Mục đích của việc mời đoàn quan chức Việt Nam thăm tàu là để hai bên hiểu biết nhau hơn.
"Chúng tôi rất vui được chào đón đoàn Việt Nam ra thăm hôm nay", thuyền trưởng Gregory J. Fenton phát biểu trên khoang điều khiển của USS George Washington (CVN-73). "Chúng tôi hy vọng, người Việt sẽ hiểu về nước Mỹ hơn".
Thuyền trưởng Gregory J. Fenton đang trao đổi với các phóng viên Việt Nam.
Đoàn cán bộ và nhà báo Việt Nam đã được Đại sứ quán Mỹ mời lên CVN-73 cuối tuần qua, tham quan con tàu, chứng kiến các hoạt động của máy bay chiến đấu và thủy thủ đoàn. Đây là lần thứ ba trong ba năm liên tiếp, con tàu được mệnh danh là "Ngôi sao của hạm đội 7 Mỹ" đến gần và mời các quan chức Việt Nam đến thăm.
Từ tháng 5, mẫu hạm hàng không này đã đi ngang dọc khắp vùng tây Thái bình dương, từ biển Hoa Đông xuống Adaman, trở lại vùng Biển Đông, qua những vùng biển đang tồn tại các tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước trong khu vực.
Tuy nhiên, theo Denton, các chuyến thăm, chẳng hạn như tới Malaysia hay hoạt động chung với Hàn Quốc và Nhật Bản, chủ yếu để thúc đẩy mối quan hệ với người dân và quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Fenton, người chỉ huy thành phố nổi có hơn 5.000 thủy thủ và 70 máy bay chiến đấu, dành phần lớn thời gian trong khoang điều khiển có thể bao quát toàn bộ đường băng. "Tôi cũng cố gắng tranh thủ đi thăm các khu vực trên tàu, nhưng hầu như thời gian làm việc của tôi là ở đây".
Hành trình tới CVN-73
10h sáng thứ bảy, chiếc máy bay quân sự Grumman C-2A Greyhound hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đội bay nhanh chóng hướng dẫn cho các khách mời Việt Nam về cách sử dụng phao cứu hộ, mũ bảo hiểm trước khi có chuyến hành trình ra thăm USS George Washington.
Mỗi khách mời được phát một áo phao quàng vào cổ, kèm trong đó một túi nhỏ gồm còi cứu hộ, thuốc tạo màu trên nước và một que bẻ phát sáng. Ngoài ra, mũ bảo hiểm cũng được rít chặt vào đầu, hai bên tai ốp chặt hạn chế âm thanh khi ra khỏi máy bay.
Grumman C-2A Greyhound là máy bay quân sự chuyên chở quân sĩ và hàng hóa của Hải quân Mỹ. Mỗi khi khách lên máy bay, phi hành đoàn sẽ kiểm tra kỹ 4 dây an toàn được khóa chặt vào người.
Sau hơn một giờ trên không, máy bay đáp xuống USS George Washington. Trước khi hạ cánh, phi công đã thông báo về việc phi cơ sẽ có hiện tượng lắc rung và cảm giác bị khựng lại khi máy bay được móc vào các sợi dây cáp. Chỉ trong vòng vài giây từ lúc chạm đường băng, Grumman C-2A Greyhound khựng lại do móc câu nối vào dây cáp.
Máy bay liên tục cất, hạ cánh.
Khi khoang cửa được mở ra, ấn tượng đầu tiên mà những người khách thấy là tiếng gầm rú của động cơ máy bay, xuyên qua màng nhĩ bất chấp thiết bị chụp tai giảm âm. Trên đường băng, hàng chục các máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet hay trực thăng Seahawk SH- 60 xếp hàng chờ cất cánh. Con tàu dài 332 m, cao 67,2 m, tương đương một tòa nhà 24 tầng hiện ra sừng sững.
Đoàn khách nhanh chóng được dẫn vào bên trong mẫu hạm và cởi các thiết bị bảo vệ. Phía trong USS George Washington là liên tiếp các hành lang, cửa hẹp chỉ vừa hai người đi, hoặc cầu thang lên, xuống vừa lối cho một người. Những khoang, buồng liên kết với nhau bằng các cánh cửa sắt đóng kín trong như mê cung.
Phòng điều khiển radar được đặt ở khu vực trung tâm con tàu. Nơi đây cung cấp các dịch vụ cho các chuyến bay cất và hạ cánh. Những lúc thời tiết xấu, trung tâm sẽ có những chỉ dẫn bay an toàn. Các màn hình thể hiện chi tiết vị trí, tọa độ của các phi cơ trên không. Khi đoàn khách Việt Nam đến, trên CVN-73 có 10 chiếc phi cơ đang thi hành nhiệm vụ.
Phòng điều khiển đường băng.
Ở một khoang khác, trung tâm điều khiển hoạt động đường băng lại sử dụng các máy bay mô phỏng bằng mô hình và các nút quy ước nhiều màu sắc. Trung tâm này điều khiển mọi hoạt động trong khoang chứa và trên bề mặt đường băng dài hơn 300 mét.
Người điều khiển trung tâm cho biết, USS George Washington có 4 trụ phóng máy bay, 4 tấm chắn phản lực. Ngoài ra, mẫu hạm cũng sở hữu 4 thang đưa máy bay lên và cho vào khoang chứa. Cùng một lúc, hệ thống đẩy có thể phóng được hai máy bay.
Đoàn khách Việt Nam cũng được tham quan các chiến đấu cơ cất và hạ cánh. Trên đường băng, các thủy thủ mặc áo với nhiều màu sắc khác nhau theo quy ước. Áo màu vàng dành cho nhân viên điều khiển dịch chuyển, màu xanh lá cây là người đưa máy bay vào bệ phóng. Áo màu nâu là của nhóm phi công, phụ trách máy bay, màu đỏ dành cho nhân viên điều khiển vũ khí, đạn dược.
Cứ khoảng vài phút, lại có một chiếc máy bay cất cánh bằng hệ thống động cơ đẩy thủy lực. Các máy bay tăng tốc từ 0 lên 300 km/giờ trong vòng một giây.
Khi các phi cơ trở về tàu, chúng hạ cánh với tốc độ cực lớn và thả móc xuống để móc vào các sợi cáp hãm chăng trên đường băng. Về mặt lý thuyết, trong trường hợp không móc được vào cáp, các phi cơ phải có đủ tốc độ để tiếp tục vọt lên không, tìm cách hạ cánh lần nữa.
( Theo Soha)