buổi họp báo, ông Amadinejad nhắc lại tuyên bố trước đó về việc tiến hành đối thoại trực tiếp với Mỹ về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
"Nhà nước Cộng hoà Hồi giáo có thể xem xét tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp với Mỹ về vấn đề hạt nhân nhưng phải kèm theo một số điều kiện nhất định. Các cuộc đối thoại đó, nếu được tiến hành, phải dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau", ông đặt điều kiện.
Tuy vậy, người đứng đầu nhà nước Iran cũng không tin rằng hai bên có thể ngồi vào bàn đàm phán ngay tại thời điểm này.
"Tôi không nghĩ rằng có thể tiến hành các cuộc đối thoại song phương trong bối cảnh hiện tại", ông Amadinejad nhận định.
Theo ông, hai bên chỉ có thể đối thoại trực tiếp chừng nào Mỹ hiểu và công nhận các quyền của Iran, đồng thời từ bỏ thái độ thù địch chống lại Nhà nước Hồi giáo.
Đề xuất tiến hành đối thoại trực tiếp với Mỹ được ông Amadinejad đưa ra lần đầu tiên hồi tuần trước, khi ông tham dự kỳ họp lần thứ 67 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại thành phố New York, Mỹ. Tại đây, ông cũng khẳng định các mối quan hệ quốc tế đều phải được xây dựng trên nguyên tắc đối thoại và mọi cuộc đối thoại phải dựa trên sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh đồng nội tệ Rial của Iran đang bị trượt giá mạnh so với ngoại tệ, dấu hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào lĩnh vực ngân hàng và ngành dầu mỏ của Iran đang bắt đầu phát huy tác dụng.
Bình luận về việc đồng Rial mất giá, nhà lãnh đạo Iran cho rằng vì phương Tây không thành công trên thực địa nên đã chuyển sang "mặt trận kinh tế" để chống nước Cộng hòa Hồi giáo Iran và gây sức ép để buộc Tehran phải từ bỏ chương trình hạt nhân.
Việt Giang
Theo Xinhua, AFP, Dân Trí
----------------------
Chính trường Thái Lan lại nổi sóng?
ANTĐ - Phó Thủ tướng Thái Lan, Chủ tịch Đảng Vì nước Thái (Puea Thai) cầm quyền Yongyuth Wichaidit vừa quyết định từ nhiệm tất cả các chức vụ đang nắm giữ trong nội các sau bê bối tham nhũng đất đai cách đây 10 năm liên quan đến cả cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Không ai ép buộc
Ông Yongyuth, 70 tuổi, kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan, đã bị Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan buộc tội phê chuẩn trái phép vụ bán lô đất ở tỉnh Pathum Thani thuộc sở hữu của hoàng gia cho một nhà đầu tư sân golf, vốn nằm dưới sự kiểm soát của công ty do ông Thaksin sở hữu, khi còn là Phó Thư ký Thường trực Bộ Nội vụ hồi năm 2002. Cuộc mua bán bị xem là bất hợp pháp bởi có một ngôi đền Phật giáo nằm trên diện tích của lô đất mà theo quy định không được mua bán hay chuyển giao đất thuộc sở hữu tôn giáo. Tuy nhiên, ông Yongyuth bác bỏ mọi cáo buộc trên.
Quyết định từ chức có hiệu lực vào ngày 1-10. Ông Yongyuth cho biết, không ai ép buộc ông từ chức và ông sẽ tiếp tục làm hết sức mình để hỗ trợ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, dù không giữ chức vụ nào. Mặc dù tự nguyện từ chức Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ, ông Yongyuth vẫn tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Đảng vì nước Thái và là nghị sĩ của đảng này tại quốc hội.
“Ông Yongyuth quyết định từ chức vì muốn chính phủ có thể tiếp tục làm việc vì người dân mà không bị xao nhãng bởi vấn đề nào khác”, phát ngôn viên của Đảng Vì nước Thái, Pormpong Nopparit, nói với hãng tin AFP. Trong khi đó, Phó phát ngôn viên chính phủ, ông Anusorn Iamsa-ard đã ca ngợi quyết định từ chức của ông Yongyuth, cho rằng ông đã hy sinh bản thân để giúp Chính phủ của bà Yingluck tiếp tục hoạt động trôi chảy. Ông Anusorn cũng phủ nhận có sức ép từ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đồng thời yêu cầu phe đối lập không gây bất ổn cho đảng cầm quyền, và nên phối hợp với chính phủ để giải quyết các vấn đề của đất nước.
Xoa dịu dư luận
Sau khi vừa trở về từ New York (Mỹ) tham gia khóa họp Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã tổ chức cuộc họp báo ngay tại sân bay Suvarnabhumi hôm 29-9. Bà Yingluck Shinawatra đánh giá cao sự “hy sinh” của ông Yongyuth khi đưa ra quyết định từ chức và lấy làm tiếc vì đã mất một bộ trưởng có năng lực. Tuy nhiên, bà Yingluck khẳng định, bà không có ý định cải tổ nội các vào thời điểm này.
Ngày 2-10, tờ Bưu điện Bangkok đưa tin, Phó Thủ tướng Chalerm Yubamrung đã được Thủ tướng Yingluck Shinawatra chỉ định kiêm nhiệm vị trí của ông Yongyuth phụ trách Bộ Nội vụ trong cuộc họp nội các cùng ngày. Cũng trong ngày 2-10, bà Yingluck đã chỉ định Thứ trưởng Nội vụ Chuchart Harnsawat làm Quyền Bộ trưởng Nội vụ, đảm trách mọi công việc của bộ này. Đảng Vì nước Thái cho biết, quyết định từ chức của ông Yongyuth nhằm tránh gia tăng căng thẳng trong chính phủ, giữa lúc sự chia rẽ phe phái tiếp tục tạo nên những bất ổn trên chính trường Thái Lan.
Theo nghị sĩ Ong-art Klampaiboon của đảng Dân chủ đối lập, ông Yongyuth phải ra đi do sức ép của đảng Dân chủ và quyết định của “một nhân vật có ảnh hưởng ở nước ngoài” nhằm “hy sinh” ông Yongyuth để cứu chính phủ. Nghị sĩ Ong-art có lẽ ám chỉ đến cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra vì ông Yongyuth Wichaidit được xem là một trong những người tin cậy nhất của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và anh trai của bà, ông Thaksin Shinawatra. Trước khi từ chức, ông Yongyuth thậm chí từng thừa nhận công khai rằng, ông tìm kiếm lời khuyên từ ông Thaksin, và bày tỏ ủng hộ việc ban hành lệnh ân xá đối với cựu Thủ tướng đang sống lưu vong này.
Do ông Yongyuth vẫn là nghị sĩ Quốc hội, cho nên, đảng Dân chủ sẽ cố gắng thu thập đủ chữ ký của 10% nghị sĩ theo luật để yêu cầu Tòa án Hiến pháp xem xét tư cách nghị sĩ của ông. “Nếu không làm gì sai trái, ông ấy sẽ không từ chức”, nghị sĩ Thaworn Yongyuth thuộc đảng Dân chủ nhận định.
Khủng hoảng chính trị vẫn tiếp tục nhấn chìm Thái Lan kể từ năm 2006, khi Thủ tướng lúc đó là Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính. Sau khi ông Thaksin sống lưu vong ở nước ngoài, một số người thân cận tiếp tục đảm nhận một số vị trí quan trọng trong chính quyền mới của bà Yingluck. Việc ông Yongyuth bị cáo buộc tham nhũng có thể khiến chính trường Thái Lan, vốn không mấy êm đẹp này, thêm sóng gió. Nếu hành động thiếu kiên quyết, chính quyền của bà Yingluck dễ dàng gặp phải búa rìu dư luận và là thời cơ để phe đối lập tạo cớ lật đổ bà.
Hoàng Cường (Tổng hợp) // ANTĐ
---------------
Nga yêu cầu NATO tránh xa Syria
(GDVN) - Nga đã yêu cầu NATO và các cường quốc trên thế giới không tìm cách can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria và không lập các vùng đệm giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ.
Reuters ngày 02/10 đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov đã yêu cầu NATO và các cường quốc trên thế giới không tìm cách can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria và không lập các vùng đệm giữa phe nổi dậy và lực lượng chính phủ.
Moscow cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Syria kiềm chế trong bối cảnh tình hình bạo lực dọc biên giới đang ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai đồng minh cũ này.
Căng thẳng giữa hai nước bùng phát khi một quả đạn cối bắn từ Syria trúng vào lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã đe dọa sẽ đáp trả nếu các cuộc tấn công này còn lặp lại.
Khi Interfax nêu câu hỏi liệu Moscow có lo ngại rằng tình hình căng thẳng ở biên giới có thể dẫn tới việc can thiệp của NATO để bảo vệ thành viên Thổ Nhĩ Kỳ của mình, ông Gatilov đã cảnh cáo bất cứ hành động nào như vậy.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Trong các cuộc tiếp xúc với các đối tác ở NATO và trong khu vực, chúng tôi đều kêu gọi họ không tìm cớ để tiến hành hoạt động quân sự hoặc đưa ra các sáng kiến kiểu như hành lang nhân đạo hay vùng đệm.”
Gần đây Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã chỉ trích Nga vì đã ngăn chặn các nỗ lực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm gây sức ép lên ông Assad và cho rằng lập trường của Moscow khiến cho Syria tiếp tục đổ máu.
Trước đó Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra ý tưởng thiết lập các “vùng đệm” bên trong Syria để bảo vệ dân thường trước Hội đồng Bảo an, tuy nhiên Nga và Trung Quốc đã phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an chỉ trích Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ông Gatilov cho rằng: “Chúng tôi tin là cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cần phải hết sức kiềm chế trong tình hình này, tính đến khả năng những kẻ cực đoan trong phe nổi dậy ở Syria cố tình kích động xung đột trên biên giới.”
Nga cho rằng chỉ có người Syria mới tự quyết định được số phận của chính mình và Nga sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an làm bàn đạp cho can thiệp quân sự.
( GDVN)
-----------------
Trung Quốc tịch thu báo chí Nhật Bản
Cơ quan Hải quan Trung Quốc đã tịch thu những tờ báo Nhật Bản được giao cho Trung Quốc bằng đường hàng không trong bối cảnh căng thẳng về đảo tranh chấp giữa hai quốc gia ngày càng gia tăng.
Công ty dịch vụ chuyển phát của Nhật Bản ở nước ngoài có liên kết với hãng hàng không All Nippon cho biết hôm 2-10: “Cơ quan Hải quan Trung Quốc không hề đưa ra lý do nào cho hành động thu giữ báo Nhật Bản tối 27-9 và sáng 28-9. Đáng lẽ những tờ báo này sẽ được giao tới khách hàng vào chiều ngày 28-9”.
Một quan chức của công ty phân phối Nhật Bản còn cho biết các nhà chức trách Trung Quốc đã tẩy sạch hoặc bôi đen một số phần trong những tờ báo và tạp chí mà họ thu giữ.
Trong một diễn biến khác, ngày 28-9, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, Giả Khánh Lâm, đã tiếp đoàn nghị sĩ và doanh nhân Nhật Bản. Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất của một quan chức Trung Quốc với phía Nhật Bản từ khi căng thẳng giữa hai nước gia tăng.
Ông Giả Khánh Lâm cho rằng Nhật Bản nên nhìn nhận đầy đủ rằng quần đảo Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc (quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản) đang có tranh chấp.
Ông Giả nhận xét: “Nhật Bản cần nhận định đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay, phải đối mặt với các tranh chấp trên quần đảo Điếu Ngư và sửa chữa sai lầm của mình càng sớm càng tốt, đó là cách tốt nhất để tránh việc tiếp tục gây tổn hại tới quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản”.
Linh San (Theo Kyodo, NLĐ)
-------------
Số nhà báo thiệt mạng tăng cao kỷ lục
Số nhà báo thiệt mạng tăng cao kỷ lục Theo tổ chức phi chính phủ có quy chế tư vấn Press Emblem Campaign (PEC) thuộc Liên hợp quốc, trong 6 tháng đầu năm 2012, trên thế giới có 110 nhà báo thiệt mạng, tăng 36% so với cùng kỳ các năm trước.
Năm 2011 thế giới có 107 nhà báo thiệt mạng.
PEC cho rằng nguyên nhân của tình trạng đáng buồn này là do các cuộc nội chiến trên thế giới gia tăng.
Trong báo cáo công bố ngày 2/10, PEC cho biết đứng đầu danh sách các địa bàn có số nhà báo thiệt mạng là Xyri (32 nhà báo thiệt mạng trong 6 tháng đầu năm 2012). Tiếp theo là Xômali (16) và Mêhicô (10), Pakixtan (7), Braxin (7), Ônđurát (6), Philípin (5), Irắc (3), Nigiêria (3), Êritơria (3), Ápganixtan (2), Bôlivia (2) và Ấn Độ (2), trong khi Băngla Đét, Baranh, Haiti, Inđônêxia, Campuchia, Nêpan, Panama, Tandania, Thái Lan, Uganđa, Êcuađo, mỗi nơi có 1 nhà báo thiệt mạng.
Khu vực nguy hiểm nhất đối với các nhà báo là Trung Đông. Tại đây từ đầu năm 2012 có 36 nhà báo thiệt mạng. Tiếp đó là Mỹ Latinh có 29 nhà báo thiệt mạng, châu Phi có 24, châu Á có 21 đại diện các phương tiện truyền thông thiệt mạng.
PEC được một nhóm nhà báo thuộc nhiều nước thành lập năm 2004 và có trụ sở đặt tại Giơnevơ (Thụy Sĩ)
TTXVN/Tin tức
--
Tổng thống Putin: Nga mở rộng cửa đón nhà đầu tư
Ngày 2/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tăng cường đầu tư vào nền kinh tế nước này.
Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư mang tên "Nước Nga kêu gọi," Tổng thống Putin tuyên bố nước Nga mở rộng cửa đón các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài rót vốn vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Ông bày tỏ hy vọng ngoài vốn đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đem đến công nghệ tiên tiến, cùng kinh nghiệm quản lý hiện đại và mô hình tổ chức sản xuất tối ưu.
Tổng thống nêu rõ khác với nhiều nước châu Âu và thế giới, kinh tế Nga đang trên đà phát triển và sự năng động của nền kinh tế ngày nay cho phép chính quyền Nga thực hiện những nhiệm vụ mới bao gồm thay đổi mô hình phát triển kinh tế, đổi mới công nghệ sản xuất, cải thiện bầu không khí kinh doanh trong nước và phát triển con người.
Tổng thống Putin nêu rõ Nga đặt mục tiêu đến năm 2018 tăng 1,5 lần năng suất lao động và vốn đầu tư chiếm 27% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo ông, chính quyền Nga đang thực thi các biện pháp cần thiết để ngăn chặn những khuynh hướng và ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thế giới, bảo đảm kinh tế Nga phát triển ổn định và đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.
Diễn đàn đầu tư "Nước Nga kêu gọi" sẽ kéo dài đến hết ngày 4/10, với sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu, trong đó có 500 nhà đầu tư lớn của Nga, Mỹ, các nước châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Đề tài chủ yếu được đưa ra thảo luận tại diễn đàn năm nay gồm ưu tiên phát triển chiến lược của Nga trong điều kiện các thị trường kinh tế toàn cầu thay đổi, thành lập Không gian Kinh tế thống nhất, và Nga chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đây là lần thứ tư VTB Capital, công ty thuộc tập đoàn tài chính - ngân hàng VTB Group hàng đầu cử Nga, tổ chức diễn đàn đầu tư này nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nga và các nhà đầu tư quốc tế đối thoại trực tiếp và thiết thực trong việc thu hút đầu tư vào nền kinh tế Nga./.
(TTXVN)
-------------
Nhật phản đối tàu hải giám Trung Quốc tới gần Senkaku/Điếu Ngư
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, ngày 2/10, tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba cho biết, chính phủ nước này đã gửi công hàm phản đối tới Chính phủ Trung Quốc về việc một số tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku, trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Một tàu hải giám Trung Quốc tuần tra gần vùng đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông ngày 2/10 (ảnh do lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản cung cấp). AFP/TTXVN phát
Trước đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết ngày 2/10 đã có 4 tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng biển trên. JCG đã thông báo qua sóng vô tuyến điện yêu cầu các tàu này rời khỏi khu vực. Đây là lần đầu tiên, các tàu Trung Quốc đi vào vùng biển này trong khoảng một tuần qua.
Chính phủ Nhật Bản đã lập một nhóm đặc nhiệm thuộc Trung tâm xử lý khủng hoảng của Văn phòng Thủ tướng, chuyên theo dõi, giải quyết vấn đề tàu Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku.
Trong khi đó, Tân Hoa xã đưa tin ngày 2/10, các tàu hải giám Trung Quốc đã tiếp tục thực hiện một cuộc tuần tra ở vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư nhằm "dõi theo chặt chẽ" việc các "đối tượng Nhật Bản xâm phạm trái phép" khu vực này.
TTXVN/Tin tức
--------------
LHQ cảnh báo thách thức già hóa dân số trên toàn cầu
Tổ chức Liên Hiệp Quốc cảnh báo thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó trước những tác động đến từ nạn già hóa dân số đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
Chính sự thay đổi trong cấu trúc dân số đang đặt ra những thách thức to lớn với nguồn ngân sách phúc lợi xã hội, lương hưu và hệ thống chăm sóc sức khỏe cho các quốc gia trên toàn thế giới. Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc kêu gọi cần có những biện pháp ngăn chặn tình trạng "lạm dụng, bỏ rơi và thậm chí đánh đập người cao tuổi".Theo Qũy Dân số Liên Hiệp Quốc, chỉ trong vòng 10 năm tới, số người trên 60 tuổi sẽ đạt con số 1 tỷ người.
Theo ước tính từ bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc mang tên "Tuổi thọ trong thế kỷ 21: Niềm vui và Thách thức", trên toàn thế giới, cứ 9 người thì có 1 người hơn 60 tuổi và số người già đang tăng nhanh hơn bất cứ những nhóm tuổi khác trên đồ thị dân số.
LHQ cảnh báo thách thức già hóa dân số trên toàn cầu
Số người già tăng nhanh là kết quả của quá trình cải thiện chất lượng dinh dưỡng, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên theo nhận định của Liên Hiệp Quốc và tổ chức từ thiện mang tên HelpAge International thì phần lớn người già trên thế giới chưa được chăm sóc và bảo vệ đúng mực.
"Tại các quốc gia đang phát triển với dân số chủ yếu là giới trẻ, thức thách đặt ra là chính phủ các nước chưa thi hành những chính sách và biện pháp tại chỗ để hỗ trợ cho người dân sẽ trở thành người già vào năm 2050", Liên Hiệp Quốc cho biết.
Ngoài ra, các kỹ năng và kinh nghiệm sống của người già hiện cũng đang bị lãng phí, trong đó nhiều người không có việc làm và dễ bị tổn thương vì phân biệt đối xử.
Tổ chức HelpAge cho rằng các nước cần đưa ra một kế hoạch lương hưu không chịu sự chi phối của nền kinh tế và gây quỹ giảm đói nghèo trong nhóm tuổi già. Muốn làm được việc này, chính phủ các nước không chỉ đơn giản thông qua việc ban hành pháp chế mà cần có một phương án cụ thể để gây quỹ.
Một thí dụ điển hình được Liên Hiệp Quốc đưa ra trong bản báo cáo là Ấn Độ. Hiện tại, hơn 2/3 dân số Ấn Độ nằm trong nhóm dưới 30 tuổi, song quốc gia này có tới 100 triệu người già và con số này sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050.
Theo truyền thống, người dân Ấn Độ thường sống tập trung theo một gia đình lớn và người già được chăm sóc chu đáo. Tuy nhiên với xu hướng hiện nay, người dân chuyển sang sống thành các gia đình quy mô nhỏ hay còn gọi là gia đình hạt nhân và người già tại quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới này dường dần trở thành "người thừa" trong xã hội.
Ngày càng có nhiều vụ việc liên quan tới nạn lạm dụng cả thể xác lẫn tinh thần của người già. Vấn nạn này đang dần trở thành một đề tài gây tranh luận lớn trong xã hội đặc biệt tại các khu vực thành thị của Ấn Độ.
Trái lại, Bolivia – một quốc gia thuộc nhóm các nước đang phát triển lại là một thí dụ điển hình trong việc triển khai công tác chăm sóc và bảo vệ người cao tuổi. Trong đó, toàn bộ người dân Bolivia trên 60 tuổi đều được nhận khoản tiền trợ cấp trị giá 30 USD/tháng.
MINH THU// Infonet
------------------
Triều Tiên rải tới 17.000 truyền đơn chống Hàn Quốc
Hãng AFP dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 2/10 cho biết lần thứ hai trong năm nay, Triều Tiên đã rải hàng nghìn truyền đơn chống Hàn Quốc dọc khu vực biên giới liên Triều được canh phòng cẩn mật.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, binh sĩ nước này đã thu gom được khoảng 17.000 truyền đơn thả rơi từ bóng bay trên biên giới hôm 29/9.
Truyền đơn có nội dung chỉ trích chương trình giáo dục “chống Bình Nhưỡng” của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho lực lượng quân đội, đồng thời ca ngợi những nhà hoạt động ủng hộ Triều Tiên ở Hàn Quốc.
Năm 2004, hai bên đã nhất trí ngừng mọi chiến dịch tuyên truyền cấp chính thức qua biên giới sau hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt năm 2000.
Cuối năm 2010, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã nối lại hình thức tuyên truyền này sau khi Triều Tiên pháo kích một hòn đảo gần khu vực hải giới liên Triều, làm bốn người Hàn Quốc thiệt mạng.
Bộ này đã cho ngừng các chiến dịch rải truyền đơn bằng bóng bay một năm sau đó, song Triều Tiên đã nối lại chiến dịch rải truyền đơn chống Hàn Quốc vào tháng Bảy vừa qua.
Trước đó, ngày 9/9, các nhà hoạt động Hàn Quốc đã thả bóng bay mang theo truyền đơn chỉ trích chính quyền Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tại khu vực biên giới chung giữa hai bên.
Hoạt động mang tính gây rối này trùng với dịp kỷ niệm 64 năm thành lập nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên./.
(Vietnam+)
--------------------
Nhận hối lộ, quan chức Bộ Quốc phòng Nga bị bắt
Phó trưởng ban một ban tài chính của Bộ Quốc phòng Nga đã bị bắt ngày 2/10 tại Moscow (Mátxcơva) do nhận hối lộ 100.000 ơrô của một nữ doanh nhân nhằm giúp cho việc kinh doanh không bị gián đoạn.
Thông cáo của Bộ Nội vụ Nga ra ngày 2/10 cho biết nữ quan chức Bộ Quốc phòng nói trên đã lừa dối nạn nhân về quyền hạn của mình cũng như mối quan hệ với lãnh đạo một trong những công ty năng lượng lớn và đòi hối lộ số tiền đã nêu để giúp nối lại việc cấp điện cho văn phòng của nữ doanh nhân nói trên, vốn bị cắt điện trước đó.
Nữ quan chức Bộ Quốc phòng nói trên hiện đang bị quản thúc tại gia.
Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ những đồng phạm của nữ quan chức này trong số nhân viên và lãnh đạo công ty năng lượng nêu trên.
Bộ Nội vụ Nga cho biết mức phạt tối đa cho loại hình tội phạm như trên là bị tù giam đến 10 năm và chịu phạt tới 1 triệu rúp (hơn 33.000 USD).
TTXVN/Tin tức