Báo Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã và đang chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đối đầu quân sự với Mỹ và các nước trong khu vực.
Tên lửa đất đối đất DF-15 của Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc. |
Ngày 16/10, tờ “Bình luận chính trị thế giới” Mỹ có bài viết cho rằng, Trung Quốc tăng cường quân bị ở nhiều khía cạnh là để chuẩn bị thách thức Mỹ.
Nhưng bài báo đánh giá, sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng phải đối mặt với sức mạnh của các nước khác trong khu vực, nhất là những nước có thực lực tương đối mạnh.
Lịch sử đã cung cấp lý do thuyết phục để nắm chắc việc Bắc Kinh hiện đại hóa quân sự trong bối cảnh khu vực. Trung Quốc luôn bị coi là một quốc gia kiểu lục địa. Vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, các nhà chiến lược Trung Quốc bắt đầu từ bỏ phương châm lấy Liên Xô làm kẻ thù giả tưởng, đồng thời từng bước tính toán tiến hành hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
Sau khi Chiến tranh vùng Vịnh nổ ra, quân Mỹ đã giành thắng lợi chớp nhoáng dựa vào trang bị vũ khí công nghệ cao thế hệ mới. Khi đó, rất nhiều trang bị được Iraq sử dụng đến từ Liên Xô, cũng giống với vũ khí trang bị của Quân đội Trung Quốc. Điều này làm cho Quân đội Trung Quốc nhanh chóng ý thức được vấn đề, tức là lực lượng của họ đã lạc hậu trước cuộc “cách mạng quân sự” của quân Mỹ.
Sau đó, các chiến dịch quân sự của Phương Tây ở Bosnia, Kosovo, Afghanistan và Iraq đều đã trở thành tham khảo quan trọng của các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc tập trận trên biển |
Rõ ràng, Bắc Kinh đang chuẩn bị ứng phó với cục diện có thể cạnh tranh với Mỹ. Nhưng, sự căng thẳng khu vực gần đây cho thấy, Trung Quốc chắc chắn cũng đang làm công tác chuẩn bị cho những thách thức và mưu đồ khu vực tương lai. Điều này đã gợi ra vấn đề vũ khí mới và chiến lược mới của Trung Quốc phải chăng là để sử dụng trong các cuộc xung đột hạn chế ở khu vực.
Nếu Quân đội Trung Quốc giao chiến với Nhật Bản hoặc Philippines, rất khó tưởng tượng được là Mỹ không chủ động can dự. Quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ sử dụng chiến thuật chống can dự đối với quân Mỹ, nhằm ngăn chặn quân Mỹ tiến vào khu vực xung đột, đánh lại đối phương trong khu vực này và tạo ra sự lựa chọn khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ: leo thang đối đầu hay là tiếp nhận kết quả của cuộc chiến mở đầu.
Trong các cuộc xung đột khác giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực, cũng có những cuộc xung đột khác mà Mỹ có thể sẽ không trực tiếp ủng hộ. Điều này tương đối khó để dự đoán. Nhưng cho dù trong trường hợp nào, Trung Quốc hầu như cũng có ưu thế về số lượng và thực lực.
Trung Quốc đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo tàu đổ bộ |
Nếu Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra xung đột, có thể quân Mỹ cũng sẽ không can thiệp. Mặc dù Bắc Kinh và New Delhi ra sức nâng cấp hải quân, nhưng khả năng xung đột của hai nước láng giềng này là ở khu vực biên giới có tranh chấp. Do Trung Quốc có ưu thế về triển khai quân bị, bảo đảm hậu cần và kỹ thuật, do đó có thể chiếm ưu thế.
Ngoài hệ thống vũ khí và chiến lược, còn có các nhân tố quân sự khác sẽ ảnh hưởng đến thắng bại. Huấn luyện của Quân đội Trung Quốc như thế nào? Tính độc lập trong quyết sách của chỉ huy trên chiến trường như thế nào? Sử dụng nguyên tắc tác chiến nào? Do Quân đội Trung Quốc nhấn mạnh mơ hồ, các nhà chiến lược chỉ có thể dự đoán sơ bộ, nhưng không có lý do cho rằng Trung Quốc có ưu thế to lớn trên các lĩnh vực này.
Do tính phức tạp của chiến tranh hiện đại, phân tích bất cứ một cuộc chiến tranh tiềm tàng nào cuối cùng đều là câu hỏi nhiều hơn đáp án. Nhưng có hai điểm rõ ràng là: Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự ,làm thay đổi sự tính toán chính trị quyền lực của châu Á, Bắc Kinh có ý nguyện thông qua sức mạnh quân sự để hỗ trợ cho yêu cầu và âm mưu chiến lược của TQ.
Máy bay tiếp dầu HY-6 của Quân đội Trung Quốc |