Tân Hoa xã (Trung Quốc) đưa tin ngày 26-10 tại Phnom Penh (Campuchia), Đô đốc Tea Vinh, Tư lệnh hải quân Hoàng gia Campuchia, đã hội đàm với Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus.
Đô đốc Tea Vinh đánh giá cao quan hệ giữa quân đội Campuchia và Mỹ, đồng thời cảm ơn hải quân Mỹ đã hỗ trợ hải quân Campuchia về vật chất và xây dựng năng lực. Ông ghi nhận từ năm 2007 đến nay, tàu hải quân Mỹ đã thăm Campuchia 22 lần và đến Campuchia tập trận chung 25 lượt.
Bộ trưởng Ray Mabus cho biết các cuộc tập trận chung giữa hải quân hai nước đã giúp nâng cao tính chuyên nghiệp và năng lực của hai bên. Ông nói trong vài năm tới, Mỹ sẽ triển khai ít nhất 300 tàu hải quân đến châu Á-Thái Bình Dương và hy vọng hai nước sẽ có nhiều cơ hội hơn trong công tác đấu tranh chống khủng bố và tội phạm hàng hải.
Trong khi đó tại Indonesia, báo Antara ngày 26-10 đưa tin hôm trước đó, hội thảo quốc tế với chủ đề Chiến lược hợp tác hàng hải nâng cao an ninh và ổn định ở biển Đông đã được tổ chức tại Jakarta. Lãnh đạo quân đội, hải quân, ngoại giao của Indonesia và các học giả từ Anh, Trung Quốc, Singapore tham dự.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO MỸ
Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí lập trường rằng các nước liên quan trực tiếp và gián tiếp đến vấn đề biển Đông phải cùng nỗ lực bảo đảm an ninh và ổn định ở biển Đông.
Các đại biểu ghi nhận lập trường nêu trên phải dựa trên các thỏa thuận hiện tại bao gồm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và phải tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển thì mới có thể xây dựng được một chiến lược hàng hải toàn diện.
Phó Đô đốc Laksdya Marsetio, Tư lệnh phó hải quân Indonesia, phát biểu Indonesia đã được các nước trong khu vực đề nghị làm trung gian hòa giải tranh chấp ở biển Đông.
Ông cho biết để góp phần giải quyết tranh chấp, Indonesia đã hợp tác với Trung Quốc và Việt Nam tổ chức tuần tra chung và Indonesia cũng đã có cơ chế hợp tác tuần tra chung tương tự với Malaysia và Philippines.
Ông nói hải quân Indonesia đã triển khai hạm đội miền Tây từ eo biển Malacca sang vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia ở biển Đông để duy trì an ninh khu vực.
Ông cảnh báo dù tình hình an ninh trong khu vực hiện nay bình thường nhưng xung đột ở biển Đông vẫn có nguy cơ bùng phát. Nguyên nhân sâu xa chủ yếu do các nước mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
Ngày 26-10, tại hội thảo ở Tokyo (Nhật), Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell nói: “Các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, Trung Quốc và Nhật, Hàn Quốc và Nhật cần phải được giải quyết một cách thận trọng và chín chắn”. Hội thảo do hãng tin Nikkei (Nhật) và Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) tổ chức. Ngày 26-10, 30 binh sĩ Trung Quốc đã lên đường sang Brisbane (Úc) tham gia diễn tập với các binh sĩ Úc và New Zealand. Diễn tập kéo dài từ ngày 29-10 đến 1-11. Đây là lần đầu tiên ba nước diễn tập cứu trợ nhân đạo và thảm họa. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo quân đội Trung Quốc và Mỹ sẽ diễn tập cứu hộ và cứu trợ thảm họa vào cuối tháng 11 ở Thành Đô (Trung Quốc). |
THẠCH ANH
Theo PLTPHCM