TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Nghẹt thở vì "cuộc chiến" trên biển ở Châu Á

Lee Myung-bak
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thực hiện chuyến thăm đến quần đảo Dokdo/ Takeshima hôm 10/8.

Cùng với Trung Đông, Châu Á gần đây đang trở thành một trong những điểm nóng bỏng nhất thế giới với nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột luôn hiện hữu. Nguyên nhân của tình trạng này là do các cuộc tranh chấp trên biển liên quan đến một loạt nước gồm Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
 
Nga-Nhật căng thẳng vì quần đảo Kurils
 
Nga và Nhật Bản tranh chấp nhau 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kurils mà Nhật đã “nhượng lại” cho Liên Xô sau khi thất bại trong thế chiến II. Sau đó, trên cơ sở tuyên bố Nhật-Xô năm 1956, Liên Xô đã cam kết trả lại hai đảo Habomai và Shikotan trong quần đảo Kurils cho Nhật. Tuy nhiên, cách đây vài năm, phía Nhật lại đòi Nga trả lại cả hai hòn đảo lớn hơn là Etorufu và Kunashiri bởi theo họ, hai đảo trên không nằm trong quần đảo Kurils. Ngọn lửa tranh chấp này đã cháy âm ỉ cho đến tận ngày nay dù hai nước đã nhiều lần cố gắng dập tắt nó.
 
Mới đây, ngọn lửa trên lại có dịp bùng lên khi Thủ tướng Dmitry Medvedev hồi tháng 7 đã có chuyến thăm đến Kunashiri, một hòn đảo đang nằm trong tranh chấp ở phía bắc quần đảo Kurils. Đây là lần thứ hai ông Medvdev đến thăm quần đảo Kurils. Ông Medvedev cũng là Nhà lãnh đạo Nga đầu tiên đến thăm đảo tranh chấp với Nhật Bản.
 
Trong chuyến thăm diễn ra hôm 3/7 này, Thủ tướng Medvedev còn ra lệnh cho quân đội Nga tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này ở quần đảo Kurils.
 
Khỏi phải nói, Nhật Bản đã tức giận như thế nào trước động thái trên của Nga. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan lên án mạnh mẽ chuyến thăm của Thủ tướng Medvedev, gọi đó là hành động khiêu khích. Bộ Ngoại giao Nhật Bản còn triệu tập Đại sứ Nga tại thủ đô Tokyo đến để bảy tỏ sự phản đối về chuyến thăm đến quần đảo Kurils của Thủ tướng Nga.
 
Căng thẳng Nga-Nhật tiếp tục leo thang khi hôm 14/8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ điều hai tàu hải quân tới quần đảo tranh chấp Kurils. Cụ thể, tàu đổ bộ cỡ lớn Đô đốc Nevelskoi và tàu kéo Kalar sẽ tới 4 trong 4 hòn đảo thuộc quần đảo Kurils để tham dự các buổi lễ vinh danh các thủy thủ Xô Viết tử trận tại đó vào cuối Chiến tranh Thế giới thứ II. Các tàu thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga này dự kiến sẽ ghé thăm quần đảo Kurils trong khoảng thời gian từ 25/8 tới 17/9. Kế hoạch của Nga chắc chắn sẽ chọc tức Nhật Bản và căng thẳng giữa hai nước xung quanh cuộc tranh chấp quần đảo Kurils sẽ còn tiếp diễn.
 
Quan hệ Nhật-Hàn nóng lên vì Dokdo/Takeshima
 
Quần đảo Takeshima/Dokdo là khu vực tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong hàng chục năm qua. Nó được cho là một trong những “cái gai” khó chịu nhất trong quan hệ giữa hai nước Đông Bắc Á này.
 
Trong những ngày giữa tháng 8, “cái gai” trên lại trồi lên, gây “đau nhức” trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Mọi sự bắt đầu từ sau sự kiện Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thực hiện chuyến thăm đến quần đảo Dokdo/ Takeshima hôm 10/8. Ông Lee là Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên đến quần đảo tranh chấp này. Chuyến thăm của ông Lee đã vấp phải phản ứng đầy giận dữ từ phía Tokyo.
 
Nhật Bản đã ngay lập tức triệu hồi Đại sứ của mình tại Seoul về nước nhằm phản đối chuyến đi của Tổng thống Hàn Quốc. Giới chức Nhật Bản cũng liên tiếp đưa ra những lời chỉ trích gay gắt nhằm vào chính quyền của ông Lee. Chưa hết, Tokyo còn tuyên bố sẽ đưa Seoul ra tòa án quốc tế để giải quyết cuộc tranh chấp giữa họ.
 
Tuy nhiên, Seoul cũng nhanh chóng bác bỏ đề xuất của Tokyo về việc đưa tranh chấp quần đảo Dokdo/ Takeshima ra giải quyết ở tòa án quốc tế. Theo Seoul, quần đảo Dokdo rõ ràng là thuộc lãnh thổ của họ rồi nên không có chuyện phải đưa ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Hôm qua, Hàn Quốc còn tuyên bố sẽ có biện pháp mạnh tay nếu Nhật Bản không rút lại đề xuất đưa vấn đề tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima ra tòa án quốc tế.
 
Mới đây, chính phủ Hàn Quốc cũng thông báo kế  hoạch tiến hành một cuộc tập trận phối hợp giữa các lực lượng gồm Thủy quân lục chiến, Lục quân, Không quân và Cảnh sát biển để ngăn chặn các tàu xâm phạm trái phép vào quần đảo Dokdo.
 
Rõ ràng, cuộc tranh chấp lãnh thổ quanh quần đảo Dokdo/ Takeshima đang bắt đầu nóng trở lại sau một thời gian im ắng. Nó đã đẩy quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vào một cuộc đối đầu đầy căng thẳng mới.
 
Trung-Nhật lại lục đục vì Điếu Ngư/Senkaku
 
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Chùm đảo này nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Senkaku/Điếu Ngư là quần đảo có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Quần đảo này gần với các tuyến đường biển quan trọng.
 
Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay. Mới đây, căng thẳng giữa hai cường quốc Châu Á lại nổi lên sau khi xảy ra sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc đã đi tàu từ Hồng Kông đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với mục đích là nhằm “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này.
 
Các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đã xông hẳn lên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, phớt lờ cảnh báo từ phía Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản. Họ còn thách thức cắm cả một lá cờ Trung Quốc lên quần đảo vẫn còn nằm trong tranh chấp này.
 
Những động thái trên của các nhà hoạt động Trung Quốc đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Nhật Bản. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã đâm thủng tàu Trung Quốc và bắn súng vòi rồng vào con tàu này. Sau đó, Nhật Bản đã tiến hành bắt giữ tất cả 14 người đi trên tàu Trung Quốc.

Sau sự việc này, Bắc Kinh đã lên tiếng yêu cầu Tokyo phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện tất cả 14 nhà hoạt động của họ. Giới lãnh đạo Trung Quốc không ngớt lời chỉ trích Nhật Bản. Theo Bắc Kinh, bất kỳ hành động đơn phương nào của Tokyo nhằm chống lại người Trung Quốc đều là bất hợp pháp và vô giá trị. Bắc Kinh cũng cáo buộc Tokyo đã đẩy căng thẳng giữa hai nước lên cao.
 
Ngay cả khi Nhật Bản đã quyết định thả người nhằm làm dịu tình hình thì Bắc Kinh vẫn làm căng bằng tuyên bố, nước này giữ “lập trường vững chắc” trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Trung Quốc còn tỏ thái độ trịnh thượng khi nhận xét đầy hàm ý rằng, việc Nhật Bản thả người là “hành động khôn ngoan”.
 
Cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản quanh vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku có nguy cơ sẽ trầm trọng hơn nữa khi mà các nghị sĩ và thành viên của một số nhóm cánh hữu Nhật Bản có kế hoạch đến Senkaku để tổ chức lễ tưởng niệm những binh sĩ Nhật chết trong thế chiến II vào chiều tối nay (18/8). Sáng nay, Bắc Kinh đã gửi văn bản bày tỏ sự phản đối đối với kế hoạch này của phía Tokyo.
 
Ngoài những tranh chấp được nêu ra ở trên, mấy tháng qua, người dân thế giới cũng đã chứng kiến khu vực Biển Đông nổi sóng to gió lớn vì các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với một loạt nước láng giềng.

 

Kiệt Linh
(Vnmedia)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te