Không để Trung Quốc “độc quyền” thông tin về vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chính quyền Nhật đã thay đổi chính sách tăng cường tuyên truyền về chủ quyền quần đảo này ra cộng đồng quốc tế.
Lực lượng tàu tuần tra hiện đại của Nhật trên biển Hoa Đông - Ảnh: Kyodo |
Theo báo Asahi, trước đây chính quyền Tokyo luôn phớt lờ mọi chính sách ngoại giao của Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và giữ vững quan điểm “không có tranh chấp chủ quyền ở Senkaku vì đó là lãnh thổ của Nhật”. Tuy nhiên mới đây, người phát ngôn Chính phủ Nhật Osamu Fujimura tuyên bố đã đến lúc Nhật cần giải thích cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về quan điểm của mình trước những luận điệu “xuyên tạc” của Bắc Kinh.
“Trong những ngày qua Tokyo không có nhu cầu bình luận về vấn đề Senkaku. Tuy nhiên Trung Quốc đang tăng cường truyền bá sai lệch về vấn đề này. Họ chỉ đưa tin về những luận điệu của riêng họ. Do đó, chúng tôi thấy cũng cần giải thích quan điểm của Nhật một cách quyết liệt”- Asahi dẫn lời ông Fujimura khẳng định.
Quảng cáo ở cả báo Mỹ
Lễ kỷ niệm lặng lẽ Ngày 29-9, ngày kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Nhật - Trung diễn ra lặng lẽ do căng thẳng giữa hai nước tiếp tục dâng cao. Báo Japan Times cho biết không một sự kiện lớn nào được tổ chức ở Nhật trong ngày này. |
Hiện Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba và các quan chức ngoại giao đang bàn bạc kế hoạch tăng cường truyền bá quan điểm của Nhật về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở nước ngoài theo hướng “không hề tồn tại tranh chấp với Trung Quốc”. Báo chí Nhật cho biết các nhà ngoại giao Nhật ở nước ngoài đang đẩy mạnh tiếp xúc với lãnh đạo nhiều cơ quan truyền thông lớn cũng như nhiều học giả phương Tây có uy tín.
Trung Quốc hiện nay không chỉ tạo diễn đàn trong và ngoài nước về “chủ quyền” quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà còn mở chiến dịch đăng quảng cáo trên các tờ báo phương Tây. Nhân Dân Nhật Báo ngày 29-9 thông báo hai tờ báo Mỹ là Washington Post và New York Times đã cho đăng cả trang quảng cáo ảnh màu về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với nội dung truyền bá “chủ quyền” của Bắc Kinh. Đại sứ quán Nhật tại Mỹ đã phản ứng quyết liệt. “Kiểu quảng cáo này rất có vấn đề. Nó cho thấy các báo trên đã thiên vị” - đại sứ Nhật Ichiro Fujisaki chỉ trích.
Cũng hôm qua, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Lý Bảo Đông một lần nữa lớn tiếng tố cáo Nhật “đã cướp quần đảo Điếu Ngư (cách Trung Quốc gọi quần đảo Senkaku)” từ tay Trung Quốc. Tân Hoa xã dẫn lời ông Lý khẳng định Nhật đã cướp mọi thứ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, từ đảo Đài Loan đến các đảo nhỏ xung quanh, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đại sứ Trung Quốc dùng những từ ngữ đầy vẻ miệt thị, không phù hợp với nguyên tắc ngoại giao để kêu gọi Nhật “từ bỏ giấc mơ ban ngày” về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Báo Asahi đưa tin trước khi quay về Nhật, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda tại New York đã gặp gỡ lãnh đạo nhiều cường quốc để kêu gọi ủng hộ quan điểm của Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Mỹ kêu gọi kiềm chế
Mới đây trợ lý ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Đông Á Kurt Campbell một lần nữa khẳng định Chính phủ Mỹ không có ý định đóng vai trò trung gian trong các cuộc tranh chấp biển đảo ở châu Á. “Chúng tôi cho rằng các mối quan hệ song phương đã đủ mạnh để giải quyết mọi vấn đề và những căng thẳng sẽ được tháo ngòi thông qua đàm phán giữa các bên liên quan” - AFP dẫn lời ông Campbell nhấn mạnh. Ông Campbell khuyến cáo Trung Quốc và Nhật cần nhận thức tầm quan trọng của mối quan hệ chính trị và kinh tế song phương.
Nhiều chuyên gia Nhật kêu gọi chính phủ phải ưu tiên tăng cường sức mạnh cho lực lượng tuần duyên khi Trung Quốc leo thang quân sự trên biển Hoa Đông. “Nếu Nhật mất quyền kiểm soát quần đảo Senkaku thì việc giành lại quần đảo này từ Trung Quốc sẽ cực kỳ khó khăn” - báo Yomiuri dẫn lời một chuyên gia quân sự cảnh báo.
Hôm qua, Thời Báo Hoàn Cầu cho biết hiện Trung Quốc vẫn còn 200 tàu cá hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để đánh bắt cá và “khẳng định chủ quyền”. Các chuyên gia quân sự Nhật nhận định Chính phủ Nhật cần gấp rút cho triển khai máy bay vận tải MV-22 Osprey của Mỹ đến căn cứ không quân Futenma ở tỉnh Okinawa để giám sát mọi động thái của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
MỸ LOAN
Theo Tuổi Trẻ