Vừa qua, các công dân Trung Quốc và Hồng Kông đã liều lĩnh xông đến đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) để khẳng định chủ quyền, nhưng đã bị phía Nhật Bản bắt giữ và có dự định “xử lý theo pháp luật”.
Dư luận Nhật Bản và Trung Quốc đã xôn xao đưa tin, đánh giá, bình luận, nhận định về vấn đề tranh chấp chủ quyền này.
Thị trưởng Tokyo kêu gọi Thủ tướng Nhật đến đảo Senkaku
Theo mạng “Japan News Network”, tối ngày 15/8, Thị trưởng Tokyo, ông Shihara Jintaro đã yêu cầu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda lập tức đến đảo Senkaku.
Shihara Jintaro nói, đã đến nước này, Thủ tướng còn không đến đảo Senkaku chính là một biểu hiện của sự thờ ơ.
Ông nói: “Thủ tướng Nhật Bản dám đánh cược sinh mệnh của mình vì thuế tiêu thụ, như vậy tiếp tục đem sinh mệnh của mình để đánh cược một lần đảo Senkaku xem thế nào?”.
Khi nói về một số nhân sĩ Hồng Kông lên đảo Senkaku, Shihara Jintaro cho rằng, đây đều là kết quả của việc chưa mua được đảo Senkaku.
Nhật Bản cần thiết lập trạm theo dõi của Lực lượng bảo vệ bờ biển… ở đảo Senkaku, cho dù chỉ dùng để theo dõi thời tiết cũng được. Về việc xử lý các nhân sĩ Hồng Kông như thế nào, Jintaro cho rằng phải nhanh chóng xử lý theo pháp luật.
Truyền thông Nhật nêu giải pháp quân sự bảo vệ đảo Senkaku
Trong tình hình Trung Quốc liên tiếp có các hành động xâm phạm đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư), tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản tiếp tục cổ vũ chính quyền Noda tăng cường kiểm soát thực tế đối với đảo Senkaku, cho rằng Quốc hội Nhật Bản cần nhanh chóng tăng cường quyền hạt cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển, đồng thời lập tức tăng số lượng quan chức và tàu tuần tra bảo vệ lãnh hải; cần thiết đẩy nhanh xây dựng căn cứ trung chuyển nghề cá, thiết lập radar cảnh giới, theo dõi, và lập tức cho phép người dân Nhật Bản thường trú ở đảo Senkaku.
Chiều ngày 15/8, tàu Khải Phong-2 mang theo 14 công dân Hồng Kông đến vùng biển đảo Senkaku, trong đó có 7 người lên đảo Senkaku và cắm cờ Trung Quốc. Trong hình là 2 tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản kẹp chặt tàu Khải Phong-2. |
Bài viết cho rằng, nếu lần này có cả dân quân trên biển của Trung Quốc cải trang thành ngư dân lên đảo Senkaku, mà Nhật Bản lại chỉ dựa vào lực lượng bảo vệ bờ biển thì sẽ rất khó khăn. Nếu lần này, “tàu bảo vệ đảo Điếu Ngư” của Trung Quốc cũng đến vùng biển đảo Senkaku thì “sẽ xảy ra tình hình rất nghiêm trọng”.
Bài viết cho rằng, chính quyền Noda cần phải hết sức nhanh chóng triển khai Lực lượng Phòng vệ ở các hòn đảo tây nam Nhật Bản, trong đó có đảo Senkaku, như thế mới có thể bảo vệ lãnh thổ của Nhật Bản.
Nếu Trung Quốc chiếm đoạt đảo Senkaku sẽ xảy ra chiến tranh quy mô lớn
Báo “Quang Minh” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, đằng sau việc công dân Trung Quốc đến đảo Senkaku, diễn biến tiếp theo của cuộc đấu đá ngoại giao Trung-Nhật mới là cuộc đọ sức thực sự giữa hai nước lớn châu Á này.
Trước đây, tàu cá và ngư dân Trung Quốc cũng đã để xảy ra va chạm với tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, do sự điều đình ngoại giao giữa hai nước, cuối cùng Nhật Bản đã thả ngư dân Trung Quốc.
Báo Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc quyết không chấp nhận Nhật Bản “xét xử theo pháp luật” đối với những công dân Trung Quốc đến đảo Senkaku vừa qua.
Tờ “Quang Minh” cho rằng, xung quanh đảo Senkaku, cuộc đấu đá giữa Trung-Nhật là một cuộc đấu về thực lực/sức mạnh, cũng là một cuộc đấu về dũng khí “không khoan nhượng”.
Nhật Bản đã chịu thiệt thòi trong tranh chấp đảo với Nga và Hàn Quốc (quần đảo Nam Kuril và đảo Dokdo), nên chính quyền Nhật Bản chịu sức ép rất lớn từ trong nước. Đây là lúc diễn ra cuộc đấu ý chí giữa Trung-Nhật ở đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tàu Khải Phong-2 trên đường đến đảo Senkaku bị tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản theo sát, đồng thời bị máy bay Nhật Bản chụp được. |
Bài viết phô trương rằng, hành động bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư của người dân nước này là có sự hỗ trợ từ sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc. Do sức ép đó, Nhật Bản sẽ chỉ đáp trả bằng “súng nước”, chứ không dám sử dụng “súng thật”.
Bài viết kêu gọi sự đoàn kết giữa Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông trong bảo vệ những công dân Trung Quốc vừa xông lên đảo Senkaku “bảo vệ chủ quyền”, coi đó là “phương hướng đúng đắn”. Theo đó, Trung Quốc sẽ sử dụng đủ “nguồn lực ngoại giao” để chuẩn bị đấu với Nhật Bản.
Báo Trung Quốc tuyên truyền rằng, do sức ép từ Trung Quốc, đảo Senkaku đang được Nhật Bản kiểm soát thực tế hiện là một “đảo hoang 100%”, “Nhật Bản không dám khai thác nó, người Nhật lên đảo cũng bị cấm, phải xem sắc mặt của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, theo bài viết, hiện nay Trung Quốc không thể “đoạt lại” đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vì làm như thế sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn, không phù hợp với Trung Quốc hiện tại.
Bài viết nhận định: “Cuộc đấu phức tạp xung quanh đảo Senkaku là một thử thách tổng hợp đối với sức mạnh và trí tuệ của Trung Quốc. Nếu không xử lý tốt tranh chấp với bên ngoài, ở rất nhiều quốc gia dễ trở thành tranh cãi nội bộ. Hiện nay, Trung Quốc đối mặt với xung đột với bên ngoài trên nhiều hướng. Báo TQ cho rằng đoàn kết nội bộ vững chắc là biện pháp quan trọng nhất để áp đảo đối phương”. - điều đó cho thấy nội bộ Trung Quốc đang có vấn đề thực sự.
Máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đang tuần tra ở đảo Senkaku. |
Xung đột quân sự Trung-Nhật là một cơn ác mộng
Về vấn đề tranh chấp đảo Senkaku giữa Trung-Nhật, ngày 15/8, tờ “Quan điểm” Nga có bài viết cho rằng, tại buổi lễ kỷ niệm Nhật Bản đầu hàng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã bày tỏ hối lỗi sâu sắc và cho biết “là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Nhật Bản tái khẳng định lời thề sẽ không tiến hành chiến tranh, tránh tái diễn hiểm hoạ chiến tranh, không ngừng theo đuổi hoà bình thế giới”, nhưng chuyên gia Nga dự đoán, xung đột sẽ tiếp tục leo thang.
Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu vấn đề Nhật Bản, Phòng nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga Valery Stanov cho rằng, trước đây, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng nhấn mạnh nguồn tài nguyên dầu khí phong phú tàng trữ ở khu vực đảo tranh chấp là “lợi ích căn bản của Trung Quốc”. Stanov nói:
“Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ nâng vấn đề này lên nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quốc gia, giống như vấn đề Tây Tạng. Trong khi đó Nhật Bản cũng tuyên bố, sẵn sàng sử dụng Lực lượng Phòng vệ để bảo vệ hòn đảo tranh chấp”.
Stanov tiếp tục cho rằng, nhà cầm quyền Nhật Bản thậm chí đã dự báo tình huống xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc. “Nhưng, hai bên Trung Quốc và Nhật Bản đều biết rõ, sẽ không phát triển thành xung đột quy mô lớn, bởi vì điều này sẽ làm ngòi nổ cho toàn bộ khu vực.
Đặc biệt là phía Trung Quốc hiểu rõ, Nhật Bản có Hiệp ước An ninh với Mỹ, căn cứ vào hiệp ước này, Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản tránh bị bên ngoài đe doạ” – ông nói.
Vì vậy, Stanov cho rằng, dự đoán xảy ra xung đột có thể “chỉ là một cơn ác mộng”. Ông nói, “ba nước đều sẽ tìm kiếm chính sách sáng suốt, đề phòng xảy ra hành động quân sự. Nhưng, chiến tranh tâm lý sẽ tiếp tục kéo dài.
Đặc biệt là thái độ chống Trung Quốc và chống Nhật Bản ngày càng tăng lên ở hai nước. Các cuộc điều tra cho thấy, hơn 80% người Nhật đánh giá tiêu cực về Trung Quốc. Còn thái độ chống Nhật Bản ở Trung Quốc cũng bùng phát bất cứ lúc nào”.
Sách lược phòng bị của tàu chiến Nhật Bản trước thách thức từ Trung Quốc trong vấn đề đảo Senkaku. |
Việt Dũng (Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc)
(theo báo Giáo Dục Việt Nam)