Lực lượng tuần duyên Nhật Bản (JCG) ngày 22.10 cho biết thông tin trên.
Theo JCG Vùng 11 hải quân ở Naha, Okinawa, 4 tàu hải giám Trung Quốc đã tiến vào vùng tiếp giáp lãnh hải gần quần đảo Senkaku lúc 8 giờ 30 phút sáng 22.10 sau khi rời khu vực này tối 21.10.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang căng thẳng xung quanh tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đặc biệt là sau khi Chính phủ Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo chính thuộc quần đảo này vào giữa tháng 9 vừa qua.
Tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku/ Điếu Ngư. |
Cùng ngày, Hãng tin Jiji Press của Nhật dẫn một số nguồn tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật vừa chỉ đạo các đơn vị ở các tỉnh Kanagawa và Osaka tạm thời điều nhân viên đến tỉnh Okinawa để hỗ trợ bảo đảm an ninh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Trung Quốc. Nhân viên cảnh sát được điều đến sẽ phối hợp với Lực lượng Tuần duyên Nhật tuần tra xung quanh Senkaku/Điếu Ngư nhằm ngăn chặn các vụ đặt chân trái phép lên quần đảo này.
Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật cũng đang xem xét ra chỉ đạo tương tự đối với Sở Cảnh sát khu đô thị Tokyo. Trước đó, một số nguồn tin khác cho hay cảnh sát tỉnh Okinawa kêu gọi cảnh sát trong cả nước hỗ trợ bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư, trong bối cảnh tàu hải giám Trung Quốc liên tục xuất hiện gần quần đảo này.
Ông Asra Virgianita - giảng viên khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Indonesia (UI), đồng thời là nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của UI, hiện làm luận án tiến sĩ tại Đại học Meijigakuin, Nhật Bản cho rằng, mặc dù căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh chưa lắng dịu, nhưng khả năng về một cuộc chiến tranh mở là khó xảy ra.
Theo ông Asra, trên thực tế, 2 nước đều có lợi ích trong việc duy trì an ninh và ổn định trong khu vực, đặc biệt là các tuyến vận tải thương mại. Do đó, một cuộc chiến tranh giữa 2 quốc gia sẽ có hại nhiều hơn lợi. Với thực trạng kinh tế trì trệ của mình và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, Nhật Bản không có sự lựa chọn nào khác là phải hành xử một cách thận trọng và kiềm chế để duy trì ảnh hưởng trong khu vực.
Sự tham gia của 2 nước trong Diễn đàn Khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ARF) là một ví dụ thể hiện sự nỗ lực của cả Nhật Bản và Trung Quốc nhằm duy trì "ảnh hưởng" và "vai trò lãnh đạo" của mỗi nước trong cấu trúc chính trị-kinh tế và an ninh khu vực Đông Á đang định hình mà ASEAN giữ vai trò trung tâm.
Ông Arsa cũng cho rằng, ASEAN là một tổ chức khu vực có giá trị chiến lược đối với cả Nhật Bản và Trung Quốc, có thể đóng vai trò trung gian hòa giải nhằm giảm bớt căng thẳng giữa 2 nước này.
Quang Minh
Theo Dân Việt