TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 27-10-2012


Trung Quốc điều tướng Hồng Kông về trấn giữ Bắc Kinh

 Trung Quốc cũng quyết định điều động Trương Sĩ Ba, nguyên Tư lệnh lực lượng quân sự Trung Quốc tại Hồng Kông, lon trung tướng, về trấn giữ thủ đô - Tư lệnh đại quân khu Bắc Kinh.

Tiếp tục hoạt động điều chỉnh nhân sự tướng lĩnh cao cấp thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, sau khi bổ nhiệm một loạt các vị trí chủ chốt trong Bộ tổng tham mưu, 4 tổng cục và 1 quân chủng, hôm qua 26/10 Trung Quốc tiếp tục điều chỉnh nhân sự lãnh đạo cấp quân khu.

Theo người phát ngôn lực lượng quân sự Trung Quốc tại Hồng Kông, thượng tá Triệu Đông cho biết, ông Hồ Cẩm Đào vừa ký quyết định bổ nhiệm Vương Hiểu Quân, Phó tư lệnh đại quân khu Thẩm Dương, lon trung tướng làm Tư lệnh lực lượng quân sự Trung Quốc tại Hồng Kông.

Đồng thời, Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc cũng quyết định điều động Trương Sĩ Ba, nguyên Tư lệnh lực lượng quân sự Trung Quốc tại Hồng Kông, lon trung tướng, về trấn giữ thủ đô - Tư lệnh đại quân khu Bắc Kinh.

Hôm qua 26/10 Từ Phấn Lâm, Tư lệnh đại quân khu Quảng Châu theo ủy quyền của Hồ Cẩm Đào đã đến Hồng Kông trao quyết định bổ nhiệm, đồng thời dẫn 2 tướng Quân và Ba đến chào Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông.

Hồng Thủy (Nguồn Tân Hoa Xã, GDVN)
--------
Trung Quốc dọa trả đũa mạnh mẽ đối với Nhật Bản

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân ngày 26/10 tuyên bố nước này bảo lưu quyền áp dụng các biện pháp trả đũa mạnh mẽ nếu Nhật Bản “tạo ra các sự cố” ở những vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp trên biển Hoa Đông.
 
Phát biểu trong cuộc họp báo bất thường vào tối cùng ngày, ông Trương Chí Quân nói: “Chúng tôi đang theo dõi rất sát sao những hành động mà Nhật Bản có thể thực hiện liên quan đến quần đảo Điếu Ngư và các vùng biển liền kề. Hành động mà phía Nhật Bản có thể tiến hành sẽ quyết định đến các biện pháp trả đũa của Trung Quốc."
 
"Nếu Nhật Bản tiếp tục đi theo con đường sai trái hiện nay và có thêm những hành động sai lầm cũng như tạo ra các sự cố liên quan đến quần đảo Điếu Ngư và thách thức Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ dứt khoát tiến hành những biện pháp đáp trả mạnh mẽ. Trung Quốc không thiếu gì những biện pháp trả đũa," ông nói.
 
Thứ trưởng Trung Quốc khẳng định thêm: "Chúng tôi có niềm tin và khả năng để bảo vệ chủ quyền cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Các mối đe dọa hay sức ép của nước ngoài dù lớn đến đâu cũng không thể làm lay chuyển quyết tâm của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc”.
 
Ngoài ra, ông Trương cũng khẳng định việc Nhật Bản quốc hữu hóa một phần quần đảo Điếu Ngư đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất đối với quan hệ Trung-Nhật kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ 40 năm trước.

Ông đồng thời tuyên bố trước đây không hề có tranh chấp liên quan đến Điếu Ngư/Senkaku cho đến khi Nhật Bản chiếm đoạt bất hợp pháp quần đảo này vào năm 1895./.

(Vietnam+)
-----------
Hàn Quốc phủ nhận gia nhập liên minh phòng thủ tên lửa của Mỹ

 Đại diện Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 26-10 cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa KAMD của nước này hoàn toàn khác với hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu MD của Mỹ.

Vị đại diện (giấu tên) này cũng đồng thời phủ nhận thông tin cho rằng Hàn Quốc sẽ tham gia liên minh phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu.

Được biết, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ là một hệ thống nhiều tầng, gồm tầng thấp, tầng trung và tầng cao tùy vào cao độ phòng thủ. Các biện pháp ngăn tên lửa của hệ thống này cũng khác nhau, phạm vi cảm biến có thể đạt tới trên 5000km. Trong khi đó, hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc chủ yếu là ở tầm thấp (dưới 40km), phạm vi cảm biến chỉ từ 500-1000km.

Cũng theo quan chức này, Hàn Quốc và Mỹ vẫn chia sẻ thông tin về hệ thống cảnh báo và hệ thống kiểm soát chỉ huy tên lửa với nhau, song dựa vào góc độ này mà cho rằng Hàn Quốc sẽ tham gia liên minh phòng thủ tên lửa do Mỹ đứng đầu là không hợp lý.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện tại của Hàn Quốc, việc bí mật thúc đẩy điều này cũng là không thể.

Hạ Liên
Theo Tân Hoa xã, ANTĐ
------------
Nga thành lập trung tâm đào tạo chiến đấu cho SNG

Đài Tiếng nói nước Nga đưa tin, hãng tin Interfax dẫn tuyên bố của Hội đồng Kỹ thuật quân sự các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) cho biết, Nga sẽ thành lập Trung tâm huấn luyện chiến đấu cho quân nhân các nước SNG trong tương lai gần.

Cuộc họp họp trên tổ chức tại thành phố Tula, cách thủ đô Mátxcơva 193 km về phía Nam với sự tham dự của đại diện chín nước thành viên SNG (gồm Nga, Azerbaijan, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistanvà Ukaine).

Thời hạn cần thiết để thành lập trung tâm đào tạo chưa được công bố.

Hiện các nước SNG đang tham gia một số chương trình liên kết về đào tạo quân nhân./.

(Vietnam+)
--------
Triều Tiên ban bố tình trạng chuẩn bị chiến tranh

 Đài Tiếng nói Nga và tờ Dailynk của Hàn Quốc hôm nay dẫn những nguồn tin riêng cho biết Triều Tiên vừa tuyên bố tình trạng chuẩn bị chiến tranh sáng 26-10.

Một nguồn tin từ tỉnh Hamkyung (Triều Tiên) cho biết trong một cuộc điện thoại khẩn lúc 9 giờ rằng “tuyên bố tình trạng chuẩn bị giới nghiêm vừa đưa ra sáng nay; đất nước đặt trong tình trạng báo động và không được đi lại khi không cần thiết”.

Nguồn tin từ tỉnh Pyongan cho biết thêm rằng tình trạng nói trên bắt đầu từ hôm nay và kéo dài tới ngày 31-10.
Khoảng thời gian nói trên trùng với cuộc tập trận quân sự Hoguk của Hàn Quốc và Mỹ, vốn bắt đầu từ hôm 25-10 và dự kiến kết thúc vào ngày 2-11.

Thêm vào đó, tuyên bố nói trên đưa ra ngay trước khi Hàn Quốc chuẩn bị phóng rocket từ căn cứ đặt tại tỉnh Jeolla.
 
Tuy nhiên hiện chưa rõ tuyên bố khẩn cấp nói trên của Triều Tiên có liên quan hay không đến hai sự kiện diễn ra tại Hàn Quốc.
 
Trong một diễn biến khác, Hàn Quốc vừa tuyên bố sẽ hoãn phóng rocket Naro-1 vốn trước đó được lên kế hoạch phóng vào khoảng giữa 3 giờ 30 đến 19 giờ trong ngày 26-10.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn nguồn tin từ bộ Giáo dục, Khoa học và Kỹ thuật cho biết sự kiện phóng tên lửa này sẽ được hoãn lại ít nhất 3 ngày sau khi phát hiện có rò rỉ khí ở tầng đầu của tên lửa đẩy.

Đây là nỗ lực lần thứ 3 phóng tên lửa đưa vệ tinh Naro-1 vào không gian của Hàn Quốc sau hai lần thất bại hồi tháng 8-2009 và tháng 6-2010.
Đỗ Quyên (Theo Voice of Russia, Dailynk, NLĐ)
-----
Lực lượng tuần duyên Nhật sắp nhận tàu tuần tra, trực thăng mới

Lực lượng tuần duyên Nhật (JCG) sắp nhận thêm tàu tuần tra và trực thăng giữa lúc tàu Trung Quốc xuất hiện thường xuyên gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Thông tin trên được đưa ra sau khi chính phủ Nhật hôm nay 26.10 thông qua gói chi tiêu khẩn cấp 422,6 tỉ yen (5,3 tỉ USD) để kích thích kinh tế nước này, theo hãng  tin Kyodo.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Vận tải và Du lịch Nhật Bản đang đề xuất chính phủ cấp 72 tỉ yen trong gói chi tiêu nói trên, trong đó có 16,9 tỉ yen được dùng để mua bốn tàu tuần tra với độ choán nước 1.000 tấn, ba tàu tuần tra dài 30 m và ba trực thăng cho JCG.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Vận tải và Du lịch Nhật Bản lúc đầu định dùng ngân sách cho tài khóa 2013-2014 mua các thiết bị nói trên, nhưng sau đó quyết định dùng tiền từ gói chi tiêu mới, vì lo ngại các hoạt động gần đây của tàu Trung Quốc.

Ngày 25.10, JCG phát hiện bốn tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng biển mà Nhật tuyên bố chủ quyền gần Senkaku/Điếu Ngư, theo Kyodo.

Đây là lần đầu tiên tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng biển mà Tokyo tuyên bố chủ quyền trong ba tuần qua, buộc Bộ Ngoại giao Nhật lên tiếng phản đối, yêu cầu các tàu rút ngay lập tức.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định các tàu trên thực hiện “tuần tra định kỳ để duy trì quyền lợi” và “hoạt động chính thức bình thường khẳng định quyền tài phán”.

Văn Khoa, Thanh Niên
-------
Pháp thử thành công tên lửa hải quân MdCN từ tàu ngầm

Cục Vũ khí (DGA) của Pháp vừa thử nghiệm thành công biến thể tên lửa hành trình hải quân MdCN lần đầu tiên trang bị trên tàu ngầm.

Đây là phát triển thứ tư của loại tên lửa được MBDA sản xuất và được thực hiện từ một nền tảng tàu ngầm ngập nước tại trung tâm thử nghiệm tên lửa Levant của DGA ở vùng Var, miền Nam nước Pháp vào hôm 24/10.

Tất cả các mục tiêu thử nghiệm đã được thực hiện thành công, đặc biệt chứng thực được khả năng hoạt động của chế độ dẫn đường GPS của tên lửa ở giai đoạn cuối, vho phép kiểm tra chế độ dẫn hồng ngoại mà đã từng được thực hiện trong  lần bắn hồi tháng 7/2012 vừa qua.

Dự kiến, tên lửa MdCN sẽ được trang bị trên khinh hạm đa năng FREMM của Hải quân Pháp vào năm 2014 và trên tàu ngầm Barracuda vào khoảng năm 2017.

Với tầm bắn vài trăm kilomet, tên lửa MdCN có thể tấn công các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ đối phương. Tham gia tấn công tàu chiến từ một vị trí an toàn trong thời gian dài trên các vùng biển quốc tế một cách công khai (tàu chiến mặt nước) hoặc ẩn nấp tấn công từ dưới nước từ tàu ngầm. MdCN là ý tưởng cho các nhiệm vụ được gọi là vũ khí phá hủy các mục tiêu cơ sở hạ tầng có giá trị quân sự, chính trị lớn của đối phương.

MBDA đã được trao một hợp đồng cung cấp tên lửa MdCN cho Cục Vũ khí của quân đội Pháp từ năm 2006.

Yến Phạm (theo Navy Recognition, Bee)
------------
Mỹ thử thành công lá chắn tên lửa

Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đã thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa lớn nhất và phức tạp nhất của nước này, với sự góp phần của 5 tên lửa đạn đạo và các mục tiêu là tên lửa hành trình.

Cuộc thử nghiệm được tiến hành ở phía tây Thái Bình Dương trong tuần này "nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (BMD), THADD và hệ thống vũ khí PATRIOT", MDA cho biết hôm 25/10.

Mục tiêu của thử nghiệm gồm một tên lửa đạn đạo tầm trung, hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn và hai tên lửa hành trình.

Tổ hợp phòng không điểm tầm cao (THAAD) đã chặn thành công một mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung trong khi hệ thống PAC-3 gần như lần lượt phá hủy mục tiêu - các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tên lửa hành trình tầm bay thấp. 

Hệ thống Aegis đặt trên USS Fitzgerald - tàu khu trục hạng Arleigh Burke, đã chặn thành công một tên lửa hành trình trên biển nhưng không chặn được tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Chương trình Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đã hoàn thành 56 lần đánh chặn thành công kể từ năm 2001, MDA cho hay.

Cả ba hệ thống phòng thủ tên lửa vừa trải qua thử nghiệm được kỳ vọng trở thành một phần của lá chắn tên lửa Mỹ tại châu Âu vào năm 2020.

    Hoài Linh (Theo Rian,VNN)
--------
 Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông

 Các hạm đội hải quân Trung Quốc đã tiến hành một đợt tập trận chung trên Biển Đông nhằm thử khả năng sẵn sàng chiến đấu của các binh sỹ, đài truyền hình Trung Quốc CCTV cho hay.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên Biển Đông vẫn chưa tìm được lối thoát, trong khi căng thẳng Trung-Nhật trên Hoa Đông cũng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo đài truyền hình Trung Quốc CCTV, cuộc tập trận được tiến hành trong cả ban ngày và buổi tối, với sự tham gia của trực thăng lính thủy đánh bộ, tàu đổ bộ, xe tăng, xe chiến đấu của lực lượng bộ binh và tàu cao tốc.
 
Trong bối cảnh căng thẳng căng thẳng trên Biển Đông, Hoa Đông tăng cao, Trung Quốc và một số nước trong khu vực như Nhật, Philippines…gần đây đã tiến hành hàng loạt cuộc tập trận quân sự nhằm phô diễn sức mạnh của mình.
(Dân Trí)
-------
Mỹ-Ấn Độ phối hợp diễn tập cứu hộ tàu ngầm bị nạn

Báo “Thời đại Ấn Độ" số ra ngày 26/10 cho biết Mỹ và Ấn Độ đã khởi động cuộc diễn tập cứu hộ tàu ngầm mang mật danh (INDIAEX-2012), với sự tham gia của lực lượng hải quân hai nước ở ngoài khơi thành phố Mumbai của nước này.

Cuộc diễn tập được tiến hành theo kịch bản cứu tàu ngầm bị “kẹt” dưới biển sâu. Chiếc tàu cứu hộ tàu ngầm ở độ sâu (DSRV) của Bộ Chỉ huy cứu nạn tại biển sâu của Hải quân Mỹ đã được đưa đến vùng biển ngoài khơi Mumbai để tiến hành cuộc diễn tập.

DSRV là một loại tàu ngầm cỡ nhỏ, được trang bị các khoang điều áp, hệ thống định vị dưới nước bằng siêu âm, máy quay, có thể cứu 24 thủy thủ cùng một lúc ở độ sâu tới 610 mét sau khi vào được hầm tàu ngầm bị nạn.

Hiện nay các thủy thủ thuộc Hải quân Ấn Độ chỉ dựa vào những bộ quần áo điều áp hoặc với sự hỗ trợ của các tàu lặn như INS Nireekshak để thoát nạn, và chỉ có thể sử dụng ở những vùng biển nông.

Các thiết bị cứu hộ tàu ngầm thích hợp rất cần thiết đối với Ấn Độ bởi nước này có một hạm đội tàu ngầm đã “lão hóa” tới 14 chiếc chạy bằng điện và dầu diesel, trong đó có 10 tàu lớp Kilo của Nga và 4 tàu HDW của Đức. Ngoài ra, Ấn Độ còn có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân INS Chakra thuê của Nga đầu năm nay; 6 tàu ngầm Scorpene của Pháp, đang được chế tạo tại xưởng đóng tàu Mazagon (của Hải quân Ấn Độ), dự kiến bàn giao từ năm 2015-2020./.

(TTXVN)
-------
Mỹ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa ở TBD

AP đưa tin, theo Quân đội Mỹ, trong tuần này đã đánh chặn được bốn trong số năm mục tiêu trong vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa ở Thái Bình Dương.

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa xác nhận năm mục tiêu trong vụ thử hôm 24/10 vừa qua tại Kwajalein Atoll bao gồm một tên lửa đạn đạo tầm trung, hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn và hai tên lửa hành trình bay ở tầm thấp.

Các binh sỹ tại Kwajalein Atoll đã đánh chặn được ba trong số các tên lửa được phóng đợt này bằng Hệ thống lá chắn tên lửa Patriot và Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối.

Các thủy thủ trên tàu USS Fitzgerald đã đánh chặn một tên lửa hành trình, nhưng không xác nhận có tiêu diệt được một tên lửa tầm ngắn hay không.

Nữ phát ngôn viên của cơ quan trên, bà Pamela Rogers cho biết đây là vụ thử lớn nhất và phức tạp nhất trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của nước này./.

(Vietnam+)
--------
Hàn Quốc bất ngờ hoãn phóng tên lửa vì rò rỉ khí ga

 Naro-1 Hàn Quốc dự định sẽ phóng lên quỹ đạo chiều hôm nay 26/10 đã bất ngờ bị hoãn lại ít nhất 3 ngày do phát hiện thấy khí ga rò rỉ ở tầng đầu của tên lửa đẩy.

Hãng thông tấn Yonhap News ngày 26/10 đưa tin, vệ tinh KSLV-1 hay còn gọi là Naro-1 Hàn Quốc dự định sẽ phóng lên quỹ đạo chiều hôm nay 26/10 đã bất ngờ bị hoãn lại ít nhất 3 ngày do phát hiện thấy khí ga rò rỉ ở tầng đầu của tên lửa đẩy.

Trước đó, mọi công việc chuẩn bị cho hoạt động phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo đã được Seoul chuẩn bị hoàn tất. Các nhà khoa học và giới chức Hàn Quốc dự tính sẽ phóng tên lửa vào khoảng giữa 3 giờ 30 phút chiều nay đến 7 giờ tối, thời gian chính xác dự tính công bố vào 1 giờ chiều sau khi kiểm tra lần cuối cùng.

Đây là nỗ lực lần thứ 3 phóng tên lửa đưa vệ tinh Naro-1 vào không gian sau hai lần thất bại hồi tháng 8/2009 và tháng 6/2010.

10 giờ sáng nay giờ Hàn Quốc các lực lượng chức năng có liên quan họp lại một lần nữa, mọi báo cáo của các đơn vị cho thấy tất cả đã sẵn sàng và "không có vấn đề gì đặc biệt".

Quân đội Hàn Quốc cũng đã vào cuộc tham gia đảm bảo an ninh và hỗ trợ cho hoạt động phóng tên lửa lần này với 2 tàu khu trục Aegis được trang bị hệ thống ra đa tiên tiến theo dõi đường bay, ngoài ra còn có các tàu tuần tra, máy bay tiêm kích cũng được điều động sẵn sàng chờ lệnh.

Hồng Thủy (Nguồn Yonhap, GDVN)
-------
Bộ Quốc phòng TQ luân chuyển một loạt tướng

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày hôm qua (25/10) lại vừa tiến hành luân chuyển thêm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt cấp tổng cục và quân khu.

Theo trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, các tướng Phòng Phong Huy (Fang Fenghui), 61 tuổi, Trương Dương (Zhang Yang), 61 tuổi, Triệu Khắc Thạch (Zhao Keshi), 65 tuổi, và Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), 62 tuổi, lần lượt được bổ nhiệm giữ các chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Chủ nhiệm Tổng bộ hậu cầu và Chủ nhiệm Tổng bộ trang bị.

Trước khi được thăng chức, các ông Phòng Phong Huy, Triệu Khắc Thạch và Trương Hựu Hiệp giữ các chức Tư lệnh tương ứng: Quân khu Bắc Kinh, Quân khu Nam Kinh và Quân Khu Thẩm Dương, trong khi đó tướng Trương Dương là Chính ủy Quân khu Quảng Châu.

Việc sắp xếp lại nhân sự ở 4 Tổng cục và một số quân khu quan trọng cũng như việc đưa cựu Phó Tổng tham mưu trưởng Mã Hiểu Thiên về giữ chức Tư lệnh Không quân trong tuần này được giới truyền thông nhìn nhận như cuộc cải tổ nhân sự lớn nhất ở Quân đội Trung Quốc trong vòng một thập kỷ gần đây.

Theo nhận định của giới quan sát, các sỹ quan quân sự cao cấp thuộc thế hệ trẻ hơn – những người có kiến thức chuyên môn và am tường thế giới bên ngoài tốt hơn sẽ lãnh đạo các lực lượng vũ trang Trung Quốc tiếp tục con đường hiện đại hóa.

Việc thay đổi nhân sự quân đội cấp cao đã làm dấy lên những đồn đoán về việc bố trí lại Quân ủy Trung ương trong tương lai cũng như sự phát triển của quân đội sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng tới.

Phát biểu trên Global Times, Thiếu tướng Xu Guangyu, ủy viên hội đồng Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc nhận xét rằng với chức vụ Tư lệnh Không quân, ông Mã chắc chắn sẽ được thăng tiến. Từng phục vụ Không quân hơn 40 năm, trải qua nhiều chức vụ ở một số quân khu khác nhau và từng là Giám đốc Đại học Quốc phòng Trung Quốc và Phó Tổng tham mưu trưởng nên kinh nghiệm của ông Mã sẽ mang lại cho ông nhiều lợi thế so với các tướng lĩnh kỳ cựu khác.
(Khám Phá)
--------
Tàu ngầm Mỹ gắn tên lửa Tomahawk tới Viễn Đông

Trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản căng thẳng do những tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, Hải quân Mỹ đã điều tới vùng Viễn Đông tàu ngầm tấn công hạt nhân Ohio có trang bị 154 tên lửa hành trình Tomahawk.

Thông tin này vừa được đăng tải trên Đài Tiếng nói nước Nga.
 
Cơ quan thông tin của Hải quân Mỹ thông báo rằng tàu ngầm thuộc phiên chế của căn cứ hải quân Thái Bình Dương Kitsep (tiểu bang Washington) đã ghé thăm cảng Pusan của Hàn Quốc.
 
Ngoài ra, thông báo này còn cho biết đây là một chuyến ghé thăm theo dự kiến. Hiện Hải quân Mỹ chỉ có tất cả 4 tàu ngầm tương tự được trang bị số lượng lớn tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 1.600 km.
 
Sáng cùng ngày, bốn tàu tuần duyên của Trung Quốc đã đi vào hải phận của quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông. Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố phản đối mạnh mẽ với Trung Quốc liên quan đến vụ việc này./.

(Vietnam+)
--------
 Lybia sẽ mua tên lửa phòng không Pháp trị giá 129 triệu USD

Đây có thể là sự “trả ơn” của tân chính phủ Lybia đối với Pháp, do Pháp tiên phong lật đổ chính quyền Gaddafi trước đây.

Tờ “Quang Minh” Trung Quốc vừa dẫn lời tờ “Jane’s Defence Weekly” cho biết, Quân đội Lybia đang tìm cách mua một loạt hệ thống tên lửa phòng không không đối không của một công ty vũ khí Pháp.

Theo truyền thông địa phương Lybia, trị giá hợp đồng này đạt 129 triệu USD (100 triệu Euro), nhưng không đề cập đến tên của công ty này.

Tờ “Jane’s Defence Weekly” cho biết, công ty vũ khí Pháp sản xuất một loạt tên lửa phòng không, gồm có các hệ thống tên lửa phòng không như tên lửa Mistal, tên lửa Crotale và tên lửa Roland.

Máy bay chiến đấu của Quân đội Pháp đã đóng vai trò tiên phong trong quá trình lật đổ chính quyền Gaddfi, việc giành được đơn đặt hàng tên lửa phòng không lần này được cho là một sự “phản hồi” của tân chính phủ Lybia đối với Pháp.
( GDVN)
------
Nga tố cáo Mỹ chuyển vũ khí cho phiến quân Syria

Ngày 25/10, Nga đã lên tiếng cáo buộc Washington "điều phối" các hoạt động chuyển vũ khí cho phe nổi dậy Syria, bất chấp việc Bộ Ngoại giao Mỹ cam kết không cung cấp vũ khí sát thương cho lực lượng này.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: "Washington biết rõ những hoạt động phân phát các loại vũ khí cho các các nhóm vũ trang bất hợp pháp hoạt động tại Syria. Thậm chí khi xét về các tuyên bố của giới chức Mỹ trên truyền thông nước này, Washington đã điều phối và cung cấp hỗ trợ hậu cần trong các hoạt động phân phát như vậy."

Về tình hình Syria, cùng ngày 25/10, lực lượng nổi dậy đã chiếm hai quận Ashrafiyeh và Syriac, phía Bắc thành phố Aleppo, ngay trước thời điểm một lệnh ngừng bắn, theo kế hoạch nhân dịp lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, có hiệu lực.

Hiện các phiến quân đang giao chiến xung quanh quận Rahman Mosque.

Theo các nhà hoạt động, đã có ít nhất 14 người thiệt mạng./.

(Vietnam+)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te